Bóng... Trang 32

Mối tình đơn phương của tôi với Lâm có một số cái đầu tiên: Lần đầu tiên tôi hôn một người đàn ông. Lần đầu tiên tôi có quan hệ tình dục với đàn ông. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là điên vì tình, với sự cố uống rượu say, cởi hết quần áo nằm lăn ra đường gào khóc gọi tên người yêu, gọi mẹ. Rồi bị lảng tránh, bị hắt hủi… Sự yêu đương của tôi với Lâm đúng là theo tinh thần câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm. Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”. Tôi cứ lao vào yêu Lâm điên dại như thiêu thân lao vào bóng đèn nóng sáng, mà chẳng hề ý thức được mình có cái gì để thu hút Lâm, hay nói cách khác, chẳng có một “chiêu”, một “bài vở”, “mánh khóe” nào cả. Sau Lâm, tôi mới bắt đầu biết cách tán tỉnh hơn. Gọi là tán tỉnh thì không hẳn đúng: Kể từ khi cuộc tình dại khờ với Lâm tan vỡ, tôi mới nhận ra vị thế thua thiệt của mình so với phụ nữ, và hiểu ra rằng để quyến rũ đàn ông, tôi không còn cách nào hơn là phải biết mình, biết người. Tôi phải tìm đến những người cần tôi, tôi phải mang lại cho họ cái mà họ cần. Nếu không thì chẳng có cách nào để một thằng gay như tôi chiếm được thể xác và may ra, trái tim, của một người đàn ông cả.

Từ sau khi mất Lâm, tôi đã yêu thêm nhiều đàn ông khác và quên hẳn bóng hình của chàng “Lý Tiểu Long” một thuở. Có thể chính điều đó khiến tâm lý của cả hai chúng tôi đều nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Tôi không còn muốn giành lấy Lâm, còn Lâm không còn muốn tránh mặt tôi. Lần đầu tiên gặp lại sau cả thời gian dài xa cách là khi tôi đang ngồi ở quán café quen thuộc với một cô bạn cũng biết Lâm. Cô ta gọi điện thoại cho Lâm, rủ ra uống nước cho vui. Không hiểu linh tính thế nào mà ở đầu dây bên kia, Lâm đột ngột hỏi:

- Có… có Dũng ở đấy phải không?

- Có. Sao anh biết? Anh ngại à?

- Không. Ngại quái gì.

Thế là Lâm ra. Tôi nhìn thấy Lâm từ xa. Vóc người hơi đẫy ra. Vẫn gương mặt ấy, mũi dọc dừa và đôi mắt thăm thẳm, ánh nhìn của Lý Tiểu Long. Nhưng tôi lạ lùng nhận thấy mình không còn cảm giác gì hết. Tim tôi không đập rộn lên và mặt không bừng sáng lên vì một nụ cười vui sướng như ngày nào nhìn thấy Lâm từ xa đi tới nữa. Tôi bình thản. Lòng nhẹ nhàng như khi gặp lại một người bạn cũ, tuy quý mến nhưng không thân thiết lắm, sau bao nhiêu năm xa cách.

Giờ thì Lâm biết rõ tôi là người đồng tính rồi, nói theo ngôn ngữ của dân bóng, tôi “lõa” quá, “nặng nghiệp” quá rồi, thay đổi làm sao được. Nên chẳng bao giờ Lâm nhắc lại lời khuyên tôi năm xưa: “Anh Dũng, anh dừng lại đi, anh phải tìm con gái mà yêu đi” nữa. Cũng không ai nhắc lại chuyện đó, sợ làm người kia ngượng. Nếu vô tình nói ra điều gì có thể gợi lại vụ yêu đương năm xưa, thì phải ngay lập tức khỏa lấp bằng những câu đùa.

