- Bác sĩ, sức khoẻ bà lão nhà tôi thế nào rồi ạ?
- Không sao cả, bác cứ yên tâm đi. Bệnh nhân chỉ bị sốc bất ngờ nên ngất đi thôi. Nhưng chúng tôi thấy sức khỏe của bệnh nhân không được tốt nên gia đình cần chú ý tuyệt đối không được làm bệnh nhân căng thẳng.
- Dạ vâng, vậy là tôi yên tâm rồi. Cảm ơn bác sĩ!
Đợi cho vị bác sĩ đi qua, bác trai quay sang quát Danh Ngọc:
- Mày thấy chưa? Mẹ mày như vậy tất cả là do hành vi hiếu thuận của mày gây lên đấy! Mày hài lòng chưa? Con với cái!
- Con…con biết lỗi rồi mà. Nhìn mẹ con như thế, con cũng đau lòng lắm bố ơi!
Danh Ngọc lại khóc. Cậu thương mẹ cậu đến tột cùng. Bình thường sức khỏe mẹ cậu đã yếu, cậu đủ biết điều ấy, vậy mà cậu lại lỡ nói ra những lời làm mẹ cậu đau lòng như vậy. Cậu đúng là một đứa con bất hiếu. Nếu mẹ cậu mà có chuyện gì, chắc cậu cũng khó lòng mà sống nổi.
- Mày hành hạ mẹ mày như thế mà giờ còn đứng đây mà khóc hả? Đi về!
- Bố! Con…con muốn ở đây với mẹ!
- Mày không nghe bác sĩ vừa nói gì sao? Mày vào trong đó, mẹ mày thấy cái bộ mặt bất hiếu của mày thì mẹ mày liệu có chịu đựng nổi nữa không? Đi về!
- Vậy…vậy bố ở lại chăm sóc mẹ con nhá! Con về.
Không nói gì thêm, bác trai nhìn Danh Ngọc bước ra ngoài cổng bệnh viện với dáng vẻ đầy đau khổ thì ông cũng nhăn mặt đớn đau. Trên ánh mắt đã hằn rõ những vết chân chim, những giọt nước mắt trong như sương sớm trào ra, chảy long lanh xuống má.
- Bố ơi, bác sĩ nói là mẹ con không sao, vậy mà tại sao đã ba ngày rồi mà mẹ con không được xuất viện vậy hả bố?
- Mẹ mày đã tỉnh nhưng có ăn uống đi lại được gì đâu. Lúc nào bà ấy cũng nghĩ đến mày, cũng khóc. Mày khiến mẹ mày ra nông nỗi ấy, mày hài lòng chưa hả thằng đốn mạt kia?
Giọng bác trai giận dữ hơn bao giờ hết. Danh Ngọc nghẹn ngào:
- Con…con muốn được vào thăm mẹ. Chắc mẹ nhớ con lắm. Nếu con vào, con nói chuyện với mẹ, biết đâu…
- Biết đâu bà ấy sẽ lăn đùng ra chết cho mày hài lòng hả?
- Bố ơi, con bất hiếu mà. Nhưng con xin bố, xin bố đừng nặng lời với con như vậy được không? Con đau khổ lắm bố ơi! Bố hãy tha thứ cho con mà bố!
Không thèm nói gì, bác trai lặng lẽ bước vào phòng riêng của Danh Ngọc. Một lát sau ông trở ra, trên tay là một túi ni lông to quần áo. Ông thẳng thừng đáp túi quần áo đó xuống nền nhà, trước mặt Danh Ngọc và nói:
- Mày hãy đi đi! Đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa.
Danh Ngọc nhìn túi quấn áo trên nền nhà rồi lại nhìn bố, bàng hoàng:
- Bố…bố muốn đuổi con đi?
Bác trai không nói gì. ông quay lưng nhìn ra phía vườn, một hành động như để chứng tỏ cho Danh Ngọc thấy ông không có gì lưu luyến trước một đứa con bất hiếu.
Danh Ngọc vội vã quỳ xuống. Cậu lê gối về phía cha mình, kéo áo van xin thống thiết:
- Bố ơi, con xin bố! Con xin bố đừng đuổi con đi mà! Con dù hay dù dở cũng là con trai bố mẹ, con xin bố đừng đuổi con đi !
