Bóng... Trang 8

Sau đợt Nga lên Hà Nội, tôi canh Nhân rất chặt. Đi đâu chơi xa với bạn bè, tôi không rời hắn nửa bước. Nhân vừa buồn vừa tức, nhưng tôi mặc kệ. Có hôm tôi bắt hắn chở tôi đi Kim Bôi thăm nơi đóng quân của đơn vị cũ. Trời lộng gió, cỏ cây hai bên đường xanh ngăn ngắt, tính tôi lại hay mơ mộng, thấy phong cảnh đẹp chỉ muốn hát véo von. Nhưng Nhân thì cứ rầu rầu, không nói không rằng. Trời ơi, bạn cứ tưởng tượng cuộc sống bên một người mà người đó lúc nào cũng ưu phiền như một cái xác không hồn, mặt mày buồn bã như đưa đám. Có muốn vui, tôi cũng chẳng thể vui được. Tôi vừa khổ tâm, vừa khó chịu, nhưng cũng đành phải nín nhịn. Buổi trưa, ghé quán cơm phở bên đường ăn uống, tôi gọi những món Nhân thích nhất, ngồi gắp cho hắn từng li từng tí, ân cần, tươi tỉnh, cố gắng làm hắn vui. Vô ích. Mặt Nhân như sắp khóc, làm tôi nhai cơm mà như nhai rạ. Đến cuối bữa, không chịu nổi nữa, tôi bật ra: “Nhân ơi, mệt quá rồi Nhân ạ. Eo ôi, cứ thế này thì tôi thần kinh mất, mình ơi”. Nhân ngước nhìn tôi, thở dài.

Nước mắt và máu

Một năm ở với Nhân, tôi một lần dọa tự tử, một lần tự tử thật. Tối hôm đó chúng tôi cãi vã, ban đầu hắn còn chửi lại tôi, sau hắn lăn ra ngủ, chẳng thèm nghe. Tôi cúi nhìn mặt hắn. Bình thường ngắm gương mặt hắn lúc ngủ, tôi yêu lắm, nhưng lần này thấy hắn thanh thản, lòng tôi càng sôi sùng sục lên. Tôi thấy chán nản, chán thân phận, chán đời. Tại sao tự nhiên mình lại đâm đầu vào cái thằng dở hơi này nhỉ? Khổ vì nó, đau đầu vì nó quá, thực sự không muốn sống nữa. Tôi lẳng lặng khóa trái cửa phòng lại, vứt chìa khóa ra ngoài sân, dùng banh-xơ-lam rạch nát ống tay ra. Lưỡi banh-xơ-lam cùn, rạch tới mười mấy nhát mà tôi vẫn không bị đứt gân. Máu chảy ra thành một vũng to nhưng tôi không còn thấy sợ nữa, dù bình thường tôi vốn hãi máu. Nhìn những giọt máu tong tỏng rơi xuống trên nền gạch trắng, tôi vô cảm hoàn toàn, thậm chí… càng chảy nhiều càng thích. Trong óc tôi lúc ấy chỉ lởn vởn một ý nghĩ căm thù: “Mình không thiết sống nữa. Mình chết, cho thằng này đi tù. Kết thúc cuộc tình này sẽ là mình nằm trên vũng máu còn nó đi tù vì dính vào án mạng”. Máu chảy nhiều quá, đúng lúc Nhân dậy đi tiểu đêm. Thấy cảnh ấy, hắn hét ầm lên: “Giời ơi là giời, sao lại đến nông nỗi này? Việc gì phải khổ thế Dũng ơi! Một mình một nhà cổ như thế này, sao lại chán đời thế?”. Tôi đay lại: “Cho mày cái nhà. Tao chết đi cho mày ở đấy. Rước gái về đây mà ở”. Hắn cuống cuồng pha nước muối, nước ôxy già để rửa vết thương, băng tay, khóc mếu, dỗ dành, chăm sóc tôi không khác gì chồng chăm vợ. Tôi lành rất nhanh, nhưng cánh tay trái bây giờ vẫn còn đầy sẹo.