Tài nghiện – người tình một đêm của tôi – đã lấy vợ. Thật không hiểu sao hắn nghiện nặng thế mà vẫn có người phụ nữ muốn nương cuộc đời của mình vào hắn. Thật tâm hắn chẳng có ý định cai. Cũng chẳng biết Tài làm nghề gì, có đủ tiền nuôi vợ và chích hút hay không. Tôi và hắn thi thoảng lại gặp nhau tình cờ trong đám bạn, mỗi khi cả hội kéo nhau đi chơi đâu đó. Chẳng thằng nào hỏi thăm thằng kia lấy một lời. Chắc hắn ghét tôi “bỏ rơi” hắn, còn tôi thấy vừa xấu hổ vừa thương bản thân vì đã khát tình đến mức bập cả vào một thằng nghiện. Dù vậy, tôi chẳng trách mình. Làm sao cưỡng lại tình cảm được, một khi đã trót yêu? Huống chi Tài đẹp trai thế (bây giờ hắn vẫn đẹp), đẹp lãng tử, đúng cái gu của một kẻ mơ mộng như tôi.

Hưng bảy màu vẫn dật dờ kiếm sống ở Hà Nội. Một đôi lần tôi trông thấy hắn lang thang trên vỉa hè, mặt thờ thẫn, không biết đang đi đâu. Dân quán nước gần đó bảo Hưng chưa vợ con gì, nghiện ma túy đã hai năm nay. “Lại còn thế nữa” – tôi thầm nghĩ – “May quá hồi ở với mình, nó chưa nghiện, chứ không thì tiền mình vào tay nó như gió vào nhà trống”. Hắn tránh mặt tôi, nhác thấy bóng tôi từ xa xa là đã vội lảng. Tôi cũng chẳng cố tìm gặp Hưng làm gì, tiền cho hắn vay coi như là biếu không. Thâm tâm tôi thương Hưng: Hoàn cảnh như thế, chắc hắn khó mà ngóc đầu lên được. Âu cũng là cái giá phải trả cho một kiếp người. Thôi thì may mà hắn không (hay là chưa?) sa vào con đường tội lỗi.

Nhân trở về Nam Định, lấy vợ, sinh con. Hai vợ chồng sống đúng cuộc đời bình dị của một gia đình nông thôn điển hình ở một nơi đang đô thị hóa: có khoảnh ruộng nhỏ thuê người cấy cày, một cửa hiệu tạp hóa bán từ lọ dưa cà muối, bó hương muỗi đến cái kem đậu xanh tự làm bằng cách pha bột đậu xanh bỏ ngăn đá tủ lạnh… Nhà không giàu nứt đổ đổ vách nhưng cũng đủ tivi, cassette, xe máy cho hai vợ chồng chạy chợ; ở nông thôn như vậy là khá giả. Tết nhất hoặc vào dịp nghỉ lễ, Nhân vẫn lên Hà Nội chơi thăm tôi, mang cho tôi khi cân gạo, lúc đòn bánh. Có năm nhà ăn Tết to, hắn còn đem biếu tôi một con ngan béo. Nhân là người duy nhất vẫn gọi tôi là “mình”, xưng “tôi” như thời hai đứa còn ở với nhau, và thỉnh thoảng (nghĩa là trước khi tôi có Dương), chúng tôi vẫn quan hệ với nhau… như hồi ấy. Cũng phải thừa nhận, cho đến giờ phút này, tôi vẫn yêu Nhân và sẽ rất hạnh phúc nếu được ở cùng Nhân. Tình yêu là thế, không thể giải thích được vì sao lại có một bóng hình cứ ám ảnh ta mãi mãi. Người ta bảo, sau khi đã lập gia đình, phần đông đàn ông và phụ nữ vẫn tiếp tục ôm giữ trong tim hình ảnh một người tình mà anh ta/ cô ta không với tới, không sở hữu được. Phải chăng tôi cũng thế? Nhân sẽ mãi mãi là người tình trong mộng của tôi.

Người đàn ông cuối cùng?

Nếu làm phép so sánh, tôi sẽ nói rằng tôi yêu Nhân nhất, thương Hưng nhất, và quý Dương nhất. Đó là ba cuộc tình để lại ấn tượng sâu nặng nhất trong đời tôi. Tôi yêu Nhân vì Nhân đàn ông, nồng nhiệt, tốt bụng, tình cảm với tôi. Tôi thương Hưng khổ cực từ nhỏ, bị đời xô đẩy nên nỗi sống bạc bẽo, đầy thù hận. Tôi quý Dương đứng đắn, đàng hoàng và giản dị.

