Tác giả: PchyMew & thangbebanchuoi2007
Nguồn: Diễn đàn Tình Yêu Trai Việt
------***------
Viết ủng hộ cuộc thi truyện ngắn 2009 của diễn đàn TYTV.
---------------
Sau cú sốc tình tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi, tui nộp đơn xin nghỉ ở công ty rồi cáo lão về vườn, xa lánh cái nơi đầy kỉ niệm ấy, chờ khi nguyên khí khôi phục sẽ… tính tiếp, kệ nó tới đâu hay tới đó. Thời gian ấy, thú vui của tôi là cùng lũ nhóc trong xóm, đúng Ngọ, xách xe chạy vô kén tắm, đều đặn ngày qua ngày.
Kén ở quê tôi giống như cái hồ bơi lớn được chia đôi bởi cây cầu bê tông lớn có hai lầu dùng để ngăn nước mặn từ sông chảy vào đồng ruộng. Xung quanh kén được tráng xi măng và xây rào, dưới cầu là cặp cửa lớn chắn ngang qua dùng để đóng mở khống chế dòng nước. Mặc dù chính quyền địa phương có treo bảng “Cấm tắm giặt” nhưng học sinh cứ kéo vào đó nườm nượp; đám thì ăn nhậu, đám thì tắm táp, thậm chí nhiều đứa yêu nhau còn hẹn hò vô kén làm những chuyện “tình tứ” với nhau vì kén chẳng những rất vắng vẻ mà lại còn vô cùng mát mẻ. Có thể coi kén giống như một dạng của cửa sông, dòng chảy ở kén rất mạnh, nhất mỗi lần xả (mở cửa) kén thì nước vô cùng xiết, rất nhiều người hoặc vô tình hoặc cố ý đã bị dòng nước nhấn chìm rồi cuốn trôi đi vĩnh viễn làm nên những vụ án mạng xôn xao dư luận địa phương trong nhiều ngày. Nhưng điều đó lại không hề làm nao núng cái lũ đứng thứ ba: sau ma và quỷ.
Tình cờ sao lại gặp lại nhỏ lớp trưởng suốt thời phổ thông sau nhiều năm biền biệt tăm hơi tại nhà nó – một cái quán lá lụp xụp bên vệ đường, bán hằng hà sa số thứ tạp phẩm. Con nhỏ tham lam này không quên kinh doanh êm hai mặt hàng mà đám đàn ông nhậu trong xóm ven bờ sông này khóai kinh dị đó là cháo lòng và bò kho mẻ trong cái nhà thiếc dựng lên kế bên “siêu thị bình dân” của nó. Nỗi vui mừng không sao tả xiết tới mức tôi thiếu điều muốn rú lên và bay đến ôm chặt, vỗ vào lưng nó bộp bộp như những thằng con trai gặp lại sau mười mấy năm xa cách. Tất nhiên truyền thống “nam nữ thọ thọ bất thân” đã ăn sâu vào máu người Á Đông thì sao mà tôi làm được điều đó, những gì có thể chỉ là trợn đôi mắt của mình lên, cổ họng nghẹt lại, cứ ú ớ, lắp bắp mãi một câu ngớ ngẩn:
- Ồ! Hương! Hương đó phải không?
- Hí! Hưng! Hưng còi "kén gái" kìa! Trời ơi! Lâu quá chừng rồi...
Bây giờ nó đã phát tướng hơn hồi xưa nhiều. Nét vui mừng, hớn hở làm khuôn mặt vốn tròn trịa của nó trở nên phúc hậu và đẹp đến lạ lùng, một nụ cười tươi tắn hiện lên như một đóa hoa đang bừng nở. Nỗi nghẹn ngào, mừng mừng tủi tủi làm hai đứa ngẩn ra một lúc lâu, nhỏ Hương mới như bừng tỉnh, vẫn là phong cách của một bà madam như hồi còn phổ thông, nó ra lệnh cho tôi một cách dứt khóat:
- Vô đây đi ông! Làm gì đứng ngẩn ngở ngòai nắng vậy! Bộ tui còn bốc lửa lắm hả?
