Dòng đời

DÒNG ĐỜI

Sáng tác:Mr Ben – Trần Nguyên Kiệt

-       “ Má cho con đi chơi nha…”

-       “ ừ..đi đi, nhớ về sớm ăn cơm nghe chưa…không là tao cho heo ăn à,…”  biết là không thể cản chân thằng con ngỗ nghịch, nên bà Sáu chỉ còn biết gật đầu đồng ý cho nó đi chơi, kể cũng tội, nhà chỉ có một mình, không anh không em, bắt nó ở nhà mãi cũng không được, biết tính nó thế thôi chứ hiền lành và ngoan ngoãn lắm.

-       “ Dạ, cám ơn má…”

Ra khỏi nhà rồi nó mới cảm thấy thoải mái, chiều quê thật êm ả, cả không gian như được nhuộm đỏ bởi ánh nắng cuối trời đang vẽ từng vệt và dần chuyển sang màu đen thẫm, khi đằng Tây, những áng mây đang loang ra nhạt dần và xa tít, tắt lịm mọi thứ từng chút một báo hiệu ngày sắp tàn… gió cũng bắt đầu góp phần làm cho cảnh hoàng hôn thêm lung linh, huyền ảo, tiếng lao xao rì rào cuốn những tán cây va đập vào nhau và miết vào không trung từng hồi như than thở. Đám tre cuối làng cũng đang hắt những cái bóng yếu ớt chồng lên nhau không rõ hình dạng, cùng những âm thanh quen thuộc rất đặc trưng của ếch nhái vọng lên từ những cánh đồng, mà khi nghe hoài thì chẳng còn chút ấn tượng nào nữa, thêm vào đó là tiếng vo ve khi muỗi cũng đã bắt đầu hoành hành.

Nó chạy thật nhanh lên ngọn đồi cỏ, ngọn đồi không cao lắm, nhưng cũng đủ để quan sát những gì đang xảy ra dưới làng, điều đặc biệt là ở dưới kia thì sẽ chẳng thấy được gì trên ấy… nó mới chợt thoáng thấy lạnh, gió thổi mãnh liệt hơn và cũng một phần ở trên cao nên có lẽ vì thế mà lạnh hơn bình thường.

-       “ Đợi em lâu chưa? “

-       “ Lâu lắc…”

-       “ Phải xin má mới được đi chơi chứ bộ.”

-       “Trên này lạnh quá …” nó bất giác choàng tay ôm lấy chính mình…

-       “ Ừ lạnh thật, buổi chiều thật đẹp, anh ước gì chỉ có buổi chiều thôi…”  Nam trầm ngâm.

-       “ Anh Nam nè…mai mốt lớn lên anh thích làm gì…” nó chợt quay qua hỏi,

-       “ Anh hả, ừ..ừm.m, bác sĩ tài ba, còn em…? “ Nam hỏi lại..

-       “Em không biết…”

Cả hai đứa trẻ nằm xuống ngọn đồi cỏ và nhìn lên trời, chẳng ai nói với ai một lời nào nữa…dường như những ước muốn ấy đang làm chúng phải bận tâm điều gì đó…trời đã bắt đầu tối xuống, những ngôi sao sáng đang từng cái một lấp lánh trên bầu trời đen kịt.

-       “ chat…chat…ui da…”

-        “ Muỗi nhiều quá, mình về thôi Duy.”

Thế rồi hai đứa trẻ lại nắm tay nhau đi xuống ngọn đồi cỏ thân thuộc…

 

 

Vẫn là một buổi chiều hoàng hôn tím ngắt, gió cứ thổi lồng lộng trên ngọn đồi cỏ xanh mướt, mái tóc hai đứa trẻ phất phới trong gió rồi vàng óng dưới ánh trăng và in hằn rõ nét xuống nền cỏ đang chuyển sang màu đen…

-       “ Anh thích không?”

Nó nhẹ nhàng đưa cho Nam con cào cào trên tay.

-       “ ừ, thích, đẹp thiệt, chắc là làm khó lắm?”

-       “ Cho đó.”

-       “ Thiệt không, có đòi lại không?”

