1941 Trang 2

Hai

Bạn đọc nào không đủ thông minh để hiểu ý nghĩa của tấm thẻ thì để tôi nói cho mà nghe: Đó là thẻ đảng của đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức ! (8)
Nghĩa là, Dmitri Stoyanovich là một tên phát xít!
Không những thế, còn là một tên gián điệp!
Tôi nhìn Dmitri đang ngủ. Gương mặt điển trai của anh giờ nhăn nhúm lại trông đến khó coi. Vầng trán anh rịn mồ hôi ướt đẫm bộ quân phục dơ bẩn, răng anh ta cắn chặt, thỉnh thoảng lại để lọt ra vài tiếng rên “Yuriiiii…”. Tôi sờ trán anh, cảm giác như vừa sờ vào một cái nồi cơm đang sôi.
Người thanh niên 21 tuổi này là một tên phát xít.

Trái tim tôi phản đối. Nó lật ra trước lý trí tôi một quyển album. Trang đầu là cảnh Dmitri vừa gia nhập Hồng quân, đang nắm tay tôi thật chặt. Trang kế là những ngày anh ta sống với tôi: cùng ăn, cùng ngủ, cùng luyện tập, và cùng… làm rớt súng. Tiếp theo là những ngày hành quân đến Kiev, rồi những phút giây chúng tôi chiến đấu bên nhau. Cuối cùng, là lúc quả bom phát nổ đã dìm chúng tôi xuống địa đạo Kiev, Dmitri đang vươn tay ra và chụp lấy tôi.

Rõ ràng, chúng tôi đã ở bên nhau khá nhiều đấy.
Hì hì… anh ta cũng dễ thương thật…

Nhưng, nó là một thằng gián điệp, một thằng phát xít, một trong những kẻ đang rắp tâm xâm lược đất mẹ Xô Viết! Những tên như thế, được chết đã là vinh dự lắm rồi!

Khoan đã, trông anh ta không có vẻ giống một tên gián điệp cho lắm. Ý tôi là, hãy nhìn kỹ gương mặt thánh thiện, đôi mắt lấp lánh ánh nhiệt tình của anh đi rồi sẽ hiểu. Người như vậy sao có thể là một kẻ bán đứng Tổ Quốc được?

Đúng rồi, tôi có cuốn sổ. Có lẽ nó giải đáp mọi bí ẩn mà tôi muốn biết.

Tôi nhận ra ngay nét chữ của Dmitri. Thành thật mà nói thì cũng khá đẹp đấy, nhưng tôi còn lòng dạ nào mà nhận xét chữ với nghĩa nữa!
“Ngày 16/11/1939. Theo lệnh của Fuhrer, mình giả danh làm một người khách du lịch đến thành phố Kiev cho nhiệm vụ của mùa xuân 1940. Ôi, Kiev, thành phố đáng yêu! Đã bảy năm nay mình rời xa nó, trông nó vẫn chẳng khác gì xưa. Vẫn những lối kiến trúc cổ điển từ tận thế kỷ 19, với những ngôi nhà trắng hình vòng cung kiêu sa diễm lệ. Vẫn những con người mà bảy năm trước nạn đói Holodomor đã tha cho sống sót. Vẫn những cánh đồng lúa mì vàng ruộm vẫy vẫy theo cơn gió đông lạnh lùng. Tất cả những cái đó thật quen thuộc… chúng làm mình nhớ lại hai câu thơ Ukraina cổ:
Đất là mẹ, chẳng bao giờ thay đổi
Người là con, rồi sẽ phải lớn khôn.”

Tôi quay sang nhìn Dmitri đang khẽ cựa mình, rồi đọc tiếp.