- Không. Mày không phải là con trai tao. Danh Ngọc, đứa con trai đầy hiếu thuận của tao đã bị mày giết chết trong ba hôm trước rồi. Bây giờ, người đang quỳ gối trước mặt tao chỉ là một thằng súc sinh, một thằng cầm thú. Mày không phải là con trai tao. Tao không có đứa con đốn mạt như mày!
- Bố! Bố ơi! Bố cứ chửi con đi! Bố cứ đánh mắng con đi! Thế nào con cũng cam. Nhưng con xin bố đừng đuổi con đi mà. Con muốn phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già. Bố đuổi con đi, sau này ai sẽ là người chăm nom bố mẹ?
- Ba anh trai mày chẳng lẽ không phụng dưỡng được tao? Mày đi đi! Tao không nuối tiếc gì mày hết! Tao chỉ hận là không thể tự tay cầm dao chém chết mày ngay lập tức!
- Bố ơi! Con xin bố mà! Bố đừng đuổi con đi mà bố! Tội nghiệp con trai bố lắm bố ơi! Bố đuổi con đi, con biết đi đâu về đâu bây giờ hả bố?
- Mày muốn đi đâu thì đi, muốn về đâu thì về. Mà mày hãy đi tìm cái thằng tình nhân khốn nạn của mày ấy! Không thì mày hãy đâm đầu xuống biển chết ngay lập tức cho đỡ khuất mắt tao!
- Đừng! Đừng mà bố! Con van bố! Con lạy bố! Xin bố đừng đuổi con đi mà! Con xin bố!
- Đi đi! Mày đã lớn tao không muốn cầm roi đánh đuổi mày. Mày hãy đi đi!
- Không! Bố ơi! Xin bố đừng tàn nhẫn với con như vậy mà bố! Con không muốn xa bố mẹ đâu! Con không muốn!
Danh Ngọc vẫn quỳ gối, vẫn kéo lấy lưng áo ông cụ mà than, mà khóc. Nước mắt cậu rớt xuống nền nhà ướt đẫm một khoảng lớn. Toàn thân cậu run lên, tội nghiệp đến não lòng.
Thấy Danh Ngọc cứ mãi quỳ gối sau lưng mình, kéo áo mà khóc, mà van xin trong cơn nức nở thì bác trai càng thương con vô hạn. Nhưng niềm thương con dù có nặng đến bao nhiêu thì cũng không thể giúp ông nguôi ngoai cơn giận dữ trong lòng. Ông cố nuốt cơn đau đớn vào tim, quay lại, giơ chân đạp mạnh vào ngực Danh Ngọc, hất cậu ngã lăn ra nền nhà.
- Mày cút ngay ra khỏi nhà tao! – Ông chỉ thẳng tay vào mặt cậu, quát lớn.
Danh Ngọc càng nước mắt lưng tròng mà nhìn bố, lắc đầu đau khổ. Thế rồi, thấy Danh Ngọc vẫn cứ mãi nhìn mình mà khóc, mà van lơn, ông vớ lấy con dao gọt hoa quả trên bàn, tự kề vào cổ mình và quát:
- Nếu mày còn không đi, tao sẽ chết ngay lập tức!
Lưỡi dao sắc nhọn kề vào cổ ông cụ làm sứt một vệt da nhỏ, rướm máu. Nhìn lưỡi dao, nhìn sắc mặt cương nghị, giận dữ đến tột cùng của bố mình, Danh Ngọc hiểu dù mình có van xin đến thế nào thì cũng không còn con đường nào khác, đó là sự ra đi.
- Vâng! Con đi! Bố đã đuổi thì con đi! Con đi này bố! Trời ơi, sao số kiếp con lại khốn khổ thế này hả bố? Con đi, con đi cho bố hài lòng!
Danh Ngọc vừa nức nở vừa đứng dậy. Cậu đờ đẫn bước ra khỏi nhà. Cảnh vật trước mặt cậu nhạt nhòa trong nước mắt. Cậu sẽ đi, sẽ mãi mãi không bao giờ được trở về ngôi nhà này nữa, ngôi nhà thân thương, ngôi nhà ấm cúng đã chở che, bảo vệ cậu suốt hơn hai mươi năm trời.
