Stories of love 1 - Chuyện tình hàng băng đĩa Trang 3

Từng ngày, từng ngày trôi qua một cách rất tốt đẹp. Có vẻ như có nhóc, cửa hàng của tôi đông khách hẳn lên, đặc biệt là phái nữ. Một điều khó hiểu là các cô gái ở đây, bao gồm cả nhân viên, ngày càng “ say “ Huy khi nó mặc bộ đồng phục của cửa hàng. Tôi chủ ý dùng tông đen, áo thun đen có logo cửa hàng và quần jean, thế thôi. Vậy mà mấy cô thì lại cực kì ngưỡng mộ. Trong khi tôi cũng mặc y chang nhóc mà chẳng ai thèm khen, hic.

Phải nói là nhóc rất thông minh và học nghề khá nhanh. Tôi chỉ cần chỉ cách thức làm việc chừng 2 ngày là Huy thuộc và làm rất hoàn hảo. Đặc biệt là càng làm nhóc càng trở thành một con người khác, bớt cáu kỉnh, chuyên tâm vào công việc hơn và có trách nhiệm hơn một chút, tuy vẫn nhiều lần quên việc hoặc thiếu sót này kia, nhưng thực sự tôi rất vui vì càng lúc nhóc càng khá dần.

Tuy nhiên có một cái tính cách khiến tôi vô cùng khó chịu ở nhóc mà chưa có dịp chỉnh đốn lại. Đó là thói khinh người của những tên nhà giàu. Điển hình như cách đây 2 ngày nhóc nhờ Lan, một cô gái ở bộ phận máy móc, tức là lo chăm sóc cái đám máy móc TV để khách vào thử đĩa ấy mà, mua cơm ăn tối. Khi Lan mua hộp cơm về đưa cho Huy và xui xẻo là cô ấy đã mua ngay hộp cơm có món gà kho mà nhóc không thích. Thế là nhóc nổi giận quăng ngay hộp cơm không thèm ăn nữa. Cũng may mà lúc đó Lan đã đi ra ngòai, chứ không tôi không biết phải xử lý sao cho hai người nữa. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của Huy như một cái ghim đâm vào lòng tôi khi tôi mở miệng la nhóc về thái độ đó.

- Em có tiền, em muốn làm gì kệ em.

Và tôi còn nhớ, tôi đã nói thế này.

- Vậy à? Nếu em cho rằng kẻ có tiền có thể làm được tất cả thì nhầm rồi. Tiền em đang xài là mồ hôi công sức của bố mẹ em, và như vậy có nghĩa là em đang xài chùa, đừng nói em-có-tiền khi nào chính tay em chưa làm ra được đồng nào. Anh không thích cái kiểu cư xử phải nói là láo lếu vừa nãy của em, ở đây em là nhỏ nhất. Anh yêu cầu em phải thay đổi và bỏ ngay cái thói ấy đi. Còn nếu em nhắm em không làm được, hoặc là không muốn làm, em có thể đi. Anh không cần tiền bồi thường hay cái gì của em nữa, vì nếu em còn tỏ cái thái độ đó thêm một lần, anh nghĩ anh sẽ phải đuổi em.

Phải, tôi đã đuổi nhóc một lần. Và nhóc đã quay lưng bỏ đi ngay, đi mà không chờ tôi chở như mọi ngày, đi thẳng.

Lúc đó tôi không cảm thấy gì về những lời mình nói, nhưng rồi sau đó, khi về nhà nằm gác chân lên giường tôi, tôi lại cảm thấy hơi tiếc. Giá như tôi nhẹ nhàng hơn một chút … giá như tôi kiên nhẫn hơn một chút … thì biết đâu nhóc đã không bỏ đi, mà lại còn hiểu được tâm ý muốn tốt cho nhóc của tôi. Nhưng muộn rồi, những lời nói lúc nóng giận đã không thể thay đổi được nữa, nhưng tôi không hối hận, tuyệt đối không hối hận vì những gì tôi đã nói … chỉ hơi buồn và tiếc mà thôi.