Phải, tôi quý em lắm, Dương ạ. Từ ngày có Dương, tôi sống cân bằng lại, không còn sợ những ngày lễ, ngày Tết nữa. Trước kia thì Tết nào đối với tôi cũng là một khoảng thời gian khủng khiếp, nhất là từ năm mẹ tôi mất. Tôi ở nhà bật nhạc nghe một mình, lủi thủi dọn dẹp, cắm hoa, nấu nướng, chẳng biết để cho ai nữa. Tôi sợ phải bước chân ra ngoài đường phút giao thừa, thấy trai gái nắm tay nhau, thiên hạ đưa con cái đi chơi ríu ra ríu rít, còn tôi thì trơ khấc ra, không thể trốn đi đâu cho thoát nỗi cô đơn ám ảnh. Tóm lại, cái ngày mà mọi người mong đợi nhất trong năm thì với tôi đó là cái ngày đáng sợ nhất, buồn tủi nhất.

 

Tết, từ ngày có Dương, đỡ buồn hơn. Mặc dù tôi vẫn phải ở nhà một mình – Dương về quê với gia đình – nhưng ít ra tôi cũng có thể lau dọn, trang trí nhà cửa, nấu cỗ chờ ra Tết đón Dương. Ba năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ buổi sáng tất niên là hắn về Yên Bái. Hì hục bê đồ ra xe máy cho Dương mà nước mắt tôi cứ vòng quanh, hắn lại phải dỗ: “Thôi, đừng buồn. Tôi về mấy hôm rồi tôi lại lên với Dũng”. Hai mắt tôi cay xè, nhưng được nghe Dương nói một câu như thế là lòng tôi vui lắm.

Dương thông cảm với tôi. Tôi tin tưởng Dương. Chúng tôi tôn trọng nhau và chưa bao giờ phải đau đầu nhức óc về nhau. Vẫn tự xác định rằng sẽ đến một ngày chúng tôi chia tay để Dương lập gia đình, nhưng tôi sẽ không khủng hoảng, không điên loạn lên nữa. Chúng tôi đã trọn nghĩa với nhau rồi.

Cuộc sống của chúng tôi bây giờ như thế này: Hàng ngày, Dương đi làm ở cửa hàng trên phố Huế. Tôi tham gia hoạt động xã hội với các thành viên ở nhóm Thông Xanh, tìm niềm vui trong công việc, trong sự đấu tranh cho quyền bình đẳng của người đồng tính. Tối tối, tôi ở nhà chăm sóc, trò chuyện với Dương, tranh thủ làm thêm những việc nho nhỏ cho Thông Xanh, như thiết kế chương trình, tờ rơi, chuẩn bị trang phục biểu diễn v.v… Thời gian rảnh rỗi, tôi đọc sách, nghe cải lương, xem phim đĩa ở nhà, hoặc đi cà phê với bạn. Tôi có nhiều bạn bè, nhất là từ khi xây dựng Câu lạc bộ H.Đ. và chấp nhận công khai trước dư luận. Riêng công việc tiếp khách, tiếp các phóng viên báo chí đã ngốn một phần quỹ thời gian của tôi. Nói chung cũng khá bận rộn và đủ vui vẻ. Về kinh tế, tôi, cô em gái và mấy đứa cháu có mở một cửa hiệu cầm đồ nên không phải lo lắng nhiều chuyện tiền bạc nữa. Còn tương lai, khi Dương lấy vợ? Chắc tôi vẫn sẽ vui vẻ, lấy cháu làm con, lấy công việc xã hội làm nguồn vui.

Tôi cũng bắt đầu hướng về thế giới tâm linh. Hồi trẻ, mải mê yêu đương, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện tín ngưỡng, lên chùa chủ yếu là để vãn cảnh, đi chơi với bạn bè, đi hầu đồng hầu bóng thì toàn kiếm trò trêu chọc các “thầy” các “cậu” (thường là một đồng cô nào đó). Bây giờ, tôi lại nghĩ rằng con người ai cũng cần có niềm tin để sống, mà với người đồng tính như tôi thì cõi tâm linh có khi còn là một sự giải thoát. Tôi năng lên chùa hơn, thắp hương cầu nguyện cho lòng mình được thanh thản.