“Nhưng đau lòng thay! Kiev này đúng là đã thay đổi. Cha mẹ mình đã không còn nữa rồi. Những người mà mình lớn lên bên cạnh, giờ đã không nhận ra mình nưa. Có thật đây là quê hương của mình chăng? Lẽ ra, nếu gọi là quê hương thì phải còn vòng tay ai đó đang chờ đón mình về chứ! Kiev đây đúng là nơi mà bảy năm qua ở Berlin mình vẫn trông chờ được thấy lại, và giờ mình là kẻ lạ mặt trên mảnh đất thân quen, mảnh đất mà mình đã phải rời bỏ một cách vội vã đến nỗi không kịp nói lời từ biệt!

Bảy năm trước, nhà mình rất nghèo. Cha mẹ mình đi làm công nhân trong một xưởng quốc doanh, ngày ba bữa cứ phải giật gấu vá vai mãi mới đủ tiền để sống. Nhưng đó vẫn là cái thời sung sướng của mình: sáng dậy gặm ổ bánh mì hay củ khoai tây suông, trưa tan trường về tự lo nấu cơm, dọn dẹp, rồi chờ cha mẹ đi làm ngoài đồng về. Mỗi tối, cả nhà lại ngồi quây quần bên nhau, nói chuyện. Chuyện vớ vẩn thôi, nhưng bây giờ ngẫm lại, mỗi giây, mỗi phút đó đã trở thành những báu vật của cuộc đời khốn khổ này. Mình vẫn còn nhớ bản Rodina mà mẹ mình hay hát: ‘Đồng quê bát ngát, mênh mông, quê hương nhà… Dòng sông uốn quanh, nước trôi êm đềm.’

Rồi những ngày êm đẹp như trong mơ ấy cũng qua. Holodomor. Tất cả cũng chỉ tại bọn Nga khốn kiếp mà ra! Cha mẹ mình vì quá thương con nên đã nhường cho mình tất cả những gì ăn được, để rồi họ cùng nắm tay nhau rời khỏi thế gian này, bỏ đứa con mười bốn tuổi một mình bơ vơ giữa dòng đời nghiệt ngã…”

Ở chỗ dấu ba chấm có một vài vết mực nhòe.

“Rồi mình lang thang không kể ngày đêm, ra khỏi Kiev, khỏi cái thành phố của ma đói. Đến trước cánh cổng thành phố, mình ngã gục. Vốn thể trạng mình đâu có khỏe mạnh. Mình đã nghe được tiếng đàn hạc của thiên thần, và đã tưởng mình sắp được gặp lại cha mẹ, được ngã vào vòng tay của họ, ở một nơi không còn sợ đói rách nữa.

Nhưng không. Khi mình mở mắt ra, mình thấy một người đàn ông ở trước mặt mình, một người trông rất khỏe mạnh - chắc chắn không phải dân Kiev – có một bộ ria mép vĩ đại và một chòm râu dê to tướng. Mình đã tưởng ông là Chúa Trời cơ đấy. Ông nhìn mình với một nét mẵt thương cảm, rồi hỏi chuyện mình. Mình chỉ nói là cha mẹ mình đã chết đói, và mình cũng sắp theo họ đến nơi. Ông mỉm cười phúc hậu, bảo mình theo ông về Berlin, hứa sẽ nuôi dạy mình đến lớn khôn. Lúc đó mình chỉ biết là mình sắp rơi xuống một vực thẳm không đáy, và một bàn tay ấm áp chìa ra để kéo mình lên. Mình đâu biết đó là Fuhrer, là Adolf Hitler vĩ đại…”

Adolf Hitler vĩ đại? Có nhầm không đấy chứ? À, quả là vĩ đại. Tôi hiểu rồi. Hóa ra vì muốn đền đáp “công ơn” của Hitler mà Dmitri đã trở thành một tín đồ của chủ nghĩa phát xít. Hitler hẳn là vĩ đại, nếu không thì đâu nghĩ ra được cách kiếm cho mình một công cụ trung thành như thế!

Tôi lật trang cuối, quyển nhật ký có vẻ như được viết bằng tuồng chữ càng lúc càng xấu, ẩu tả như thể tác giả phải tranh thủ viết trong điều kiện rất ngặt nghèo.

