Dương như một làn gió mới, làm tôi cân bằng lại. Sau những năm tháng mê muội trong yêu đương, tôi mất lòng tin vào con người. Trong tôi chỉ còn lại nỗi buồn và hận. Tôi hận đời, hận người, cứ nghĩ mình ăn ở hết lòng hết dạ với Hưng, với Nhân, mà sao chúng như không có tim, không có tình cảm? “Làm sao em biết bia đá không đau?”1 – đến bia đá còn biết đau khi bị tình phụ, mà chúng chẳng hề lay chuyển. Nhưng bây giờ có Dương rồi, tôi sống bình tâm hơn và hiểu được nhiều hơn, những điều mà khi còn trong mê cung tình ái, tôi không thể ngộ ra.
Bao giờ đến ngày chia tay?
Tôi gặp Dương khi tóc đã đốm bạc, mắt phải đeo kính lão nhẹ, tuổi đã gần đến đầu bốn. Có phải vì thế mà nhu cầu tình cảm và cả tình dục trong tôi không còn nhiều nữa? Cũng có thể một phần nguyên nhân của sự “tắt lửa lòng” là do tôi đã ra công khai. Từ ngày chính thức cho mọi người biết về tình trạng giới tính của bản thân, tôi không còn phải yêu đương vụng trộm giấu giếm nữa. Lẽ thường là ăn vụng bao giờ cũng ngon, còn khi đã được ăn chính thức, no nê thừa mứa ra, thì người ta chẳng thèm nữa. Tôi không yêu Dương nồng cháy, mãnh liệt như đã từng trải qua trong các mối tình trước: anh bán vé tàu điện, Hưng, Nhân, và vô số cuộc tình chớp nhoáng. Mọi sự diễn ra bình bình, êm ả. Đôi khi tôi thầm tiếc, giá tôi gặp Dương sớm hơn, hoặc là giá những người yêu trước của tôi đều như Dương, thì những năm tuổi trẻ của tôi đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng nói là nói vậy, tôi vẫn hiểu rằng tìm được một người như Dương ở đất này hơi khó. Có một bạn tình tử tế, đứng đắn, đàng hoàng như thế, tôi còn mơ mộng gì nữa? Và cũng vì thế, tuy không thật sự yêu Dương đắm đuối, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm kiếm một mối quan hệ khác, dẫu chỉ để cho vui. Phụ tình thì tình phụ. Tôi không thể nghĩ đến người nào khác ngoài Dương, bởi khi đó tôi sẽ có cảm giác mình mắc lỗi với Dương. Tôi phải dừng lại, dừng tất cả những cuộc tình một đêm một thoáng trăng hoa lại. Cứ tưởng tượng cảnh Dương ở nhà chờ tôi, còn tôi thì ngủ vụng trộm với người đàn ông khác ở khách sạn, thì thấy tội đó thật đáng để voi giày ngựa xéo.
Và chúng tôi sống bên nhau thanh bình, yên ả. Tôi hay đùa: “Không ngờ cuối đời Lan lại gặp Điệp, Điệp gặp Lan thế này, Dương ạ”. Từ năm 2004 đến nay, thấm thoắt đã bốn năm. Đây là mối tình kéo dài nhất và yên ổn nhất của tôi.
Nhưng, bạn biết không, ngay cả những lúc hạnh phúc nhất, tôi vẫn hiểu rằng cuộc tình này của chúng tôi sẽ không thể kéo dài mãi mãi cho đến lúc cả hai cùng “đầu bạc răng long” như người ta thường nói. Cuộc đời tôi – cuộc đời của một kẻ đồng tính – không bao giờ là chuyện cổ tích. Câu chuyện cổ sẽ kết thúc khi Dương lấy vợ, mà điều đó sẽ phải đến thôi, tôi ý thức được nó lắm. Tôi đã xác định sẵn rằng Dương chỉ có thể ở với tôi thêm hai, ba năm nữa là cùng thôi. Năm nay hắn hăm ba rồi.