Bạn hỏi tôi có hối tiếc điều gì trong đời không? Cuộc đời tôi gặp nhiều thua thiệt: Sinh ra là người đồng tính, không được học hành nhiều, yêu đương khổ sở cay đắng, làm ra bao nhiêu tiền nuôi trai hết bấy nhiêu… Đó là những nỗi bất hạnh, kém may mắn mà mỗi khi nghĩ đến, tôi đều thấy buồn và thương mình lắm. Nhưng tôi không hối tiếc. Vì tôi không có lỗi gì khi sinh ra với nhân cách một nửa đàn ông một nửa đàn bà, không lỗi gì khi không có điều kiện học hành cho bằng người, không lỗi gì khi chỉ yêu nam giới mà không yêu phụ nữ. Có chăng, tôi chỉ tự trách mình đã yêu đương mê muội, mù quáng, điên dại trong bao nhiêu năm.

Bạn hỏi bây giờ tôi mong muốn gì không? Hay là một kế hoạch nào đó cho tương lai?

Tôi mong muốn đơn giản lắm. Trước hết là sức khỏe. Thứ đến công việc kinh doanh ổn định, may mắn để về già tôi có một số vốn đảm bảo cho đời sống khỏi chật vật vất vả. Tôi xác định rằng tuổi già của tôi sẽ rất cô đơn, nên phải có đồng ra đồng vào để thuê mướn người làm hay thuốc thang khi đau ốm, bệnh tật. Nước mắt chảy xuôi, người già ai chẳng cảm thấy lẻ loi ngay cả khi con cái đề huề. Người đồng tính còn cô độc hơn thế, vì họ không có nổi một gia đình.

Đến đây, bạn đọc có thể sẽ thấy dường như cả cuốn tự truyện này của tôi đều toát lên ý người đồng tính sinh ra là để “trọn kiếp cô đơn”. Có thể bạn sẽ hỏi tôi câu cuối cùng rằng vậy bây giờ, tôi có hạnh phúc không?

Không. Tôi không hạnh phúc. Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống của tôi và chấp nhận chính tôi. Sướng khổ tại tâm, khi ta biết chấp nhận, lòng ta sẽ thanh thản hơn và, theo một nghĩa nào đó, sướng hơn.

Nếu như tôi là người bình thường… Giá như tôi được là một người đàn ông bình thường… Thì tôi sẽ có nhiều cơ hội để hạnh phúc. Nhưng tôi và cộng đồng giới tính thứ ba đã không được lựa chọn. Hạnh phúc trọn vẹn với chúng tôi bây giờ là có một ai đó để yêu thương và được yêu thương, là sống trong một xã hội có cái nhìn rộng mở hơn với người đồng tính luyến ái.

Mà biết đâu chừng sẽ đến một ngày xã hội hoàn toàn chấp nhận những con người như chúng tôi, để rồi có một người đàn ông yêu và gắn bó với tôi mãi mãi?

Đôi lời từ người viết

Tôi gặp Dũng lần đầu tiên vào một ngày đầu xuân năm 2007. Mưa lất phất.

Chúng tôi ngồi ở hai bàn kề nhau trong một quán café nhỏ nơi phố cổ Hà Nội. Bạn tôi khều: “Thấy nhân vật kia không? Pêđê đấy”. Tôi nhìn theo hướng tay bạn để thấy một người đàn ông cao to, da ngăm ngăm, lưỡng quyền nhô cao trên khuôn mặt góc cạnh. Anh ta mặc áo khoác đen, đi giày thể thao, dáng rất khỏe. Không, không có biểu hiện nào của một người mà chúng ta vẫn gọi là “gay” hay “pêđê”. “Sao ông biết người ta pêđê?” – tôi hỏi. “Thì ở chợ Hàng Bè ai chẳng biết dì Dũng. Gay chính hiệu. Người cực kỳ nổi tiếng trong giới đấy”.

