40.075km đến trái tim Trang 5

Tôi đứng sững ngay trước lối ra vào khi nhận ra có một vị khách đặt biệt trong nhà.

Thầy hiệu trưởng, ba Tuấn, đang ngồi ở chiếc ghế mây giữa phòng khách. Cả nhà tôi thì căng thẳng ngồi xung quanh tiếp chuyện. Nhìn thấy sắc mặt tím tái của ba và vẻ thẫn thờ của mẹ, tôi biết chuyện đang diễn ra chẳng mảy may hay ho chút nào.

“Đầu năm sau tôi sẽ gửi thằng Tuấn đi du học ở Mỹ.” Giọng thầy hiệu trưởng oang oang đầy uy lực. “Còn về phần anh chị, xin hãy quản lí tốt con của mình. Chúng nó…”

Thầy dừng lại khi nhận ra tôi đang hiện diện trong phòng. Những ánh mắt khác cũng đổ dồn về phía tôi vẻ đầy áp lực. Tôi luống cuống cúi đầu chào mọi người.

“Thôi. Tôi phải về đây.” Thầy hiệu trưởng chào tạm biệt cả nhà, với tay mặc chiếc áo khoác sang trọng vào. “Thầy có chuyện này muốn nói riêng với em.” Thầy chỉ tay ngoắc tôi đi theo.

Tôi hồi hộp tiễn thầy ra đến cổng. Thầy đưa tay nắm lấy hai vai tôi, giọng ân cần:

“Tôi nói chuyện này với em, với tư cách là một người cha, chứ không phải là một người thầy.” Ánh nhìn sắc bén của thầy găm thẳng vào tôi. “Tôi hiểu con trai tôi hơn ai hết. Nó cố gây chuyện để tôi chú ý đến nó, nhưng tôi biết con nít đứa nào cũng thích làm nổi như thế. Ngay cả chuyện nó và em, tôi không muốn nói tới cái thứ tình cảm này. Nhưng em phải biết, nó chỉ lợi dụng em để chọc tức tôi thôi. Em phải biết suy nghĩ khi hành động để tránh làm tổn thương chính mình.”

Thầy quay lưng đi, bỏ mặc tôi đứng ngẫn ngơ mất một lúc. Ý thức được chuyện thầy nói, tôi vừa không muốn tin vừa cảm thấy hụt hẫng. Tôi lững thững bước vào nhà. Ba tôi đã đứng đợi bao giờ. Tim tôi nện thình thịch trong lòng ngực, tôi lo lắng chờ đợi cơn thịnh nộ của ba.

“Thầy nói có đúng không?” Giọng ba tôi cứng rắn nhưng vẫn có chút bối rối.

Tôi im lặng, cúi gầm mặt.

“Chuyện con và thằng Tuấn có thật không?” Mẹ tôi lo lắng cất tiếng.

Tôi cảm nhận mạch máu đang căng hết cỡ trên thái dương của mình. Cơn cồn cào dâng lên đến tận lòng ngực. Tôi vừa thở khó nhọc vừa lắp bắp.

“Con thích Tuấn.”

Bốp.

Tôi nghe năm đầu ngón tay của ba hằn những vết rát bỏng trên mặt mình.

Ba gầm gừ: “Mày dám nói lại lần nữa.”

Tôi hít vào một hơi thật sâu, cơn ấm ức nảy nở trong lòng tôi. Tôi lấy giọng bình tĩnh, nhìn thẳng vào mắt ba, lặp lại một cách rắn chắc:

“Con thích Tuấn.”

Ba vung tay, giáng một cú thật mạnh vào đầu tôi. Tôi ngã bổ nhào xuống sàn nhà. Cảnh vật xung quanh bắt đầu quay cuồng. Con em tôi khóc thét lên, bà nội và mẹ thì gào lên can ngăn. Ba với tay lấy cây chổi và nện tới tấp vào lưng tôi. Những âm thanh chan chát vang lên từ những va chạm mạnh của cây chổi và da thịt tôi, tiếng rên rĩ của đứa em, tiếng nhốn nháo của những bà nội trợ, tiếng ba gầm gừ… kéo dài như vô tận. Cuối cùng ba cũng dừng lại thở dốc.

