Hưng cắm cảu bỏ đi. Tôi cũng gọi xe ôm bám theo ngay. Cảm giác nhục nhã của một kẻ lẽo đẽo “chạy theo trai” làm tôi nóng bừng mặt. Rồi nỗi nhục dần chuyển thành nỗi căm hận. Về đến quán rượu gần nhà hắn, tôi gọi mấy chai, uống cho kỳ hết. Rồi khật khà khật khưỡng đến trước cửa nhà Hưng, réo tên hắn ra chửi cực kỳ bậy bạ. Hưng sợ không dám xuất hiện. Lúc đó tôi đã say khướt.
- Thằng Hưng! Ra đây, ra đây, tao uất lắm rồi. Hôm nay tao dám làm những việc người khác không dám làm đâu.
Rượu nói thay người. Hưng ở lì trong nhà không ra. Tôi réo tên hắn, khóc, chửi ầm ĩ cả khu lên. Đêm đã khuya, hàng xóm lác đác dậy, ai nấy thò đầu ra nhìn. Trong cơn say, không nghe được tiếng mình, người ta nói to lắm, huống chi tôi gân cổ gào. Giọng khàn khàn men rượu cộng thêm với vẻ bề ngoài xộc xệch nhếch nhác của một gã say như dựng cổ tất cả mọi người trong khu dậy, bắt họ phải vểnh tai nghe, trố mắt nhìn. Bố Hưng cũng ngó ra: “Cái gì nữa thế này?”. Văng vẳng trong đầu óc mụ mị của tôi câu nói của Hưng: “Bố em chửi cho mục mả đấy, anh không thấy à?”. Chửi. Chửi nhưng vẫn lẳng lặng cầm tiền từ tay một thằng đồng tính là tôi. Chửi nhưng vẫn để con mình ăn chung ở đụng với tôi hàng tháng trời. Tôi chỉ mặt ông già, quát:
- Tôi hỏi ông, thằng Hưng đâu? Ông gọi ngay nó ra đây, không hôm nay nó khóc dở mếu dở đấy.
Bố Hưng lắc đầu, quay lưng đi vào không nói một câu. Như một Chí Phèo chính hiệu, tôi hóa rồ hóa dại, đập liền tám chai rượu ở cổng ngõ, vừa đập vừa gào lên the thé: “Ối giời ơi, các ông các bà ơi, thằng Hưng giết tôi. Nó lên trên nhà tôi hiếp cháu tôi. Nó làm khổ tôi. Bây giờ cả nhà tôi đuổi tôi rồi, ối giời ơi”. Thủy tinh vụn văng tung tóe. Tai tôi ù đặc, mắt mờ đi, chẳng còn nhìn rõ cái gì vào cái gì. Hưng từ trong nhà chạy vội ra – hắn đã lấp ló đâu đó từ lúc nãy. Tôi xồ vào hắn. Một đám thanh niên (hình như là hàng xóm, bạn Hưng thì phải) nhảy vào ôm chặt lấy tôi, dìu lên xe máy đưa đi. Đi đâu? Đi đâu? Bỏ ra. Tôi vùng vẫy, đấm đá. Ở trong nhà, bố Hưng chửi con – ốm gì nghe tiếng cứ sang sảng: “Mẹ mày, con chó ngu. Tao đã bảo mày đi về chỗ nó rồi. Nó đã điên mức độ ấy, mày phải biết điều chứ! Cút mẹ mày đi, đánh đú hàng tháng trời trên ấy còn được, bây giờ chết làm sao được mà không đi? Cứ trứng khôn hơn vịt!”.
Cả bọn lếch thếch theo nhau ra khách sạn. Tôi ôm Hưng khư khư như giữ vàng giữ ngọc suốt đêm. Rồi say, rồi nôn oẹ, chửi bới, rồi ép hắn làm tình… Sáng ra tỉnh rượu, tôi chỉ còn biết khúm núm:
- Mình, tôi xin lỗi nhé. Tôi xấu hổ quá. Tha thứ cho tôi nhé, tối qua tôi say rượu quá đấy thôi chứ tôi không nỡ làm mình buồn khổ đâu. Nhưng mà… mà cũng tại Hưng đấy, làm tôi quá giận mất khôn. Lúc nóng lên thì không thước nào đo được.