-       “ Không  ”

Những tháng ngày như thế cứ trôi qua một cách êm đềm, giữa hai đứa trẻ có một thứ gì đó hình thành và đang ngày một lớn lên. Phải chăng là một tình bạn đơn thuần giữa hai tâm hồn ngây thơ, trong sáng, hay là có một thứ gì đó lớn hơn, và vượt qua tầm hiểu biết của chúng.

 

 

-       “ A…hai con diều, đẹp quá, anh làm hả…”

-       “ Ừ, anh tự tay làm, khi nào rảnh sẽ dạy em làm.”

-       “ Thả làm sao?”

-       “ Nhìn nè…”

Cả hai đứa trẻ cứ thế quấn quýt cùng hai con diều giấy, có những thứ bình dị nhưng nó lại làm ta ấm lòng và hạnh phúc, dù không đẹp như những thứ xa xỉ ngoài cửa hàng, nhưng nó là tất cả những gì thật nhất, những gì xuất phát từ trái tim, từ sự chia sẻ mà hai đứa trẻ dành cho nhau, còn quý giá hơn gấp vạn lần những thứ mà tiền bạc có thể mua được.

 

 

-       “ Cứu với.. cứu… cứu…”

Khi gần như chỉ còn lại tiếng ú ớ không rõ lời, rồi sắp tắt hẳn giữa trưa hè oi bức, Nam cởi phăng cái áo sơ mi mà cậu chưa kịp về đến nhà để thay và nhảy xuống nước, làn nước ở khúc giữa con suối nhỏ chảy siết như muốn cuốn trôi tất cả những gì đi ngang qua nó. Nam chỉ còn biết lấy hết sức mà cố gắng khuấy động và vùng vẫy thật mạnh.

-       “ Là em hả Duy?” Nam hỏi khi thở một cách nặng nhọc

-       “ D…Dạ…” cuối cùng thì cậu bé đã tỉnh lại, trên miệng vẫn còn bê bết nước vừa nôn hết ra lúc nãy.

-       “ Sao đi học không về nhà, mà lại ra đây?  “ Nam bực tức.

-       “ Em …em…”  Duy chưa từng nhìn thấy ánh mắt của Nam giận dữ như thế, nó cảm thấy sợ, dù không chắc cái nỗi sợ hãi tồn tại trong nó bắt đầu từ đâu, là vì nó vừa mới thoát chết trong gang tấc hay điều gì khác, chỉ biết là khi nhìn vào ánh mắt kia, nó đã run lên và tái đi rất nhiều…

-       “ Sao lại ở đây? “  Nam hét lên

-       “ Em ..em tập bơi.”  Nó đáp nhát gừng

-       “ Người ta nói cho chuồn chuồn cắn vào rốn thì sẽ biết bơi, nên em thử, em…em cũng không biết nữa, em…”

-       “ Đồ ngu, Sao không nói anh tập cho bơi, làm gì có cái chuyện đó chứ hả…em có biết nếu anh mà không vô tình đi ngang qua thì em đã chết rồi không.”

-       “ Kệ em…anh đâu có phải xấu hổ như em, tụi bạn gặp là chọc em không biết bơi, dân quê mà không biết bơi. Anh đâu có biết em thèm lắm cái cảm giác được một lần bơi lội tung tăng dưới suối, được chơi đùa giống như tụi bạn. Mỗi lần thấy tụi nó đùa giỡn, chơi năm mười dưới nước, em chỉ biết đứng đằng xa mà thèm khát. Cám ơn anh cứu em, em về…”

Nam chỉ biết lặng đi rồi nhìn vào khoảng trời vô định, Nó nắm lấy cái cặp đang nằm trên một tảng đá lớn cách đó không xa và chạy thật nhanh, nó biết chứ, nó sai, sai ngay từ khi chạm bước chân đầu tiên xuống mặt nước lạnh ngắt, sai khi đã quên mất Nam là người bạn thân nhất với nó có thể giúp nó biết bơi, sai khi để lòng tự ái của mình vượt qua khỏi lý trí để rồi chỉ một phút nữa thôi, nó đã rời xa cuộc đời này vĩnh viễn. Từng giọt nước mắt nó cứ thế lăn dài trên hai gò má, hắt ngược về phía sau, rồi khuất đi trong cái màu xanh thẫm của những rặng tre cuối làng.