Tôi quay cái xe một vòng rồi quẹo thẳng vô trong cái quán cháo lòng của nó, ngồi xuống cái ghế đẩu lùn lùn. Còn nó lăng xăng tíu tít chạy đi đập nước đá bốp bốp rồi thóang cái bưng ra một chai xá xị với cái tẩy, tôi rót nước ngọt ra ly, dòng nước màu nâu nâu cuốn vòng quanh những viên đá trong suốt, mặt ly sủi bọt, không khí đặc quánh niềm vui và kí ức pha trộn, tôi hỏi nó :
- Ủa ! Tui nhớ trước nhà bà ở đằng kia chứ có phải ở gần bến phà này đâu ?
- Ờ ! thì đó là nhà của ba má, từ hồi tui có chồng tới giờ ra riêng rồi ở đây làm ăn chứ đâu có ở chung với ba má nữa.
Tui gật gù suy nghĩ rồi buông ra một câu chửi :
- Công nhận bà này ham mần ăn tới nỗi không nhớ thăm nom bạn bè gì ráo!
Con Hương rất nhạy, nó đáp một lèo :
- Chứ không phải ai kia không bao giờ đi họp lớp hả, từ hồi đi thành phố học rồi đi làm tới giờ mất tăm mất tích, muốn kiếm ông còn khó hơn đi kiếm tổng thống Mỹ… Mỗi năm họp lớp tụi này đều hỏi thăm mà ông thì biệt tích như bóng chim tăm cá …
Công nhận cái mồm mép của con nhỏ này sau mười mấy năm không gặp vẫn liến thoắng như hồi bộ lần. Tôi nhắm coi bộ “tranh biện” không nổi với “bà sếp” cũ của mình nên đành lái qua chuyện khác :
- Rồi bà có thể tóm tắt về “trạng thái hiện tại” của bà hay không ? Theo như tui biết nãy giờ thì bà đã đâu có còn ở tình trạng “chửa chồng” nữa… đang đưa đẩy cái gì trên võng đó?
Con Hương chì chiết :
- Ông bao nhiêu năm không gặp vẫn sử dụng cái lối “tu từ” đó không chịu bỏ chút nào!
- Ha! ha! …
- Ờ... thì tui có chồng rồi! Có một đứa con gái mà điều nó ngủ rồi chứ thôi đem nó ra cho ông coi… Còn ông, có tin vui gì chưa?
Thiệt là khổ khắc, bởi vậy thật tình một điều là những người mang nặng nợ “tình trai” thì thích đi đám tang hơn là đi đám cưới, vì đi đám tang người ta sẽ không bao giờ hỏi “Chừng nào đến lượt anh?” trong khi đó đi đám cưới thì hòan tòan ngược lại. Cứ gặp người đời là hỏi thăm chừng nào tôi lấy vợ với tất cả sự quan tâm chân thành mà họ không hề biết chính sự quan tâm đó của họ làm cho tôi phải khó xử biết bao nhiêu. Tính tôi không thích nói dối do đó những câu nói dối của tôi bao giờ cũng làm cho tôi nhột nhạt, khó chịu huống chi câu nói dối về vấn đề này lại thuộc về một đề tài nhạy cảm, một nỗi ngượng ngùng và lo sợ mơ hồ luôn bao quanh lấy tôi khi tôi trả lời câu hỏi. Đương nhiên tôi vẫn có thể buông nhẹ một tiếng “Chưa!” và lí do muôn thưở vẫn là “Chưa gặp người vừa ý!” nhưng tôi ao ước gì có thể cười khì và quay sang hỏi một câu cho người nghe điên đầu như vầy:
- Trời! OMO mà có vợ gì hả “má”?
Cho “đối phương” giẫy rật rật mà té xỉu tại chỗ cho rồi… Thay vì trả lời tui lại chuyển qua đề tài khác:
- Ủa? Nói gì nói chồng bà đâu?
Tôi thấy một thoáng bối rối rất ít trong mắt lớp trưởng hay do tôi quá đa nghi khi bả buông ra câu trả lời kèm theo cái thở dài:
- Ổng đi làm rồi, cuối tuần mới về?
