- Không tin phải không? Thằng nhỏ chậm chạp muốn đi xa cũng không biết đi làm sao, nhà cũng không khá giả gì nếu không nói là “nghèo rớt mồng tơi” dù có muốn lắm cũng không thể đi đâu được, nói chi ra nước ngoài đề tìm thằng Thanh hỏi cho ra lẽ. Thằng này - chỉ Thanh – còn nhẫn tâm tới độ cũng không xuất hiện giải thích rõ ràng. Cha mày ngày đó còn về nói cho ba thằng Tí biết là nó chia tay vì muốn lấy vợ thành phố, muốn lên thành phố sống. Còn nó chỉ viết linh tinh một đống mấy thứ đạo lý gì gì đó chung quy cũng chỉ là chê con người ta học không bằng nó, hiểu biết không bằng nó nên không thể cùng nó bước đi một đường nhìn về một hướng. Biết thằng nhỏ không hiểu mấy lời cao xa của nó, nó còn gửi cả tấm hình nó ôm ôm ấp ấp người khác cho đủ xát muối.
- Thanh! Con tệ như vậy.
Thanh chi biết cúi đầu nghe ông nội kể tội mà không dám thanh minh dù chỉ một câu. Mẹ Thanh bà không hề để ý thấy rằng mình đang có thái độ trách móc con, bênh vực một người yêu đồng giới của nó. Bà chỉ nhớ tới hương vị chua chát, đau khổ khi biết người mình yêu trong tim đã yêu một người khác. Có mấy ai chịu đựng nổi khi mỗi ngày chỉ có thể ngồi nhìn một tấm hình tình địch.
- Rồi thằng nhỏ làm sao? – Má Thanh thực sự rất muốn biết Hoàng sẽ ra sao.
- Cho tới khi ông Năm bên nhà phát hiện mới đem toàn bộ đi đốt. Ông Năm giải thích cho thằng Tí biết, nó bị người ta chê không học thức không đầu óc…
- Con không có chê…lúc đó con chỉ…
- Nói gì thì đó cũng là chê bai con người ta, dù mày có dùng nhiều từ ngữ đẹp đẽ bao nhiêu chăng nữa thì ý nghĩa chân thực cũng là như vậy. Thằng Tí sau đó mỗi ngày đều kiên nhẫn đi học lớp bổ túc ban đêm, nó hy vọng một ngày nào đó nó cũng giống như thằng Thanh đi du học. Vậy thì thằng Thanh không chê nó nữa sẽ về với nó.
- Thằng nhỏ học tới đâu rồi. – Má Thanh cũng cảm thấy nghèn nghẹn khi nghe kể chuyện. Bà cảm giác được ước mơ vô vọng của Hoàng.
- Tới đâu, lui cui cũng chỉ cái lớp đó. Cũng may cuối cùng thằng này cũng biết vể giải thích một lời.
Má Thanh thở dài khẽ liếc về phía nhà hàng xóm bên kia, bà cũng không quên cái cậu trai nhà quê thân hình rắn chắc nhưng vẻ mặt luôn chất phát khờ khạo, ngoan ngoãn, gặp bà một lần chào bác hai lần chào bác .
Thanh chỉ biết cúi đậu cậu cố giấu nước mắt. Lần trước về toàn nghe hai ông nội mắng ngóc đầu lên không nổi chứ chưa từng nghe ông Hai kể như ngày hôm nay. Cậu ân hận càng thêm ân hận.
- Nó ban ngày làm việc ngoài đồng, buổi tối còn cố đạp xe đi học trường thì xa. Kiên nhẫn từ lúc đó cho tới bây giờ, ba nghĩ chắc chừng nào người ta đuổi không cho nó học nữa thì nó mới nghỉ.
- Tới bây giờ nó vẫn học hả ba?
- Cậu ấy không chịu nghỉ, sợ mai mốt con lại…
Dĩ nhiên Thanh không nói được hết câu nhưng má Thanh và ông Hai ai cũng hiểu. Hoàng vẫn bấu víu vào việc học chỉ vì cảm giác bất an trong lòng.
