” Vẫn biết yêu em là lỗi lầm, vẫn biết yêu em là thất vọng, vẫn biết yêu em là tìm không ra cho ta lối thoát…”
- A lô, anh nghe rồi, Danh Ngọc!
- Anh Đăng à, em nhớ anh quá!
- Anh…anh cũng nhớ Ngọc lắm. Anh buồn, buồn vô hạn.
- Em cũng vậy. Em biết phải làm sao đây anh?
- Ngọc à, sức khỏe của mẹ thế nào rồi?
- Mẹ em xuất viện rồi. Sức khỏe cũng đang tốt dần lên. Nhưng bố em thì..
- Bố em sao?
- Bố em càng lúc càng nghiêm nghị với em hơn. Trong ánh mắt ông cụ em nhận thấy không còn sự trìu mến thân thương như ngày nào nữa mà thay vào đó là một cái gì đó rất đáng sợ. Nhiều lúc ánh mắt ông cụ nhìn em như không phải đang nhìn đứa con ruột của mình mà cứ như nhìn một thứ gì đó đầy tởm lợm. Em…em đau lòng lắm anh ơi!
- Ngọc, anh xin lỗi! Tất cả là tại anh mà em vướng phải bi kịch đau lòng này. Là anh không tốt!
- Anh đừng nói vậy mà. Anh Đăng ơi, em nghĩ chuyện của chúng ta chắc chẳng có hi vọng gì đâu. Mới đầu nghe anh nói em còn tự tin chút chút nhưng bây giờ thì… Anh Đăng ơi, em phải làm sao bây giờ? Em không thể sống thiếu anh nhưng cũng không thể đến bên anh được. Em buồn, em nhớ anh, em đau lòng đến phát điên lên mất thôi. Nhiều lúc em muốn gọi cho anh để thỏa nỗi nhớ mong nhưng ngay cả niềm vui ấy cũng bị bố em cấm đoán. Em đang phải trốn ông cụ để gọi cho anh đây này. Cứ sống kiểu này chắc em gục ngã mất thôi. Thôi chết!
” Tút…tút…tút…! ”
- A lô, Ngọc à!
- Danh Ngọc, mày gọi điện cho ai thế?
- Dạ…đâu có! Đâu có ai đâu mà bố!
- Tao đã cấm mày bao nhiêu lần rồi, tuyệt đối không được liên lạc với thằng ôn dịch đó. Mày muốn làm tao tức chết phải không?
- Con…con xin lỗi bố! Nhưng bố ơi, con…
- Cấm! Tao cấm mày nói tiếp! Giờ thì đưa máy cho tao!
Không còn cách nào khác, Danh Ngọc đành phải run run đưa chiếc điện thoại cho ông cụ. Sắc mặt tối sầm giận dữ, ông nhấn nút gọi lại.
- A lô, Danh Ngọc à, sao tự nhiên lại tắt máy vậy em?
- Thằng biến thái! Tôi cấm cậu không được gọi cho con trai tôi nữa, cậu nghe rõ chưa? Cậu hãy để cho nó yên! Tôi nghiêm cấm cậu không được dụ dỗ con trai tôi dưới bất kì hình thức nào! Bằng không cậu không yên với tôi đâu!
- Bác ơi, cháu…
- Bộ bố mẹ cậu sinh cậu ra mà không biết dạy dỗ cậu hả, mà để cậu trở thành một thằng biến thái chuyên đi dụ dỗ con trai nhà lành như thế? Tôi cấm cậu! Tôi cấm cậu qua lại với con trai tôi nữa! Hiểu chưa?
- Bác ơi, cháu…
” Tút…tút…tút…! ”
- Bố ơi, sao bố lại cay nghiệt với anh ấy như vậy? Anh ấy đâu có tội gì đâu mà bố?
- Bộ nó đi dụ dỗ con trai tao không phải là tội hả? Không hiểu cha mẹ nó dạy dỗ nó kiểu gì mà để nó trở thành một thằng đốn mạt đến như vậy.
- Bố! Bố mắng con cũng được, bố mắng anh ấy cũng được nhưng bố không được phép nặng lời với bố mẹ anh ấy như thế.
- Sao? Mày còn bênh vực cái gia đình đó hả? Cái gia đình sinh con ra mà không biết dạy thì không đáng để tao tôn trọng một chút nào. Ngay sáng ngày mai tao sẽ đến quê hương thằng đó để nói thẳng vào mặt cha mẹ nó cái tội không biết dạy con!
