Khác Trang 4

- Thì cũng như nhà bác thôi, nhưng như thằng Hoàng đây này, có biết làm gì đâu, việc gì cũng tới tay bác cả !

- Mẹ này, cứ nói xấu con mãi thôi ! Ít nhất thì ăn xong con cũng biết rửa bát mà ! Mà ăn cơm thôi chứ nhỉ ? Món này gọi là gì hả Tuấn ?

- Cơm rang ngũ sắc, tôi tự sáng chế đấy - cười.

- Đây là món chay phải không cháu ?

- Dạ ! Cũng vì cháu không biết sở thích của bác thế nào nên mới nấu món này. Mát và cũng dễ ăn lắm ạ ! - nó lại cười. Đây là món sở trường yêu thích nhất của nó mà. Món này thực chất là năm món cơm rang khác nhau, lần lượt là đậu phụ, mộc nhĩ - nấm hương, cà chua - bí ngô, trứng và khổ qua - bí đao, tất cả được thái nhuyễn và rang với cơm. Nó sáng chế ra món này sau tiết Ngũ hành và Y thuật phương Đông của môn Lịch sử Văn minh thế giới. Nó đã nấu món này rất nhiều lần nhưng lại chưa từng dám nói nguồn gốc này cho ai, vì đây quả là một sáng tạo to lớn đưa lý thuyết vào thực tiễn đời sống ( ặc ặc ặc )...

.
...
- Ôi tội nghiệp cái ông Duy Minh, ngạo nghễ cả đời để rồi vẫn thua tài lớp trẻ ! Và cháu dám nói thẳng ngay rằng ông ấy đã sai ?

- Vâng. Cháu chắc chắn vì đã được đọc nguyên tác bằng tiếng Pháp, chứ không như giáo sư, phải đọc lại từ bản dịch tiếng Anh.

- Vậy là cháu cần bản dịch chính xác của nó chứ gì ?

- Dạ !

- Thế để bác tìm đã, rồi một hai hôm nữa sẽ bảo Hoàng gửi cho cháu.

- Dạ ! Cám ơn bác ạ !

- Thế là những việc chính của tối nay đã xong rồi nhé ! Cơm đã ăn và mượn sách đã nhờ rồi nhé ! Giờ mẹ ở nhà để con đưa Tuấn về !

- Còn sớm mà ! Để Tuấn ở lại chơi thêm lát nữa !

- Thôi bác ạ, cháu cũng xin phép, làm việc cả ngày rồi, quần áo cũng chưa thay giặt được gì...

Lúc nó đứng ngắm những giò phong lan treo trên hàng rào ngoài sân để đợi Hoàng dắt xe ra, một chiếc mũ bảo hiểm được đặt lên đầu nó, và thoảng bên tai nó là lời thì thầm của Hoàng:

- Đúng là làm việc cả ngày rồi, nhưng cậu vẫn thơm như... mứt vậy !

Chap 10.

Nó yên lặng ngồi sau xe Hoàng. Và Hoàng cũng chỉ chăm chú nhìn con đường phía trước mặt. Sự yên lặng cứ tiếp diễn mãi cho đến tận khi chiếc xe dừng lại trước tòa nhà chung cư, và cũng chỉ bị phá vỡ bởi mấy lời xã giao ngắn ngủn:

- Cảm ơn nhé ! Chào !

- Ừ, tôi về đây. Chào !

.
Nó đi dọc hành lang và bước vào trong thang máy. Tám giờ tối của một ngày cuối tuần, chỉ có một mình nó. Lạnh. Hai tuần rồi kể từ sau cái tin nhắn chúc mừng muộn màng đến mấy ngày, Khánh chưa liên lạc gì với nó. Mai là thứ bảy, Khánh có về không nhỉ ?

Cánh cửa thép của thang máy hé mở, làm nó thấy trong hành lang, trước cửa phòng nó, một bóng áo quân phục xanh...

- Đến lâu chưa ? Sao tuần này được nghỉ sớm thế ?

- Cậu vừa đi với ai về vậy ? Đó không phải anh Hưng cũng không phải bố cậu !

- À, một người bạn thôi. Học cùng nhau, giờ lại làm cùng trên Ban, mà nhà lại cũng gần nữa, nên ngày nào cũng đưa đón tôi đi làm. Bao giờ rảnh tôi sẽ sắp xếp giới thiệu hai người với nhau, nhé !

- Không cần đâu ! Từ mai cậu làm vé tháng xe buýt đi nhé !