- Không phải ba muốn bênh tụi nó, nhưng con có thể suy nghĩ một chút không. Thằng Thanh là con trai con, nó yêu một người đồng giới ba biết con rất đau lòng. Ba tuy ngày đó đối với ông Năm cũng không phải chỉ đơn thuần là hàng xóm…
- Ba…con không…không hiểu sai ý của ba…? - Mẹ Thanh thực sự kinh ngạc.
- Không. – Ông Hai xác nhận - Chỉ vì xã hội không cho phép, vì chỉ có thể nhìn nhau nên khi lập gia đình ba và ông Năm mới trở thành hàng xóm của nhau. Hy vọng có thể quan tâm đến nhau một chút. Vậy mà năm đó khi phát hiện hai đứa con trai thích nhau ba với ông Năm vẫn hối hận không thôi. Trách mình tại sao vì bản thân mà cố ý ở gần nhau làm gì đề tạo ra hậu quả ngày hôm nay.
- Chuyện này…tại sao kỳ, kỳ lạ như vậy. – Mẹ Thanh thực sự bị câu chuyện của ông Hai làm cho choáng.
- Cha cũng không ngờ. Chắc có nợ nần nhau ở đâu đó mà trời xui đất khiến… Nếu biết gây hậu quả như ngày nay , hồi đó bất chấp, không cần phải sinh có con sinh cháu chi cho cuối cùng kẻ mất người còn, đau khổ tùm lum.
- Rồi má biết không?
- Không.
- Má của thằng Tí có biết không?
- Chắc là không, nó cũng mất quá sớm. Chắc cũng chưa kịp phát hiện gì.
- Vậy là họ tốt số hơn con. – Mẹ Thanh cười khổ, tính ra bà biết nhiều thì khổ nhiều.
- Mẹ!
- Không phải khi không hôm nay cha nói cho con biết những chuyện này. Ngày xưa bà nội thằng Thanh cha cũng không để lộ cho biết, cứ tưởng những chuyện sống thì im lặng chết thì mang theo. Nhưng chuyện cha, chuyện ba thằng Thanh cũng coi như xong rồi, chỉ còn thằng Thanh. Con nghĩ thoáng một chút, chỉ còn hai mẹ con. Nó nghe con thì nó khổ, con chấp nhận chuyện tình cảm của nó cha biết con sẽ đau lòng. Nhưng cha xin con nnghĩ lại…
- …
Ông Hai cũng không nói thêm nhiều trở vô nhà đi nghỉ. Mẹ Thanh lại trầm ngâm nhìn ra phía những ngôi mộ. Bà nhớ tới hai cái huyệt đã đào sẵn chưa có chôn ai, bên cạnh hai cái huyệt là hai nấm mộ của hai người phụ nữ được gọi là ba Hai và bà Năm, ở giữa hai cái huyện trống chính là một đường mương nhỏ ranh giới đất thổ mộ của hai nhà. Bà cũng biết, thằng Thanh đã được dặn, khi nào ông nội nó nằm xuống, ranh giới đó sẽ bị lấp lại và họ được nằm cạnh nhau. Chồng bà chắc cũng muốn được nằm cạnh người ông ta yêu lắm chỉ tiếc người đó không có mộ, rồi bà có giống như mẹ chồng bà nằm một bên của ông ấy không. Nếu bà nằm xuống chắc chắn thằng Thanh cũng sẽ đem bà về chôn cạnh cha nó.
Chẳng lẽ bà phải chấp nhận thực tế họ thuộc về nhau hay sao. Chồng bà chắc chắn ông ấy ra đi trong vui vẻ chứ chẳng buồn bả gì, chấm dứt mọi tương tư.
…
Người tưởng chuẩn bị ra đi là ông Năm lại vẫn còn nằm đó chắc lưỡi thở dài, còn người tưởng chừng như còn lâu lắm là ba của Thanh lại đã nằm yên dưới mộ.