- Bố! Bố đừng làm vậy mà. Mẹ anh ấy mất rồi, bố anh ấy cũng ốm nặng như mẹ con vậy. Hoàn cảnh anh ấy hết sức thương tâm. Bố ơi, con xin bố!
- Đừng có khóc lóc, kể lể gì ở đây! Mong tao thương hại ư? Đừng có mơ! Còn nữa, từ giờ trở đi không có điện thoại gì hết. Tao cấm! Tao cấm triệt!
Nói rồi ông cụ nổi giận bước vào nhà, chỉ còn Danh Ngọc là đứng chết lặng trong đầm đìa nước mắt.
- Chú Ngọc! Cơm canh nguội hết cả rồi kìa, vào ăn một chút đi!
- Em đau khổ lắm anh ơi! Em không nuốt được!
- Nghe anh, vào ăn cơm đi kẻo làm bố giận thêm. Huống hồ sức khỏe của mẹ mới khá lên, chú không muốn mẹ lại lo cho chú mà đổ bệnh chứ?
- Anh ơi, anh nói là sẽ giúp em mà! Anh giúp em đi chứ! Em xin anh đấy! Từ sáng qua đến tối nay em chưa gọi điện cho anh ấy, không biết anh ấy thế nào rồi nữa. Em nhớ anh ấy quá anh ơi!
- Ngọc à, chuyện này khó lắm. Hay là…hay là em cố quên Đăng đi có được không em? Biết đâu như vậy sẽ tốt cho em, tốt cả cho Đăng nữa.
- Anh nói dễ vậy sao? Trước kia anh yêu chị dâu nhưng bị gia đình chị dâu phản đối, khi đó anh có quên được chị dâu không? Và chắc anh còn rất hiểu cái cảm giác bị phản đối, ngăn cấm nó như thế nào. Vậy mà anh bảo em cố quên một cách đơn giản như vậy, anh bảo em có làm được không?
- Anh xin lỗi, em trai của anh! Nhìn em đau khổ như vậy anh cũng rất đau lòng. Nhưng quả thật anh không có cách gì khuyên bố giúp em được. Em biết đấy, mỗi lần anh định ho he đến chuyện của em là bố lại nhìn anh như muốn ăn tươi nuốt sống. Mà trong gia đình chắc em biết người bố yêu thương nhất chính là em, anh đâu có địa vị gì trong mắt bố?
- Sáng nay bố đi Phi Liệt rồi anh ạ! Bố muốn tìm người thân của anh Đăng để nói cho mọi lẽ. Em sợ lắm! Không biết nếu như bố quá nóng giận thì gia đình và bản thân anh Đăng sẽ ra sao đây? Em lo lắm!
- Bình tĩnh đi Ngọc! Biết đâu mọi chuyện không phức tạp như vậy đâu. Bố là người nóng tính thật nhưng vẫn biết ứng xử với mọi người một cách lịch sự nhất trong mọi hoàn cảnh. Em đừng lo lắng quá!
- Anh ơi, nếu như bố mà to tiếng với anh Đăng và gia đình anh ấy, khiến anh ấy bị dồn vào bước đường cùng mà làm điều gì dại dột thì chắc em cũng đâm đầu xuống biển mà chết luôn mất thôi. Lần trước cũng vì em mà anh ấy thiếu chút nữa đã tự tử. Em sợ! Em sợ lắm!
- Ngọc à, bình tĩnh đi. Sẽ không có chuyện đó đâu. Em đừng lo lắng quá!
Bác trai ngồi xuống chiếc ghế băng với sắc mặt buồn rười rượi. Khẽ rót một ly trà nóng, bác gái đặt xuống trước mặt bác trai và hỏi:
- Thế nào ông? Ông đi Phi Liệt nói chuyện với gia đình cậu ấy, kết quả ra sao?
Khẽ nhấc chén trà đưa lên miệng ngụm một ngụm nhỏ, bác trai đặt xuống rồi buồn rầu:
- Bà còn nhớ anh Thăng không? Người mà tôi luôn kể với bà đó.
- Ừ. Tôi còn nhớ. Anh Thăng là người đã cứu sống ông trong kháng chiến chống Mỹ. Ông nói nếu không có anh ấy thì ông cũng đã mất mạng từ lâu rồi. Mà sao ông lại nhắc tới anh Thăng?
- Đã hơn bốn chục năm nay tôi luôn cố gắng đi tìm anh ấy để nói tiếng tạ ơn nhưng đều bặt vô âm tín. Hôm nay đi Phi Liệt tôi đã tìm được anh ấy rồi.