“Ngày 20/12/1939. Điệp viên thì ẩn mình là đúng rồi, nhưng trú trong một cái địa đạo quả là cực. Phải sống cô đơn thì mình đã quá quen rồi, nhưng trốn chui trốn nhủi ngay trên đất quê hương chẳng dễ chịu gì hết. Dù sao, nhiệm vụ thu thập thông tin của mình cũng sắp hoàn thành. Hôm qua, mình đã báo cáo về Berlin là tụi Hồng quân Liên Xô chuẩn bị dồn về Kiev trong mùa hè năm sau. Fuhrer đã thăng cho mình chức Đại úy và gửi mình sang Phần Lan để chuẩn bị tấn công biên giới Nga. Tuyệt, cuối cùng học hành quân sự bao nhiêu năm cũng có lúc để xài tới rồi. Mục tiêu đầu tiên hình như là tiêu diệt và chiếm đóng một cái làng tên Mainchekoff…”

Mainchekoff? Đó chính là quê tôi, cái làng đã bị Đức Quốc Xã đốt sạch, giết sạch!

Và chính anh, Dmitri Stoyanovich, là kẻ cầm đầu đội quân xâm lăng đó!

Máu nóng trong người tôi cháy phừng phừng lên, mồ hôi tôi đổ ra nhễ nhại, mắt tôi mờ đi vì sắc đỏ, tay tôi cuộn lại thành nắm đấm. Tôi quay phắt ra đằng sau, đùng đùng đi đến chỗ Dmitri đang ngủ với cơn giận giết người.

Dmitri mở mắt ra. Trông thấy cuốn sổ trong tay tôi, anh dường như đã hiểu tất cả, và lạ thay, lại nở một nụ cười khó nhọc. Hừ, chắc anh ta không biết làm gì hơn là cười cái nụ cười chó chết đó!
“Yuri đọc rồi phải không? Cám ơn, từ lúc biết Yuri là người Mainchekoff đến giờ, mình vẫn muốn được chết trong tay Yuri để đền lại tội lỗi đó…”
Tôi gằn giọng, tay siết cổ Dmitri:
“Stoyanovich, mày định dùng tài hùng biện kiểu Adolf Hitler đó để mong tao tha chết cho hả, quân khốn kiếp? Không dễ vậy đâu!”
Dmitri thở yếu hơn, nhưng vẫn cố nói:
“Sau khi hành quân đến làng Mainchekoff và tận mắt chứng kiến những người Nga bị hành hình oan uổng, mình cảm thấy… dường như tư tưởng của chủ nghĩa phát xít có một cái gì đó sai lầm. Thật vậy, những người Nga ấy có khác gì những người Ukraina phải chết trong nạn đói Holodomor đâu? Họ cũng đều là những người dân vô tội, cả đời chỉ biết quanh quẩn bên những cánh đồng hay những nhà máy mà làm việc đầu tắt mặt tối, và khi chiến tranh đến thì phải làm vật hy sinh. Mình cảm thấy có lỗi đối với Liên Bang Xô Viết, quốc gia có một phần là đất mẹ của mình, và để sửa sai, mình phải tham gia vào công cuộc bảo vệ đất nước này… giờ đây thì có thể cái tội phản quốc đã đền xong, nhưng trách nhiệm đối với làng Mainchekoff của Yuri thì vẫn chưa thể cho qua được… Nếu Yuri ra tay thì mình sẽ không còn điều gì để hối hận nữa…”

Tay tôi lỏng dần ra, mắt tôi cũng không còn đỏ ngầu nữa.
Nếu tôi giết Dmitri, chẳng phải cũng giống như anh ta đã giết người dân ở làng Mainchekoff ư? Họ chết đi là để được cái gì chứ? Bây giờ tôi giết Dmitri, rồi làng Mainchekoff có được phục hồi như xưa không? Những người mà tôi từng giấu mặt vào gối mà khóc mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, liệu có thể làm một chuyến quay về từ cõi chết không chứ?

Tất cả đều vô nghĩa quá… vô nghĩa quá rồi...