- Tại sao ? - nhíu mày.

- Tôi không muốn thấy cậu đi cùng hắn ta nữa !

Khánh đang ghen ư ? Người nó nóng ran lên. Khánh đang ghen vì nó ư ? Vậy là trong Khánh nó vẫn có một ý nghĩa nhất định. Trái tim nó như muốn vỡ tan ra vì vui sướng, khiến nó toan nhận lời. Nhưng lý trí của nó - lý trí của một nhà luật học đã ngăn nó lại: tại sao nó phải nghe theo lời Khánh ?

Nó cố phân trần cho Khánh hiểu:

- Cậu ấy chỉ là bạn thôi mà. Tôi tưởng cậu phải hiểu rằng tôi luôn chỉ có...

- Không ! Tôi không cần biết ! - Khánh thô bạo đè chặt nó vào tường, và nhìn nó bằng một đôi mắt giận dữ làm nó khiếp sợ - Tôi không muốn thấy cậu gần gũi với bất kỳ một người đàn ông nào khác !

Rõ ràng là Khánh đang ghen vì nó. Nhưng nó không cảm thấy hạnh phúc. Nièm vui sướng nhen nhóm lên lúc trước đã tan biến hoàn toàn. Giờ cơn ghen của Khánh chỉ làm nó thấy lợm giọng. Khánh lấy quyền gì để cấm đoán nó. Trong khi chính Khánh đã bỏ rơi nó bao nhiêu lần để đến với Mai Hương ?
Bị một cánh tay ghì chặt lên ngực và với một cái đầu đang lấp đầy bởi những giận dữ, nó cảm thấy khó thở. Nó cố đầy Khánh ra. Nhưng nó đâu có được rèn luyện võ thuật như Khánh. Nó chi có thể ú ớ:

- Khánh... đau tôi...

Những âm thanh tuy yếu ớt ấy nhưng cũng đủ làm Khánh giật mình và buông tay ra. Nó gục xuống sàn, nước mắt bắt đầu hoen ra trên mi...

Yên lặng.

- Tôi... tôi về đây... - giọng nói đôi chút ái ngại, nhưng Khánh vẫn quay người đi.

- Khánh...

Đã bước vào trong thang máy, và thoáng quay đầu lại.

- Tôi có thể không đi cùng cậu ta nữa, nhưng... cậu có dám nói yêu tôi không ?

Yên lặng. Cánh cửa bằng thép đóng sập lại nặng nề, như một đôi môi nín chặt. Nó bắt đầu khóc, trên tấm thảm hành lang màu đen thẫm...

Chap 11.

- Hôm nay sinh nhật Thùy Chi lớp mình đấy !

- Ừ - hờ hững.

- Tối qua nó gọi điện cho tôi mời cả hai đứa mình tối nay đi hát. Cậu có đi được không ?

- Chả biết nữa. Hôm nay trong người đang thấy khó ở.

- Chỉ là khó ở thôi mà chứ có phải đau ốm gì đâu! Cậu cũng cần vui chơi gì đó đi chứ, cứ ru rú trong nhà mãi sao được ?

Cười gượng gạo.

- Vậy xem như là đã đồng ý tối nay đi cùng tôi rồi đấy nhé ! Giờ thì xem nồi mỳ của cậu đi, sôi rồi kìa !

Nó quay lại phía bếp, dùng đũa đảo đảo những sợi mỳ vàng óng trước khi vớt chúng ra đĩa, và rưới nước sốt lên - hôm nay là nước sốt cà chua, khoai tây nghiền và nấm hương trộn đều với húng bạc hà - một trong những món sốt chay khoái khẩu do nó sáng chế cho món pasta...

.
- Lớp trưởng ! Hát đi chứ ! Sao hôm nay im thế ?

- Nó mệt ! Vừa cãi nhau với sếp xong ! - Hoàng trả lời hộ nó. Lời thanh minh tỏ ra hoàn toàn hiệu quả vì ai cũng biết nó bình thường thì hiền lành thật, nhưng khi đã đụng tới chuyện học thuật thì... Hoàng giằng lấy mic - Thằng Tuấn không hát thì tao hát hộ cho !

Cả đám nhăn mặt, vì ai cũng biết Hoàng hát dở tệ !

Dù bên tai bị tra tấn bởi những âm thanh ngang phè phè, nó vẫn thầm cảm ơn Hoàng vì đã giúp nó được ở yên lặng một mình trong góc phòng không bị ai phiền nhiễu. Một chai Ken đã mở nắp được đặt ở trên bàn. Nó với tay lấy và bắt đầu uống...

