Bóng... Trang 29

Ở Việt Nam, tình hình cởi mở hơn nhiều. Đồng tính luyến ái chưa bao giờ bị coi là tội. Chính quyền không đặt chúng tôi ra ngoài vòng pháp luật. Chúng tôi được hưởng đầy đủ quyền lợi như bất kỳ công dân nào, không gặp khó khăn gì về mọi mặt giấy tờ, thủ tục pháp lý, đời sống sinh hoạt… Không có một điều luật nào liên quan tới người đồng tính luyến ái, điều đó chứng tỏ chúng tôi không hề bị phân biệt. Nỗi bất hạnh của người đồng tính xuất phát chủ yếu từ đời sống tâm lý tình cảm phức tạp, như tôi đã nói, chúng tôi yêu mà không bao giờ được thỏa mãn. Tâm khổ thì thân khổ. Có một thực tế không thể phủ nhận, tuyệt đại đa số người đồng tính khi về già đều buồn và cô đơn.

Ở nước ngoài, nhiều nước đã và đang có luật hướng vào giới đồng tính. Luật được nhắc tới nhiều, gây tranh cãi nhất, là có hay không cho người đồng tính kết hôn. Thực chất ý nghĩa của luật này là có khuyến khích người đồng tính công khai thân phận hay không. Nếu cho phép kết hôn tức là khuyến khích họ công khai, mà công khai thì họ sẽ bớt bị dằn vặt, ức chế, khổ sở hơn. Hà Lan và sau đó là Đức là hai nước đầu tiên hợp pháp hóa những cuộc hôn nhân đồng giới.

Ngoài nỗi bất hạnh do gặp khó khăn trong tình cảm, chúng tôi bất hạnh còn vì thái độ kỳ thị vô hình của cộng đồng. Dẫu sao các nước Á Đông vẫn là xã hội nam trị, người đàn ông giữ vai trò thống trị trong cuộc sống gia đình, trong việc duy trì dòng họ, nói như các cụ ta là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cho nên phụ nữ và những người không được coi là đàn ông đương nhiên sẽ bị cho ra rìa. Đàn ông mà bị xem như đàn bà là một nỗi nhục lớn. Xuất phát từ tâm lý chung ấy của xã hội, người đồng tính nào trong đời cũng trải qua một giai đoạn khủng hoảng – sợ hãi, xấu hổ, mặc cảm tự ti – vì phải che giấu con người thật.

Trong nỗ lực của người đồng tính nhằm kêu gọi sự chấp nhận và cảm thông của xã hội, không thể thiếu vai trò của truyền thông – báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền hình… Tôi rất cảm ơn nhà văn Bùi Anh Tấn với tác phẩm Một thế giới không có đàn bà. Đó là tác phẩm rất đông người đồng tính tìm đọc. Tôi cũng vậy, đọc nghiến đọc ngấu. Thật lòng mà nói, cuốn sách viết còn chung chung. Bản thân tôi là người trong cuộc thì ít thấy có mình trong đó. Đặc biệt, cái kết của cuốn sách là điều chúng tôi không thấy thỏa mãn. Nếu trong cuộc đời thực có một cái kết như thế – các chàng gay đều trở lại “bình thường”, có người yêu là phụ nữ, lấy vợ, gia đình hạnh phúc ấm êm – thì chúng tôi đã chẳng bao giờ phải đau khổ. Dù vậy, tôi vẫn cảm ơn nhà văn và tác phẩm, vì nói gì thì nói, cuốn Một thế giới không có đàn bà cũng mang lại cho người đọc bình thường ít nhiều hiểu biết khoa học về thế giới của người đồng tính. Sau khi được dựng thành phim truyền hình, Một thế giới không có đàn bà càng nổi tiếng thêm và giúp nhiều người hiểu hơn về đồng tính luyến ái. Phim ảnh, với tư cách một loại hình truyền thông, quả thật có vai trò lớn trong tuyên truyền. Một bộ phim nổi tiếng thế giới về đề tài đồng tính luyến ái là Brokeback Mountain (Hai chàng chăn cừu) của đạo diễn Lý An. Tôi đã xem đi xem lại Brokeback Mountain, thầm mong giá điện ảnh Việt Nam cũng sản xuất được những bộ phim như thế vế người đồng tính. Tiện đây nói thêm, tôi rất thích vẻ đẹp của chàng tài tử mắt xanh Heath Ledger trong Brokeback Mountain. Tiếc thay, Heath Ledger mất quá sớm.1