Hôm sau Huy nghỉ, tôi rất buồn. Có lẽ nhóc đã không hiểu được cảm nhận của tôi thật. Tôi cũng không trách nhóc vì nhóc mới chỉ học lớp 11, vẫn còn là một cậu bé chưa đủ tuổi trưởng thành. Nhưng tôi vẫn hy vọng, cả ngày tôi chăm chăm nhìn ra đường, mong chờ một bóng hình quen thuộc cho dù chỉ là thấp thoáng từ xa. Tôi nhớ quay quắt những câu nói xúc xiểm, những cái cau mày khó chịu, những hành động hơi hỗn xược khiến tôi phải la mắng liên tục. Cả đến giọng nói, nụ cười dành cho các cô gái và khách hàng, động tác xếp đĩa lên kệ hay những lúc ngồi tỉ mẩn dán giá của nhóc đã trở thành những hình ảnh quá thân thuộc trong tôi. Tôi say sưa tận hưởng chúng, thỏa mãn với chúng mà không hề ngờ đến một ngày chúng lại cùng con người ấy rời xa tôi. Như người ta vẫn thường nói “ khi một điều gì đó ở gần ta mà ta không biết quý trọng, nó sẽ biến mất để ta cảm thấy sự tiếc nuối muộn màng “, tôi không hiểu câu nói này, và bây giờ, tôi lại càng không hiểu. Rõ ràng khi Huy ở gần tôi, tôi đã cố hết sức mình để trân trọng nhóc, để yêu quý và nâng niu nhóc, đến nỗi thậm chí các cô nương trong tiệm phát ghen lên vì tôi thiên vị, vậy tại sao nhóc vẫn rời bỏ tôi??? Tôi không hiểu, thật sự không hiểu.

Tôi chờ cả ngày, rồi cả đêm, không một tia hy vọng nào lóe lên cả. Đây là lần thứ hai trong đời tôi có cảm giác đau khổ và nhớ một người quay quắt đến như vậy. Chỉ là một cậu bé, lại nhỏ hơn tôi đến 8 tuổi, vậy mà sao tôi vẫn … Tôi mệt mỏi quá! Cảm giác nhớ nhung và chờ đợi thật là đáng ghét, nó lôi sự tỉnh táo và lý trí của con người ta vứt đi mất tiêu. Mới có hơn một tháng … dù tôi không muốn, nhưng tôi phải tự thừa nhận tôi đã thích nhóc rồi, thích nhiều lắm … nhưng nhiều đến cái mức độ mà gọi là yêu có được chưa nhỉ!?

… 1 ngày …

… 2 ngày …

Và bây giờ tôi ngồi đây rên rỉ …

Có lẽ thực sự tôi không còn chút hy vọng nào nữa. Ừ đúng, không nên hy vọng, hy vọng nhiều thất vọng càng đau … ừ …

Bài Tình đơn phương của Nguyễn Phi Hùng dội vào tai giữa tiếng mưa tí tách khiến tôi càng lúc càng sầu não. Mùa hè rồi, mưa hòai, mưa ướt lướt thướt, lạnh lắm …

- Anh Tuấn ơi! Đang làm gì đấy?

- Anh đang tìm đĩa nhạc nào hay hay đổi bài khác, bài này buồn quá! Có gì không em?

- Anh có thư này.

- Ai gửi vậy?

- Không biết, có một mảnh giấy nhỏ xíu à, mà có ghi địa chỉ cửa hàng mình và tên anh.

Tôi chạy ra.

- Đâu, đưa coi.

“ Xin lỗi đã làm phiền, nhưng anh có thể đến đồn công an quận 3 được không? Em đã ở đây một đêm rồi, đói quá! “

Nét chữ này … Tôi móc trong túi áo ra mảnh giấy ghi những lời hứa của cậu, tôi luôn để nó gần trái tim mình. Quả đúng không sai, y chang.

- Lan, trông của hàng giùm anh!

Tôi hộc tốc lấy xe chạy ngay lên đó trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Trong đầu tôi lúc này chẳng còn gì nữa, chỉ còn mỗi hình bóng Huy mà thôi. Huy ơi, chờ anh nha em!

- Xin lỗi anh, tôi … là người thân của Thanh Huy. – tôi vừa thở vừa nói với anh công an trẻ tuổi.

