Tôi nghiến chặt răng, cố lấy hết sức lực còn lại gầm lên, nhưng âm thanh nghe cứ như một tiếng rên rĩ: “Cút đi! Cút…”
Quân khẽ thở dài: “Tôi để điện thoại trước mặt cậu nhé.” Cậu ta đặt chiếc di động xuống đất rồi lặng lẽ rời đi.
Còn lại một mình, tôi cố xoay người lại, quơ tay với lấy chiếc điện thoại.
Không thể gọi về nhà. Tôi không muốn gây thêm phiền phức nào hết. Nếu gọi cho Tuấn, cậu ta hẳn sẽ lao đi tìm bọn chúng tự sát. Trong vô thức, tay tôi bấm những số quen thuộc.
“A lô?” Giọng Uyên ngái ngủ vang trong điện thoại.
Tôi lấy hết hơi sức, thều thào:
“Mày lại nhà thi đấu đa năng ngay. Tao chết mất.”
Hình như giọng tôi nghe thê thảm lắm nên Uyên hét ầm lên trong điện thoại lo lắng, nhưng tôi chẳng còn hiểu nó nói được gì cả. Đầu óc tôi quay cuồng, tay chân tôi lạnh toát.
Một lúc lâu sau Uyên đến nơi, thấy bộ dạng tôi nằm thoi thóp trên sàn nhà nó lại lắp bắp hỏi đủ thứ, tôi vẫn chẳng nói năng được gì. Nó dìu tôi ngồi lên chiếc cúp 50 của nó rồi rồ máy. Uyên kéo hai tay tôi quàng qua người nó dể giữ tôi khỏi ngã. Tôi gục đầu vào lưng Uyên, nhận thấy máu mình loang dần trên nền vải trắng tinh của áo nó.
Tôi lầm bầm trong cơn mê sảng:
“Đừng chở tao về nhà. Đừng nói cho ba mẹ tao biết. Đừng…”
Tôi dần tỉnh ra khi nằm trên chiếc giường trắng toát ở một trạm xá. Tôi loáng thoáng nghe cô y tá nói phải khâu lại trán tôi. Nhìn mũi kim lăm le trước mặt, người tôi run lên.
Uyên giữ lấy tay tôi, trấn an: “Không sao đâu. Không sao mà.”
Tôi nghe tiếng kim đâm phập vào trán mình, từng mũi, từng mũi một.
Tôi lịm dần.
Quạt trần uể oải đánh vòng. Mùi chua của cồn sát trùng nồng nặc. Tôi mơ màng nhận ra Uyên đang nhìn mình lo lắng. Tôi lẩm bẩm:
“Tao chết chưa?”
Nó phì cười: “Chưa. Nhưng mà sắp."
“Tao nằm được bao lâu rồi?”
“Vài tiếng thôi.”
Tôi cố ngồi dậy, nhận thấy sợi dây nước biển quấn quanh tay mình. Uyên cằn nhằn: “Mày nằm yên một chút đi.”
“Tao không muốn nhà tao lo.” Giọng tôi chỉ nghe được hơi.
“Cần thì tao gọi về nói mày ở nhà tao chơi đến tối. Mày cứ nằm yên đi.”
Tôi gật gù, ngoan ngoãn nằm xuống, nhìn nó áy náy:
“Xin lỗi đã làm phiền mày.”
Nó nổi cáu: “Mày điên à? Bạn bè để làm gì hả?”
Tôi cười như mếu nhìn nó cảm kích. Nó thở dài:
“Tao xin lỗi.” Nó nhìn sang một chỗ khác. “Tao thật là ngốc khi đã đối xử với mày như vậy. Tao hối hận lắm. Tao chia tay Tân rồi. Cái thằng ấy cũng thật là nông cạn. Chẳng hiểu sao tao có thể thích một thằng như thế.”
Uyên rươm rướm nước mắt, tôi có thể đoán được nó đau khổ thế nào khi phải chia tay cái thằng mỏ nhọn ấy. Tôi im lặng nhìn nó, lòng lâng lâng. Bao nhiêu muộn phiền trong mấy ngày qua tan biến hết. Tôi dang tay ra, mỉm cười gọi:
“Lại đây.”
Nó cúi xuống ôm lấy tôi thút thít:
“Tao nhớ mày lắm.”
Tôi thều thào: “Ngực mày đè tao đau muốn chết.”
Uyên cốc nhẹ vào đầu tôi. Tôi giả vờ hét lên đau đớn, thế là nó sợ lấm lét xin lỗi.
Chương 11
Tôi nhìn mình trong gương một lần nữa. Không sao. Chỉ có một vết bầm tím nhỏ xíu trên khóe mắt bên phải. Năm mũi khâu trên trán nằm sát chân tóc, chỉ cần vét cái mái xuống thì có thể che mất. Cũng nhờ thế mà tôi qua mặt được ba mẹ, hi vọng hôm nay mọi chuyện cũng êm xuôi với Tuấn.