Cả hai người – Nhân và tôi – lúc điên lên thì không ai nhịn ai. Tôi nỏ mồm, còn Nhân nóng tính như lửa. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng không hiểu sao tôi lại hay làm già đến thế, mặc dù ở tuổi ấy tôi đã thừa khôn ngoan để hiểu rằng đôi khi chỉ cần nhịn đi một chút là có lợi. Người này cáu lên thì người kia im là xong mà. Biết thế mà trên thực tế, hai đứa tôi không ai chịu nhường ai lấy một lần. Chúng tôi đánh chửi nhau suốt, lần thì tôi đánh Nhân trước, lần thì hắn chủ động nện tôi. Nhiều phen hai đứa đấm đá nhau sưng bươu cả đầu, đến đêm lại lấy dầu xoa cho nhau mà thủ thỉ: “Đau không? Lúc đấy tôi nóng tính quá, mình bỏ qua cho tôi nhé”. Có lẽ phải nói chính xác là cả hai thằng đều dở hơi, phổi bò và không để bụng, đánh nhau chán lại xin lỗi, lại tắm rửa, ăn diện, cưỡi xe máy ôm eo nhau đi chơi.

Những lúc đã tình cảm với nhau thì Nhân rất khéo. Đêm đêm, khi có hứng, hắn sẵn sàng xoa lưng cho tôi trong tâm trạng vui vẻ, đến khi tôi ngủ thì mới thôi. Hoặc đưa tay cho tôi gối suốt đêm. Ngay tính nóng như lửa của hắn cũng là mặt trái của một tính cách đàn ông mạnh mẽ, dữ dội, điều làm mê mệt cả phụ nữ lẫn gay. Với tôi, Nhân là người sâu sắc nhất trong những người tình mà tôi đã “kiếm” được. Đến giờ phút này, tôi vẫn không quên được bất kỳ cái gì thuộc về hắn. Có lẽ đến khi đã chết đi, đã đào sâu chôn chặt dưới đất, tôi cũng vẫn không quên được Nhân, dù đó là mối tình đau khổ nhất, điên loạn nhất, cay đắng nhất, yêu nhất và hận nhất. Mối tình có quá nhiều cái nhất. Cho đến tận bây giờ, Nhân vẫn giữ tình cảm với tôi, dù hắn đã lấy vợ. Tết hắn vẫn lên nhà tôi, biếu thứ này thứ nọ. Quà của người nghèo thì cũng chẳng có gì lớn về mặt giá trị, nhưng nó thể hiện cả một tình xưa nghĩa cũ trong đó. Bây giờ tôi cho tiền, hắn không lấy nữa. Tôi đánh giá Nhân thực sự là một người tốt, ăn ở có tình.

Không chỉ tôi mà bà con phố xá cũng nghĩ tốt về Nhân. Ai cũng bảo Nhân chăm chỉ, có những nết tốt mà những người tình khác của tôi không có được, như ý thức vun đắp cho “gia đình” – cái gia đình nhỏ của hắn và tôi. Sửa nhà, tôi gọi người đến chở cát, Nhân gạt đi: “Thôi, tốn kém ra. Để tôi ở nhà tôi vác, chịu khó một tí chứ mấy”. Thế là một mình hắn vác hai mươi bao tải đất cực nặng, đi xe máy từ nhà ra bờ sông vứt rồi lại lộn về, cứ thế. Tôi vốn dốt kỹ thuật, nhát điện; lại một tay Nhân đấu điện sống, sửa công tắc, lắp bóng đèn cho toilet và sân chung của cả khu. Chưa kể những tivi, đầu đĩa DVD hỏng, máy nước tắc, đồng hồ điện trục trặc… hắn đều tự sửa tất để tôi khỏi phải gọi thợ. Về quê, hắn cũng hay mang lên cho tôi cân thịt mèo, thịt chó. Có lần tôi tình cờ biết là đám bạn Nhân vẫn xui hắn bắt thằng pêđê “mua cho cái xe máy tử tế mà đi”, nhưng hắn không làm theo. Hắn thực sự là người tốt với tôi nhất trong những người tình mà tôi đã có cho đến lúc đó.

