Câu chuyện tháng 7

Câu chuyện tháng bảy.
________________________________________
Câu chuyện tháng 7

Author: Kiến.

Beta: Ang

Gener:truỵên, sa.

Ratting: 13+

Summary: Tháng bảy đã qua đi, nhưng đọng lại trong tôi bao nhiêu hồi ức. Nó không chỉ là quãng thời gian vượt cạn của tuổi học trò, nó còn là những câu chuyện đẹp.

Câu chuyện này dành tặng cho Mi-chan, Fu-chan và cho tất cả những ai sinh ra trong tháng bảy.

nguồn: http://vnsharing.net

________________________________---------------------------_________________________

Story 1: Xanh và vàng

Một mùa hè nữa lại đến trong cái ánh nắng chói chang và màu sắc rực rỡ của những phượng, điệp, bằng lăng.

Tôi không thích mùa hè, nói thẳng ra là tôi rất ghét mùa hè. Vì với người có thân nhiệt cao một cách bất thường như tôi thì mùa hè quả là ác mộng. Tôi thường trải qua khoảng thời gian màu đỏ ấy bằng cách trốn biệt trong nhà, giữa những vòng vây kiên cố của quạt, máy lạnh, nước đá và sinh tố. Sự trốn tránh một cách hưởng thụ đó đã khiến cho một thằng con trai mới lớn như tôi, đáng lẽ phải có nước da đen bóng vì cháy nắng hay cơ bắp vạm vỡ như những đứa bạn cùng trang lứa khác sau mỗi kỳ nghỉ, thì tôi lại lết thân đến trường với vẻ uể oải, mệt mỏi và làn da trắng xanh như ma cà rồng. Âu đó cũng là hệ quả của sự lười vận động.

Thế nhưng, con người ai cũng phải có một lần khác biệt. Năm nay tôi đã trải qua một mùa hè khó khăn nhất trong mười bảy năm sống trên đời. Bởi tôi phải chuẩn bị cho một cuộc vượt cạn để từ cá chép có thể hoá thành rồng.

Tôi đi ôn thi đại học!

Sau rất nhiều cuộc họp gia đình, bỏ qua mọi sự lo lắng của đứa em sinh đôi khác trứng, tôi khăn gói sang Ninh Bình ở nhà bác để học ôn mĩ thuật. Lẽ thường, trong khoảng thời gian quan trọng như thế này, ai cũng chạy nước rút để cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho cuộc cạnh tranh lớn của cuộc đời, nhưng tôi với bản tính lười cố hữu vẫn có thời gian để thong thả, tung tăng và ngắm nghía mọi thứ bằng con mắt lãnh đạm lúc nào cũng có vẻ buồn ngủ. Nhờ thế mà tôi đã bắt gặp những câu chuyện mà không phải ai cũng có thể trải qua, hoặc có cơ hội nhưng đã bỏ qua.

Từ lớp học thêm về nhà bác, tôi phải đi qua nhà văn hoá của thành phố. Toà nhà này toạ lạc ngay trên con đường lớn, đối diện cầu Chà Là và chợ Rồng. Nó có một bậc thềm rất cao và rộng, vẫn thường được dùng làm sân khấu cho những cuộc biểu diễn ngoài trời. Bên cạnh là trung tâm nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, nơi cách vài tháng lại có một cuộc biểu diễn rối nước mà tôi rất thích nhưng chưa bao giờ đi xem. Phía trước, tiếp giáp với con đường là một khoảng sân rất rộng tráng xi măng láng bóng, vẫn thường hay dùng để mở hội chợ và tổ chức văn nghệ quảng cáo cho các hãng mạng di động lớn.

Chiều nào cũng thế, cứ đúng lúc nắng vừa tắt, bóng râm rải kín khắp mặt sân là tiếng nhạc lại xập xình vang lên tại đây cùng các hoạt động vui chơi giải trí. Cứ kết thúc ca học chiều là tôi lại phi xe vội vã về nhà, tắm rửa và tự giặt giũ quần áo nhanh hết mức có thể. Dưới nhà, cô cháu nhỏ của tôi đã đợi sẵn, thấy tôi là ngay lập tức đưa tay lên nũng nịu:

- Cậu ơi, đi chơi!

Tôi cúi xuống xốc cô bé lên cao, cười:

- Cháu thơm cậu một cái rồi cậu cho cháu đi phố.

