40.075km đến trái tim Trang 7

Chương 12

Chuông điện thoại reo vào lúc giữa đêm. Hiếm khi nào nhà tôi có cuộc gọi vào giờ này, ngoại trừ những trường hợp nguy kịch. Tôi lò mò ra phòng khách, ngồi lo lắng quan sát nét mặt của mẹ khi nghe máy.

“Có chuyện gì vậy ạ?” Tôi đi theo chân mẹ hỏi.

Mẹ hấp tấp mặc áo khoác rồi bước vội ra cửa:

“Ba con gặp tai nạn.” Mẹ dịu giọng trấn an tôi. “Con vào ngủ đi, sáng mai còn đi học. Có gì mẹ sẽ gọi về.”

Tôi trở vào phòng, cảm giác day dứt tràn dâng trong lòng. Tôi thao thức chờ đợi tiếng chuông điện thoại, suy nghĩ bấn loạn.

Ngoài sân trời tối mịch, tiếng côn trùng réo rắt da diết. Tôi lặng nhìn nét mặt thơ ngây của bé Ni, lòng xốn xang. Chuyện gì sẽ xảy ra đây nếu ba mẹ tôi cứ tiếp tục như thế, rồi dẫn đến một vụ li hôn tệ hại. Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu, tôi đã thở không nổi.

Tôi không chợp mắt mãi đến lúc trời hừng sáng. Cuối cùng mẹ cũng gọi về, mẹ bảo nhờ nội đưa bé Ni đi nhà trẻ và kêu tôi mang vài thứ vào bệnh viện. Lần mò mãi khắp ba tầng lầu trong bệnh viện, tôi cũng tìm được đến phòng hồi sức. Đứng nấn ná trước cửa phòng khép hờ, tôi nghe tiếng ba vọng ra:

“Thà tôi chết đi còn hơn. Làm sao tôi sống mà nhìn mặt họ hàng, bà con đây. Trước đây tôi khi dễ, sĩ nhục con người ta bấy nhiêu, thì giờ đây con tôi lại ra nông nổi như vậy. Làm sao tôi dám ngước mặt lên nhìn đời chứ!” Giọng ba nghẹn ngào. “Rồi còn nó nữa, tôi cứ luôn mường tượng cảnh nó lấy vợ sinh con, sống yên ổn đến già. Giờ nó như vậy, xã hội ai chấp nhận nó. Nó đi đâu, làm gì… mà sống đây…”

Qua khe hở nhỏ trông vào căn phòng, tôi nhận ra những giọt nước mắt của ba. Sóng mũi tôi lại cay cay, cảm giác chồng chềnh nhẹ dâng lên. Thà ba cứ đánh, cứ chửi… tôi còn chịu được. Ba thế này khiến tôi thấy mình thật tội lỗi. Trước giờ tôi sợ ba lắm, ba lúc nào cũng nghiêm khắc. Nhưng tôi biết ba thương tôi nhiều lắm, từ đôi giày đầu tiên đến cái đồng hồ trên tay tôi lúc này, đều là của ba mua cho. Ba lựa màu đen, kiểu dáng nam tính. Ba muốn tôi lớn lên thành một người đàn ông thành đạt, sống trong một gia đình êm ấm. Tình thương của ba độc đoán là thế, nhưng chưa bao giờ là mù quáng.

Tôi đặt giỏ đồ trước cửa phòng rồi lủi thủi bước ra khỏi bệnh viện. Hình ảnh ba với cái tay bó bột và chóp mũi đỏ ửng lên vì xúc động cứ khiến tôi dằn vặt. Chưa bao giờ tôi thấy ba suy sụp đến thế. Phải tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn trong suốt thời gian qua hẳn ba đã chịu đựng nhiều lắm. Thế mà tôi chưa bao giờ nghĩ cho ba, chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

Tuấn đón tôi ở trường, lo lắng hỏi khi thấy bộ mặt đưa đám của tôi. Tôi chỉ khẽ lắc đầu, cười gượng gạo cho qua chuyện. Cả buổi học tôi chẳng chú tâm được điều gì khác ngoài những suy nghĩ về khuôn mặt thất vọng của ba, nổi khổ tâm của mẹ và nét vô tư của bé Ni khi ngủ.