Khi ngày chia tay đến, tôi sẽ buồn hay không? Có chứ, không thể nào không buồn được vì đó cũng là một sự mất mát, và nói gì thì nói, tôi vẫn muốn thời gian tôi ở bên Dương như thế này kéo dài càng nhiều càng tốt. Nhưng tôi tin rằng nỗi buồn một mai kia sẽ đến nhẹ nhàng, không gây ra khủng hoảng, không làm tôi mất thăng bằng. Bởi vì tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nó rồi. Ông bà ta xưa có câu “Thờn bơn chịu chết một bề”, đúng là tâm lý của tôi hiện nay. Tôi đã có tuổi, đã qua giai đoạn bồng bột đam mê và ham muốn, cũng đã nếm đủ mùi hạnh phúc ngọt ngào lẫn bất hạnh đắng cay, và quan trọng nhất là tôi đã biết chấp nhận số phận.
Sự tỉnh ngộ của con người là một cái gì đấy rất lạ. Nó có thể không đến sau bao nhiêu năm, bất chấp những lời khuyên nhủ, tư vấn, thậm chí năn nỉ, của bao nhiêu người. Nhưng nó lại thình lình đến vào một thời điểm nào đó trong đời ta mà chẳng hiểu là do tác động từ đâu. Giống như là một sự tự ngộ ra vậy. Tôi nhớ khi tôi yêu Hưng bảy màu, bạn bè tôi ai cũng ghét Hưng, ghét lây cả tôi vì sự mê muội. Ai cũng can, và tôi biết rằng họ nói đúng, nhưng không hiểu sao tôi không sao dứt ra khỏi mối tình với kẻ bạc bẽo đó được. Đến khi tôi yêu Nhân, sự điên rồ lại lặp lại. Ngay đến Quang cũng phải thở dài: “Anh Dũng ơi, sao anh khổ thế? Em chứng kiến suốt đời anh, anh chỉ chạy theo người khác, khổ vì người khác. Anh sống cho anh đi, anh lo cho bản thân anh đi chứ. Em thấy anh khổ cực đến mức độ này rồi mà vẫn chịu được, không hiểu anh nghĩ gì nữa”. Chị Kim, hàng xóm nhà tôi, thì bảo: “Dũng ơi, em xem thế nào chứ. Em với thằng Nhân chửi bố chửi mẹ nhau, mày tao chi tớ với nhau không ra làm sao cả. Em mất hết cả thể diện, danh dự. Bạn bè hàng xóm trông vào người ta coi thường cho đấy”. Tôi chỉ vâng vâng dạ dạ. Đến cái lần tôi bịa chuyện Nhân bị tai nạn giao thông, làm cả nhà hắn kinh hoảng, chị Kim lại lật đật sang tận nhà tôi khuyên nhủ:
- Dũng ạ, thôi bây giờ cũng phải tỉnh ra dần đi chứ, chẳng lẽ cứ u mê mãi thế này? Từ trước đến nay em yêu bao nhiêu thằng con trai rồi, lịch sử cứ lặp đi lặp lại. Em định trượt theo vết xe đổ đấy à?
Tôi hiểu chị nói đúng, nhưng tôi nào có “định” đâu. Lúc đó tôi đã thấy cay đắng lắm rồi: Gần bốn chục tuổi đầu, chẳng làm được cái gì, cả đời chạy theo đàn ông, mà cứ mỗi người bỏ đi thì lại để lại trong lòng tôi một vết sẹo sâu. Dù vô tình hay cố ý, họ đều gây tổn thương cho tôi, hút hết trí não sinh lực của tôi. Biết vậy, biết là phải chấm dứt cơn u mê kéo dài, phải xác định cho mình một tương lai rõ ràng, nhưng tôi vẫn không sao làm được. Có lẽ phải đến một lúc nào đấy, con người ta mới đột nhiên bừng tỉnh, tự ngộ ra được đường đi đúng đắn cho cuộc đời mình; còn trước đó mọi lời khuyên nhủ của người xung quanh và những tiếng ừ hữ, hô quyết tâm của mình đều trôi tuột đi như nước đổ lá khoai cả.