Nhìn Danh Ngọc bước ra khỏi nhà, bác trai đau đớn buông lưỡi dao khỏi cổ mình rồi ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt khóc òa lên đau khổ. Cả một tuổi trẻ đã từng xông pha trên chiến trường, phải đối mặt với biết bao máu me và bom đạn, ông chưa từng biết khóc. Duy chỉ có hôm nay, bây giờ, ông mới khóc, khóc vì con, khóc vì cái tạo hóa trớ trêu và oan nghiệt.
Như một cái xác vô hồn, Danh Ngọc từng bước thơ thẩn, thơ thẩn ra bãi biển. Từ trước đến nay, mỗi khi có chuyện vui hay chuyện buồn, cậu đều tìm ra nơi đây, ngắm nhìn đại dương bao la xanh ngắt một màu. Khi ấy, nếu trong lòng không vui, đại dương sẽ giúp cậu chút đi được phần nào niềm buồn tủi để cậu được nhẹ lòng hơn. Còn nếu có chuyện vui thì sự trong xanh của đại dương, những con sóng ào ạt xô dài trên bãi cát, những đàn chim hải âu tung tăng chao lượn… sẽ khiến cậu càng cảm nhận được thêm cái cuộc đời này sao mà tươi đẹp. Thế nhưng hôm nay, vẫn là nơi ấy, vẫn là đại dương trong xanh và yên bình ấy, nhưng sao Danh Ngọc lại cảm thấy nó đáng sợ đến lạnh người. Đứng trước đại dương mà cậu cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật bơ vơ và lạc lõng. Cuộc đời của một con người cũng chỉ nhỏ bé, chỉ mong manh như một bọt nước giữa biển cả bao la; yên bình, hạnh phúc thì chẳng thấy đâu chỉ đầy rẫy những oan nghiệt và đắng cay trong muôn trùng sóng dữ.
” Mày muốn đi đâu thì đi, muốn về đâu thì về! Mà mày hãy đi tìm cái thằng tình nhân khốn nạn của mày ấy! Không thì mày hãy đâm đầu xuống biển chết ngay lập tức cho đỡ khuất mắt tao! ”
Lời mắng chửi cay nghiệt của bố cậu lại oang oang vang lên bên tai. Nước mắt cậu lại trào ra, đắng cay và mặn chát. Nhưng cậu không lau mà cứ để nó tự tuôn trào rồi chảy ròng ròng xuống cằm, xuống cổ. Cả đại dương bao la dường như không còn hiện hữu trước mặt Danh ngọc nữa mà nó cứ như một ảo ảnh nhạt nhòa mờ ảo.
Danh Ngọc cứ lặng lẽ như một cái xác vô hồn mà đi dần về phía biển. Từng lớp sóng xô dần vào chân cậu rồi chẳng mấy chốc nước đã ngập quá đầu gối, quá đùi, dâng lên thắt lưng rồi dâng dần lên cổ. Cậu vẫn cứ nhắm mắt mà dần tiến ra xa.
Nhưng đột nhiên:
- Danh Ngọc! Đừng bỏ anh!
Tiếng Hải Đăng thét lên cháy ruột. Danh Ngọc giật mình mở mắt quay mặt về bờ. Trên bờ, Hải Đăng đang quỳ gối, hai tay chống lên cát nhìn cậu mà thét gào đau đớn.
- Hải Đăng! – Danh Ngọc khẽ nhấp môi. Thế rồi, như có một sức mạnh vô hình điều khiển, Danh Ngọc vội vã quay người lại, kiên cường chống chọi với sóng nước, cố sức, cố sức quay lại bờ.
- Anh Đăng, đợi em với! Em đến đây!
Danh Ngọc đã chạy lên đến bãi cát. Nhưng đến khi cậu ngã xuống nơi mà Hải Đăng đang quỳ thì hình bóng Hải Đăng đột nhiên biến mất.
- Aỏ giác, tất cả chỉ là ảo giác! Anh Đăng không cho mình chết. Mình phải sống. Mình phải sống để cùng anh ấy chống chọi với khổ đau và bất hạnh.
Hai mắt Danh Ngọc nhắm lại. Dường như quá mệt mỏi, cậu thiếp đi từ lúc nào không biết. Trong giấc mơ chập chờn vô định, hình bóng và giọng nói của Hải Đăng lại hiên ra, thân thiện và ấm áp.