Đó cũng là lúc Dũng nhận ra bạn tôi, hai người vẫy tay cười chào nhau. Vài câu thăm hỏi, chúng tôi kéo ghế sang bàn anh nhập hội. Tôi cố tránh để không nhìn trộm Dũng khi anh nói chuyện. Dù sao, trong tôi vẫn đầy ắp sự tò mò muốn biết gay là như thế nào – cái tâm lý rất đỗi bình thường ở những người chưa một lần tiếp xúc với thế giới thứ ba. Tóc rễ tre, da đen, giọng nói trầm đục, Dũng hoàn toàn không giống với hình dung của tôi về gay. Về ngoại hình, điểm duy nhất khiến anh khác những người đàn ông khác là chiếc nhẫn vàng cực to gắn vào ngón áp út. Đàn ông chắc ít ai đeo nhẫn lớn như vậy. Về điệu bộ, Dũng có kiểu ngồi thẳng lưng, ngực ưỡn ra sau làn áo sơmi bó sát, hai bàn tay thỉnh thoảng lại đan vào nhau một cách điệu đà. Cũng ít khi đàn ông có những cử chỉ như thế.

Dũng là người hay chuyện. Dù hiếm gặp bạn tôi, còn tiếp xúc với tôi thì mới lần đầu, anh vẫn nói đủ thứ trên trời dưới bể với một vẻ nồng nhiệt và cởi mở chỉ có ở những người khá quảng giao và hiểu biết. Đặc biệt, Dũng có khiếu sử dụng từ ngữ để thu hút sự chú ý và tạo cảm xúc ở người đối diện. Nổi lên trên tất cả là óc hài hước, trào lộng đến mức độ ngoa ngoắt. Anh làm chúng tôi cười đứt hơi cả buổi:

- Hôm trước vừa gặp mấy chú tiểu. Khiếp quá khiếp quá, các chú mê tốc độ, bốc quá cơ, phi xe máy trên đường 5 bay cả mũ!

- Hừ, biết “quả” Vân ấy rồi. Cũng dạng yêu tinh thần nữ cả. Ngồi một chút là nghi lễ chia tay cử hành ngay.

- Bóng đá à? Không, không xem đâu, ghét lắm, hiểu gì mà xem. Con gái ai xem bóng đá, nhỉ? – Vừa nói anh vừa đặt tay lên ngực, lắc lắc đầu cười ngượng nghịu. (Dũng không bao giờ xem bóng đá thật).

Bạn tôi có vẻ đọc được sự tò mò của tôi. Trong câu chuyện với Dũng, bạn tìm cách hướng anh nói về chủ đề mà tôi e rằng nhạy cảm: đồng tính luyến ái và thế giới của người đồng tính. Dũng không tỏ ra ngại ngần hoặc khó chịu như tôi tưởng. Anh rung đùi nói chuyện cả buổi, ngôn từ cực kỳ phong phú: “Anh hả? Anh mới lộ diện được mấy năm nay chứ mấy. Đại đa số dân đồng tính là phải giấu giếm, trừ 10% bóng lộ. Bóng lộ thì tức là ván bài lật ngửa rồi còn gì nữa”. “Bóng lộ nghĩa là sao á? Em có để ý mấy người đàn ông vai rộng thân cao mà lại hay phấn son trang điểm, với độn ngực để có đồi thông hai mộ không? Đấy, bóng lộ đấy. Còn như anh là bóng kín”… Chúng tôi cười rũ rượi.

Thỉnh thoảng bạn tôi lại nháy mắt, gọi anh là dì Dũng. Anh cười khanh khách, chẳng hề phật ý. Tôi không còn thấy anh như thuộc về một nhóm người xa lạ, khác biệt với cộng đồng, dễ bị tổn thương và khó gần nữa. Anh là người bình thường ở một tầng lớp xã hội bình thường. Anh không tự ti về bản thân, nhưng cũng chẳng gồng mình lên tự tin, tự hào, hay mè nheo đòi quyền lợi cho dân đồng tính. Có lẽ đúng nhất, phải nói rằng anh sống thoải mái với bản chất của mình.

Loading disqus...