Với tôi, cái thời điểm tôi thức tỉnh đã đến quá muộn, khi tôi đã trải qua bao nhiêu năm tuổi trẻ lặn ngụp trong những mối tình không lối thoát. Dù sao, muộn vẫn còn hơn không, tôi ngộ ra mọi chuyện sau khi tôi đã gặp Dương, và nhờ thế cuộc chung sống của tôi và Dương diễn ra yên lành, không còn những cơn ghen tuông bệnh hoạn, những trận đánh đấm loạn đường loạn phố. Bây giờ, lòng tôi nguội hẳn. Tôi không còn những ngộ nhận, mơ ước như ngày xưa rằng sẽ có một ngày tôi gặp được hoàng tử đích thực của cuộc đời, hay là cứ sống với một ai đó thật tình cảm, lâu dài thì rồi họ sẽ gắn bó với mình. Than ôi, mộng tưởng hão huyền. Thực tế làm gì có chuyện ấy, không bao giờ! Người đồng tính sinh ra là để cô đơn. Có những người bạn tôi, kể cả khi nhắm mắt nhắm mũi lấy vợ, sinh con đẻ cái, gia đình đông đúc, họ cũng vẫn cô đơn, cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Người vợ thì bất hạnh – dĩ nhiên, ai có thể bù đắp được cho trái tim của người phụ nữ sống bên chồng mà không được chồng yêu thương. Bạn tôi có người bảo: “Năm nay tôi lên chức ông ngoại rồi đấy Dũng ạ, mà tôi vẫn chẳng bỏ được tình yêu với giai. Tủi nhục quá. Cứ phải giấu giếm, kìm hãm thế này suốt đời”. Như một sợi dây đàn càng căng thì lúc bật càng mạnh, những người bạn tôi khi đã không thể chặn được nỗi khao khát và sự cô đơn thì sẽ bùng nổ. Điều đó giải thích cho hiện tượng nhiều người đàn ông đứng tuổi, có gia đình đàng hoàng tử tế, bỗng dưng đùng một cái bỏ tất cả để chạy theo một mối tình trai của mình. Vì trách nhiệm với gia đình dòng tộc, họ đã hoàn thành rồi, nên lúc đó sẽ là lúc giải tỏa, hay nói đúng hơn: không thể kìm nén nổi nữa.
Tôi đã xác định rõ ràng rằng mình sẽ cô đơn, số kiếp của một người đồng tính là thế. Tôi sẽ vui vẻ chứng kiến việc Dương chia tay tôi để đến với gia đình riêng của Dương, có vợ có con như mọi người đàn ông bình thường khác. Tôi sẽ vẫn giữ mối liên hệ tình cảm, tình nghĩa với Nhân, với Dương. Sẽ can đảm sống những ngày tháng tuổi già trong ngôi nhà cổ hai tầng ở ngõ Hàng Bè này. Sẽ chấp nhận “lấy cháu làm con”, lấy công việc xã hội làm nguồn vui. Chẳng thể nào khác được.
Người đồng tính chúng tôi không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, đừng kỳ thị chúng tôi vì một hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh. Chúng tôi sinh ra là kẻ lạc loài, phải chịu sống cái phận của kẻ lạc loài. Tôi đã xác định được như vậy, kể như là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng khi mới tập làm quen với ý nghĩ “chấp nhận sự cô đơn”, tôi vẫn khóc thầm, rồi gục đầu trước bàn thờ mẹ mà nức nở. Nhưng mẹ tôi đã đi vào cõi xa rồi. Chỉ có tấm ảnh trên bàn thờ nhìn tôi rưng rưng.