Cô bé cười nhe hàm răng còn mọc chưa đủ ra, cúi xuống hôn tôi thật kêu vào má. Tôi bế cô bé ra cửa, chào bác, rồi đặt lên yên xe đạp, còn mình ngồi vào gacbaga phía sau, nhằm thẳng hướng nhà văn hoá mà tiến.

Khi chúng tôi ra đến nơi thì mọi người cũng đã tụ tập đông đủ rồi. Các sạp hàng nhỏ bày la liệt đồ chơi trẻ con trên mặt đất. Chiếc xe bán bóng bay nổi hẳn lên trong nắng chiều đỏ rực. Phụ huynh thường hay cho con mình chơi trò lái xe ô tô, tiếng cười khanh khách vang lên rộn rã.

Cô cháu nhỏ của tôi thì lại đặc biệt thích nhảy nhà phao. Ngôi nhà có cả cầu trượt vốn là một chiếc phao lớn đủ màu sắc được bơm phồng lên, bên cạnh đặt hai chiếc loa thùng phát ra những bản nhạc thiếu nhi rộn ràng. Trẻ con hay người lớn đều được, chỉ cần mua vé là có thể lên đó, nhún nhảy theo điệu nhạc và theo cả điệu rung của ngôi nhà, dù có ngã cũng không sợ bị đau.

Trong lúc chờ cô gái bé nhỏ của tôi chơi chán, tôi lại đưa mắt hướng về phía góc sân đối diện với mình- nơi có một màu áo xanh cô đơn đứng lặng thầm. Chiều nào cũng thế, khi tôi đi học về đã thấy cậu ta đứng ở đó rồi và cho đến lúc hai cậu cháu chơi chán trở về nhà, cậu ta cũng vẫn còn đứng đó, chỉ đơn giản là đứng đó mà thôi.

Cậu ta có lẽ bằng tuổi tôi và cũng đang học ôn mĩ thuật, vì tôi thấy trên giỏ chiếc xe đạp dựng cạnh có hộp màu vẽ và balet trắng. Hôm nào, cũng thấy cậu ta mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh lá cây nhạt hơi cũ, khiến cậu ta như lẫn vào cây bằng lăng rậm rạp phía sau. Hôm nay cũng thế. Nhưng chiếc áo hôm nay có vẻ rộng hơn làm cậu ta trông thật gầy guộc và nhỏ bé.

Cô gái bé nhỏ của tôi đã nhảy xong, chạy xuống cười tít mắt và đưa tay lên. Tôi cúi xuống bế bổng cô nhóc lên xe và lượn một vòng quanh sân, cố tình đến gần phía cậu ta. Nhờ thế tôi có thể quan sát kỹ càng hơn. Cậu ta có một khuôn mặt gầy và xương xương, làn da cũng trắng xanh hệt như da tôi, nét mặt phảng phất một nỗi buồn. Và đôi mắt sâu, ươn ướt thì đang hướng ánh nhìn chăm chú về một phía. Tôi nhìn theo đôi mắt ấy và bắt gặp một sắc áo vàng.

Trên bậc thềm của nhà văn hoá, nhóm học sinh của câu lạc bộ hiphop đang say sưa tập nhảy. Họ đa số là con trai với đủ mọi lứa tuổi, cậu nhóc nhỏ nhất có vẻ còn đang tiểu học, người lớn nhất có lẽ cũng ngoài hai mươi. Tuy tiếng nhạc còn vang lên nhưng tất cả đều đang ngồi rải rác ở những bậc thềm thấp hơn, hoặc men xung quanh sân khấu lớn. Có lẽ họ đã thấm mệt sau khi đã nhảy nhót cả tiếng đồng hồ và quyết định nghỉ ngơi. Chỉ duy nhất, giữa sân khấu người con trai áo vàng vẫn say sưa nhảy. Cậu ta mặc một chiếc quần ngố rộng, ống có dây xích lủng lẳng, chiếc áo rộng thùng thình và chùng, chân đi giày thể thao đế dày, tay đeo băng, đầu nhuộm đủ màu và tóc thì dựng ngược. Nhìn cậu ta, những người lớn khó tính chắc chắn sẽ quy kết ngay vào hạng ăn chơi trác táng ngay khi mới lần đầu gặp mặt.