Nhưng cánh tay tôi đã đầy sẹo, cũng như trái tim tôi rách nát vì tình.

Sau này, khi tất cả mọi chuyện đã qua, có những lúc ngồi vui với nhau, tôi bảo Nhân: “Nhân ạ, ngày xưa bọn mình có những ngày tôi không bao giờ quên được, nhưng bây giờ nhớ lại cũng thấy sợ, cứ như cơn ác mộng ấy!”. Nhân cười…

4.

Vực thẳm

Tình yêu là một cái gì rất kỳ lạ, nó có thể biến con người thành cao thượng, nhưng cũng có thể làm người ta trở thành độc ác. Điều này đúng với cả người bình thường lẫn cộng đồng giới tính thứ ba. Tôi đã nói rằng đặc điểm chung của dân đồng tính là không được thỏa mãn về mặt tình cảm, hay sa vào yêu đơn phương, đâm ra chịu nhiều ẩn ức. Bị ức chế nhiều nên khi có dịp xả ra, họ thường thể hiện ra ngoài theo những cách ngoa ngoắt và cay độc nhất. Cũng có thể không phải do chúng tôi ác tâm ác khẩu. Tình yêu khi không được thỏa mãn thì biến thành thù hận, đó cũng là lẽ thường.

Trả thù

Sau Tết vài ngày, tôi gọi điện về quê Nhân. Gia đình Nhân rất nghèo, không có điện thoại riêng, toàn phải nhờ hàng xóm. Tôi lấy giọng ngọt ngào, thẽ thọt: “Cô ơi cô, cháu ở trên Hà Nội. Cháu là chủ cửa hàng của Nhân. Em nó hẹn sau Tết lên mà chưa thấy. Bây giờ cháu dập máy, cô làm ơn sang nhà gọi nó hộ cháu. 5 phút nữa cháu gọi lại cô nhé?”. Hai nhà cạnh nhau, 5 phút sau tôi gọi lại, bà hàng xóm bảo: “Cô hỏi mẹ nó rồi, nó đi đâu từ chiều qua”. Ngay lập tức, tôi lồng lên như một con thú bị thương. Nó chết dấp với gái ở đâu, cái thằng này? Lửa giận ngùn ngụt bốc trong đầu, tôi thấy đất trời quay cuồng, nhìn cái gì cũng vàng ềnh ệch. Tôi phi sang nhà thằng cháu, tóm cổ nó: “Bốp, tao nhờ mày cái này…”. Thằng bé nhăn nhở cười: “Cậu làm thế làm gì, ác lắm. Nó là cái gì đâu. Để cháu giới thiệu cho cậu đứa khác, bạn cháu đầy ra đấy, mà toàn là dân tổ lái đẹp trai lắm!”. “Được rồi, tao nghe mày, nhưng mà mày cứ làm thế này cho cậu”. Tôi nhanh chóng bịa ra một kịch bản… Thằng bé nể cậu (nó vốn thương tôi từ nhỏ, thân với tôi nhất nhà), với lại thấy trò này cũng hay hay, nên đồng ý.

- Alô. Đây có phải là số điện thoại 0350… của nhà bà Tiêu, thôn…, huyện…, không ạ?

- Phải ạ. Ai đấy?

- Bác ơi, có chuyện thế này bác ạ: Cháu ở trên Hà Nội. Có một vụ tai nạn giao thông… Cháu thì cháu chỉ làm phúc thôi, cháu xem giấy tờ thì thấy trong quyển sổ con con để ở túi áo ngực của người ta có ghi số điện thoại với địa chỉ này. Người ta lại không mang chứng minh thư bác ạ. Bác xem giúp…

Đầu dây bên kia thét lạc cả giọng: – Ôi trời ơi, thế à? Thế tai nạn thế nào?

Bốp diễn nguyên lại kịch bản tôi đưa: Người ta để tóc dài, da nâu, mắt một mí, lông mày rậm, mặc áo kẻ carô đỏ, quần tây đen (bộ quần áo Nhân mặc lúc đi, tôi nhớ). Thằng bé nhấn mạnh: da nâu, mắt một mí, lông mày rậm.