 

 

-       “ Má, con học mới về ”, nó đặt vội chiếc cặp xuống cái phản gỗ ngay cửa sổ rồi chạy thẳng ra sau nhà, dội từng gáo nước mát lạnh lên mái tóc đã rối bù.

Bà Sáu đang ngồi trên cái võng giăng ngang qua hai cây xà yếu ớt, thỉnh thoảng lại đẩy nhẹ chân vài cái khiến nó kêu lên từng tiếng cọt kẹt. Bà tỉ mỉ thêu từng đường chỉ nhỏ vào cái khăn tay đã được vẽ sẵn hình hai con phượng đang uốn mình trên những đám mây xanh biếc, cái công việc mưu sinh đã trở nên quá quen thuộc với bà.

-       Bay về rồi đó hả , coi rửa mặt, ăn cơm rồi chạy qua nhà thằng Nam đi, sáng má mới qua đó rồi, thiệt, má thấy thương thằng Nam hết sức “

Nó đang chà đôi dép mới mua đầu năm học, cũng không chú ý lắm lời bà Sáu, nó nói vọng lên:

-       “ Nhà anh Nam sao vậy má, sáng giờ con đâu có gặp ảnh “.

-       “ Má nó mới trúng gió mất hồi hôm, tội nghiệp, nhìn thằng nhỏ mà má cầm lòng không đặng. “ Bà Sáu nói như thì thầm

Nó nghe thấy thế liền bỏ ngang đôi dép đang chà dở dang, chạy vội lên nhà rồi mất dần khỏi tầm mắt của bà Sáu, khi bà chỉ còn biết nhìn theo lắc đầu rồi chắc lưỡi mà tự nói gì đó với chính mình.

Nó vừa chạy vừa thở dốc, dựa vào gốc cây xoài đang sum xuê trĩu quả rồi đăm đăm về hướng ngôi nhà đang người ra người vào lặng lẽ, chỉ còn cách đó chừng dăm mét, nhưng nó không nhấc nổi bước chân nào nữa, người nó lạnh đi và không còn đủ can đảm để đi về phía trước, má Nam cũng như bà Sáu vậy, thương nó như con, nó nhớ chứ, mỗi lần qua chơi, là bà lại gọt cho nó một dĩa xoài dằm với chén mắm đường cay xè, rồi những chén chè đậu xanh do chính tay bà làm để đãi nó, rồi những bữa cơm đạm bạc bà dọn ra cho nó với Nam cùng ăn, chỉ một dĩa rau muống luộc với hai, ba con cá rô kho tộ. Ở cái làng này, đâu có nhà nào giàu sang gì cho cam, chỉ thế thôi nó cũng thấy quá đủ rồi.

Nó vô thức lấy tay quẹt đi những dòng nước mắt đã tuôn ra khi nào không biết nữa, hít lấy một hơi thở dài rồi nó từ từ bước về trước. Ngôi nhà gỗ cũ kỹ đã bung ra mấy miếng ván bên hông, giờ đây như chật chội hơn, ai nấy đều im lặng như sợ nói ra một lời nào thì sẽ nổ tung mất, chỉ lâu lâu lại có vài tiếng của ông Hai trưởng làng nói với mấy người hàng xóm, đại loại như: “ mấy bà coi rồi nấu giùm tui nồi cơm đãi khách”, hay là “ để tui về lấy thêm mấy cái ghế nữa”, rồi thì tiếng ừ ừ, dạ dạ cho qua chuyện.