Tôi nói một cách khó nhọc, tưởng như bao nhiêu sức lực còn lại ở tôi đã bị đốt cháy hết trong cơn giận lúc nãy:
“Đừng có tưởng là đồng chí xóa nợ nhanh như thế. Không đâu, đồng chí còn phải tiếp tục chiến đấu vì Liên Bang Xô Viết để chuộc cho xong cái tội của mình!”
Dmitri nhìn thẳng vào mặt tôi. Trong ánh mắt anh có nét gì đó khó hiểu, như thể muốn mắng tôi là “Đồ Nga!”. Rồi anh ra sức níu cổ tôi xuống.
“Mình đùa thôi”, anh thì thầm, “chứ thật tình mình không hề muốn Yuri giết mình đâu. Nếu Yuri giết mình, Yuri sẽ lại phải nếm trải cái cảm giác ray rứt không yên đó, lúc nào mặc cảm tội lỗi cũng như muốn trào dâng như hàng trăm vong hồn đang kêu gào đòi đền mạng… Yuri, mình thật tình không muốn Yuri phải chịu cảnh đó. Mình…”

Rồi đột ngột anh đấm một cái đau điếng vào đầu tôi.
“Ui da! Đồng chí làm cái trò gì vậy hả?” tôi giận dữ gào lên.
Dmitri không nói, tay chỉ khẽ rung rung cái vật anh ấy vừa nhắm vào. Xác của một con nhện độc đã chết bẹp dí.


Chúng tôi bị kẹt trong địa đạo này đã bao lâu? Chính tôi cũng không nhớ rõ. Chỉ nhớ thời gian dài như vô tận, chúng tôi chỉ có việc ngồi đó và chờ đợi. Chờ đợi một phép màu nào đó. Ví dụ như Chúa Cứu Thế hiện ra, vẩy bàn tay kì diệu có khả năng chữa lành mọi căn bệnh của Người? Chậc, nhưng đói có phải là căn bệnh đâu?

Dmitri cất tiếng rụt rè “Yuri?”
Tôi sực tỉnh mộng, một cơn mơ kéo dài lê thê không biết bắt đầu từ đâu và do đâu mà kết thúc.
Tôi hỏi “Gì?” rồi cắn môi “Đau hả? Dĩ nhiên là…”
“Không, nhưng…” Anh lắc đầu nhè nhẹ “Mình hơi… ưm, đói. Không biết…”

Chữ “đói” vang lên như một tiếng chuông báo tử.
Tôi đứng lên, và thấy xây xẩm mặt mày. Có lẽ đã nhiều tiếng đồng hồ trôi qua từ lúc chúng tôi lọt vào địa đạo. Nước uống thì vẫn có, mặc dù chúng tôi đành phải uống chung một cốc với lũ dơi. Còn về thức ăn thì như tôi đã nói, như để trêu ngươi, tất cả đồ hộp Dmitri còn chừa lại trong “căn cứ” này đều đã quá đát cả. Ăn vào có lẽ đỡ đói đấy, nhưng sau khi hết đói rồi thì tai họa lại ập đến không biết chừng. Lúc này không có bác sĩ, không có thuốc men, chớ mà tìm cách giỡn mặt tử thần.

Bạn đọc đừng có tưởng tôi là kẻ lười biếng, chỉ ngồi đó than thở mà không tìm cách thoát ra. Không đâu, tôi đã lần mò đi khắp địa đạo như một người mù và sau đó thất vọng quay về cùng lời xác nhận của Dmitri “À… mình đã lấp cửa vào của địa đạo khi mình ra đi rồi…”

Thôi được, cứ chờ đấy. Biết đâu chẳng có một vụ nổ bom nữa, lại có người rớt xuống đây thì sao?