Tôi lồm cồm ngồi dậy. Nghiến chặt răng, thều thào:

“Ba có đánh chết con thì con cũng vẫn nói như vậy thôi.”

Bốp. Những vòng dây quanh cây chổi đứt ra, những que nhỏ văng ra tứ tung khắp nơi. Tôi hự lên một tiếng đau đớn rồi ngã quỵ xuống nền gạch lạnh toát.

“Tao giết mày.” Ba run rẩy lắp bắp rồi đi một mạch vào nhà bếp. Tôi nghe tiếng dao khua loảng xoảng trên sóng chén. Lòng tôi nôn nao, thắt lại. Mẹ gào khóc, nước mắt rơi lã chã:

“Ông điên rồi.”

“Tôi phải giết nó. Tôi không có cái thứ đứa con cứng đầu như nó.”

Nội dìu tôi đứng dậy, hấp tấp lùa tôi vào phòng. Lúc đi ngang qua hành lang, tôi thấy mẹ và ba dằn co con dao trong tay, con em tôi thì ôm chặt lấy chân ba thút thít.

Cửa đóng lại. Tôi ngồi sụp xuống. Đến bây giờ tôi mới bật khóc. Tôi bịt tai lại để không phải nghe những âm thanh gào thét ngoài kia. Nước mắt lặng lẽ rơi thành dòng, nổi đau trong tim làm tôi gục ngã hoàn toàn, trong khi những vết bầm trên da thịt vẫn âm ỉ nhói.

Chương 9

Những ngày sau đó cả nhà tôi như có đám tang. Chẳng ai buồn nói với nhau câu nào. Tôi bị nhốt trong phòng, kể cả đi học cũng bị cấm. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua. Mẹ vẫn đều đặn mang cơm vào phòng, dáng vẻ mệt mỏi, không nói gì khác ngoài câu: “Con ăn cơm đi.”

Tôi nằm cả ngày nhìn chằm chằm vào trần nhà, đầu óc trống rỗng. Đôi lúc, nước mắt lặng lẽ rơi trong vô thức.

Chiều đến, tôi ngồi nhìn khu vườn xơ xác ngoài cửa kính. Ánh nắng yếu ớt thấp thoáng qua những vạt lá. Tôi bước đến mở toang cửa phòng, nhưng chẳng đón được cơn gió nào ngoại trừ hơi ẩm ngột ngạt nồng nồng vị đất.

Tôi trở lại bên giường, khẽ thở dài. Mẹ bước vào, lặng lẽ đến bên tôi. Mẹ vạch lưng tôi lên, nhẹ xoa thứ dầu nóng nặng mùi. Tự dựng tôi lại rưng rưng nước mắt. Tôi mím chặt môi, tức tưởi hỏi mẹ:

“Dù con có là cái thứ gì đi nữa. Thì con vẫn là con của mẹ, phải không mẹ?”

Tôi bật khóc. Bao nhiêu nước mắt dồn nén bấy ngày qua được dịp tuôn trào.

Mẹ buồn bã nhìn tôi, nhẹ vuốt mái tóc trước trán tôi.

“Phải không mẹ?” Tôi run giọng.

Mẹ ôm tôi vào lòng, đung đưa như những ngày tôi còn nhỏ mẹ vẫn thường hát ru vỗ giấc cho tôi. Mẹ thì thầm: “Ừ… ừ…”

“Con không muốn làm cho ba giận con đâu.” Tôi vẫn thút thít.

Mẹ vỗ về: “Ba cần thời gian.”