Chiếc điện thoại bên hông nó rung lên.

" Lần đầu tiên thấy cậu đi cùng lớp mà uống đấy ! Không biết vì chuyện gì nhưng cho tôi uống cùng với được không ? "

Tin nhắn của Hoàng. Nó ngước lên nhìn. Hoàng đang ngồi ở phía cuối dãy ghế đối diện với nó, tay cũng đang cầm một chai bia đã mở nắp và hơi giơ lên ngỏ ý như đang mời nó. Nó cười. Chính nó cũng không hiểu vì sao nó cười - một nụ cười không chứa đựng niềm vui hay hạnh phúc. Đó là nụ cười của một người đang khóc...

Nó lại bắt đầu uống, uống như cuồng như điên, hết chai này đến chai khác. Và nó say. Cũng dễ hiểu thôi vì từ xưa đến nay đã bao giờ nó uống quá được một chai đâu. Rồi nó gục đầu vào thành ghế và thiếp đi, mặc cho những tiếng hát, tiếng nhạc thật ồn ào và ầm ỹ ở bên cạnh...

.
Nó mở mắt. Đầu đau như búa bổ và cổ họng thì bỏng cháy như có hàng ngàn con kiến lửa giận dữ đang cắn xé ở trong đó. Lần đầu tiên nó biết thế nào là say thực sự. Nó ngồi dậy. Chiếc đồng hồ phòng ngủ báo cho nó biết bây giờ là ba giờ sáng. Căn phòng tối om nhưng với một người thuộc cung Bảo Bình như nó thì bóng tối không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Nó đứng dậy và đi ra bếp để kiếm nước uống.
Những ngụm nước lạnh làm nó thấy tỉnh táo, đôi mắt đỡ nhức buốt và cổ họng dễ chịu hơn.

Lúc qua phòng khách để trở lại giường, với những ánh sáng yếu ớt của bầu trời đêm rọi vào qua khung cửa sổ bằng kính, nó giật mình khi nhận ra rằng trên ghế sofa có một người đang thiu thiu ngủ.

Nó tiến lại gần. Đó là Hoàng.

Những ánh sáng xanh yếu ớt từ khung cửa sổ bằng kính đang nhảy nhót trên mái tóc cắt ngắn, trên mí mắt đang khép ngủ, trên đôi môi đầy đặn. Khuôn mặt đầy chất nam tính của Hoàng sáng rực lên trong tâm trí nó. Không hiểu một ma lực nào xui khiến nó muốn cúi xuống và đặt lên đôi môi kia một nụ hôn...

Chap 12.

Hôm nay đã là ngày thứ ba liên tiếp giáo sư Duy Minh không đến văn phòng. Nếu là một hay hai tuần trước thì nó cũng chẳng quan tâm lắm đâu, nhưng vì theo lịch trình thì sang đầu tuần sau đã là hạn nộp bản dự thảo lần đầu của các tổ, nên nó lo là phải. Theo quy định thì trước khi đưa ra cho cả Ban xem xét và góp ý thì trong mỗi tổ phải thống nhất ý kiến với nhau trước, nên nếu muốn nộp dự thảo thì ít nhất nó cũng cần phải có một chữ ký của giáo sư vào đó đã.

Hỏi thăm Hoàng, rồi hỏi thăm cả giáo sư Khiêm cũng không ai biết vị Viện phó của họ, tức là ông giáo sư tiến sĩ khoa học Đặng Duy Minh địa chỉ nhà ở đâu. May mắn là cuối cùng một cô nàng trẻ tuổi mới về làm ở Phòng Tổ chức cán bộ của Văn phòng Quốc hội, không biết vì lý do gì đã rất nhiệt tình lục lọi tìm kiếm suốt cả buổi sáng, để đến giờ nghỉ trưa thì đưa được cho nó một dãy số điện thoại nhà riêng. Cảm ơn cô gái bằng một nụ cười làm cô đỏ hết cả mặt và mồ hôi chảy tràn ra trên trán, nó trở về phòng làm việc và nhấp số gọi 116...

.
Đường Lý Nam Đế, ba giờ chiều.