- Thanh Huy? Có phải cái hội đua xe không? Anh đến đây bảo lãnh cho em ấy à? Trong này chỉ còn mình nó thôi đấy!

- À, uhm.

- Anh theo tôi. – anh công an dẫn tôi vào sâu bên trong và ở một cái phòng ghi là “ phòng tạm giam “, tôi thấy nhóc ngồi đó, trời ơi, ủ rũ, yếu ớt, xanh xao, hay là tại tôi lo quá nên quáng gà nhỉ. Nhưng thôi, chuyện quan trọng là giờ phải đưa nhóc ra đã.

- Đó có phải cậu bé anh nói không?

- Vâng.

Anh công an mở cửa đưa Huy ra. Nhóc không nhìn tôi, cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ đi theo tôi và anh công an ra ngoài làm thủ tục bảo lãnh.

Xong hết mọi việc, tôi định lấy xe đưa nhóc về thì mới lúng túng vì không biết xử lý chiếc SH của nhóc bằng cách nào bây giờ. Cuối cùng cũng nảy ra ý hay.

- Hay em đứng đây đi, anh lái xe về cửa hàng để tạm rồi ta đi ăn cái gì đó một chút nhé!

Huy không phản đối. Tôi liền xách xe nhóc đi ngay. Má ơi, phải nói là đi SH quả là sướng như phim, chạy êm ru … êm đến mức đi được nửa đường hết xăng hồi nào tôi cũng không biết, làm xém chút là tông cột điện rồi. Vì thế mà tôi quay lại muộn khiến cho nhóc phải chờ và lại ca cẩm nhăn nhó.

- Sao anh muộn thế?

- Tại xe em chứ không phải tại anh. Hết sạch xăng còn la gì nữa. Bộ em đua xe nhiều lắm hay sao vậy?

- Chạy từ đây xuống Vũng Tàu rồi chạy về, thế thôi.

Nghe nhóc nói một cách thản nhiên mà tôi sém sặc. Trời ơi, đi đường thành phố, chạy SH lượn qua lượn lại khác nào đem xăng đốt chơi, nói chuyện nghe shock quá.

- Vậy giờ anh đưa em đi ăn gì đó nhé, nói chuyện sau.

- Uhm.

Thú thật thì địa điểm ăn chơi ở Sài Gòn tôi không rành lắm, chủ yếu là do chị hoặc bạn bè dẫn đi mà thôi. Tôi thì kém nhất là nhớ đường vậy nên khúc theo tôi là ngon nhất và tôi cũng thông thạo nhất chỉ có quanh quẩn gần cửa hàng : Hồ Con Rùa.

Tôi kéo nhóc ra một quán cà phê nhỏ, nói nhỏ nhưng nó cũng khá rộng và dễ thương, chỉ mỗi tội so với mấy cái quán kia thì nó đúng là nhỏ thật. Nơi này là quán quen của tôi, bà chủ là một phụ nữ trung niên người Pháp vui tính nên sân vườn và vật dụng có hơi pha lẫn kiểu trang trí Tây Âu, nhưng rất thuần Việt. Bà rất sành về nấu nướng nên đồ ăn thức uống ở đây không thể không ngon.

Tôi chọn một bàn ở góc khuất, mát lạnh do tí hơi nước li ti từ chiếc quạt nhỏ thả xuống, nhưng lại có cảm giác rất ấm áp vì nó được đặt ở gần chiếc lò sưởi được làm giả theo kiểu cổ chưa bật. Trên bàn có một bình bông nhỏ và một cây nến rực sáng trong căn phòng hơi tối vì trời âm u, rất đẹp và lãng mạn. Tất cả đèn trong phòng đều là màu vàng, mang lại cảm giác khá ấm áp cho thực khách.

- Em ăn gì? – tôi hỏi và đưa cho Huy cuốn menu.

- Ăn gì cũng được, cả ngày hôm qua chưa ăn gì em đói quá!

- Uhm, em, cho anh một phần bít tết loại lớn và một ly cà phê đá. – tôi nói với cô phục vụ.

- Anh không ăn à? – nhóc hỏi.

- Không, anh không đói, tối anh ăn luôn.

Im lặng một chút, tôi quyết định lần này phải truy cho bằng được về gia cảnh của nhóc mới được.