Nhưng khi nhìn thấy những giọt mồ hôi và vẻ mặt đầy say mê của cậu ta, tôi lại thấy có cảm tình. Cậu tập đi tập lại cú nhảy lộn ngược đầu xuống dưới, tôi tuy chẳng biết gì về hiphop cũng biết đó là kỹ thuật rất khó. Không biết cậu ta ngã bao nhiêu lần, mặt đỏ gay bắt đầu chuyển sang màu tái, lưng áo ướt đầm đìa nhưng vẫn gượng đứng lên làm lại. Cái cách cậu ta tập luyện và biểu lộ sự quyết tâm khiến cho người ta cảm thấy say mê.

Tôi quay lại với người áo xanh. Cậu ta vẫn lặng lẽ ngắm nhìn con người kia đang mải mê nhảy, mải mê ngã. Tôi thấy có chút gì đó lấp lánh trong đôi mắt buồn rầu kia và trên đôi môi nhợt nhạt thoáng qua một nụ cười như gió. Cả hai con người đó, như đắm chìm vào một thế giới của riêng mình, mà không hề biết đến những gì xung quanh.

Rồi một cô gái trong nhóm hiphop, trông khá xinh xắn ra vỗ vai người áo vàng:

- Thôi đi mày, mày tập nữa là mai không dậy được nữa đâu. Cái gì cũng có mức độ thôi chứ. Ra uống nước đi.

Cậu trai áo vàng cười khì, phẩy tay đứng dậy sau cú ngã:

- Tại tập mãi không được nên tao ức!

Cô gái đưa cho cậu một chai nước lọc và lấy khăn lau mồ hôi cho cậu. Cậu lén đưa mắt về phía góc sân nơi cây bằng lăng già. Người con trai áo xanh đang quay xe, nét mặt trở lại với vẻ buồn bã bình thường, có vẻ như là giận dỗi và đạp xe đi thẳng. Mặc cho cô bạn đang nói huyên thuyên gì đó, áo vàng đứng nhìn theo bóng áo xanh khuất lẫn vào con đường nhộn nhịp, ánh mắt thoáng qua sự tiếc nuối.

Tôi đưa cô bé nghịch ngợm của mình về nhà mà trong tâm trí không ngừng suy nghĩ về hai ánh mắt kỳ lạ đó. Tự dưng trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả, tôi mong chiều mai mau đến để được gặp lại hai màu áo vàng, xanh quen thuộc kia.

Một tuần đã trôi qua. Tôi vẫn đưa cô cháu nhỏ đi chơi và tiếp tục niềm vui âm thầm của mình, là theo dõi câu chuyện giữa hai người con trai áo xanh và áo vàng. Ngày hôm nay, khi hội hiphop nghỉ giải lao, áo vàng cứ đứng bồn chồn không yên trên bậc thềm cao, chốc chốc lại đưa mắt về phía áo xanh. Cô gái tuần trước đứng cạnh nói thì thầm gì đó vào tai khiến mặt cậu đỏ lựng và một thoáng xa xầm lướt qua mặt áo xanh. Cô đẩy áo vàng về phía trước. Cậu chạy một mạch và đứng trước vẻ mặt đầy ngạc nhiên của áo xanh. Sự ngượng nghịu trôi qua giữa hai người. Tôi bật cười vu vơ khi thấy áo vàng đứng gãi đầu gãi tai, vẻ vô cùng lúng túng, cố nói cho áo xanh điều gì đó. Áo xanh từ ngạc nhiên, đến ngượng ngùng và cuối cùng cũng nở một nụ cười mê mẩn lòng người, khẽ gật đầu. Áo vàng hét to sung sướng và nhào lộn một vòng quanh sân trước tiếng cười của hội hiphop.

Họ đã có một sự khởi đầu.

Từ hôm đó, áo xanh không còn đứng một mình lặng lẽ nơi góc sân nữa mà chiếc xe của cậu được dựng ngay ngắn bên cạnh thềm, cậu thì ngồi góc sân khấu xem mọi người luyện tập. Cứ giải lao là mọi người lại ùn đẩy áo vàng vào ngồi cạnh cậu. Cả hai cùng cười rồi lại đỏ mặt trước sự trêu chọc của mọi người. Áo xanh đưa nước và khăn cho áo vàng lau mặt. Đột nhiên áo vàng chồm người lên trước sự ngạc nhiên của tất cả và của cả áo xanh, cậu vươn tay về phía trước và lau vệt màu dính trên má áo xanh. Hội hiphop lại có dịp cười vỡ bụng và hai mặt trời lại lơ lửng mọc lên giữa chiều tàn.