Theo lẽ tự nhiên tôi buột miệng vuột ra một câu mà khi suy nghĩ lại mới biết mình thiếu tế nhị:
- Gì kỳ vậy? Vợ chồng gì mà tuần mới gặp lần? Hổng buồn hả trời?
Hình như nghe tôi hỏi nó mới bất giác buồn thì phải:
- Tại ổng đang làm công ty kia, lương cũng khá, nghỉ uổng!
Tôi đớp chát liền:
- Uổng gì uổng? Vợ chồng ở gần với nhau hủ hỉ mới vui. Nhiêu tiền dữ vậy? Tào lao.
Tính tui là vậy đó, chuyện thiên hạ cứ làm như là chuyện mình vậy? Nồng nhiệt nhận xét vô lắm, nhiều khi vô duyên cũng chả hay. Rồi như chợt nhớ ra cái gì nó lại hỏi ngược lại tui:
- Ủa? Còn ông đi đâu vô đây?
- Tắm kén!
Vừa trả lời tui vừa nhe răng ra cười. Nó vỗ vai tôi cái bốp:
- Trời ơi! Từng tuổi này con đi tắm kén với đám con nít, thua ông luôn!
Tôi vừa cười vừa hát thay câu trả lời:
- Bé rất thích trò chơi vận động… uống thuốc lắc rồi quay vòng vòng...
Bữa đó bao nhiêu tin tức của mấy đứa bạn mà hai đứa biết được cứ thay phiên nhau mà tuôn ra như vỡ đê. Công nhận gặp lại bạn cũ vui làm sao! Thế nhưng làm sao mà biết được sau cái vụ gặp lại nhỏ Hương này còn có nhiều chuyện hấp dẫn hơn bội phần mà tôi sẽ kể trong những trang sau …
Tía lia, luyến thoắng một hồi thì cũng phải đến lúc tiếp tục “đăng trình” vì lũ bạn đã có vẻ ngứa ngáy và sốt ruột, tôi từ giã nó theo kiểu nồng nhiệt thiếu điều muốn “ôm hôn thắm thiết” và hẹn gặp lại sau. Tôi lên xe nổ máy vọt đi tắm kén mà trong bụng hồ hởi suốt buổi chiều hôm đó, nỗi mừng vui khi gặp lại con lớp trưởng cùng những kỷ niệm vui buồn thời áo trắng làm tôi cứ tủm tỉm cười hòai….
Quán cháo lòng của nhỏ Hương, từ sau ngày đó bổng trở thành trạm dừng chân hấp dẫn cho tôi và lũ “ôn hòang hột vịt lộn” – bọn bạn tắm của tôi vào mua khoảng chục chai nước sâm lạnh, bánh tráng trộn, snack, cóc, ổi, xoài, me ngâm để lúc tắm lên bờ khát nước có cái uống và nhâm nhi. Khi quành về sẳn trả chai, mỗi thằng quất một bụng cho “ấm lòng chiến sỹ” bởi lúc mới bơi lên bao tử đứa nào đứa nấy cũng đói rã ruột. Nhìn con Hương cười tíu tít, xắt xắt bằm bằm, múc múc chan chan mà tôi muốn phì cười trong bụng, phải đâu nó kém cỏi gì, ngày xưa tòan đứng nhì đứng ba trong lớp. Bởi vậy cuộc đời không công bằng và sòng phẳng một chút nào. Nhưng có lẽ kết luận trên không chính xác và tôi phải rút lại lời nhận xét đó một cách nhanh gọn như lúc phát ngôn ra sau khi ra đa trong tôi bắt sóng được một “con mồi” mà tôi không bao giờ ngờ đến …
Thứ bảy nọ, “một ngày như muôn vạn ngày”, tôi cũng lăng xăng vô kén cùng với lũ bạn và tạt qua mua sắm trang thiết bị cho buổi tắm lúc trưa, nách theo mỗi thằng một chai sâm mát lạnh lòng người, đến khi chiều về thì chưa kịp dừng xe bước vô quán tụi nó đã la ó: "cháo đê, cháo đê!" như bọn tù bị bỏ đói hằng bao năm trời, hôm nay con Hương múc cháo, xếp thịt còn có thêm một thằng nào đó coi trạc tuổi tôi lúi húi rắc tiêu bỏ hành rồi tay bưng tô cháo, tay cầm chén nước mắm lách cách ra chỗ chúng tôi ngồi. Chàng ta xếp những tô cháo xuống bàn rồi quày quả bước vào trong. Con Hương kéo vai chàng ta lại, kề tai nói nhỏ gì đó, bất chợt tôi nghe một tiếng “À” lớn phát ra từ miệng chàng ta và thế là “em đã hiểu”.