Nói tới chuyện bom đạn, chẳng biết trận chiến ác liệt diễn ra ngay trên đầu chúng tôi thế nào rồi nhỉ? Tôi không hề nghe thấy được tiếng súng, tuy nhiên lâu lâu mặt đất lại rung lên, và tưởng như hai thằng sắp sửa bị chôn sống tới nơi. Chà… quân Đức mạnh quá, Hồng quân mà không bị tiêu diệt sạch thì cũng bị bắt hết làm tù binh thôi. Tôi thầm nghĩ, thật ra chúng tôi lọt vào địa đạo này lại là may mắn: nếu ở lại trên mặt đất, đằng nào chúng tôi cũng chết, không vì hơi ngạt Đức thì cũng vì thòng lọng Liên Xô! (9)

Nhưng tự an ủi cũng chẳng làm dạ dày quên cơn đói. Âm thanh của bao tử càng lúc càng lớn, giờ nghe tựa như một bóng ma ốm đói đang rên xiết bên tai tôi những tiếng rột roạt như khúc cầu hồn ai oán. Tôi nhìn Dmitri ở trên giường, anh ta vẫn bình tĩnh, thỉnh thoảng lại nói những câu như: “Yuri, nên đi cạo râu thì hơn. Râu Yuri dài quá!”. Có lẽ kinh nghiệm lúc bị nạn đói tấn công đã làm anh không còn sợ chết đói nữa chăng? Nhưng đằng nào thì cũng chết cả thôi Dmitri yêu dấu ạ, rồi cả hai chúng ta sẽ bỏ xương tàn lại nơi này, một nơi thăm thẳm dưới lòng đất không ai biết đến sẽ thành cái mộ chung của hai chúng ta! Tôi nhìn Dmitri, mỉm cười. Không hiểu sao, anh không còn đáng ghét chút nào nữa. Thậm chí là đáng yêu. Tại sao tới bây giờ, tôi mới nhận ra nét dễ thương của anh? Giá như anh là con gái thì nãy giờ tôi đã chẳng thiết gì tới ăn uống nữa. Ái chà... chết chung với Dmitri kể ra cũng thú vị. Ít ra thì lúc sang thế giới bên kia, tôi khỏi phải đi một mình – sẽ có một anh bạn đồng hành tưng tửng đi theo, miệng lải nhải về râu ria đến nỗi tôi phát thèm râu mực xào! Và có phải chúng tôi đều sẽ gặp gỡ lại những người thân đã mất của mình không? Ồ, vậy ra chết có gì là ghê rợn và khó khăn như người ta đã nói đâu? Hay nó chỉ khó khăn khi ta còn vương những lưu luyến lại chốn nhân gian này? Có lẽ, bây giờ tôi đã sẵn sàng đối diện với cái chết. Nào, tử thần đâu, có giỏi thì đến đây đi, ta chẳng còn gì để sợ cái lưỡi hái đỏ rực màu máu của ngươi…

...
Từ xa vọng lại tiếng bước chân, cắt ngang dòng suy tưởng lan man đen tối của tôi. Cả hai chúng tôi đều giật mình. Dmitri cắn môi “Yuri còn vũ khí gì để tự vệ không?”
Tôi lắc đầu “Khẩu bazooka của đồng chí và cây súng trường của tôi đều ở trên mặt đất rồi. Nếu muốn nói tự vệ, chắc tôi phải dùng tay không thôi. Còn đồng chí thì tìm chỗ mà trốn đi, đồng chí không có sức đánh đấm gì đâu.” Tôi nói cứng thế thôi, chứ với sức tàn của chúng tôi bây giờ, còn sống được cầm hơi đã mừng, tự vệ chỉ là một thứ xa xỉ phẩm mà tem phiếu (10) không bao giờ in!

Dmitri nhăn trán, ra chiều nghĩ ngợi. Tiếng bước chân càng lúc càng lớn, nhưng không dồn dập mà theo một nhịp đều đều. Nghĩa là chỉ có một người đang đi về phía chúng tôi. Có lẽ chúng tôi hoàn toàn có thể khống chế hắn ta nếu tạo được yếu tố bất ngờ. Tôi vội vàng nép qua một bên của cái giống như cửa vào của căn phòng. Khi kẻ thứ ba bước vào, tôi nhanh chóng tung một cú đá vào tay hắn, khiến hắn làm rớt khẩu súng, y chang cái kiểu của Dmitri, rồi bẻ quặt hai cánh tay của hắn ra đằng sau.