Báo chí, với tư cách kênh thông tin cực kỳ quan trọng trong xã hội, đương nhiên là góp phần đắc lực cho việc định hướng cái nhìn của dư luận về người đồng tính. Nghĩa là báo chí có thể cải thiện thái độ của công chúng hoặc làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Cho đến nay, đã có nhiều bài báo về thế giới của chúng tôi (trong đó có bài viết trên An ninh thế giới đề cập trực tiếp đến tôi, thậm chí VietNamNet còn đăng tải cả phóng sự truyền hình về tôi). Các nhà báo mà tôi đã tiếp xúc đều tỏ ra thông cảm với những người thuộc thế giới thứ ba. Tuy nhiên, lâu lâu lại có những tác phẩm làm cho cộng đồng giới tính thứ ba hết sức bất bình, do cách đặt tít và sử dụng ngôn ngữ đầy định kiến. Dường như tác giả viết về thế giới thứ ba với mục đích chính là câu khách. Để đạt mục đích đó, họ sử dụng các kỹ thuật đánh vào thị hiếu người đọc, bóp méo hoặc làm căng thẳng thêm câu chuyện, thay vì viết cho thật khách quan. Các phóng sự ấy tập trung đưa thông tin về mặt tiêu cực, khía cạnh đen tối và khuất tất của cộng đồng gay và lesbian. Những điều đó có thật, nhưng sẽ là bất công và thiếu khách quan nếu chỉ đơn thuần phản ánh chúng. Nhiều lúc đọc báo mà tôi thấy buồn, chạnh lòng, xót xa: Sao cứ xoáy mãi vào nỗi buồn của chúng tôi vậy?

Tuy nhiên, tôi tin tình hình sẽ được cải thiện dần dần. Vâng, phải là dần dần. Sự thay đổi nhận thức về giới tính thứ ba cũng đã diễn ra một cách từ từ, dần dần. Tôi đã chứng kiến cả quá trình, từ chỗ không ai hiểu đồng tính luyến ái là gì, cho đến ngày nay khi xã hội có khái niệm “đồng tính luyến ái”. Quá trình ấy diễn ra ngót một phần tư cuộc đời tôi còn gì. Bản thân tôi cũng mất nhiều năm để hiểu chính mình. Khi trong tôi hình thành những dấu hiệu bất thường không như các bạn trai khác, tôi đã đi tìm nguyên nhân, đi tìm một câu trả lời. Nhưng thời ấy xã hội rất thiếu thông tin và hầu như không ai hiểu biết về đồng tính. Tôi đã nghĩ mình bệnh hoạn. Đến bây giờ, tôi mới thực hiểu: Người đồng tính là người bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ có cái khác là khuynh hướng tình dục bẩm sinh, chúng tôi thích người cùng giới. Sẽ là đơn giản và hồn nhiên nếu nói đây là vấn đề sở thích. Nhưng quả thật, nó giống như một điều hết sức tự nhiên ở con người, như thể có người thuận tay phải thì cũng có người thuận tay trái. Giới tính là một dạng lỏng, không thể đưa nó vào khuôn khổ. Đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong bất kỳ giai tầng nào, xã hội nào.

Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái!

Đồng tính không phải một căn bệnh.1 Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh.

Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh.

Cuốn tự truyện này của tôi, tôi mong nó cũng làm tốt vai trò của nó. Nếu như có thể, nó sẽ góp một tiếng nói của giới đồng tính chúng tôi với xã hội. Nó sẽ giúp các bạn hiểu chúng tôi hơn.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu phát biểu trong nước mắt của mình, vào buổi họp căng thẳng hôm đó:

- Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại hàng ngày, thưa cô.

13.

Tình muộn

Người ta có số phận không? Tôi luôn tự hỏi mình câu hỏi đó. Chuyện tôi sinh ra là bóng và vì thế phải bất hạnh, cô đơn suốt đời, không phải sự lựa chọn của tôi; nó là bẩm sinh, là “trời sinh ra thế”. Vậy thì rõ ràng có số phận rồi. Nhưng như vậy, vai trò của con người ở đâu? Chúng ta có thể làm được gì? Không lẽ chỉ vì khác người mà chúng tôi cứ phải vác mãi cây xương rồng số phận trên vai hay sao?