- Này, hôm đó sau khi em đi là về lấy xe đi đua ngay đấy à?

- Phải.

- Hay nhỉ?! – tôi cau mày. – Em bị điên à? Làm thế vừa hại người vừa đem phiền phức về cho gia đình nữa chứ. Mà bố mẹ, anh chị em đâu? Sao không đến đón mà lại gọi anh?

- Đã nói rồi, anh không hiểu gì về gia đình em đâu. – nhóc bắt đầu nổi cáu.

- Em không nói lấy gì anh hiểu. - và tôi cũng bị lây.

- Anh ơi, thức ăn của anh đây ạ! – may quá, cô mới đổ một xô nước vào đống tro sắp bốc lửa đó cô gái, cám ơn nghen.

- Được rồi, em ăn đi, từ từ chúng ta nói chuyện.

Công lực của một kẻ bị bỏ đói quả là mạnh thật. Tôi còn chưa kịp uống xong nửa ly cà phê thì nhóc đã “ chơi trọn gói “ nguyên một miếng bít tết bự. Nhóc xoa bụng ra vẻ khoan khoái rồi hỏi tôi.

- Có thể bao em thêm ly trà đá được không?

Câu hỏi của nhóc làm tôi sém chút là phun hết đống cà phê đắng nghét đang ngậm trong miệng ra rồi. Hỏi gì mà mắc cười vậy, tôi bao được nhóc cả miếng bít tết bự vậy không lẽ kết lại chỉ có trà đá thôi sao?!

- Em muốn uống gì? Gọi thoải mái đi, bữa nay anh bao.

- XO được không?

- KHÔNG! Giỡn mặt hả?

- Có sao đâu, em uống thứ đó quen rồi, không say đâu mà anh sợ.

-... – tôi không trả lời nhưng nhìn mặt tôi chắc cũng đủ biết không cần hỏi thêm.

- … Vậy anh cho em ly Rhum chanh thôi.

Sau khi gọi cho Huy ly Rhum chanh, tôi đang định mở miệng quay lại câu chuyện thì Huy cúi đầu nói nhỏ nhưng tôi vẫn nghe được.

- Bữa ăn này, coi như em nợ anh. Khi nào lãnh tháng lương đầu tiên, em sẽ bao lại.

Không phải tôi nghe nhầm đấy chứ! Nhóc nói lãnh tháng lương đầu tiên … có nghĩa là làm tiếp … làm tiếp phải không? Tôi không mơ đấy chứ hả …?

- Hôm đó, sau khi nghe anh chửi trước mặt bao nhiêu khách trong quán, em rất quê … Nhưng sau khi đua xe về bị bắt và ngồi một mình trong phòng giam, em mới nghiệm ra anh nói rất đúng … Em muốn xin lỗi anh và, uhm, xin anh cho em quay lại làm, làm đến khi nào trả hết nợ.

- Được thôi, nghe em nói thế anh rất vui. Ít nhất em không thuộc dạng lì lợm như mấy đứa nhóc bình thường cỡ tuổi này, nhưng anh sẽ phải đem em về nói chuyện với bố mẹ em đấy, cho em đi chơi bời xả láng thế này là không được.

- Vô ích, khi bị bắt, em gọi điện về thì bố đã đi nhậu, mẹ đi Nha Trang, còn bà chị em thì đang đi chơi với anh Sơn tận ngoài Mũi Né. Bình thường thì anh Sơn cũng sẽ bảo lãnh em nhưng lần này thì không đâu, bà chị nói một tiếng là anh ấy quên em ngay.

- Sao kì vậy?

- Cái nhà đó không có em càng tốt.

- Ý em là sao?

….....................

- Chuyện khó nói lắm à?

- … Ngay từ nhỏ đã chẳng có ai quan tâm đến em. Bố mẹ em trọng người tài hơn, còn em thì chỉ là một thằng vô dụng. Chị em đó, bà ấy rất giỏi, bả là thiên tài piano, 12 năm học sinh xuất sắc, đoạt học hổng toàn phần đại học Cambridge, bây giờ đang làm cho Unilever, mức lương 3000$ một tháng đồng thời đang học để lấy bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh. Anh biết không, – Huy ngừng một chút – anh Sơn bồ chị ấy là nhân viên cùng công ty, làm bên bộ phận PR phòng marketing, là người đẹp trai nhất và giỏi nhất trong số những người theo đuôi bả. Còn em chỉ là một thằng quèn ngay từ nhỏ đã đau yếu suốt, học hành thì dở tệ, ai cần.