- Trời đất ơi! Thế thì nó là hàng xóm nhà cô đấy. Tên nó là Nhân. Thế nó có làm sao không cháu?

- Hình như là chết rồi bác ạ. Coi như là chết rồi. Cháu chỉ kịp ghi lại địa chỉ với số điện thoại này thôi.

- Sao mày không ở lại xem? Thế chở đi đâu rồi?

- Chở đi bệnh viện nào thì cháu không biết nhưng chắc không sống nổi đâu bác ạ. Đâm vào ôtô, lao mạnh lắm. Máu mũi máu tai máu mồm chảy ra thành vũng ấy. Cái xe tan cả ra cơ mà bác.

Bà hàng xóm to mồm, kêu thất thanh đến độ tôi đứng ngoài còn nghe tiếng: Ối giời ơi là giời ơi, thằng Nhân bị tai nạn rồi giời ơi… Bốp cháu tôi nói mấy câu nữa rồi cúp máy, cười khoái trá nhưng cũng run, tôi thấy môi nó trắng nhợt, ngón tay kẹp điếu thuốc run lẩy bẩy. Ngay sau đó, bố mẹ Nhân gào khóc, cả họ mấy chục người thuê xe đi tìm xác con. Họ khóc lóc như đám ma suốt từ Nam Định lên Hà Nội. Tới Hà Nội rồi, không biết tôi ở đâu, họ kéo nhau đến nhà Quang khóc ầm ĩ. Quang vội vã gọi điện cho tôi: “Anh Dũng, anh Dũng. Vụ thằng Nhân là như thế nào?”. Tôi cũng gan, giả vờ lo lắng: “Không biết. Sao, có chuyện gì à?”. Quang đưa ngay mẹ Nhân đến nhà tôi. Bà cụ vốn sợ thằng “đồng cô” mê con trai mình, nhìn thấy tôi cụ cứ nem nép rất tội. Tôi vừa buồn cười vừa thương. Đến giờ phút này, đâm lao thì phải theo lao, tôi thản nhiên xung phong đưa mẹ Nhân đi các bệnh viện tìm con.

Thế là ngay chiều tối hôm đó, tôi chở mẹ Nhân đến không sót một bệnh viện nào ở Hà Nội. Tội nghiệp bà cụ: đi dọc đường thì không sao, nhưng cứ đến bệnh viện là mặt bà tái dại đi, chân tay run lên cầm cập, chưa nói thì đã khóc rưng rức. Tôi lại phải là người liên lạc hỏi han, phải cố đóng cho tròn vai kịch đang sắm dở. Nhìn cả họ nhà Nhân vật vã lo lắng, sống dở chết dở, tôi thấy trong lòng hả hê. Tuy thế, chỉ chừng một tiếng sau, chứng kiến cảnh bà cụ thân sinh ra Nhân đau xót quá, tôi lại thấy thương, không nỡ hành hạ bà thêm. Sao tôi lại có thể tai ác đến thế? Ngay lúc ngồi ôtô từ Nam Định ra Hà Nội, bà cụ đã khóc đến ngất lên ngất xuống, cứ ời ời ối con ơi là con ơi. Người nhà phải gắt lên: “Đã biết nó chết hay chưa mà bà cứ gở mồm”, bà cụ mới thôi không gào gọi con nữa. Tôi chở bà đi đến bệnh viện cuối cùng là bệnh viện Bạch Mai, thì bà gục xuống, lên cơn đau dạ dày. Lúc ấy tôi mới thấy mình thực là độc ác. Tôi không cười thầm trong bụng được nữa, mà lo sợ: “Bây giờ bà già có làm sao thì mình ân hận suốt đời”. Nhưng biết nói thế nào, chẳng nhẽ lại ghé tai cụ “cháu đùa” hay sao? Đành phải im lặng mà vào nốt vai kịch: một người đàn ông, có vẻ là anh của nạn nhân, chín chắn, điềm tĩnh, cố kìm giữ nỗi lo lắng để hỏi han các y bác sĩ thật tỉ mỉ về tin tức của em trai. Rồi tôi cũng bắt đầu nghĩ đến cách phải thoát ra khỏi tấn kịch này. Phải làm sao đây? Nếu Nhân biết, hắn căm thù tôi đến kiếp sau mất. Mà rồi thể nào hắn cũng sẽ biết.