Cái dáng dong dỏng cao với nước da trắng hồng, láng mịn, khuôn mặt trái xoan thanh tú với hai hàng chân mày rậm, đôi mắt to tròn đen láy long lanh như có hai giọt nước bên trong thêm hàng mi dài cong vuốt, sóng mũi cao như Tây lai, cộng đôi môi son đỏ au, trông nó như một thiếu nữ quyến rũ đầy nam tính. Y quay qua nhìn tôi mỉm cười hơi chút bẽn lẽn còn tôi thì lại khá ngỡ ngàng vì ở cái xứ biền đầy phèn chua và nước mặn bỗng đâu lòi ra một thằng công tử xinh giai dữ thần vầy nè. Hề hề coi như lớp trưởng mình gặp may rồi đấy! Sau giây phút đó tôi như bừng tỉnh và lấy lại phong thái tự tin như ngày nào, bèn bỏ dỡ tô cháo mà đứng dậy làm quen ngay, mắt nhìn thằng đó trân trân mà mỏ tôi lại chỏ về nhỏ lớp trưởng:
- Ai đó lớp trưởng?
Lớp trưởng thẹn thùng như cô gái mười tám trả lời làm tôi không khỏi nôn ruột:
- Chồng tui chứ ai, ảnh tên Khánh, anh Khánh đây là thằng bạn thân của em tên Hưng.
- Trời ơi! Chồng bà đẹp trai quá đó nha, coi chừng... chúng nó chôm à nha.
Vừa nói tôi vừa cười nham nhở để mặc cho thằng kia cái mặt ửng đỏ lên trông hay hay thế nào ấy, nó còn nhìn tôi len lén như một đứa con gái lần đầu nhìn trai... đẹp vậy, thật là tức cười! Rồi tui và lớp trưởng lại luyên thuyên đủ thứ chuyện khác trên đời cứ như là mười mấy năm trời chưa gặp lại vậy, dù rằng suốt cả tuần qua mỗi ngày gặp nó là hai đứa cứ nhào vô nói như trăn trối. Thằng đó thì ngồi im lặng vô nước sâm (dùng ca múc nước sâm trong nồi chế dzô chai) lâu lâu mỉm cười phụ họa cho câu chuyện của hai chúng tôi làm cho "cục hứng" của tôi hôm đó bự chà bá ra một cách ít bình thường nhất.
Trưa Chủ Nhật hôm sau vừa ăn cơm xong là tôi xách xe chạy vô nhà lớp trưởng một mình ngay, không thèm rủ theo thằng bạn nào hết mà bản thân tôi lúc ấy cũng không biết lý do vì sao nữa? Chắc tại ham vui!
Chưa đầy hai mươi phút là tôi đã lịch kịch dựng xe trước quán của nó, sau khi máng vội cái nón bảo hiểm lên xe, theo thói quen tôi í ới từ đầu ngõ:
- Hương ơi! Có nước sâm chưa ?