Má ơi, nghe nó nói mà đến tôi cũng phát thèm, bà chị nó đúng là “ siêu nhân “, nghe đến tiền lương của cổ mà … trời ơi, ứa gan. Nhưng mà … hiện giờ nó không phải là vấn đề cần quan tâm của tôi. Nhìn nhóc cứ cúi gục đầu xuống bàn, tôi cam đoan chắc là đang cắn răng “ chịu đựng cái gì đấy “. Chờ một chút tôi hỏi tiếp.

- Nếu em nói thế thì tại sao em không cố gắng lên cho bằng chị em?

- Em không thể làm được – Huy đập tay xuống bàn kêu lên uất ức, ngước nhìn tôi bằng cặp mắt đỏ hoe nhưng ráo hoảnh - em không thể làm được khi chị em ghét em.

- Chị em ghét em?

- Bố mẹ em giao hẳn em cho bà chị chăm sóc từ năm em lên một. Lúc mới đầu em nghĩ chị ấy thương em, nhưng rồi sau mấy lần nhập viện để chăm sóc lúc em bị ốm thì bả bỏ mặc em cho osin luôn. Em có biết đâu, bà osin già kể lại đấy chứ! Chỉ cần một tiếng nói của chị em, bố em sẵn sàng ném em ra đường ngay tức khắc dù em chẳng làm gì cả. Đã bị một lần rồi.

- Còn ba mẹ em thì sao? Không lý nào bỏ mặc em mà không nuôi, đã đẻ ra rồi mà.

- Ổng bả hả? – nhọc nhếch mép cười lộ vẻ khinh bỉ thấy rõ.- Anh biết em là gì của ổng bả không?

- Là con.

- Phải, là con, nhưng mà con không mong muốn đó.Là con ngoài dự kiến đó, anh hiểu không, hiểu không?

“ Con ngoài dự kiến “? Tức là làm chuyện “ gì đó “ quá đà rồi đẻ ra hả? Không thể nào!

Nhìn vẻ mặt không thể tin được của tôi, Huy bồi thêm.

- Ngay cả sữa mẹ em chỉ được bú có đúng hai lần kể từ lúc mới sinh ra. Em hỏi anh, làm thế nào em tồn tại trong căn nhà đó được hả? Hàng tháng ra quăng xuống trước mặt em hai triệu tự xài lấy, cấp dưới tặng chiếc SH mừng sinh nhật ông già, quăng cho em vì có Lexus chạy rồi, tiền xăng tự chi. Và bây giờ thì theo lời bà già chị em nói “ nó có việc làm rồi “ nên em bị cắt hẳn khoản chi tiêu hàng tháng luôn. Điện thoại là do anh Sơn tặng, món quà duy nhất trong đời em được tặng. Đó, gia cảnh em đó, gia đình em đó, anh hiểu hết chưa, còn muốn biết thêm gì không em nói luôn cho mà nghe.

- Bình tĩnh đi em!

- Bình tĩnh, bình tĩnh à?! Họ nuôi em đến lúc này chỉ vì họ đã lỡ đẻ ra em, và bổn phận của họ là phải nuôi con đến khi đủ mười tám tuổi. Sau đó sẽ thế nào? Sẽ vứt em ra đường như một con chó phải không?

Từng lời nói của Huy đều mang nặng một sự chua xót và khinh bỉ. Hơn 20 năm sống trên đời và có nhiều bạn, tôi chưa từng thấy đứa nào có hoàn cảnh giống như nhóc để mà chia sẻ hay an ủi, vả lại tôi cũng không giỏi lắm về mặt ấy nên cũng chẳng biết phải làm sao. Tôi nhìn kỹ Huy, nhưng nhóc không nhìn tôi, nhóc nhìn ra ngoài, tay khuấy khuấy ly nước đã tan hết đá. Ngoài trời vẫn mưa, và trong lòng nhóc … có lẽ cũng đang mưa.