Lại tha nhau đi ăn uống, hải sản, nem cua bể, cà phê cà pháo… Lại đưa tiền cho Hưng về chăm bố ốm, rồi gạ hắn lên ngay Hà Nội. Hưng làm mặt sưng sỉa, làu bàu: “Gạn đấy, cố gạn đấy!”. Rồi cũng đồng ý.
Thế là tôi lại tiếp tục cung phụng, chiều chuộng hắn, chăm như chăm bố trẻ.
Điên tình cắt tóc người yêu
Có những lúc đau đớn quá, tôi nói với Hưng, thiết tha như lời khuyên nhủ đứa em trai: “Hưng ơi, ngày xưa bố tôi dạy như thế này: Có nhân nhân mọc trên đầu. Vô nhân nhân trẩm biết đâu mà tìm…“Trẩm” là chìm, là lặn đấy. Sống tốt thì được tốt, sống bạc thì cuộc đời kết thúc không ra sao đâu Hưng ơi”.
Hắn nhăn nhở: “Đây chả biết. Chả liên quan”.
Hưng bỏ ngoài tai những lời nỉ non của tôi. Qua mấy tháng trời ăn tiêu vung vít, hắn bắt đầu nhớ cô người yêu và tìm cách gặp gỡ. Cứ ở với tôi được vài ngày là Hưng thấy buồn và lại lẳng lặng chuồn mất. Thế là tôi hóa rồ hóa dại lên, lại sùng sục đuổi theo hắn, đi tìm, đi tìm. Càng tìm càng bóng chim tăm cá, tuy nhiên vài ngày sau hắn lại về, lại ăn tiêu như phá. Cứ như thế mấy lần thì tôi kiệt sức, rơm rớm nước mắt bảo hắn: “Mày bạc bẽo quá Hưng ạ. Mày dã man lắm, mày vô tri vô giác, không có trái tim. Bây giờ chỉ còn thiếu mỗi nước là tao quỳ xuống chắp tay lạy mày, xin mày ở lại đây. Thậm chí tao chỉ cần mỗi tuần mày về ở với tao một ngày thôi mà mày cũng không chịu, cứ biền biệt biền biệt. Tao cứ phải khắc khoải, héo hon chờ đợi mày thế này thì tao chết thôi, tao không sống nổi đâu”.
Hưng nhìn tôi thản nhiên đến mức làm tôi phát sợ. Mặt hắn vênh lên, lạnh tanh, đôi môi đỏ chìa ra theo cái hất cằm: “Ai bảo thích người ta? Ai khiến thế? Ai hứa gì hẹn gì?”. Mỗi câu nói là một nhát dao cứa vào tim tôi. Tôi tái mặt: “Mày… mày nuốt lời? Mày khốn nạn thế à Hưng?”. Văng vẳng trong tai tôi lời Hưng nói mới vài tháng trước: “Em thề em sẽ không bao giờ bỏ anh, anh nhé”. Những ngày ấy nay còn đâu. Hưng quay nhìn sang chỗ khác, lạnh lùng trơ trơ không một chút cảm xúc. Tim tôi như vỡ vụn ra. Hết rồi, hết thật rồi, không còn cách nào níu giữ hắn được nữa.
Tôi tuyệt vọng: “Thôi, bây giờ thế này Hưng nhé. Mày thích đi thì cứ đi, có chân thì mày đi đi, nhưng để bộ tóc ở lại đây làm kỷ niệm, rồi mày có chết cũng được”. Hưng hơi ngẩn người: “Thế thì phải cắt tóc à?”. Hắn còn chưa kịp hiểu gì, tôi đã vớ lấy cái kéo sắt và xoẹt xoẹt bốn, năm nhát vào mái tóc bờm xờm của hắn. Tại sao làm thế, tôi cũng không biết nữa. Có lẽ một phần là để thỏa nỗi uất hận trong lòng, một phần là để trói chân Hưng lại trong nhà, không cho hắn đi đâu. Càng cắt, đầu tóc hắn càng nham nhở, sợi dài sợi ngắn tua tủa. Hưng bị đau, mồ hôi túa ra như tắm, mắt nhắm nghiền lại. Nhưng ngay cả lúc đó, tôi thấy hắn vẫn thật dễ thương. Được một lúc thì đầu Hưng thành trọc thật. Mặt Hưng đẹp là thế mà khi không còn tóc trông biến dạng hẳn. Đầu hắn như to ra, da đầu xanh xanh như bị chốc, mấy cái sẹo trắng lộ hết. Tôi dí vào mặt hắn chiếc gương con, trêu tức một cách rất trẻ con: “Nhìn đi”.