Giờ ra chơi cuối tiết hai, tôi hoàn hồn lại khi bất ngờ nhận ra Tuấn đang xếp tập vở cho vào cặp.

“Cậu đi đâu thế?” Tôi hỏi.

Tuấn cười: “À. Hôm nay tôi có hẹn chia tay với mấy người bạn. Chó con học xong rồi đi thẳng về nhà, không được lang thang nhé!”.

Tuấn vuốt nhẹ cái đầu bù xù của tôi rồi quay lưng đi. Tôi chột dạ, tự trách thái độ của mình từ lúc nãy đến giờ, đinh ninh rằng mình đã làm Tuấn buồn vì cái vẻ mặt ấy. Sao tôi vô tâm thế chẳng biết, hóa ra những người xung quanh tôi luôn phải chịu đựng cái sự vô tâm ấy.

Tôi lóng ngóng đuổi theo Tuấn ra đến cổng. Ngạc nhiên nhận ra những người bạn của Tuấn đã chờ ở đó từ bao giờ, tôi thở dài rồi quay lưng trở vào lớp.

Hai tiết học trôi qua chậm chạp, tôi ngồi đấy mà cứ thấp thỏm. Tự dưng nét mặt căng thẳng của những người bạn của Tuấn lúc nãy hiện lên một cách chậm chạp. Nếu chỉ là chia tay bạn bè thì tôi cũng có thể đi theo chứ? Kể từ ngày tôi có chuyện ở nhà thi đấu đa năng, Tuấn chưa bao giờ bỏ tôi một mình như thế này.

Một ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu tôi. Tôi bật đứng dậy, cuống cuồng gom hết tập sách vào ba lô. Tôi bước vội lên nói nhanh vào bộ mặt lườm lườm của thầy dạy sử: “Em xin phép về trước ạ.” Không đợi được cho phép, tôi chạy vù ra khỏi lớp trước bao cặp mắt ngạc nhiên và tiếng quát ầm lên của thầy.

Tôi lầm lũi chạy miết qua hai con đường xe cộ tấp nập trên đường xuống bến cảng. Khi nãy tôi loáng thoáng nghe họ nói sẽ gặp nhau ở đó. Một chiếc xe cảnh sát 113 chạy vượt qua mặt tôi, cảm giác bất an trong tôi càng tăng thêm. Tôi guồng chân nhanh hơn, phổi tôi rát bỏng phản đối việc làm quá sức này.

Một đám đông vây kín đường xuống cảng, mọi người xì xầm không ngớt. Tôi hớt hãi ngẩng mặt hỏi một bác luống tuổi:

“Có chuyện gì vậy ạ?”

Bác nhìn tôi chau mày: “Cái bọn học sinh bây giờ quậy hết chỗ nói. Đánh nhau long trời lỡ đất ở dưới này. Kêu 113 tới kịp, chứ không thôi là chết vài đứa rồi.”

Tai tôi ù đi. Sự căng thẳng khiến tôi cảm giác như đang ngồi trước nồi lửa. Tôi chen vào giữa đám đông hiếu kỳ, mặc cho bao lời rủa xả văng vẳng bên tai.

Tên đầu tóc chia chỉa bèo nhèo ngồi một góc trên chiếc xe cảnh sát. Tôi hốt hoảng lướt mắt khắp nơi tìm Tuấn.

Tuấn.

Cậu ta mở to mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Một cảnh sát đẩy Tuấn bước nhanh về phía trước.

Tôi lắp bắp không thành tiếng, nhìn Tuấn trân trối.

Cậu ta cúi gầm mặt, bước chệnh choạng lên xe.

Tôi ngồi bệt xuống đất. Mệt mỏi, hoang mang. Cảnh vật trong cơn nắng đang lên chao đảo trước mắt tôi. Tiếng đèn báo hiệu gào rú trên nóc xe cơ động tắt lịm. Xe nổ máy và chạy đi. Xung quanh tiếng người rầm rì mãi không dứt.

--o0o--

Tôi đề nghị mẹ về nhà nghĩ ngơi. Thay vào đó, tôi sẽ trông ba đến tối. Mẹ đắn đo một lúc rồi mỉm cười hài lòng. Tôi dõi theo dáng vẻ mệt mỏi của mẹ khuất dần phía cầu thang, rồi lặng lẽ trở vào phòng bệnh.