- Đừng nói như vậy em.

- Bộ không đúng sao?

- Em đã từng kể cho ai nghe chuyện này chưa?

- Chưa, anh là người đầu tiên.

- Còn bạn bè em?

- Bạn à? Trong trường em chỉ chơi với đám trùm, tụi nó không cần và cũng không rảnh để nghe những chuyện như vậy.

- Vậy tại sao em kể anh nghe?

- Vì … anh là người đầu tiên nói tin em.

“ Tin “ … lúc nào nhỉ? … Có phải lúc mà tôi hỏi đùa Huy có cần làm giấy cam kết làm thuê không ấy hả? Ôi trời, chỉ là một lời nói đùa thôi mà. Tôi thì lúc nào chẳng tin người ta. Nhưng tôi khá bất ngờ vì nhóc có thể bộc bạch hết nỗi niềm với tôi chỉ vì một niềm tin nhỏ bé tôi đặt nơi nhóc. Như vậy càng chứng tỏ cuộc sống của nhóc từ trước đến giờ nó thê thảm thế nào. Tội nghiệp em quá, nhóc của tôi! Tôi giơ tay ra muốn ôm lấy Huy, nhưng tôi chùn tay lại và chỉ dám xoa nhẹ đầu nhóc rồi thôi. Tôi sợ … nếu tôi ôm lấy nhóc … mọi bức tường tôi cố dựng ra bao quanh cái bí mật của mình sẽ vỡ nát hết.

Mưa rơi tí tách.

Tiếng nhạc trong quán kéo dài từng âm điệu nhẹ nhàng nhưng buồn bã. Nhạc Trịnh là thế, luôn có một cái gì đó buồn buồn và tha thiết trong từng nốt nhạc hay câu chữ của bài. “ Chị tôi “, một tuyệt phẩm của Trịnh Công Sơn, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần, nay ngồi đây lại được nghe lại. Bài hát về hơi ấm người chị, về tình thương yêu của chị dành cho những đứa em, dành cho mẹ già, dành cho gia đình từ lúc tóc còn xanh đến khi qua đời, bỏ qua tất cả những mong ước thiếu nữ và nỗi khát khao có một tấm chồng. Bài này nghe một lần thì hay, nhưng nghe nhiều lần thì buồn lắm.

- Này, sao em không thử hàn gắn với bố mẹ em?

- Họ đối xử với em chẳng ra gì. Tại sao em lại cần cư xử tốt với họ chứ?

- Nhưng nghe em nói thì anh cảm thấy em rất muốn có tình thương của họ như bà chị em đúng không?

Câu hỏi ngược của tôi làm nhóc cứng họng.

- Chưa bao giờ em nói chuyện với họ được quá mười câu. – cậu thở dài.- Mỗi lần em tìm cách nói chuyện với bố hoặc mẹ thì bà chị em đều chen ngang vào. Bả luôn tìm cách phá.

- Sao em không thử cố gắng gần gũi họ một lần, biết đâu... Em biết sinh nhật bố mẹ không?

- Có ích gì không? Ông già mỗi lần sinh nhật nhân viên đến cả đống, lấy gì không biết.

- Còn mẹ?

- Không biết.

- Chị?

- Biết làm gì?

- Ầy, thôi em về tìm cho anh ngày sinh của mẹ với chị em đi, rồi anh sẽ giúp em. Cái gì thử được cứ thử đi.

- Nhưng …

- Không cãi. Thôi,bây giờ về làm việc được rồi đó, quá trưa rồi. – tôi chấm dứt câu chuyện nhanh chóng hết mức có thể để không bị ánh mắt của nhóc làm thay đổi ý định. Tôi sẽ giúp Huy, ít nhất là bằng tất cả những gì tôi có thể làm cho nhóc.

Quay về cửa hàng dưới cơn mưa phùn se lạnh, tôi cảm nhận được Huy đang nép vào người mình để tránh mưa. Mưa lạnh nhưng lòng tôi chợt ấm hẳn. Tôi ước mong giây phút này sẽ cô đọng lại, tôi muốn chúng tôi như thế này … mãi mãi …

Loading disqus...