Không, cuộc đời có lẽ như một bức tranh. Với người đồng tính, nó là bức tranh tối màu, nhưng cũng có những mảng sáng hiếm hoi. Với riêng tôi, mọi khổ đau đều xuất phát từ tình cảm. Tôi hay ví tình cảm như bát nước: Thời tôi còn trẻ, sung sức, lãng mạn, bát nước ấy sôi sùng sục. Giờ đây khi tôi đã bước qua tuổi bốn mươi, trải qua bao mối tình đầy dằn vặt và đau khổ, bát nước ấy cũng nguội dần, nguội dần, và vì thế khổ đau cũng bớt. Bây giờ tôi sống đằm hơn và nhẹ nhàng hơn, bên một người mà tôi yêu mến, và người đó cũng yêu mến tôi. Không hoàn toàn là tình yêu điên rồ gắn với thú vui xác thịt như những mối tình tôi từng có, mà là một thứ tình cảm anh em bạn bè, nặng về nghĩa. Không có tương lai, không nhiều ràng buộc – bởi vì tôi tự xác định rằng trước sau người đó cũng không thuộc về tôi – nhưng chính vì thế mà tôi thấy thoải mái hơn, không còn những cảm xúc cực đoan như vui sướng, thèm khát, ghen tuông, tuyệt vọng và thù hận.

Người đó là em đấy, Dương ạ.

Nếu như cuộc đời tôi vốn chỉ toàn bất hạnh, có lúc nào may mắn thì đó chính là bây giờ, khi tôi có Dương, khi tôi đã công khai với tất cả mọi người biết tôi và không biết tôi, rằng tôi là người đồng tính, và khi tôi lấy hoạt động xã hội làm niềm vui.

k

Chuyện Dương đến với tôi thật tình cờ, như mọi mối tình trước đó. Nhưng khác với các mối tình kia, tôi không si mê Dương ngay từ đầu, không theo đuổi dữ dội, và chưa bao giờ điên loạn mất ăn mất ngủ vì Dương. Tôi không nghĩ ở cuối con đường tình mệt mỏi và cay đắng, tôi lại gặp Dương, như tôi hay đùa với mọi người – “về cuối đời, Lan lại gặp Điệp”. Chuyện tình của tôi với Dương chẳng có gì đáng nói, bởi vì nó không xảy ra xung đột gì cả, nó diễn ra êm ả và không giống một tình yêu đôi lứa. Nó là sự gắn bó nghĩa tình giữa hai anh em, hình như thế.

Tôi quen Dương đã lâu, từ thời còn chung sống với Nhân. Dương trẻ, sinh năm 1985, kém tôi tới mười tám tuổi. Dương là bạn Nhân, nếu có thể nói Nhân là người giới thiệu Dương cho tôi cũng đúng. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là vào sinh nhật Nhân, tổ chức ở nhà tôi. Nhân và đám bạn của chúng tôi ngồi uống rượu, còn tôi lúi húi với công việc nấu nướng. Trong đám ấy có một cậu làm cùng Quang ở cửa hàng quần áo ngày trước, chính là Dương. Hắn người dân tộc Tày (bọn Nhân và Quang hay gọi đùa là “thằng tộc”), trắng trẻo, mặt mũi hiền lành, mắt một mí, trông hao hao người Tàu hay Hàn Quốc. Hồi ấy Dương còn ngây thơ, trẻ con, không vào uống rượu mà cứ chạy loăng quăng trong nhà trong bếp. Tôi trêu hắn: “Dương ơi, ra ôm anh đi này”. Tưởng đùa, thế mà hắn quay ra ôm tôi thật, vừa ôm vừa cười toe toét. Nhân ngoảnh lại nhìn thấy cũng cười bảo tôi: “Con vợ mình hôm nay lăng loàn quá nhỉ? Không tha cả thằng tộc à?”.

Về sau Dương cũng nhiều lần đến nhà tôi lúc rỗi việc, thăm tôi và Nhân. Chúng tôi hay mời hắn ở lại ăn cơm. Dương tính thật thà và tự nhiên nên ít từ chối. Mới quen Dương nhưng tôi đã cảm thấy hắn đứng đắn, đáng tin cậy. Thỉnh thoảng đi với Nhân có việc, tôi hay bảo Dương trông nhà hộ, thậm chí đã có lúc tôi thầm so sánh hắn với Nhân: “Chao ôi, giá như Nhân được tính nết như thằng bé này, có phải là mình đỡ khổ không?”. So sánh là vậy nhưng tôi không để ý đến Dương nhiều, vì tôi yêu Nhân. Thêm nữa, Dương lành quá, chất phác, ít nói nên cũng không có gì làm tôi chú ý. Tôi nghĩ Dương không có duyên với tôi, không hợp tính tôi.