Rèm cửa phất phới bên khung trời xanh biếc ngoài cửa sổ. Tôi ngồi xuống lặng ngắm vẻ mặt tái xanh của ba đang chìm đắm trong giấc ngủ. Bất giác, nước mắt tôi lặng lẽ rơi.

“Con xin lỗi ba.” Tôi thì thào. “Con sai rồi.”

Chương 13

Tuấn không đến lớp nữa. Tôi có thể mường tượng cảnh cậu ấy quậy tưng bừng khi bị ba nhốt ở nhà. Cũng chỉ còn vài ngày nữa là đến lúc cậu ấy đi. Một cách chậm chạp, tôi làm quen dần với cuộc sống không có Tuấn, sau hơn hai năm. Thế mà có lúc tôi từng nghĩ mình sẽ chết mất, nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra như ngày mai mặt trời lại mọc.

Hôm nay cô văn ôn lại một bài thơ của Xuân Diệu, lúc nhàn chuyện, cô lại nói những thứ ngoài lề:

“Có tin đồn là Xuân Diệu và Huy Cận…”

Cả lớp bắt đầu rì rầm ầm lên. Vài đứa cười thích thú, một số lại trề môi khinh khỉnh. Tôi loáng thoáng nghe một đứa bàn trên xì xầm:

“Ê mày nghe gì chưa? Thằng con ông hiệu trưởng với nó cũng bị vậy đó.”

Lập tức đứa còn lại lén lút đưa mắt xuống nhìn tôi hiếu kỳ. Cả lớp truyền tai nhau chuyện gì đó trông có vẻ ly kỳ hấp dẫn lắm. Thế rồi một vài đứa bắt đầu quay xuống nhìn tôi cười ẩn ý. Tôi ghét cái cảm giác này, nó giống như trần truồng đứng giữa đám đông và người qua đường thì không ngớt lời chế giễu chỉ trỏ. Tôi cúi gầm mặt, âm thanh xung quanh bắt đầu lầm rầm to hơn. Càng lúc tôi càng thấy khó thở, người nóng ran. Giá mà có Tuấn ở đây lúc này, chỉ cần một ánh nhìn của cậu ấy thôi thì cả cái bọn vô tâm ấy sẽ nín bặt. Đầu tôi nặng trịch, mồ hôi tay túa ra ướt đẫm. Tôi mím chặt môi cố kìm nén cơn run người kèm theo cảm giác buồn nôn, chếnh choáng khi đứng trên mạn thuyền.

Cuối cùng thì chuông cuối giờ cũng reo lên. Tôi lao ù ra khỏi lớp, tìm một góc khuất ở chân tường thở dốc. Tôi đưa tay vỗ lấy đầu mình, chẳng cảm thấy nhẹ nhõm hơn được chút nào. Tôi tức tối đập mạnh tay vào tường đến khi nó đỏ bầm lên. Tôi không sợ đau, tôi không sợ đổ máu, tôi chỉ sợ những ánh nhìn ấy, nó cứa nát tôi từ bên trong.

Tôi lủi thủi trở vào lớp sau giờ ra chơi. Những đứa khác vừa nhìn thấy tôi lại xì xào to nhỏ, cười khúc khích. Tim tôi như ngừng bặt, tôi nhận rõ mỗi mạch máu dẫn lên đầu đang căng cứng. Tôi nhìn thấy dòng chữ đó. Bằng phấn màu. Nguệch ngoạc trên chỗ ngồi của mình.

ĐỒ BIẾN THÁI

Tôi nghiến chặt răng, vờ bình thản, chậm chạp tiến đến chỗ ngồi của mình, và lấy tay lau nó đi.

Thầy bước vào lớp. Tôi loay hoay tìm ba lô của mình. Nó không còn ở chỗ cũ nữa. Một bạn nữ áy náy nhìn tôi rồi chỉ ra ngoài cửa sổ:

“Cặp của bạn ở ngoài sân kìa.”

Mặt tôi tối sầm lại. Tôi thở một hơi dài run rẩy. Tôi đứng dậy, lầm lũi chào thầy rồi bước ra khỏi lớp.

Ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Tôi ngồi bệt xuống đất đưa tay gom những cuốn tập rơi vãi khắp nơi trên sân xi măng rộng rãi trong khuôn viên trường. Những trang nhật ký của tôi để mở lất phất trong gió. Nước mưa làm nhòe đi những dòng chữ tôi nắn nót.

“Mình rất thích những bạn trong lớp mình, ai cũng cởi mở và hòa đồng…”

Từ tầng trên của hai dãy nhà học ba tầng, những ánh mắt bắt đầu đổ dồn về phía tôi. Thương cảm có, thích thú có, và bàng quan. Thật hay vì trời đã mưa, tôi tha hồ khóc mà không ai biết. Tôi ngồi đó, để mặc nước mưa thấm ướt áo mình. Cảm nhận cái lạnh của những cơn gió và cái lạnh từ những ánh mắt lạ xa.

Giờ tôi đã ở quá xa để được một trái tim sưởi ấm.

---o0o---

Tôi ngã bệnh, phát sốt cao và nằm vật vờ suốt mấy ngày sau đó. Tôi thật sự chẳng muốn trở lại trường một chút nào, nên mẹ có đưa thuốc còn tôi thì lén ném chúng đi hết. Cả ngày tôi nằm thở khò khè qua cái mũi nghẹt, nhắm chặt đôi mắt cay xè vì nóng sốt.

Một trong những nguyên nhân khiến tôi càng lúc càng thấy khó chịu là do nhớ Tuấn. Tôi muốn phát điên lên được. Mỗi lần nghĩ đến cậu ấy là nỗi buồn vu vơ cứ xâm chiếm hết tâm trí tôi. Đầu óc mụ mị vì cơn bệnh cứ khiến nước mắt tôi chảy dài.

Giờ ngủ của tôi dần lệch đi, đêm đến tôi thường ngồi nhìn chằm chằm vào khoảng trời tối đen ngoài cửa kính và nghĩ ngợi. Đêm nay tôi nghĩ nhiều lắm, về gia đình, về tương lai và Tuấn. Mọi thứ cứ tối mịch như trời đêm đầu tháng. Rồi tôi thiếp đi, với giọng nói ấm áp và nụ cười ngô nghê của Tuấn trong tâm trí.

Tôi chớp mắt trước ánh sáng của ngày mới. Lại một ngày. Tôi mệt mỏi đưa ánh mắt lướt một dọc quanh căn phòng ngập nắng, đầu vẫn nóng bừng bừng vì cơn sốt.

Một ánh mắt lo lắng nhìn tôi.

Ôi. Đúng là tôi bệnh nặng lắm rồi. Ngay cả ban ngày cũng hoang tưởng. Tôi lấy tay vỗ nhẹ cái đầu đang nhức như búa bổ.

“Chó con không sao chứ?”

Cái ảo ảnh ấy biết nói nữa này. Đúng là tôi nhớ Tuấn đến điên thật rồi.

Đôi bàn tay nhẹ chạm vào má tôi. Hơi ấm của nó tỏa ra cùng mùi hương quen thuộc.

Là thật rồi.

Tôi nhìn Tuấn, tự dưng mắt nhòe đi.

“Chó con sao thế?”

Cổ họng tôi nghẹn lại, tôi không nói được lời nào thay vào đó tôi cứ nấc lên liên tục. Tuấn áp má mình vào trán tôi, thì thầm:

“Ôi. Nóng hơn cái nồi cơm điện ở nhà tôi ấy.”

Tôi gục mặt vào lòng Tuấn, lấy hết sức lực từ tôi tay uể oải ghì chặt lấy tay áo Tuấn, nói trong cơn tức tưởi:

“Tôi… nhớ cậu… lắm.”

“Tôi biết.” Tuấn nhẹ nhàng đáp.

“Tôi… mệt mỏi… lắm rồi.”

“Tôi biết.”

“Tôi…”

“Tôi biết rồi.”

Tôi chớp mắt nhìn Tuấn. Cậu ta mỉm cười:

“Chó con muốn nói là chó con yêu tôi lắm chứ gì.”

“Con xin phép được ra ngoài với Tuấn một chút ạ.” Tôi cúi gầm mặt lí nhí.

Ba vẫn cắm cúi vào tờ báo, mặt không biểu lộ chút cảm xúc.

“Ngày mai cậu ấy phải đi rồi…” Tôi khẩn khoản.