Giữa lúc ấy thì Quang xuất hiện. Hắn tìm gặp tôi ở bệnh viện Bạch Mai đúng lúc bà cụ mẹ Nhân đang lên cơn đau dạ dày phải nằm lại đó. Quang kéo tôi ra một góc, mặt nghiêm lại:

- Ông nghe đây này. Ông ghen tuông quá, độc ác quá, gọi điện về bịa chuyện hại gia đình người ta, đúng không? Nhận đi. Can đảm nhận đi.

Tôi im lặng vài giây, rồi buộc phải nói thật: “Ừ, tao đấy Quang ạ. Chí nh là do tao đấy. Tao thù thằng Nhân quá. Nhưng mày đừng nói với bà mẹ nó nhé. Tao, tao xấu hổ quá”.

Quang lắc đầu:

- Chịu anh. Em biết. Em đã bán tin bán nghi ngay từ đầu rồi. Thôi, dù sao biết được tin này thì cũng đỡ sợ, chứ nó mà chết thật thì tội quá.

Hai anh em đang thì thầm to nhỏ thì bà cụ từ trong giường mò ra, khóc thôi là khóc: “Ối Nhân ơi là Nhân ơi, sao con bỏ mẹ? Con ơi, con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo, thế mà con nỡ lòng nào con bỏ mẹ? Ối giời ơi, tôi nuôi con sống, bây giờ tôi lại thờ con chết giời ơi!”. Bà cứ hời hỡi hời hỡi như thế trước cửa phòng bệnh, giọng Nam Định đặc sệt. Quang cũng là đứa vô tâm, biết là bạn hắn không chết, bây giờ lại thấy bà cụ lăn lộn hờ con như thế thì buồn cười lắm, mặt hắn nhăn nhăn nhở nhở như khỉ, làm tôi cũng bị lây. Tôi phải cắn chặt môi, tay nọ bấm vào tay kia để khỏi cười phá lên. Hết thấy thương bà cụ mà chỉ thấy bà khóc vô duyên quá thể! Thế rồi Quang không chịu được nữa, hắn bò lăn ra sàn, cười rũ cười rượi. Tôi chắp tay: “Giời ơi, Quang ơi, tao lạy mày. Đừng cười nữa. Bà ấy đang khóc mà mày cứ lăn ra cười như thế à, bà ấy đang nhìn tao kia kìa. Nhục quá. Khổ lắm nữa, yêu với chả đương”. Quang vừa cười quặn bụng, vừa lấy tay chỉ tôi: “Ôi, con dâu điêu ác chưa kìa! Cái mồm vẩu điêu ác!”. Bà cụ ngừng khóc, nhìn hắn phẫn nộ: “Mày, sao mày…?”. Quang cố nín cười:

- Thôi bây giờ thế này. Cô thử gọi điện về Nam Định đi cô ạ, xem có tin tức gì không.

Bà cụ (lúc đó vẫn còn đau dạ dày âm ỉ, chắc thế) có vẻ hơi tỉnh tỉnh. Bà vội vã ra cổng viện gọi điện thoại về quê. Thì ôi thôi, Nhân đang ngồi lù lù ở nhà hắn dưới Nam Định.

Hai mẹ con trò chuyện một lúc. Bên kia, Nhân nói như nhai không khí ra:

- Mẹ. Mẹ đi về đi. Gọi taxi về nhà, bao nhiêu tiền con cũng trả.

- Không, anh Dũng với anh Quang đang giữ mẹ ở trên này. Để sáng mai mẹ ra bến ôtô sớm.

- Cho con nói chuyện với thằng Quang.

Nhân chỉ nói chuyện với Quang, nên tôi hiểu ngay hắn đang căm tôi đến mức nào. Chờ Quang nói gì đó với hắn xong, tôi nhảy xổ vào giằng lấy điện thoại: “Cô để cháu nói chuyện với em Nhân!”

Loading disqus...