Mẹ bảo tôi ăn cơm rồi chuẩn bị tập vở. Ngày mai tôi được phép đi học trở lại. Mẹ rời khỏi phòng rồi, nhưng tôi chẳng buồn động đến chén đũa, cứ ngồi thế nhìn trời đang chuyển mây mưa. Tiếng TV từ phòng khách liên tục đưa tin về một trận áp thấp đang đổ bờ.

Cuối cùng trời cũng đổ mưa. Đèn trong nhà đã tắt hết. Đồng hồ điện tử trên tay tôi kêu tít khi con số chỉ giờ chuyển sang mười một.

Cộc. Cộc.

Âm thanh từ phía cửa kính khiến tôi giật mình. Tôi suýt hét toáng lên khi thấy cặp mắt lấp lánh sáng trên một bóng đen thấp thoáng ngoài cửa sổ. Tuấn đưa tay ra dấu cho tôi giữ im lặng. Tôi rón rén bước đến mở cửa sổ. Tuấn nhoài thân người ướt sủng vào trong phòng.

Hơi thở cậu nồng nặc mùi rượu, khắp người be bét máu me.

Tôi gắt: “Ba tôi mà thấy cậu ở đây sẽ giết cậu đấy.”

Tuấn cười, mặt đờ đẫn vì cơn say: “Cậu sẽ không để ba cậu làm thế đâu.”

Tôi bảo Tuấn ngồi im, rồi lén lút chui ra khỏi phòng. Tôi hồi hộp băng qua phòng khách lấy hộp sơ cứu rồi thở phào nhẹ nhõm khi về lại đến phòng. Cẩn thận lau những vết thương để không làm Tuấn đau, tôi thì thào:

“Cậu cũng bị ba đánh hả?”

“Không.” Tuấn trố mắt. “Tôi đi đánh cái bọn ăn hiếp chó con đấy.”

Tôi thở dài, cố kéo Tuấn ngồi lên giường. Cậu ta rên lên đau đớn. Tôi hốt hoảng:

“Cậu bị đau ở đâu thế?”

Tuấn cởi những nút áo trên cùng, những vết bầm tím dần hiện ra. Giọng Tuấn khi say nghe như một đứa trẻ đang thỏ thẻ tập nói, cậu ta chỉ tay vào ngực mình, thều thào:

“Tôi bị đau ở đây này. Có một con chó con tha mất trái tim của tôi đi… đi mất biệt cả hai ngày mà không trả lại.”

Sóng mũi tôi cay cay. Tôi cúi gầm mặt, vờ chăm chú băng lại những vết xước trên tay Tuấn để tránh ánh mắt của cậu ấy.

“Chó con sao thế?” Tuấn ngây ngô. “Chó con bị ba đánh hả? Sao lại bị đánh?”

Tôi không trả lời, cảm nhận những giọt nóng hổi trên má mình. Tôi lầm bầm:

“Ba cậu nói cậu chỉ lợi dụng tôi để chọc tức ông ấy thôi.”

“Cậu tin à?” Tuấn giận giữ.

Tôi khẽ gắt: “Cậu nói nhỏ thôi. Ba mẹ tôi ở tầng trên có thể nghe thấy đấy.”

Tuấn nhìn quanh vẻ sợ sệt như trẻ con, rồi cúi xuống thì thầm vào tay tôi: “Cậu tin à?”

“Thế cậu nói tôi phải làm sao?” Tôi hoàn thành nốt vòng cuối cùng trong kỹ thuật băng cổ tay.

Tuấn dùng tay còn lại cho vào túi quần, cố móc cái ví ra. Cậu lẩm bẩm:

“Có nhớ đầu năm lớp mười tôi cắt nát nhừ cái thẻ học sinh của chó con không.”

Tôi gật đầu. Lần đó tôi tức điên lên và không nói chuyện với Tuấn suốt một tuần.

Tuấn mở ví ra, đưa cho tôi xem:

“Thật ra tôi muốn lấy hình của chó con nên mới làm thế đấy.”