- Vậy sao? Anh ấy thế nào? Có khỏe không?
- Anh ấy yếu lắm. Bệnh liệt giường đã hơn bốn năm nay rồi. Chẳng còn nhận biết ai được hết.
- Vậy à? Buồn quá ông nhỉ? Thế vợ con của anh ấy thế nào?
- Bà lão ấy mất rồi. Mất sau một trận cảm đột ngột. Bây giờ chỉ có cậu con trai út phụng dưỡng anh ấy thôi.
- Nếu nói vậy thì hoàn cảnh gia đình anh ấy cũng đâu có khác gì gia đình mình ông nhỉ? Đời sao mà buồn quá vậy?
- Đúng là Tạo hóa trêu ngươi bà ơi! Bà đâu có thể ngờ được rằng anh Thăng lại là bố đẻ của Hải Đăng. Và cái người con út luôn phụng dưỡng anh ấy lại chính là người đem lòng yêu thằng Ngọc nhà mình. Phát hiện ra sự thật này mà tôi sê sẩm hết cả mặt mày. Thành ra…cứ nghĩ đi Phi Liệt là để nói lên sự bực bội trong lòng mình với gia đình người ta. Kết quả là tôi chỉ ngậm ngùi trong đắng cay mà rơi nước mắt.
- Đúng là Tạo hóa trêu ngươi! Thế ông có gặp thằng Đăng không? Ông nói gì với nó và anh chị nó?
- Thằng Đăng đi làm có ở nhà đâu. Tôi nói chuyện với chị gái nó nhưng cũng chỉ là chuyện ân tình giữa tôi và bố nó thôi. Bà bảo trong hoàn cảnh ấy tôi sao có thể nói gì về chuyện của thằng Đăng với thằng Ngọc ra được?
- Vậy ông có biết thằng Đăng là người như thế nào không?
- Sau khi nói chuyện với chị gái nó, tôi ghé vào quán nước bên nhà hàng xóm. Hỏi thăm về nó thì ai cũng nói nó là một thằng con trai ngoan hiền, không những có hiếu mà lại rất tốt bụng với mọi người. Ai cũng thương số phận nó vất vả vì vừa phải đi làm vừa phải phụng dưỡng anh Thăng.
- Họ có nói gì về bệnh nó mê trai không?
- Không. Có lẽ họ không biết. Họ chỉ bảo nó nhát nên chẳng bao giờ dám dẫn bạn gái về nhà chơi.
- Chắc họ nói thật ông ạ! Nhìn thằng Đăng tôi thấy nó đúng là một đứa ngoan hiền và lễ phép.
Bất chợt bác trai mỉm cười chua chát:
- Có phải tôi đã quá ghê tởm vì nó chăng? Chẳng hiểu sao khi gặp lại anh Thăng, nhìn hoàn cảnh của anh ấy và được mọi người nói tốt về thằng Đăng thì mọi sự khinh miệt nó trong tôi như chẳng còn nữa. Tôi không hiểu đây là cảm giác gì, liệu có phải vì người ta là ân nhân của mình nên tôi yếu lòng đi chăng? Thay vào đó tôi lại thấy thương số phận thằng Đăng. Đúng là rõ khổ! Hoàn cảnh gia đình đã vất vả lại còn vướng phải căn bệnh khác người đó nữa. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp cho thằng nhỏ. Tôi đúng là không thể hiểu nổi mình nữa rồi bà ơi!
- Không chỉ có thế tôi còn đoán chắc ông đang hối hận vì những lời lẽ nặng nề với thằng Đăng hôm trước?
- Bà nói đúng. Thằng nhỏ bị như vậy, bản thân nó chắc cũng chẳng muốn thế và cũng đau khổ rất nhiều. Thế mà tôi lại lấy nỗi đau của nó rạch thêm lên những nhát dao tàn nhẫn. Tôi đúng là già rồi nên ích kỉ và nhỏ nhen quá.
- Mà ông có hỏi chị gái nó tâm trạng mấy hôm nay của nó như thế nào không?
- Chị gái nó bảo từ buổi sáng theo thằng Ngọc về Đồ Sơn thăm bệnh tình bác gái, nó trở về nhà mà mặt mày lúc nào cũng buồn rười rượi. Ánh mắt nó đỏ hoe và giọng nói thì khàn hẳn. Chị gái nó biết nó gặp chuyện buồn nhưng gạn hỏi thế nào nó cũng không nói.