- Tao căm thù mày – Hưng nghiến răng, hai mắt đỏ hoe.
Tôi cười nhạt:
- Có giỏi thì đi với gái nữa đi.
Hưng nói như dằn từng chữ một:
- Nói cho mày biết. Mười ba tuổi tao đã biết ra ngoài đời kiếm sống. Tao không lạ gì mày cả. Những lần trước, tao không chấp. Nhưng bây giờ, tao thù mày. Nhớ đi là vừa.
Tôi cười, nhơn nhơn. Lúc đó, tôi chẳng thấy áy náy tẹo nào. Phải về sau này, khi xa Hưng hẳn rồi, tôi mới nhớ lại hành vi của mình mà thấy hối hận. Tâm trạng tôi lúc ấy là một sự hỗn độn: si mê, ghen tuông, thù hận, cố chấp, cộng thêm một chút tính hờn giận trẻ con. Tôi cay cú đến cái độ chỉ muốn hành hạ Hưng cho thỏa mà không cần biết hậu quả sẽ như thế nào.
Ngay chiều hôm đó, tôi bắt hắn đi xem phim. Ngồi trên xe máy, sau lưng hắn, tôi ôm Hưng thật chặt, áp má vào lưng hắn, mắt nhắm mắt mở. Đèn đỏ ở ngã tư, Hưng chống chân dừng lại, gần như cả đoạn phố quay nhìn hai thằng đàn ông kỳ dị: Thằng ngồi đằng sau ghì ôm thằng đằng trước, thằng đằng trước mặt mày hầm hầm, miệng lảm nhảm chửi rất tục tĩu. Mặc kệ. Kệ tất cả. Tôi chỉ biết phải hành hắn cho hả giận.
Vào rạp, tôi vừa ấn Hưng ngồi xuống ghế thì hắn đứng bật dậy, đòi đi toilet. Tôi bước ra cửa rạp, lẳng lặng châm thuốc chờ. Quả thật, chỉ nhoáng một cái, đã thấy Hưng lon ton chạy ra ngoài. Tôi túm áo hắn: “Đi đâu? Quay vào ngay!”. Hưng trừng mắt: “Con điên. Mày hành tao thế chưa đủ à?”. “Cắt tóc còn là nhẹ đấy, cắt rồi lại mọc”. “Đ.mẹ mày, tao thù mày”. “Ừ thì thù, thù cũng phải vào”. Hưng còn đang loay hoay thì tôi đã kẹp cứng lấy cánh tay hắn, vừa hôn má vừa lôi hắn vào rạp. Tính trẻ con trỗi dậy, tôi tốc cái mũ úp trên đầu hắn ra, cười hi hí trước một cái đầu nhẵn thín và xanh lét. Bao nhiêu người quay lại trố mắt nhìn. Hưng cũng cười nhưng hai con mắt đã long lanh nước. Rồi hắn vùng mạnh một cái, thoát khỏi tay tôi, chạy vắt chân lên cổ. Chạy đâu cho thoát. Tôi đuổi theo đến đứt cả hơi, tim như muốn tung ra khỏi lồng ngực, cuối cùng tóm được hắn, lăn vào, ôm chặt. Hai thằng thở hồng hộc như kéo bễ trước ánh mắt kinh sợ của những người qua đường.
- Anh Dũng! Thôi, em xin anh để cho em đi. Em đang có hẹn. Em đi một tí rồi em lại về. Em hứa là em sẽ về.
- Không tin Hưng nữa. Ở nhà.
- Sao anh bảo cắt tóc em làm kỷ niệm rồi sẽ để em đi?