Đáp lại tôi là một sự yên lặng đến khó tả, phải mất hơn 1 hay 2 phút sau mới có một cái đầu ló lên nhìn tôi cười rồi lại mất hút. Vô tới quán thì tôi mới biết cái đầu đó không phải của ai xa lạ mà chính là của thằng Khánh, chồng con Hương, nó đang ngồi hì hục vô nước sâm. Kế bên nó có sẳn một cái ghế nhỏ còn trống riêng lẽ so với chồng ghề đang chất cao đằng góc nhà. Thằng đó ngộ ghê, nó bị câm hay sao áh, chỉ ngó tôi cười cười im lặng thật là khó hiểu. Tôi với bản tính hòa đồng nổi tiếng từ đó giờ sẳn tiện kéo cái ghế lại gần vừa đặt đít xuống vừa hỏi như đồng thời vừa trả lời:
- Lớp trưởng đi chợ mua đồ rồi hả... anh?
Thôi kệ, nễ nó là chồng của sếp lớn nên kêu nó bằng anh đi. Thấy không thể không trả lời nó lại quay qua tôi cười và cất câu nói đầu tiên:
- Dạ, anh ngồi chơi chờ chút Hương về!
Sẳn ngứa miệng tôi tống nó luôn:
- Trời ơi, con trai gì mà ít nói dữ vậy? Đừng nói mắc cở nha? Vậy trên thành phố gặp con gái nó ghẹo thì sao?
- Bị ghẹo hoài chứ gì anh.
Trời đất, tôi nói giỡn mà nó lại trả lời như thú tội vậy thiệt hết nói nổi, tôi cười:
- Rồi bị ghẹo thì làm sao?
- Để cho nó ghẹo chứ sao anh...
Tôi cười, không buông tha:
- Hiền quá nhỉ, lỡ nó... làm tới thì sao?
Tới lúc này tôi mới thấy nó quay qua tôi cười và lần đầu tiên tôi thấy mặt thằng này... bắt đầu gian manh:
- Nó tới thì mình... chìu nó chứ sao giờ!
Cứ nghĩ rằng mình ghẹo như vậy nó sẽ mắc cỡ ai dè nó giả nai để làm cho tôi sốc hàng đây mà. Dù trong lòng hơi khó chịu với cách trả lời đó nhưng tôi vẫn giả bộ cười giã lã rồi ghẹo nó thêm vài câu. Bây giờ tôi lại phát hiện thêm một sai lầm nữa của mình trong cách đánh giá con người, ít ra là đối với nó: Sau lưng cái vẻ ngại ngùng của nó là cả một con khỉ ranh ma đội lốt người. Nó "già" hơn tôi nghĩ nhiều, bây giờ khi tôi nói câu nào chọc nó thì bị đốp chát lại một cách rất tinh nghịch. Thật không ngờ nó cũng sở hữu một kho từ điển ngôn ngữ Teen rất đáng nể và vận dụng để đối phó một cách hết sức triệt để, tài tình. Giờ tôi mới nhận ra niềm tự hào của tôi về cái miệng bô lô ba la chuyên phá phách người khác của mình trước đây giờ đem so với nó chỉ là đồ bỏ đi mà thôi.
Đang ức chế thì nhỏ Hương cũng vừa đi chợ về tôi bù lu bù loa ngay:
- Lớp trưởng ơi là lớp trưởng, thật không ngờ chồng bà lại là người như thế?
Đang khệ nệ bưng bê thấy tôi tự dưng nhỏng nhẻo nó chả hiểu đầu cua tai nheo ra mần răng nhưng cũng ráng trút một chút hơi để hỏi:
- Chồng tui sao là sao? Ra bưng phụ coi, ngồi không làm gì?
Tôi vừa đỡ phụ nó vừa hổn hểnh nói như muốn lập công:
- Nó vừa khai với tui vợ bé của nó đầy nhóc ở trển kìa, tui nói rồi, dạng này bà phải cẩn thận, xích chân nó lại đi!
Anh chàng bụm miệng cười trước thái độ "hồn nhiên như con cún... điên" của tôi. Còn Hương thì cứ vô tư:
- Kệ, con nào chịu nổi thì nuôi, miễn cuối tuần về vô nước sâm, bưng cháo, tới tháng đưa tiền lương cho tui với con là được, mấy cái khác không quan tâm.
Hắn còn nheo mắt với vợ hắn chọc tức tui nữa chứ:
- Vậy hen vợ ha, mốt anh dẫn vợ bé ra mắt em nha.