Hóa ra cái địa chỉ mà nó có được từ người trực tổng đài 116 không phải là một ngôi nhà. Thực chất thì đó là một con ngõ nhỏ. Là một người lớn lên ở Hà Nội thì chuyện này với nó cũng không có gì là quá lạ. Thời đầu thế kỷ 20, những gia đình giàu có ở Hà Nội thường xây nhà theo lối này, phần đất mặt đường được cắt riêng ra làm nơi buôn bán, và người chủ nhà chỉ để lại một lối đi nhỏ dẫn sâu vào bên trong, đó mới là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Nhưng qua những biến cố khác nhau của lịch sử, những ngôi nhà-ngõ ấy cũng thường biến thành những con ngõ nhỏ thật, với nhiều gia đình khác nhau cùng sinh sống.

Thế này thì quả là khó cho nó để tìm ra đâu mới là nhà của giáo sư !

Hỏi thăm mấy người trong ngõ, nhưng hình như ông Duy Minh, giáo sư, tiến sĩ, Viện phó Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia là một người xa lạ mà họ hoàn toàn không quen biết. Đến khi nó phải miêu tả ngoại hình của giáo sư thì một bác gái mới nhận ra, và sau khi chỉ nhà cho nó, còn hỏi lại:

- Cái ông ấy là giáo sư, tiến sĩ, Viện phó gì gì cơ à ? Nhìn thì ra dáng trí thức lắm, nhưng ai trong khu này chả nghĩ cùng lắm là nhà văn hay họa sĩ bất đắc chí gì đó thôi, ngờ đâu...

Bất đắc chí. Nó mỉm cười trước cụm từ mà lâu lắm rồi nó mới được gặp lại. Giáo sư đúng là có đôi chỗ khác người, như những cái nhìn làm nó thấy ớn lạnh, hay đôi khi cũng bảo thủ y như nó trong khi tranh luận, nhưng để bảo ông có cái vẻ của một nhà văn hay họa sĩ bất đắc chí thì nó hoàn toàn không thể nghĩ ra được. Sau lời cảm ơn, nó tiếp tục đi sâu hơn vào trong ngõ theo hướng đã được chỉ.

Theo con ngõ lát gạch mộc đã bạc phếch và rêu phong vì nắng mưa, nó đến một khoảng sân rộng, và không thể không ngạc nhiên khi trước mắt nó là một lũy tre. Giáo sư đã kiếm được một góc thật yên ả giữa lòng thành phố để làm chỗ nghỉ ngơi sau giờ làm việc và quây quần bên gia đình. Đến giờ nó mới chợt nhận ra rằng cuộc sống riêng của giáo sư là cả một tấm màn bí ẩn với tất cả mọi người, với cả đồng nghiệp và hàng xóm của ông. Có điều gì ở đây không nhỉ ? Liệu việc nó đến nhà ông thế này có là đúng không nhỉ ?

.
Nó gõ cửa một gian nhà nhỏ nằm nép mình bên cạnh lũy tre. Gần năm phút sau giáo sư mới ra mở cửa. Giáo sư gầy hộc, khuôn mặt trắng bệch và đẫm mồ hôi, hai mắt thâm quầng. Giáo sư đang trong cơn sốt. Nó vội vàng đỡ giáo sư vào trong nhà. Qua một phòng khách toàn sách là sách, giáo sư chỉ cho nó phòng ngủ của ông.

Đặt ông nằm ngay ngắn trên chiếc giường đơn bằng sắt đã cũ mèm mà chắc tuổi đời có đến bằng vài ba lần tuổi của nó. Nó cẩn thận đắp chăn lên cho ông rồi dùng tay rờ trán để kiểm tra thân nhiệt. Nóng gắt !

- Không phải lo... Sốt rét rừng thôi mà... Từ hồi còn là lính Trường Sơn... năm nào chả thế này vài lần...

Nó thấy run lên trước sức mạnh của ông. Sốt rét rừng, lính Trường Sơn, và giờ cô độc một mình trong căn nhà tàn tạ. Từ trước tới giờ nó chưa từng nghĩ một con người tài hoa kiêu bạc như ông lại có một cuộc sống thế này. Không ti vi, không máy tính, không tủ lạnh hay điều hòa, có lẽ trong ngôi nhà toàn sách là sách này thứ có giá trị nhất chính là chủ nhân của nó - một trong những người xuất sắc nhất của lịch sử lập hiến Việt Nam...

Sau khi giục giáo sư uống thuốc và đợi ông ngủ say, nó vội vàng ra chợ để kiếm cái gì đó nấu nướng cho ông. Hôm nay nó đi xe máy của Hoàng. Mà chết thật, với tình trạng của giáo sư thế này, sao nó có thể bỏ ông mà về ?

Loading disqus...