Bị tấn công bất ngờ, hắn ta chỉ biết có chống cự yếu ớt, mà lại nói bằng tiếng Đức:
“Weiter geht's von mir, du… du Sowjetischen!” (11)
Nhưng Dmitri trên giường nhỏm dậy, và chạy vội đến chỗ kẻ tù binh của tôi.
“Alfred? Có phải là Alfred đó không?”
Hắn dường như cũng nhận ra Dmitri:
“Đại úy Stoyanovich của Sư Đoàn 306 phải không ạ? Đúng là Đại úy rồi! Vậy mà em tưởng Đại úy đã bị bọn du kích Liên Xô bắn chết rồi chứ! Đại úy đang làm gì ở đây ạ, có phải Đại úy đang bị tên Xô Viết này giam giữ không?”
Dmitri ra hiệu bảo tôi thả hắn ta ra, rồi gõ lên đầu hắn một cách thân mật.
“Giam giữ cái gì chứ! Chú không thấy ta hoàn toàn tự do, tay chân không bị trói, miệng không bị nhét giẻ lau à?”

Anh chàng được gọi là Alfred mở to mắt nhìn Dmitri, xong quay sang nhìn tôi, rồi đảo mắt khắp căn phòng, rồi lại nhìn hai đứa tôi, mồm há hốc, chắc hắn lại nghĩ lung tung. Trông hắn ta còn rất trẻ, có lẽ chỉ độ mười tám tuổi. Trong bộ quân phục Đức, dáng vẻ “trói gà không chặt” và gương mặt cạo râu nhẵn nhụi, trông hắn ta giống lính kiểng hơn là lính chiến. Chắc quân Đức cũng đã đến lúc thiếu người rồi nên mới bắt con mèo con này đi thám hiểm.

“Vậy… Đại úy với tên Xô Viết này đang làm gì ở đây ạ? Nếu Đại úy không phải là tù binh của hắn, thì chắc hắn…”
Dmitri nhéo tai Alfred, hắn kêu oai oái. Rõ ràng hắn không phải lính chiến rồi, lính chiến thì làm quái gì thấy đau được với mấy trò muỗi này cơ chứ.
“Không gọi anh ấy bằng ‘tên Xô Viết’ này ‘tên Xô Viết’ nọ, nghe chưa? Và cũng đừng có gọi ta bằng ‘Đại úy’ nữa!”
Alfred bắt đầu chú ý đến bộ quân phục mà Dmitri mặc, hắn lẩm bẩm:
“Búa liềm… lẽ nào…?”

Dmitri nhặt khẩu súng, mắt long lên, nói giọng hung hăng: “Dù gì ta cũng là người Liên Xô! Alfred, giờ hãy nói cho ta biết những điều ta cần biết, không ta sẽ bắn bể cái bộ óc ấu trĩ của chú ra! Và ta đang cầm súng, vậy chú nên biết là ta không đùa với chú như hồi mình ở Berlin đâu!”

Tôi không thốt lên được lời nào, phần vì họ dùng tiếng Đức nên tôi phải loay hoay lắm mới hiểu được, phần vì thấy Dmitri lần đầu tỏ vẻ “oai vệ”. Trông anh ta giơ khẩu súng trường mới buồn cười làm sao, và tôi khẽ ra hiệu “Cầm súng ngược rồi cha!”