Tôi nhìn cái mặt ngu ngu của mình trong tấm hình thẻ 3x4, chẳng mấy chốc hình ảnh trước mặt tôi nhòe đi vì nước mắt. Tuấn đưa hai tay mân mê vành tai của tôi, giọng cậu ngượng nghịu:

“Hai năm qua, chó con biết tôi khổ sở lắm không. Mỗi lúc thấy cái mặt chó con phụng phịu như thế này, là tôi lại không kiềm được lòng mình. Còn nữa…”

Tuấn kéo tôi lại gần, đặt lên môi tôi một nụ hôn thật nhẹ, rồi mỉm cười:

“Chó con nói đi. Cái đó có phải là lợi dụng hay không?”

“Lợi dụng chứ còn gì nữa.” Tôi xấu hổ làu bàu.

Đúng là chẳng hơi đâu tranh cãi với những đứa điên và say. Tuấn véo vào mặt tôi một cú đau điếng, rồi thô bạo kéo tôi vào lòng. Tôi để yên như thế một lúc, lắng nghe tiếng trái tim Tuấn đập những nhịp thật đều đặn bên cạnh. Mãi đến lúc Tuấn thiếp đi, tôi mới loay hoay cởi giày cho cậu và đi cất hộp sơ cứu.

Gió rít mạnh qua khe cửa sổ, bên ngoài trời đổ mưa như trút nước.

Chương 10

Ánh nắng buổi sớm làm tôi lóa mắt. Tôi hít một hơi thật sâu, khẽ chớp mắt. Tôi giật mình nhận ra có cái gì đó động đậy bên cạnh.

Bé Ni nằm ngọ nguậy trong lòng Tuấn, còn cậu ta vẫn đang ngủ say như chết.

Trời ơi. Tuấn.

Tôi hoảng hồn ngồi bật dậy, lay cái xác to như voi của cậu ta. Tôi quay sang bé Ni lo lắng:

“Ba đâu rồi?”

“Ba đi làm rồi.” Mẹ đáp, tay vén tấm màn lớn trong phòng. Nắng ấm tràn vào phòng qua lớp cửa kính loang lỗ nước mưa đọng lại. Tôi cúi gầm mặt, đầu óc hoạt động hết công suất, cố tìm lí do để giải thích. Cảm giác giống như lần tôi bị bắt quả tang làm vỡ cái bình mà mẹ yêu quý nhất: một chút tội lỗi, hối hận và lo sợ.

Mẹ vẫn bình thản nhìn tôi rồi cất giọng nhẹ nhàng:

“Con gọi Tuấn dạy rửa mặt rồi hai đứa ra ăn sáng.” Mẹ ngoắc bé Ni: “Lại đây nào, mẹ cho coi con thằn lằn này.”

Bé Ni chau mày: “Con thích ở đây cơ.” Rồi nó giụi mặt vào lòng Tuấn.

Mẹ đến kéo nó đi, nó tức tối phản đối giãy nảy khiến Tuấn cũng phải choàng tỉnh.

Tôi và Tuấn líu ríu vào phòng rửa mặt rồi lầm lũi dắt nhau ra ngồi xuống bàn ăn, đứa nào cũng lấm lét nhìn đứa kia mà chẳng biết phải làm gì.

Mẹ đặt hai tô cháo xuống bàn rồi ngồi đối diện hai đứa tôi. Tuấn hồn nhiên cắm cúi ăn ngon lành, còn tôi thì vừa nuốt từng thìa cháo vừa sợ sệt dò xét nét mặt của mẹ.

“Hai đứa… như thế này được bao lâu rồi.” Cuối cùng mẹ cũng mở lời.

Tôi còn đang phân vân không biết mẹ có ý gì thì Tuấn nhanh nhảu đáp:

“Dạ được ba năm rồi ạ. Từ hồi lớp 10.”