Nãy giờ nó đang đứng bên mép cửa đã được tháo cái bản lề cho bung ra rộng hơn mà trông vào, nó biết bây giờ nó có hỏi ai điều gì cũng chẳng ai rảnh mà trả lời, đảo mắt một lượt khắp gian nhà rồi dừng lại ở cái góc mà nó với Nam vẫn hay ngồi học nhóm, Nam học trên nó một lớp nên nó hay mang sách vở qua học chung. Vẫn cái dáng đứng ấy, vẫn nét mặt ấy, nhưng hiện lên rõ sự mệt mỏi và buồn bã. Nó nhớ tới câu chuyện má nó kể, cái hồi mà nó còn quá nhỏ để hiểu chuyện, trong một đêm mưa tầm tã, xuất hiện người phụ nữ và một đứa con, cả hai đã ướt như chuột, với cái giỏ hành lý được cầm trên tay bà mẹ, còn tay kia thì bồng đứa con của mình, bà cũng đứng nép vào mép cửa y như nó bây giờ, đôi mắt ấy, đôi mắt mà giờ đây đang nhìn vào xa xăm, mà đã bao giờ nó dám nhìn thẳng vào đâu, chỉ biết là rất buồn, rất mong manh, một đôi mắt với nhiều vẻ ưu tư, tâm sự, dễ dàng đi sâu vào tâm trí người khác, và cảm thông. Rồi đêm hôm đó, trong một căn nhà nhỏ có hai bà mẹ, cùng thức, cùng trông đứa con của mình ngủ ngon giấc, cùng kể cho nhau nghe những nỗi niềm dấu kín trong lòng mà không dễ gì bộc lộ khi chỉ mới quen biết nhau vài giờ đồng hồ trước. Vài ngày sau đó lại có một ngôi nhà nhỏ do chòm xóm cất lên cho hai mẹ con, vì tình yêu thương, vì sự đồng cảm, mà mọi người trong làng đều mong hai mẹ con sẽ có cuộc sống mới tốt hơn, vui vẻ, hạnh phúc hơn, nơi mà họ tin sẽ một phần nào đó giúp cho đôi mắt kia bớt đi những cái nhìn sâu thẳm, mà thẳng thắn nhìn vào thực tại. Chẳng có họ hàng thân thích, họa chăng có đi nữa thì cũng chỉ có người đang nằm trong cỗ quan tài kia biết rõ, hay là muốn dấu đi tất cả, những quá khứ bí ẩn là vui hay buồn, mà không một ai trong làng biết được kể từ khi người phụ nữ ấy đến, giờ đây tất cả đều sẽ ra đi và trôi vào quên lãng theo năm tháng, theo ánh mắt biết nói đang nhắm chặt không bao giờ mở ra một lần nào nữa. Để lại một đôi mắt cũng đẹp, cũng hút hồn nhưng giờ đây đang ngây dại đi vì nỗi buồn đang hiện hữu. Cả cuộc đời, chỉ có hai mẹ con thân thiết, chia vui sẻ buồn, chăm sóc lẫn nhau, thế mà một người đi bỏ một người ở lại, bỏ lại một số phận chẳng biết sẽ đi về đâu, sẽ trôi về phương nào…

Nó thôi không hồi tưởng nữa, nước mắt nó đã ngắn dài trên gương mặt, nhìn lại Nam, nó vẫn chỉ thấy một sự im lặng đáng sợ. Dường như cái nỗi đau buồn mà nó cảm nhận được chỉ là một phần nào đó của cái hụt hẫng và đau khổ tận sâu trong đôi mắt lấp lánh kia. Phải chăng chính sự im lặng ấy, mới thực sự đau đớn, mới thực sự đang chiêm nghiệm, thực sự rơi rớt xuống cái vực sâu nào đó mà không thể vọng lên trên một lời kêu cứu nào, hơn gấp trăm ngàn lần sự than khóc tỉ tê, chỉ khi những giọt nước mắt rớt ra được, mới làm con người ta thấy nhẹ nhàng, vơi bớt. Nhưng Nam đã không chọn cách đó, hoặc giả là không thể lựa chọn, cuộc đời đâu như ta mong muốn, đâu cho ta nhiều sự chọn lựa, chẳng thế thì có lẽ ai cũng đã hạnh phúc.

Suốt cái ngày ấy tới lúc an táng, nó cũng chẳng biết mình phải nói gì để an ủi bạn, chỉ đôi khi đến rồi vỗ vỗ vào đôi vai khắc khổ, rồi gật gật đầu vẻ cảm thông. Nó muốn lắm đến bên chia sẻ, nhưng thực sự nó không dám, nó sợ, sợ rằng những lời an ủi nó nói ra lúc này có làm giảm bớt đi phần nào nỗi đau buồn tang tóc, hay là lại như những mũi dao, làm rộng vết thương đang ứa máu.

Loading disqus...