Lòng tôi cảm thấy một niềm vui nho nhỏ khi thấy vẻ buồn bã hoàn toàn biến mất khỏi gương mặt áo xanh mà thay vào đó là nụ cười hạnh phúc. Tần xuất gãi đầu gãi tai của áo vàng cũng tăng đáng kể, nhưng những bước nhảy của cậu ta càng lúc càng vững vàng và điêu luyện hơn. Người ta bảo sức mạnh của tình yêu vô địch là vì thế.

Lại một tuần nữa trôi qua. Đã ba ngày không thấy áo xanh đâu. Không chỉ riêng áo vàng mà cả hội hiphop và tôi cũng cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Áo vàng cứ ngã liên tục, cậu ta gần như không thể hoàn thành cú nhảy nào, dù là đơn giản nhất. Cuối cùng cậu ta bỏ sàn tập, ngồi xuống bậc thềm và cố gắng tìm kiếm một màu sắc quen thuộc nơi cuối con đường.

Áo xanh trở lại sau sáu ngày vắng bóng, trông thật gầy guộc và xơ xác. Áo vàng ngay lập tức lao đến, ôm chặt cậu tưởng chừng như xiết nát cơ thể nhỏ bé ấy trong vòng tay mình. Áo xanh vỗ về lưng áo vàng, miệng nở nụ cười đượm buồn. Tôi cảm thấy hình như ánh sáng đang dần vụt tắt.

Sự xuất hiện của áo xanh thưa thớt dần, tỉ lệ nghịch với sự cáu gắt và khó chịu của áo vàng với mọi người xung quanh. Mỗi lần áo xanh đến, trông cậu như gầy guộc và ốm yếu hơn nhưng hình như mọi người đều vì niềm vui được gặp cậu mà bỏ qua điều ấy, hay là vì cậu che giấu quá giỏi, chỉ có người chăm chú quan sát như tôi mới nhận ra. Cứ mỗi lần chia tay, cậu lại lưu luyến không muốn rời như thể sẽ không có lần sau gặp mặt.

Rồi sự sợ hãi của tôi đã trở thành sự thật, áo xanh đã không bao giờ trở lại.

Áo vàng bỏ hẳn công việc luyện tập, cậu chỉ ngồi đó nhìn ra con đường và chờ đợi mà thôi, nhưng đã ba tuần trôi qua kể từ lần gặp gỡ cuối cùng, tôi không thấy một sắc áo xanh nào trước nhà văn hoá nữa. Mọi người cố gắng an ủi áo vàng nhưng vô ích, chính họ cũng đang rất nhớ người con trai nhỏ nhắn kia. Áo vàng cứ ngồi đó chờ đợi, kể cả khi ánh nắng cuối cùng của ngày đã mất, mọi người trong hội dù nấn ná thế nào cũng đành bỏ cậu trở về nhà. Tôi đưa cô cháu nhỏ luôn miệng kêu đói của mình về nhà mà đầu cứ ngoảnh lại. Tôi sợ cứ ngồi đó, cậu ta sẽ hoá thành đá mất.

Tôi thả cô nhóc vào nhà rồi vội vàng quay đầu xe và trở lại nhà văn hoá. Đèn đường đã bật sáng, hắt xuống bậc thềm một cái bóng cô đơn. Tôi dựng xe và ngồi xuống cạnh áo vàng. Cậu ta thoáng giật mình ngẩng đầu lên, nhưng rồi bằng ánh mắt đầy thất vọng mà cúi xuống. Vai cậu ra rũ xuống, tóc xơ xác, trông không khác nào một con mèo lạc. Tôi thầm thì:

- Cậu tưởng tôi là một người khác sao?

- Tôi đang đợi một người! Cậu có mùi giống với người đó.- Cậu ta nói bằng chất giọng khào khào.

Tôi đưa tay áo lên ngửi, chẳng thấy mùi gì đặc biệt. Cậu ta nói tiếp:

- Là mùi màu vẽ và mùi cồn. Cậu cũng học mĩ thuật à?