Bây giờ tôi sống với Dương. Dẫu biết rằng sẽ không có ngày mai, nhưng tôi không nặng nề nhiều về chuyện đó. Dẫu sao tôi cũng cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp Dương. Dương không thuộc về tôi mãi mãi, nhưng trong đời chỉ cần gặp được một người như thế đã là may mắn lắm.
“Tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm”
Đời tôi có niềm đam mê lớn là cải lương và nhạc trữ tình. Tôi mê giọng hát ngọt như mía lùi của những nghệ sĩ – ngôi sao Phùng Há, Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Kim Tử Long… và những vở kinh điển như Dạ cổ hoài lang, Thiếu phụ Nam Xương, Kiều Nguyệt Nga, Tiếng trống Mê Linh v.v… Nhạc trữ tình, tôi thích âm nhạc tiền chiến và cả nhạc Sài Gòn cũ. Tôi đặc biệt hay nghe và nhớ những bài hát với giai điệu và ca từ tuyệt đẹp của hai nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Ca từ nhạc Trịnh đặc biệt phản ánh đúng tâm trạng của con người trong tình yêu, đủ các cung bậc yêu thương, hạnh phúc khi yêu, đau buồn, tuyệt vọng khi bị phụ bạc…
“… Tình yêu như đốt sáng
con tim tật nguyền.
Tình lên êm đềm,
vội vàng nhưng chóng quên,
rộn ràng nhưng biến nhanh.
Tình cho nhau môi ấm,
một lần là trăm năm”.1
Deyanov, Lâm, Hưng, Nhân, Dương, và tất cả những gương mặt người tình khác đã đi qua cuộc đời tôi… Tôi sẽ không bao giờ quên họ. Chắc chắn họ cũng không bao giờ quên tôi. Sống với nhau một ngày cũng nên nghĩa, huống chi tôi và họ đã gắn bó và có với nhau bao kỷ niệm. Đúng là “tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm”.
Sau khi chia tay, chúng tôi vẫn giữ quan hệ bạn bè. Chỉ trừ với Deyanov. Tôi không bao giờ còn gặp lại anh nữa. Từ hôm Deyanov đến nhà tôi báo tin lấy vợ, tôi tránh mặt anh. Những năm tám mươi ấy, cả nước còn nghèo, không điện thoại, không xe gắn máy, gặp gỡ rất khó khăn. Tôi chỉ nghe nói về sau, vợ chồng Deyanov và mẹ anh chuyển từ khu ổ chuột Thanh Nhàn về một nơi ổ chuột khác đâu như ở Vĩnh Tuy. Nhà cũ của anh thì tôi chịu hẳn, không thể tìm ra được nữa. Khu vực Thanh Nhàn, Trần Khát Chân, Đông Kim Ngưu giờ đã thay đổi quá nhiều, chẳng còn lưu lại dấu vết gì của một thời. Đúng là vật đổi sao dời. Anh vẫn làm nhân viên Công ty Xe điện Hà Nội cho đến năm 1991 khi xe điện ngừng hoạt động. Không biết Deyanov đi đâu về đâu sau đó. Đến giờ thì tôi có cảm giác rằng anh đã chết, vì nếu còn sống thể nào anh chẳng tìm đến nhà tôi ít nhất một lần – hồi đó anh thương tôi lắm mà, chúng tôi từng vạ vật bên nhau cả ngày trời.
Hình ảnh Deyanov đọng lại trong ký ức tôi giờ cũng nhạt nhòa. Gần ba chục năm rồi còn gì. Nét duy nhất tôi nhớ trên gương mặt anh là đôi mắt to, hơi sâu, đượm buồn. Có lần vào mạng, tình cờ xem được vài bức ảnh của diễn viên từng đóng vai Deyanov trong phim Trên từng cây số, tôi nhắm mắt, cố hình dung lại gương mặt “Deyanov bán vé tàu điện” của tôi, nhưng không tài nào nhớ nổi. Bây giờ nếu trời thương cho tôi gặp lại anh và giả dụ tôi có nhận ra anh, chắc cũng chỉ bởi đôi mắt ấy.