Mặt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi trở lại bình thường. Mẹ thở dài:

“Chẳng còn bao lâu nữa thì thằng Tuấn đi du học rồi. Mẹ cũng không nỡ cấm cản hai đứa trong thời gian ngắn ngủi còn lại này.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, lắp bắp: “Cảm ơn mẹ.”

Giọng mẹ vẫn nghiêm nghị: “Nhưng đó là về phần mẹ thôi. Vuốt mặt cũng phải nể mũi, đừng làm trò gì khiến cho ba con nổi điên lên, như chuyện sáng hôm nay. Đến lúc đó mẹ cũng không cản ba con nổi đâu.”

Tôi lí nhí: “Dạ con biết rồi.”

“Còn nữa.” Mẹ tiếp tục. “Hai đứa vẫn còn đang đi học, chuyện học là trên hết. Quen nhau nhưng mà phải trong sáng. Mẹ biết ở cái tuổi này mấy đứa thích tò mò tìm hiểu nhiều thứ lắm…”

Ôi trời. Có một bà mẹ là chuyên viên tư vấn tâm lí trẻ vị thành niên vừa là điều tuyệt vời vừa là một thảm họa. Tôi cúi gầm mặt, má nóng bừng xấu hổ khi nghe mẹ thao thao bất tuyệt về những chuyện “khám phá thân thể nhau”, “hậu quả của việc quan hệ thiếu suy nghĩ”,… Trong khi Tuấn thì chăm chú lắng nghe, mặt còn ra vẻ… hứng thú.

Tôi đưa mắt nhìn Tuấn đầy thù hằn, cậu ta chỉ khẽ nhún vai đáp trả. Mẹ hối hai đứa ăn nhanh để khỏi phải trễ giờ học. Tôi vẫn ôm cục tức trong bụng suốt buổi đến khi rời khỏi nhà.

Hai đứa sóng bước bên nhau đến trạm xe buýt. Tuấn phải về nhà để thay đồ, còn tôi thì đón xe đến trường. Tôi gầm gừ trước khi chia tay Tuấn:

“Cậu quên ngay những chuyện mẹ tôi vừa nói đi nhé.”

Cậu ta chỉ mỉm cười rồi xoa đầu tôi: “Chó con đi học ngoan.”

Xe lăn bánh. Tôi ngoái đầu lại nhìn dáng Tuấn khuất dần sau khúc quanh. Một lần nữa khoảng cách kéo dài ra và lòng tôi chùn xuống.

---o0o---

Chủ nhật là ngày tồi tệ nhất trong tuần. Kể từ sau khi có chuyện với Uyên, tôi chẳng còn mong mỏi gì trong ngày này cả. Dần dà tôi cũng quen được nổi buồn chán khi mất nó. Thật ra nếu tôi ra khỏi nhà đi lang thang cũng chẳng sao, vì từ sau ngày đánh tôi, ba quăng cho tôi cục lơ to đùng. Tôi làm gì, nói gì cũng như hoàn toàn vô hình đối với ba. Nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn quanh quẩn trong nhà để khỏi gây phiền phức.

“Anh hai ơi. Có anh nào tìm anh kìa.” Bé Ni khều vai tôi.

Tôi gấp cuốn truyện đọc dở lại theo chân bé Ni. Quân đợi tôi ở cửa, mỉm cười:

“Tuấn kêu tôi đến đón cậu.”

Tôi thắc mắc: “Sao cậu ấy không tự đến?”

Quân lúng túng: “Làm sao tôi biết được.”

Tôi đoán là Tuấn sợ giáp mặt ba tôi. Hôm nay ba mẹ đều vắng nhà, tôi nhờ nội trông hộ bé Ni rồi trèo lên xe đi cùng Quân. Cậu thuộc tuýp người ít nói, còn tôi lại mắc bệnh lúng túng trước… trai đẹp nên cả hai cứ giữ im lặng suốt.