“Con cứ đi đi.” Mẹ nói vọng ra từ nhà bếp khi đang bận rộn với chồng chén đĩa dơ.

Tôi đắn đo một lúc rồi lẳng lặng bước ra khỏi cửa với Tuấn.

“Chín giờ.” Ba nói mà mắt vẫn không rời khỏi tờ báo. “Về nhà trước chín giờ.”

Tôi mỉm cười, giọng cảm kích: “Cảm ơn ba.”

Bên ngoài trời lạnh. Những ngày này sương mù dày đặc, người đi cách nhau chừng 10 m đã không thấy được nhau. Không khí ẩm ướt và nồng nồng vị mặn. Hai đứa lặng lẽ sóng bước qua những dãy nhà chung cư được thiết kế sang trọng và bắt mắt. Một khung cửa sổ trên cao mở toang đón gió, đèn nhà ngã vàng soi căn phòng ấm cúng, những người trong đấy quây quần bên nhau trò chuyện rôm rã bên bàn ăn sau một ngày mệt nhọc. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm lại, những mơ ước không tên lần lượt hiện lên. Sau này, tôi sẽ ngồi trước một trong những căn bếp như thế làm món gà quay, chờ Tuấn đi làm về, cậu ấy sẽ chê thịt hơi nhạt, còn tôi thì lí nhí xin lỗi, hứa sẽ cố gắng hơn…

“Thế điều thứ ba là gì?” Tuấn hỏi.

“Gì cơ?” Tôi bàng hoàng quay trở lại thực tế.

“Cậu nói có ba điều muốn làm khi có bạn trai ấy.” Tuấn nhắc.

Tôi im lặng, mãi nghĩ. Một cơn gió nhẹ thổi đến. Lạnh buốt. Cảm giác về những ánh mắt soi mói lại hiện về. Tôi ngập ngừng:

“À. Tôi muốn lên một chiếc xe buýt, rồi đi cùng người đó đến trạm cuối. Sau đó lại quay trở về.”

Tuấn thở dài: “Lại cái trò dở hơi gì đây?”

Tôi lúng túng: “Tại từ nhỏ đến giờ tôi chưa ra khỏi thành phố. Tôi chỉ muốn đi cùng với người đó tới nơi xa nhất, rồi cùng trở về.”

“Vậy thì đi nào.” Mặt Tuấn chẳng có chút hào hứng.

Hai đứa lóng ngóng ở trạm chờ xe buýt. Gió biển vi vu thổi qua kẽ tai. Tôi cứ thở phì phì vào hai lòng bàn tay để giữ ấm.

“Lại đây.” Tuấn gọi.

Tôi líu ríu bước tới gần. Cậu nắm tay bàn tay trái của tôi xoa nhẹ rồi cho vào túi áo khoác của mình. Tuấn lại không nhìn tôi, bàn tay cậu khẽ siết chặt hơn khi ánh đèn xe buýt rọi tới, nhưng tôi vội rút nhanh tay ra vì sợ người khác trông thấy.

Trên xe vắng người, ánh đèn lờ mờ rọi những tay vịn đung đưa buồn tẻ trên trần xe. Hai đứa tôi bước đến ngồi ở hàng ghế cuối cùng, cao hơn những hàng ghế khác. Xe lao đi qua màn đêm yên ắng, những ánh đèn từ con phố gần đấy lướt mờ nhạt qua làn kính đẫm hơi sương.

Tôi đã nói dối Tuấn, thật ra mơ ước thứ ba của tôi là cùng người mình yêu thương mua một cặp ổ khóa đôi khắc tên hai đứa, khóa vào lan can trên hải đăng và ném chìa khóa xuống biển. Nhưng rồi tôi nhận ra, ở bên Tuấn trong lúc này đây, được nhìn ánh mắt cậu lấp lánh trông theo ánh đèn đường vụt qua… đã là quá đủ rồi.

Tôi nhẹ ngã đầu vào vai Tuấn, thả hồn theo những tiếng rì rầm của động cơ xe.

Tình cảm này giống như một nắm thủy tinh vỡ vụn vậy, càng cố giữ thật chặt thì càng nhức buốt. Có lẽ, đến lúc tôi phải buông tay, để nước mắt ngừng chảy.

Loading disqus...