Dmitri vội vàng xốc lại khẩu súng.
“Nghe ta hỏi: Làm cách nào chú xuống được đây?”
Alfred nói líu ríu trong họng, và được Dmitri dịch lại rằng hắn được cấp trên giao đi “thám thính” cái hố bom này.
Dmitri tiếp tục: “Bây giờ ta muốn thế này: Chú giao hết cho bọn ta tất cả những thứ chú đang đem theo, ngược lại bọn ta sẽ tha mạng cho chú. Đồng ý chứ? Không đồng ý cũng không được, vì chú sẽ bể sọ ngay, và mọi thứ trên người chú đều là của ta! Kể cả thịt của chú nữa, đương nhiên. Ta đang đói lắm đây.”
Alfred run rẩy, có lẽ vì hắn tưởng Dmitri thật sự có gan giết hắn, hay có lẽ vì hắn biết rõ tính ham ăn của Dmitri: “Xin Đại úy tha cho em… thực ra, em đang định đào ngũ…”

Trong mắt Dmitri hiện lên nét nghi hoặc, trán anh nhíu lại, đôi chân mày anh biến thành chữ V rõ to.
“Tại sao chú lại muốn đào ngũ? Đào ngũ rồi chú định trốn đi đâu?”
Alfred cố nói cho rõ ràng, rành mạch, hy vọng làm cảm động được trái tim của người cựu sỹ quan điên khùng:
“Dạ… quân ta… ý em là quân Đức… đã chiến thắng và bắt hơn sáu trăm ngàn tù binh Xô Viết… rồi họ giết, bắt lao động khổ sai không biết bao nhiêu người… Em thấy tàn ác quá, và tự hỏi đến khi Đức thất trận thì quân Xô Viết sẽ đối xử với em thế nào. Nên em đã xung phong đi thám thính địa đạo này để còn tìm đường trốn, sau khi trộm một ít tiền bạc, lương thực…”
Mắt Dmitri sáng như hai ngọn đèn pha.
“Lương thực?”
Rồi anh mất bình tĩnh thật sự “Đưa cho ta ngay!”

Dmitri và tôi đang ở trên một chiếc xe lừa kéo – chắc đã từng dùng để chở rơm – rời khỏi thành phố Kiev hoang tàn đổ nát, hướng thẳng về phía sân ga Donetsk, để rồi sau đó sẽ đáp tàu lửa đi Moskva. Lạ lùng thay, Dmitri không hề tỏ vẻ xúc động gì trước cảnh tượng thê lương mình vừa bỏ lại sau lưng. Anh vẫn mỉm cười, mắt anh ráo hoảnh, nhìn thẳng về phía trước một cách rỗng không. Thật là khó hiểu: anh đã đòi sống đòi chết ở lại đây để chiến đấu, và bây giờ khi thành phố thất thủ, anh ta bỏ trốn mà không nhỏ một giọt nước mắt xót thương. Con người này thật ra đang nghĩ gì vậy?