Thủ trưởng của tôi thời quân ngũ, Ngọc, sắp về hưu. Anh và vợ con ở Vĩnh Yên, thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua đó tôi vẫn ghé nhà anh chơi (một lần đi cùng Dương trên đường từ nhà Dương về Hà Nội). Gặp nhau, bao giờ chúng tôi cũng rất vui vẻ, trò chuyện hàn huyên sôi nổi và nhất là đã nhìn thẳng được vào mắt nhau mà không bị cảm giác ngượng ngùng làm cho xa cách. Không ai nhắc lại chuyện ngày xưa tôi từng thích Ngọc, từng nằm ngủ cạnh anh, ôm ấp và vuốt ve thủ trưởng. Con anh – thằng nhóc ngày nào còn bé tí, bướng như ranh, đi lẫm chẫm bị “dì Dũng” cầm roi vụt thẳng cánh vào chân – giờ lớn tướng, đang học đại học. Buồn cười thật, nhìn nó bây giờ, tôi cứ nghe văng vẳng bên tai những câu tôi tranh thủ quát nó ngày xưa lúc bố nó đi vắng. May quá, nó không nhận ra tôi, không nhớ tôi là cái anh lính mặt đen dữ tướng, một buổi trưa trên con dốc Tam Đảo đầy nắng, đã vừa quất nó, vừa quát: “Mày đi bộ đi. Tao ghét mày”.
Hồi tôi yêu Ngọc, anh đâu có biết. Còn giờ gặp lại, anh đã biết tình cảm tôi dành cho anh ngày đó, nhưng lại không biết một điều khác trong tâm lý tôi lúc này: Nhìn anh, tôi kinh hãi cảm thấy sức tàn phá của thời gian thật khủng khiếp. Năm xưa anh đẹp oai hùng bao nhiêu trong bộ quân phục màu lính, thì nay trông anh tàn tạ bấy nhiêu. Cũng phải thôi, khi ấy anh còn trẻ, ở trong quân ngũ, ăn uống điều độ, vận động nhiều. Còn giờ đây, Ngọc già xọm đi (ngoài năm mươi rồi còn gì), mặt mày nhăn nheo, tóc bạc, bụng phệ. Tôi ngắm anh bây giờ, nhớ lại hình ảnh cân đối và cường tráng của thủ trưởng Ngọc ngày trước mà bùi ngùi, sợ thời gian và xót xa nghĩ tới bản thân. Tôi hình dung ra mình mười năm nữa, cũng xập xệ, “phai tàn nhan sắc” như thế, và còn đáng buồn hơn thế – cô đơn lủi thủi trong căn nhà hai tầng ở ngõ nhỏ trên phố Hàng Bè này. Không hiểu, tự hình dung ra trước tương lai, thì đến lúc mọi sự diễn ra đúng như thế, tôi có bớt buồn chán mà chịu đựng được mọi thay đổi nghiệt ngã hay không? Chắc là sẽ chịu được thôi, phải cố mà chịu, ai cưỡng lại được tự nhiên?
Tôi cũng vẫn duy trì quan hệ bạn bè với Hoàng Lâm. Lâm đã lấy vợ, có một con, hiện anh là giáo viên thể dục, dạy đại học. Lâm béo ra nhiều, không còn giữ được phom người của thời trai trẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau ra quán nước cà phê cà pháo. Có nhắc lại chuyện xưa thì cũng chỉ để cười cho vui. “Hồi ấy, ông tránh tôi như tránh hủi ấy Lâm ạ. Bây giờ thì thôi chứ hồi ấy, tôi tức lắm đấy”. “Không tránh, để anh lấn tới thì em lấy vợ làm sao được?”.