- Không, tôi nói thế thôi. Tôi không cho Hưng đi nữa đâu. Không đi đâu hết. Không đi đâu hết – Tôi vừa bíu chặt tay Hưng vừa giậm chân đành đạch.
Xung quanh có những tiếng lào xào: “Sao thế nhỉ?”, “Hai thằng gay yêu nhau”, “Khiếp, kinh quá!”… Nhưng lúc đó mặt tôi đã dày hơn cái thớt. Tôi vừa gào, vừa kéo Hưng ra chỗ để xe, không xem phim nữa, lấy xe về nhà.
Từ lúc đó đến tối, Hưng ngồi yên lặng bên cửa sổ ở gác hai, còn tôi vừa nấu cơm, làm việc nhà, vừa theo dõi hắn. Một sự im lặng đến chết người. Đêm, tôi len lén leo lên giường, nằm cạnh hắn, quay mặt vào tường định ngủ thì đột nhiên Hưng lên tiếng: “Nhất quyết tao không ở đây nữa. Chết ngay tao cũng không ở với mày”. Tôi van nài: “Tôi cắt tóc Hưng là vì tôi yêu Hưng quá đấy thôi. Tôi không sống thiếu Hưng được. Tóc cắt rồi lại mọc mà”. Hưng phẩy tay: “Không nói nữa, nào, làm việc nốt lần cuối đi”. “Ừ thì làm”, dứt lời tôi ôm choàng lấy hắn. Chẳng cần biết ngày mai sẽ ra sao. Đến sáng, tôi xuống nhà, nói thầm với mẹ: “Mẹ ơi, con ốm lắm. Mẹ bảo các cháu đến giúp mẹ công việc buôn bán đi. Con nghỉ”. Mẹ tôi gật đầu. Vẻ mặt bà cụ khiến tôi không hiểu bà tưởng tôi ốm thật, hay đã biết tất cả mà làm như không biết?
Tôi bỏ hết chuyện làm ăn, dành tất cả thời gian vào việc canh giữ Hưng. Tôi giấu mũ của hắn để hắn không thể trốn đi đâu với cái đầu trọc lốc xấu xí được. Hưng ngồi giặt quần áo, tôi canh. Hưng đi vệ sinh, tôi cũng canh bên ngoài, chờ cho đến khi hắn phải ra. Nỗi tuyệt vọng và thù hận mỗi lúc một dâng lên đầy trong ánh mắt Hưng. Tới gần trưa, có một người bạn làm ăn đến gặp tôi, rủ ra ngoài bàn công chuyện. Rủ Hưng theo nhưng hắn nhất định không chịu, tôi bèn khóa trái cửa lại, nhốt Hưng trong nhà. Ra quán ăn, tôi ngồi bàn công việc mà trong bụng rủa thầm thằng bạn vô duyên. Nóng ruột vô cùng, lòng tôi chỉ canh cánh nghĩ về Hưng.
Thời gian trôi qua sao nặng nề thế. Tan buổi “bàn thảo”, tôi chia tay người bạn, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Sững người. Ổ khóa đã bật tung ra. Bản lề cũng bị bung – Hưng đã phá cửa để trốn đi, không để lại một lời nào. Hắn cầm theo một túi quần áo (hãy còn ướt vì mới giặt xong chưa kịp phơi khô), và tai ác hơn, hắn lấy trộm tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và chứng minh thư của thằng cháu tôi.
Hưng không học hành gì, tha phương cầu thực từ nhỏ, lăn lộn với cuộc sống vỉa hè. Hắn và cháu tôi có nét mặt hao hao nhau nên nhìn ảnh cũng khó phân biệt. Do vậy, hắn bỏ đi không mang theo tiền bạc gì của mẹ con tôi, nhưng lại cậy ngăn kéo tủ lấy cắp bằng tốt nghiệp và chứng minh thư của thằng cháu, để kiếm cơm sau này. Hành động ấy cho tôi hiểu rằng thế là hết hẳn rồi, Hưng sẽ không bao giờ trở lại nữa.