Tôi ngồi trên xe buýt mà lòng dạ nôn nao. Tôi sắp được gặp lại Tuấn rồi, sau đúng 42 tiếng 35 phút kể từ lúc chia tay cậu ấy vào ngày thứ bảy tuần trước. Tôi hình dung cái dáng cậu ấy đứng khoanh tay sốt ruột, tựa người vào cánh cổng sắt to đùng ở trường chờ tôi đến. Bất giác tôi mỉm cười một mình khi xe chầm chậm băng qua cầu lớn bắt ngang con sông đang cuồn cuộn đổ ra biển. Một cơn gió sớm mơn man trên khuôn mặt, gió vẫn còn đượm mùi hoa keo đang nở vàng tươi cả một góc trời trên những thân cây cao vút gần đó.
Tôi bị Tuấn chộp lấy, kéo đi khi vừa đặt chân xuống xe. Cậu ta quàng vai tôi, vui vẻ huyên thuyên đủ thứ về những chuyện nhàm chán mà cậu đã làm trong hai ngày qua. Giờ tôi mới biết mình nhớ cái giọng ngô nghê ấy kinh khủng.
“Chó con bị sao thế này?”
Tuấn bất ngờ vén mái tóc tôi lên, chau mày nhìn chằm chằm vào những vết khâu trên trán. Tôi lắp bắp:
“Tôi bị té.”
Tôi nín thở chờ đợi phản ứng của Tuấn, cuối cùng cậu ta cũng lầm bầm mắng tôi hậu đậu rồi kéo tôi đi tiếp. Tôi thở phào khi cậu lại bắt đầu nói sang chuyện khác.
Cả buổi học tôi có cảm giác Tuấn đang lén lút quan sát tôi. Tôi vờ như không biết và tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc được ở bên cậu ấy. Cuối buổi học Tuấn lôi tôi lên chiếc Martin của cậu rồi đạp nhanh ra khỏi trường.
“Đi đâu thế?” Tôi làu bàu.
“Về nhà tôi.” Mặt cậu không biểu lộ một tí cảm xúc.
Tôi chau mày lưỡng lự. Tuấn thì thầm vào tai tôi bằng một giọng gian tà:
“Hôm nay ba mẹ tôi không có ở nhà.”
Vừa đến trước cửa là Tuấn hấp tấp kéo tôi vào trong, đi thẳng vào phòng của cậu. Tôi bắt đầu hồi hộp khi Tuấn khép cửa phòng lại, tiến đến bên cạnh và đưa tay… cởi nút áo của tôi.
Tôi hét toáng lên xấu hổ:
“Cậu làm cái gì thế?”
Tuấn giận dữ, kéo tay áo tôi lên, chỉ vào những vết bầm tím và trầy xước trên tay tôi.
Tuấn nghiến răng: “Cậu bị đánh bầm dập thế này mà còn nói dối tôi là bị té nữa hả?”
Tôi cúi mặt, bối rối. Tuấn lại nói như hét:
“Còn không mau cởi áo ra cho tôi coi vết thương nữa!?”
Tôi líu ríu làm theo. Tuấn với tay lấy hộp sơ cứu trong hộc tủ, cậu trút thứ thuộc sát trùng màu đỏ ra bông băng, nhẹ nhàng quệt chúng lên những vết trầy trên người tôi.
“Có đau không?” Tuấn vừa thổi phù phù vào những vết trầy vừa hỏi.
Tôi lắc đầu nói dối, kỳ thực chúng đang rát bỏng và mắt tôi thì ngân ngấn nước.
“Là cái bọn có thằng đầu tóc chia chỉa phải không?” Tuấn hỏi.
Tôi chầm chậm gật đầu.
“Bọn chúng đã làm gì chó con thế?”
Tôi lại mím chặt môi, khẽ lắc đầu mà không nói được gì. Tuấn nhìn vẻ mặt tôi, thở dốc tức tối. Quai hàm cậu đanh lại, trông như đang chịu đựng điều gì đó đau đớn lắm. Tôi nhẹ đưa tay vuốt lấy mái tóc ngắn ngủn của cậu, thì thầm:
“Hứa với tôi là cậu sẽ không đi tìm bọn chúng nữa nhé. Tôi không muốn cậu bị thương đâu.”
Tuấn ôm tôi vào lòng, giọng cậu run run:
“Chó con ngốc thế. Tôi thì làm sao mà bị thương được chứ.”
Tôi cương quyết: “Cậu hứa với tôi đi. Hứa đi.”
Tuấn vùi mặt vào tóc tôi, thì thào: “Ừ. Tôi hứa.”
Cậu buông tôi ra, nhìn khắp người tôi một lượt rồi hỏi:
“Còn bị đau ở đâu nữa không?”
Tôi xấu hổ lắc đầu. Tuấn phì cười:
“Chó con có đói bụng không. Để tôi nấu cái gì đó nhé?”