- Không lẽ ba thằng Tí về không phải đón tôi mà là đón nó. – Ông Năm quả thật từ ngày ba Thanh mất ông chẳng còn nhìn thấy con trai mình về nữa.
- Tôi đã nói nó chỉ về thăm anh thôi mà, làm sao đón anh đi được. – Ông Hai đầu bạc khóc đầu xanh trông già thêm nhiều tuổi.
- Hai cũng đừng buồn nhiều quá, sức khỏe không tốt.
- Có phải ba thằng Tí tha lỗi cho nó rồi không, mới về gọi nó. Cái thằng không nghĩ gì cho vợ con nói đi là đi. Suốt đời chẳng thể trưởng thành, không chút trách nhiệm, làm những người thân của nó đau buồn. Tội nghiệp má thằng Thanh… con nhỏ cũng hiền lành. Sao tôi sinh đứa con tệ quá vậy.
- Hừ! – Ông Năm cũng không nói gì thêm, quả là thằng đó nó tệ. Vậy mà thằng con ông còn tha cho nó làm gì, đừng nói là vì thằng Thanh về đây nên nó tha cho thằng cha nó.
…
Thanh đưa mẹ trở về thành phố, cậu ở lại với mẹ. Cậu sợ bà buồn quá suy sụp không ai lo lắng. Nhưng trái lại, bà đúng có buồn bã vài tuần nhưng sau đó cũng nhanh chóng trở lại bình thường.
Thanh tuy được mẹ bảo cứ đi đâu thì đi, nhưng cậu làm sao đi được. Cái cảnh cứ năm mười ngày ở chỗ này, năm mười ngày ở chỗ kia lại tiếp diễn chẳng mấy chốc làm cho Thanh cháy túi. Không công ăn việc làm lấy chi phí đâu mà sinh hoạt, cậu cũng không thể ngửa tay xin tiền mẹ. Số tiền còn lại của mẹ không biết có đủ sống những ngày sắp tới không nói chi đến việc nuôi thêm cậu ăn không ngồi rồi chạy tới chạy lui.
Thấy thằng con nằm nhà cả tháng mà không chạy về quê, mẹ Thanh cũng bắt đầu thắc mắc.
Đẩy cửa vào phòng Thanh, thấy thằng con bà đang bò trên giường ghi ghi chép chép cái gì đó. Bà ngồi xuống mép giường vừa nhìn thằng con ghi chép vừa hỏi.
- Thanh, sao nằm nhà riết vậy. Không về dưới ông nội sao?
- Con đang xin việc làm.
- Hết tiền xài rồi hả? – Còn ai hiểu con hơn cha mẹ chứ, thằng con bà chỉ có cháy túi mới chịu ngồi yên. Chứ bình thường không chạy đông thì cũng chạy tây.
- Cũng còn mấy đồng, con đang tranh thủ kiếm mấy việc tạm thời.
- Mẹ cho con tiền, mẹ cũng còn một ít. – Bà cười nhìn Thanh, thằng con bà trưởng thành nhiều.
- Con đáng lẽ nuôi mẹ mới phải, ai lại đi xin tiền mẹ. Chắc vài bữa cũng kiếm được việc thôi, con nộp đơn nhiều chỗ lắm rồi.
- Lần trước con nói với mẹ về quê lập nghiệp, sao bây giờ lại xin việc ở đây?
- Hồi trước còn ba thì khác. Bây giờ, con làm sao bỏ mẹ một mình được.
- Không nhớ nó sao? – Bà lại một lần nhìn kỹ những gì thằng con bà đang vạch ra trên giấy.
- Chạy đi chạy về cũng được, Hoàng chẳng trách con đâu. Cậu ấy cũng không thể bỏ ông nội, đành vậy. – Thanh thở dài.
- Không ngờ mẹ có thằng con có hiếu quá chừng. Thương mẹ sao không bỏ hẳn nó đi. Tìm cho mẹ cô con dâu tử tế để mẹ có cháu vui vầy lúc già.