Khi Nhân chia tay tôi để về hẳn Nam Định, tôi sa vào một cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng, kéo dài. Tôi suy sụp mất hơn một năm trời. Khi trái tim đã nguội, không còn đau đớn dằn vặt dữ dội như thời gian đầu nữa, là lúc tôi bắt đầu xác định mình sẽ cô đơn mãi mãi, phần vì không được ai yêu, phần vì không muốn yêu ai nữa để khỏi phải khổ. Thì một hôm Dương đến nhà tôi. Hắn không biết chuyện đổ vỡ giữa tôi với Nhân nên không có ý tới thăm an ủi. Hắn ít nói, ngồi một lúc rồi rụt rè trình bày thẳng vào vấn đề: “Em không có tiền về quê, em tiêu hết mất lương tháng rồi mà lại còn đang nợ tiền cơm nữa. Anh có tiền không, cho em vay về nhà, rồi hôm nào lĩnh lương em trả”. Hắn chẳng vay nhiều, có vài trăm nghìn bạc, mà vài trăm nghìn với tôi cũng không khó kiếm. Tôi đưa Dương vay ngay, lại chở hắn ra bến xe để về quê ở Yên Bái.

Bốn hôm sau Dương quay lại Hà Nội, gần như việc đầu tiên là đem tiền trả tôi. Tôi hơi ngạc nhiên, có chút cảm động, thầm nghĩ hóa ra Dương không hề lợi dụng mình, chắc chắn hắn là người tốt đây. Tôi từ chối: “Dương cầm lấy đi, anh cho em đấy”. Nhưng hắn gạt đi: “Không, vay là trả. Em có xin anh đâu”. Tôi càng hài lòng hơn nữa. Nhìn hắn trông cũng thư sinh, điềm đạm, ăn nói có vẻ rất lành tính. Nghĩ thương Dương nhà nghèo, lại quý hắn thật thà, không có ý lợi dụng một “con cóc vàng”, tôi bèn lấy xe chở hắn đi siêu thị chơi, mua tặng hắn ít bánh kẹo, thuốc đánh răng, khăn mặt, xà phòng thơm… – tôi biết Dương thiếu thốn lắm. Không ngờ Dương từ chối cả: “Em tưởng mua cho anh chứ mua cho em thì thôi. Những cái này em có, em vẫn còn mà”. Tôi quý hắn lắm vì cái tính thật thà, không tham lam ấy.

Sau đó chúng tôi chơi với nhau như hai người bạn, đúng hơn là như hai anh em vì tôi hơn Dương những mười tám tuổi. Thỉnh thoảng tôi có nói với hắn, cũng như một ông anh nói với cậu em: “Hay là em về ở với anh? Anh em mình nương tựa vào nhau. Anh coi em như thằng em ấy, kể cả em có người yêu rồi cũng không sao vì em là em anh mà, có phải tình nhân như anh với Nhân đâu”. Nhưng Dương không đồng ý, cho mãi đến khi hắn hết hạn hợp đồng làm bảo vệ cho cửa hàng quần áo nọ. Trong lúc chờ ký hợp đồng mới, không tiện về quê, hắn đành đến nhà tôi ở nhờ một tuần.

Trong vòng một tuần ấy, tôi đưa Dương đi chơi nhiều nơi cho biết đó biết đây. Hắn là con một người Tày ở Yên Bái, thoát ly xuống Hà Nội học nghề vệ sĩ rồi về làm bảo vệ cho một cửa hàng quần áo trên phố Huế. Hắn tuy không biết nói tiếng Tày, thật sự là đã mất gốc Tày, nhưng vẫn giữ cái ngây thơ, thậm chí ngờ nghệch của người dân tộc. Ở Hà Nội đã lâu mà hắn chưa từng đi chơi đâu, và chắc là sẽ chẳng đi đâu nếu không có tôi. Tôi đưa hắn đi thăm thành cổ Hà Nội, phủ Tây Hồ, Bách Thảo, công viên Thống Nhất, vườn thú Thủ Lệ… Hôm tới Thủ Lệ có cả Quang (bạn Nhân và tôi ngày trước) đi cùng. Dương thích chí lắm, leo trèo nhảy nhót như con khỉ con, rõ ngây thơ. Quang cười bảo tôi: “Cái thằng bé này như là ở trên rừng về ấy anh Dũng nhỉ? Nhìn nó cứ ngơ ngơ, trông kìa!”. Dương cầm gói mít khô, ăn một miếng lại tuồn cho con khỉ trong chuồng một miếng. Khỉ chê không lấy, hắn quay sang đưa mẩu mít thừa cho Quang: “Này, anh Quang ăn đi này!”. Quang cười phá lên: “Bố tao cũng chẳng dám. Mày cho khỉ ăn xong lại đưa tao à?”.

Dương cũng cười:

- Anh tưởng khỉ không biết ăn à? Đây này, ăn đây này. Đấy, anh thấy chưa, nó ăn nhiều hơn cả anh!

Hắn cười tít, đôi mắt một mí long lanh. Từ Dương toát lên một vẻ ngây thơ trong sáng lạ lùng. Tôi nhìn hắn, thầm nghĩ: “Ôi, mình thích thằng này rồi. Mình thích cái tính của nó”.

Loading disqus...