Tôi gật đầu, đi theo Tuấn xuống nhà bếp. Tuấn bảo tôi ngồi đợi, rồi xoắn tay áo bắt nồi lên bếp.
Nắng len lỏi qua lớp cửa kính đóng chặt. Không gian yên ắng, lành lạnh trong tiết trời cuối năm. Căn bếp vuông vức và thoáng đảng. Tôi ngồi trên chiếc bàn bằng thủy tinh, nhìn lưng áo Tuấn lấm tấm mồ hôi.
Đôi tay to bè của Tuấn vụng về khua những tiếng vui tay trên bếp. Thi thoảng Tuấn quay lại nhìn tôi, rồi đưa tay quệt mồ hôi trên trán mình. Tôi cảm giác như mình đang mơ vậy, chỉ khác một điều trong giấc mơ của tôi, thay vì nhân vật chính nấu một món ngon miệng thì Tuấn lại đang loay hoay… xé mì gói.
Cậu đặt cả cái nồi đầy mì trước mắt tôi và nói: “Ăn đi.”
Hai đứa tôi cắm cúi lùa mì. Phải công nhận một điều là lúc đói người ta ăn cái gì cũng ngon.
“Mặt cậu dính mì kìa.” Tuấn chỉ tay.
Tôi lúng túng sờ lên mép: “Ở đâu thế.”
Tuấn chồm người về phía tôi, cười nham nhở nói: “Ở đây này.” Rồi đặt môi mình lên môi tôi. Tôi ngượng, nóng bừng mặt. Trông bộ dạng của tôi, cậu ta lại cười.
Ôi. Sao mà ghét thế chẳng biết.
Ăn xong Tuấn dẫn tôi ra phòng khách, ngồi xuống ghế sô-fa kéo tôi vào lòng. Tôi ngoan ngoãn nằm im trong lòng Tuấn, thích thú hít vào mùi hương quen thuộc từ người cậu. Chết thật rồi. Càng ngày tôi càng giống chó.
“Chó con cứ như thế này. Làm sao mà tôi bỏ chó con đi du học được chứ.”
Tôi cố cất giọng lạc quan: “Có gì đâu.”
Tuấn im lặng, mặt đăm chiêu. Tay cậu vẫn không ngừng mân mê vành tai của tôi. Tôi nằm cảm nhận sự ấm áp từ người cậu, mơ màng thiếp đi lúc nào không hay.
---o0o---
Từ ngoài sân đã nghe tiếng ba mẹ cãi nhau. Giọng ba lè nhè vì cơn say, còn mẹ thì tức tưởi như đang khóc. Tôi lầm lũi bước về phòng mình, đóng chặt cửa lại, đeo headphone vào và trèo lên giường. Cửa phòng tôi mở, bé Ni đang nhón chân đu trên nắm tay. Tôi cho ngừng nhạc, dịu dàng hỏi:
“Bé Ni đi đâu thế?”
Mặt nó buồn so. Nó trèo lên giường làu bàu:
“Anh hai cho em ngủ chung với nhé.”
Tôi hơi ngạc nhiên, kéo chăn ra cho nó chui vào. Nó nằm lim dim hỏi tôi:
“Sao ba mẹ lại cãi nhau suốt thế hả anh?”
Tôi lúng búng: “À. Vợ chồng nào cũng thế hết.”
“Sao này em với anh Tuấn cũng thế á?” Nó ngây ngô hỏi.
Tôi cười: “Ừ. Ừ.”
Tiếng đồ vật đổ ầm ầm ở tầng trên. Giọng ba vang dội khắp nhà:
“Cũng tại cô. Cứ nuông chìu nó nên giờ nó thành một thằng đồng bóng như thế đấy.”
Mẹ tôi hét: “Ông im đi. Ông là đồ nát rượu, vô tích sự…”
Tôi đeo headphone vào cho bé Ni và vặn volume để nó không nghe thấy những lời ấy. Tôi ngồi đó, vật vờ trong bóng tối, lắng nghe những lời căm phẫn từ hai phụ huynh. Tôi lờ mờ nhận ra, mình chính là nguyên nhân của vụ tranh cãi ấy.
Tiếng bước chân từ trên lầu tiến dần xuống nhà dưới. Giọng mẹ tôi thất thanh:
“Đêm hôm khuya khoắt, ông say xỉn thế này còn đi đâu nữa hả trời.”
Ba gầm lên: “Tôi để nhà này lại cho cô ở. Tôi không chịu nhục với hàng xóm được.”
Tiếng cửa trước đóng lại vang ầm dữ dội. Tôi rón rén bước xuống giường, hé cửa phòng mình trông ra. Mẹ đang ngồi đó giữa đống chén dĩa đổ nát, run người trong cơn nghẹn ngào.
Lòng tôi se lại, lần đầu tiên trong suốt gần ba tháng qua, tôi tự hỏi mình một câu: Có phải mình đã sai?