k
Trong những ngày ấy, quá khứ hiện về thiêu đốt tôi dữ dội. Đầu tiên là quá khứ xa vời – một thời thơ ấu nghèo đói nhưng trong vắt như giấc mơ của Alice ở xứ sở thần tiên. Tôi cứ tha thẩn chơi với hoa cỏ (thời ấy Hà Nội còn nhiều cây dại, duối gai, găng… lắm, đâu đã bê tông hóa, xi măng hóa hoàn toàn như bây giờ), cứ bồng bềnh trong những làn điệu cải lương ngọt ngào như đường mật, cứ mê đắm những ánh kim tuyến long lanh trên áo cô đào anh kép. Rồi tôi chơi ô ăn quan, ném loong, nhảy dây với chúng bạn. Rồi tối tối lại lang thang ra vỉa hè ngồi ngắm phố phường, hoặc là kéo nhau sang nhà hàng xóm xem phim Liên Xô. Thời ấy truyền hình chiếu nhiều phim Liên Xô và Đông Âu hay thật: Trên từng cây số, Hồ sơ thần chết, Ma quỷ trên bánh xe khổng lồ…
Lớn lên một chút là lúc tôi bắt đầu cái tuổi mơ màng viết thư tình vào sổ tay, nhớ về nụ cười ấm áp của anh bán vé tàu điện có gương mặt đẹp mà lạnh như Deyanov trong phim Trên từng cây số. Nói như lời một câu hát, là khi ấy “em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên, và em đã biết thương nhớ, biết giận hờn…”.
Lúc ấy thằng Dũng gái có nghĩ đời nó sẽ có những ngày đen tối như thế này: sa vào yêu đương đến kiệt quệ cả người. Nếu như biết trước thế này, tôi đã không yêu. Mà không, không phải thế. Tôi đã biết trước tất cả đấy chứ. Tôi biết rõ rằng Hưng là kẻ bội bạc, tàn nhẫn, từ cái nhìn lạnh lẽo và tiếng cười nhạt của hắn lần bị mẹ tôi mắng, từ cách hành xử và lời ăn tiếng nói của bố hắn. Một người cha như thế ắt có một đứa con như thế. Xa nhà bao nhiêu năm, Hưng không hỏi han bố được lấy một lời. Nếu không có cái lần cầm tiền của tôi về thăm bố ấy, chắc hắn cũng chẳng nhìn mặt bố được một lần. Con người ta phải có cái gốc. Với bậc sinh thành, người nuôi hắn từ lúc còn đỏ hỏn, mà hắn còn bạc bẽo như thế, thử hỏi tôi là gì để hắn phải bận tâm? Ánh mắt của hắn là ánh mắt của kẻ lưu manh, hận đời. Hắn chẳng còn tin gì vào cuộc sống, hắn làm gì còn trái tim nữa mà tôi hy vọng hắn dành một góc trái tim cho tôi?
Vì yêu hắn mà tôi đã chấp nhận bán thân để kiếm tiền cho hắn – lần duy nhất trong đời. Thật ra không phải tôi hết sạch tiền đến mức không nuôi nổi Hưng. Nghề buôn bán nhỏ, dù chẳng làm tôi giàu sụ như đại gia hay rủng rỉnh tiền nong như mấy anh bạn ca sĩ, nhưng cũng đủ cho mẹ con tôi và Hưng ăn uống ngon miệng, quần áo mới thích là mua được. Nhưng hắn vẫn bắt tôi đi khách với Tây, một lão Tây già, hình như là người Canada hay Đan Mạch gì đó, mặt nhăn nhúm như quả táo Tàu, thân thể nhẽo nhèo nhèo, thật kinh tởm. Lão ta vốn là bạn, bồ hoặc có thể là một mối quan hệ nào đó của Hưng mà hắn không muốn tiếp tục làm tình, đẩy quách cho tôi. Hắn nói với tôi, nửa đùa nửa thật:
- Ai làm gì Dũng mà Dũng khổ? Ai bắt Dũng yêu người ta? Có biết người ta còn khổ như thế nào không? Vì miếng cơm manh áo, người ta phải đi ngủ với Tây đấy.
- Ngủ với Tây thích quá còn gì! – Tôi trêu hắn. Thật ra cũng có phần đúng. Dân đồng tính ở ta khá thích người nước ngoài, nếu đó là “Tây đẹp trai”.
- Thích à? Thế bây giờ đi ngủ với Tây thật nhé?