Mặt trời đã vượt qua đỉnh đầu. Hai mắt Danh Ngọc hé mở. Cậu đứng dậy, điệu bộ vẫn đầy mệt mỏi. Nhìn về phía con đường trước mắt, cậu định bước đi. Nhưng đi đâu bây giờ? Mái gia đình đầy đầm ấm bây giờ đã không còn là nơi cậu có thể về nữa. Cậu biết về đâu đây?
Danh Ngọc dừng lại trước một cửa hàng. Cậu định vào đó xin gọi nhờ điện thoại cho Hải Đăng vì chiếc điện thoại cậu vẫn để ở nhà. Nhưng cậu lại chần chừ do dự. Cậu không biết có nên làm như vậy hay không, và làm như vậy để làm gì nữa. Nhưng nếu không gọi cho Hải Đăng thì cậu biết chia sẻ hoàn cảnh đau khổ này với ai bây giờ? Chỉ có Hải Đăng. Chỉ có Hải Đăng mới có thể là niềm an ủi, động viên, là nghị lực để cậu đứng dậy và bước tiếp.
- A lô, anh Đăng à! – Giọng Danh Ngọc nghẹn ngào.
- Uả, Ngọc! Có chuyện gì thế em? Em sao thế?
- Chuyện…chuyện của chúng mình, không thành…không thành rồi anh ơi!
- Bình tĩnh đi Ngọc, đừng khóc nữa. Có gì nói cho anh Nghe!
- Em…em đã nói tình cảm của em và anh cho bố mẹ em biết. Không ngờ…không ngờ mẹ em ngất xỉu ngay tại chỗ. Bà nằm viện đã ba ngày rồi anh ạ! Còn em, em…em đã bị bố đuổi ra khỏi nhà. Bây giờ…bây giờ…em…em không biết đi đâu hết! Em khổ lắm! Khổ lắm anh ơi!
Trái tim Hải Đăng như thắt chặt lại đau xót. Cậu nhăn mặt, những giọt nước mắt cũng trào ra theo từng lời nghẹn ngào, từng cơn nức không ngừng rung lên trong cổ Danh Ngọc.
- Trời ơi, em trai tôi!
- Em khổ lắm anh ơi! Em muốn chết! Thiếu chút nữa em đã vùi xác dưới đáy biển rồi. Nhưng… nhưng em lại không thể chết. Em còn phải cần anh. Em không thể chết được anh Đăng ơi!
- Em trai anh ngốc lắm! Em mà chết thì anh cũng còn có thể sống nổi nữa hay không? Bình tĩnh lại đi em! Em đã bảo vì hạnh phúc của chúng ta, em sẽ sống thật kiên cường đúng không? Mọi sóng gió mới chỉ bắt đầu mà thôi, rồi sẽ còn nhiều phức tạp và đau khổ nữa. Nhưng anh em ta sẽ chống chọi với nó, sẽ đẩy lùi được nó về phía sau. Anh em mình rồi sẽ sống tốt. Ngọc của anh! Cố lên nha em! Đừng khóc nữa!
Danh Ngọc sụt sịt, đưa tay gạt nước mắt:
- Vâng, em sẽ cố gắng. Em có mềm yếu quá không anh?
- Không, Ngọc của anh cứng rắn lắm không mềm yếu một chút nào đâu. Nào, bây giờ thì hãy lau khô nước mắt rồi bắt xe đến với anh nha!
- Đến với anh?
- Nếu không Ngọc sẽ đi đâu? Từ cái đêm hôm nọ anh và Ngọc đã là của nhau. Nhà anh bây giờ đã là nhà của Ngọc, tất nhiên Ngọc phải trở về nhà của mình rồi!
- Có được không anh? Nhưng em sợ…
- Lại sợ rồi. Anh đã nói dù có sợ thì anh em mình cũng phải can đảm mà em. Gắng lên em! Anh chờ em nha Ngọc!
- Vâng. Anh chờ em nhá! Em sẽ đến với anh!
Danh Ngọc và Hải Đăng cùng buông máy. Trên ánh mắt ướt đẫm của cả hai bỗng ánh lên một niềm hạnh phúc mong manh.