- Mẹ…
- Được rồi, mẹ cũng không làm gì được cha con, bây giờ tới con cũng vậy. Thôi muốn làm gì tùy con. Con lớn rồi, tự quyết định đi. – Bà đứng lên định đi.
- Mẹ!
- Chuyện gì nữa?
- Mẹ có ghét Hoàng không?
- …không… - Bà im lặng cả năm phút đồng hồ cuối cùng mới trả lời.
- Sau này con cũng sẽ về dưới lập nghiệp, mẹ đi với con nha?
- Về dưới? Làm cái thứ nảy giờ con đang viết trên giấy đó hả. – Bà quay lại ngồi xuống, cầm tờ giấy Thanh nghuệch ngoạc nảy giờ lên xem tỉ mỉ.
- Dạ, con dự tính vốn, con tích cóp đủ tiền sẽ làm.
- Dự tính vốn trước hả? Ừ, nhưng con biết gì về gạo thóc mà đòi kinh doanh.
- Con không biết gì về gạo thóc nhưng Hoàng biết. Cậu ấy hơi khờ nhưng mấy thứ này thì rành rọt lắm. Con thì biết kinh doanh, tụi con sẽ lập nghiệp được mà. Mẹ về sống với tụi con không.
Mẹ Thanh đứng lên, quẳng lại tờ giấy.
- Mẹ thích sống với con dâu hơn.
- Mẹ.
Nói rối bà bỏ đi mặc cho Thanh nhăn nhăn nhó nhó. Bà xuống nhà rót cho mình cốc nước lạnh rồi đến ngồi trước bàn thờ của chồng.
“Ông sinh được đứa con tốt ghê, chẳng giống ông chút nào. Tôi không ngờ tới cuối cuộc đời mình tôi mới biết ông lấy tôi là vì tiền vì bạc, vì muốn có chân sống ở thành phố. Hồi đó khi phát hiện ra ông đồng tính cứ nghĩ ông lấy vợ, lập gia đình bình thường để che mắt thiên hạ, nghĩ sao mà mình xui xẻo như thế, yêu người không nên yêu. Ai mà ngờ thì ra ông lừa tôi, lừa cả cái người ông yêu…
…Cha kể cho tôi nghe hết rồi, cho đáng đời ông, một đời bị dằn vặt. Khi tôi biết không chỉ một mình tôi bị đau khổ một đời vì tình mà ông cũng bị báo ứng tôi hả dạ biết chừng nào. Anh ta đúng ra là người tôi phải căm ghét nhưng ít ra anh ta cũng thay tôi cho ông nếm thứ mùi đau khổ vì tương tư. Nhưng cuối cùng thì…ông cũng tốt rồi, thỏa ý nguyện. Còn tui biết làm gì bây giờ, lỡ dở cả cuộc đời…
…Nhưng ngày hôm nay tui biết tui còn có thằng con trai. Cũng không ngờ nó khăng khăng không bỏ người yêu nhưng cũng chạy về đây với mẹ. Ít ra tôi cũng không lỗ hết vốn. Mà mất ông cuối cùng cũng không kinh khủng như tôi đã từng tưởng tượng, cũng không đến nỗi không thể sống, có lẽ thực sự là do tôi cố chấp quá. Buông tay cũng dễ dàng mà…”
Ngày hôm sau bà lẳng lặng gọi bán nhà. Bà nghĩ tới một vựa gạo sẽ được hình thành chứ không phải chỉ nằm dự toán trên giấy. Còn thằng con bà, nó muốn thương ai thì thương, bà kết hôn cùng người khác giới đây cuối cùng cũng có hạnh phúc gì đâu. Còn nhà họ, ba đời mắc nợ nhau, họ không sợ tuyệt tử tuyệt tôn không người nối dõi thì bà mắc gì phải sợ. Bà có người chăm sóc phụng dưỡng lúc về già là được rồi.
...