“Yuri”, anh đột ngột nói, “Yuri nói là Yuri có một người bác giàu có ở Moskva phải không? Nhưng trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tài sản mọi người đều bị quốc hữu hóa hết mà?”
“Bác ấy là chính trị gia,” tôi đáp “cũng có chút vai trò trong bộ máy chính quyền trung ương, nên ‘tài sản’ ấy thực ra là của nhà nước. Chắc chắn bác ấy sẽ mở rộng vòng tay đón chúng ta, đồng chí cứ yên tâm.”
Anh lắc đầu.
“Bác ấy sẽ mở rộng vòng tay đón Yuri mà thôi, mình đâu là cái gì của bác ấy chứ?”
Tôi ôm vai anh, cố trấn an:
“Rồi sẽ ổn cả mà. Bác ấy thương tôi lắm, chắc không phiền đâu nếu tôi muốn cho một người bạn ở chung. Vả lại, tụi mình sẽ tự kiếm ăn được mà, đâu có cần phải nhờ vả…”
“Chắc không Yuri, chắc không? Từ năm mười bốn tuổi đến giờ, mình lớn lên trong quân đội – không phải quân chiến đấu chính quy đấy, gián điệp mà, nhưng mình cũng chỉ được đào tạo về quân sự thôi. Bây giờ về Moskva, mình sẽ làm cái gì mà sống?”
“Ừ thì…” Tôi nhíu mày. Quả thật, anh ấy nói đúng. Không lẽ đành phải ăn bám bác tôi sao? Đó là chưa kể bác tôi có đồng ý hay là không.
“Như Yuri nói rồi đó, mình còn phải bảo vệ Liên Bang Xô Viết dài dài, để cái ngày mà đất mẹ Kiev thoát khỏi nanh vuốt của người Đức đến gần hơn. Cho nên,” anh tiếp tục, “một khi chúng ta về đến Moskva rồi, Yuri sẽ đến chỗ bác, còn mình đăng ký gia nhập lực lượng Hồng quân ở đó – quân Đức chắc chắn đang bị Moskva hút như nam châm hút sắt vụn.
Tôi ngạc nhiên “Sao? Không, không có chuyện đó đâu! Stoyanovich đừng lo, rồi bác tôi sẽ…”
Dmitri nói một cách cay đắng:
“Sẽ ném tôi ra ngoài đường, bởi vì tôi là một thằng không cha không mẹ, không rõ nguồn gốc, nếu có cần rõ thì nguồn gốc là đến từ tay Fuhrer của Đức Quốc Xã! Đâu có ai vì yêu thương tôi mà muốn giữ tôi lại chứ? Họ chỉ giữ tôi lại vì tôi còn có ích cho họ! Tôi không hề có giá trị gì cho bác của anh, vậy ông ta giữ tôi để làm gì? Nếu là tôi, tôi sẽ chẳng dại gì giữ lại một tên lưu manh không rõ thân thế, nhất là giữa thời buổi rối ren như vầy. Tốt hơn, anh nên để tôi yên, để tôi ra tiền tuyến chiến đấu và để tôi chết một cách nhanh chóng mà có ích!”

Tôi tát Dmitri một cái rõ mạnh, mặt anh hằn dấu năm ngón tay đỏ rực.
“Đồng chí nói không có ai thương yêu đồng chí nữa à?”

Mắt Dmitri long lên “Có ai ngoài những người đã bị bọn chó Xô Viết đưa xuống địa ngục rồi?”

Tôi chồm về phía anh đến nỗi mũi chúng tôi suýt đụng nhau: “Tôi!”

Nét mặt Dmitri thay đổi rất nhanh. Mắt anh mở to ra một cách xúc động, rồi lập tức dịu lại, khẽ thụt lùi một chút, và và quay mặt đi như thể muốn che giấu cảm xúc của mình.
“Mình xin lỗi. Mình lỡ lời rồi. Nhưng mình đã nói, và mình nói tức là mình đã quyết. Chúng ta phải chia tay nhau ở đây thôi.”
Anh ôm tôi một cái thật chặt, rồi nhảy khỏi xe như một con sóc. Tôi vội vàng níu anh lại, nhưng anh đã biến mất vào màn đêm thăm thẳm.

Moskva đã ở trước mặt. Tôi ngoái lại nhìn ngôi sao Bắc Cực đang tỏa sáng, trong tim tôi vẫn còn vang vọng những lời cuối cùng của anh: “Ừ, mình cũng thương Yuri lắm! Giá mà…”

-----------------------------------------
(8) Thường gọi tắt là đảng Quốc Xã, hay gọi chung chung là phát xít Đức.
(9) Đức sử dụng hơi ngạt để hành hình hàng loạt, thường sử dụng trong trại tập trung hoặc với tù binh. Còn Liên Xô lúc bấy giờ kém hiện đại hơn, hành hình bằng cách treo cổ. Ý nói nếu sống sót trở về thì cũng sẽ bị Stalin trừng trị vì đã không giữ được Ukraina.
(10) Trong nền kinh tế bao cấp, sản phẩm bị hạn chế trao đổi bằng tiền mặt mà được chính quyền phân phát thông qua các tem phiếu, có giá trị như một loại tiền chỉ dùng để đổi một loại sản phẩm nhất định.
(11) Tiếng Đức: "Buông ta ra, đồ... đồ Xô Viết!"
(12) Ở Đông Âu, tiếng Đức là ngoại ngữ phổ biến thứ hai sau tiếng Nga.

Loading disqus...