Quân chạy băng qua những bãi rộng xanh um cỏ, lau sậy mọc đầy trên những khoảng đất chi chít biển báo rao bán. Cuối cùng chúng tôi dừng lại trước nhà thi đấu đa năng, nó lọt thỏm giữa những trụ nhà chung cư đang xây dở.

Tôi hồi hộp theo chân Quân bước vào qua một cửa phụ khép hờ. Sân xi măng rộng và sáng loáng màu sơn mới. Những cửa khác vẫn đóng chặt, nhìn những hàng ghế trơ trọi dưới ánh nắng mờ nhạt hắt từ những ô thông gió cao tít, khung cảnh gợi cho tôi cảm giác u ám.

“Tuấn đâu?” Tôi quay sang hỏi Quân.

Từ trong bóng tối ở góc khuất của sân, cái đầu chia chỉa lù lù xuất hiện. Mặt hắn đầy những vết bầm tím mà tôi đoán là kiệt tác của Tuấn. Hắn cất giọng trầm đục:

“Xin lỗi nhé. Tuấn không có ở đây.”

Tôi ngỡ ngàng quay sang Quân, cậu ta cúi mặt tránh ánh mắt tôi.

Một tên khác cười khoái trá: “Xem ra có người bị bán đứng nhỉ?”

Từ sau lưng tôi, Quân lí nhí: “Xin lỗi cậu. Xin lỗi.”

Tôi nghiến chặt răng:

“Cậu đi mà nói với Tuấn ấy.”

Cả đám khoảng chừng mười đứa chầm chậm tiếp cận tôi. Cơn hoảng loạn hối thúc tôi chạy trốn, nhưng lí trí cho tôi biết cơ may ra khỏi đây là con số không. Tôi hít vào một hơi thật sâu cố làm dịu trái tim đang nhảy điên loạn trong lòng ngực. Tôi lùi lại, cúi người nhặt lấy một cây sào tre gãy nát dưới chân. Tôi lừ mắt nhìn một lượt rồi gầm gừ:

“Lên đi.”

Những bước chân tì trên nền xi măng kêu vang xoèn xoẹt.

Một nấm đắm lao thẳng đến. Tôi né. Tiếng những cú đòn khác xé gió vụt qua kẽ tai. Tôi vung gậy tre đập quơ quào trong không trung.

Bịch.

Tôi cảm nhận một vật cứng đập mạnh vào trán. Tôi loạng choạng, mùi tanh của máu xộc vào mũi. Những vệt ấm nóng kéo dài trên khuôn mặt. Mắt tôi hoa đi.

Bịch.

Lại một cú đập mạnh vào lưng. Tôi khuỵu xuống. Cố trụ lại bằng hai tay.

Bịch.

Tôi ngã quỵ xuống sàn. Cắn chặt răng, co người chịu những cú chí tử. Tôi nhắm chặt mắt, nín thở chờ đợi cơn đau qua đi. Mỗi một khoảnh khắc trôi qua tôi cảm giác da thịt bị châm đốt bởi hàng ngàn mũi kim và xương cốt trong người đang bong ra.

“Được rồi.” Giọng ồ ề vang lên.

Một bàn chân dẫm mạnh lên ngực tôi. Tôi cố nheo mắt trông. Tên đầu tóc dựng ngược cười khoái trá nhìn tôi:

“Về nói lại với Tuấn của mày tránh xa bọn tao ra. Nếu không thì… chậc!” Hắn khẽ lắc đầu. “Chỉ còn nước kêu ba nó đi hốt xác nó về thôi.”

Cả đám cười rần lên rồi theo chân hắn đi xa dần.

Tôi nằm yên, cố hít thở đều đặn và quên đi những vết thương đang nhói lên.

“Cậu còn đứng dậy được không?” Giọng Quân nghe như văng vẳng từ một nơi xa xăm.

Loading disqus...