- Ừ.- Tôi gật đầu.- Cậu định chờ đợi đến bao giờ, người áo xanh ấy?

Cậu ta lại ngẩng lên nhìn tôi bằng sự ngạc nhiên có cả niềm hy vọng:

- Cậu cũng biết cậu ta sao?

Tôi lặng lẽ lắc đầu trong sự đau đớn của đôi mắt người đối diện. Cậu ta nhìn ra ngoài con đường:

- Tôi sẽ chờ chừng nào có thể. Cậu ấy đã hứa là cậu ấy sẽ đến.

- Nếu cậu ta không đến thì sao?

- Tôi cũng không biết nữa. Lúc này, tôi chẳng muốn nghĩ điều gì cả.

Một khoảng lặng đáng sợ trôi qua giữa chúng tôi. Tôi không chịu được sự nặng nề, đành phải lên tiếng xoá đi không khí đó:

- Tại sao cậu không đi tìm?

- Tôi cũng muốn lắm nhưng tôi phải tìm sao đây khi tôi không biết cậu ấy là ai ngoài gương mặt, nụ cười và màu áo? Chúng tôi quen nhau nhưng thậm chí cậu ấy còn không cho tôi biết tên của mình. Tôi phải đi tìm sao đây giữa biển người mênh mông này?- Áo vàng nghẹn ngào.- Tôi biết cậu ấy đang gặp chuyện gì đó, nhưng tôi không dám hỏi. Sự liên kết mong manh của chúng tôi chỉ là tình cảm kỳ lạ kia, lúc nào cũng là cậu ấy đến với tôi, tôi sợ hỏi những điều cậu ấy không muốn nói, cậu ấy sẽ giận mà không bao giờ đến nữa. Và cuối cùng, cậu ấy cũng đã bỏ tôi thật rồi.

Tôi giận dữ đứng dậy và đấm mạnh vào mặt cậu ta. Nhìn cậu ta ngã sóng xoài ra đất mà mắng:

- Cậu là đồ hèn! Áo xanh không đến nữa cũng là phải thôi. Việc cậu làm được chỉ là ngồi đây than vãn thôi sao? Có lẽ cậu ta đang ở một nơi nào đó, không thể đến gặp cậu được và chờ cậu đến gặp mình thì sao?

Áo vàng cúi nằm yên dưới đất, không nói gì, nước mắt lặng lẽ rơi.

Tôi tiếc nuối trở về nhà sau khi nghe điện thoại của bác tôi, bỏ lại phía sau một con người vẫn mòn mỏi chờ đợi. Màu vàng đã không còn chói chang mà chỉ còn là một nỗi buồn trống vắng vô tận.

Bạn thầy tôi đến chơi, cũng là một giáo viên dạy mĩ thuật. Thầy tiếp bạn ngay trong lớp học. Qua cuộc nói chuyện của hai người, bạn thầy kể về một người học trò, chỉ mặc một màu áo xanh đã qua đời tuần trước vì ung thư, để lại một bức tranh dang dở chỉ có hai sắc vàng và xanh vẽ hai người con trai giữa một quảng trường rộng lớn.

Tôi ôm bức vẽ bằng tay trái, tay phải nắm chặt gi-đông xe và phóng như bay trên đường. Vứt xe đổ ngã giữa sân, tôi chạy vội vã lên bậc thềm và tìm người áo vàng trong bức vẽ. Trả lời những câu hỏi của tôi chỉ là những cái lắc đầu buồn bã. Áo vàng đã thôi không chờ đợi nữa, cậu cũng đã bỏ tập hiphop. Cậu đã đi tìm áo xanh. Tôi tự thấy mình thật ngốc nghếch. Tôi đã làm gì cơ chứ? Tôi đã bảo cậu ta đi tìm một người đã chết ư? Tôi ôm bức tranh, ngồi phịch xuống đất, thẫn thờ.

Từ đó, tôi thôi không đưa cháu gái của mình ra nhà văn hoá nữa. Trước hôm tôi về nhà để chuẩn bị đi thi đại học, tôi có ra đó lần cuối nhưng cậu ta vẫn chưa trở về.

Tôi ôm bức tranh về nhà treo lên tường. Mỗi lần nhìn hai sắc xanh và vàng hoà quyện với nhau trong bức vẽ, tôi lại thấy trái tim mình có một khoảng trống không thể nào bù đắp được.

End

Loading disqus...