Bóng... Trang 27

Ngoài việc chịu đựng hàng chục ca mổ, những người cả gan đoạt quyền tạo hóa còn phải uống thuốc để điều chỉnh hoóc môn, suốt phần đời còn lại. “Phụ nữ” dùng estrogen để có làn da và thân hình mềm mại, giọng nói trong trẻo hơn, lông tay lông chân bớt phát triển. Còn “đàn ông” sử dụng testoterone để tạo cơ bắp và kích thích râu ria mọc. Nếu ngừng dùng thuốc, diện mạo của họ sẽ mau chóng biến dạng theo hướng “trở về thời xưa cũ” ngay. Hóa chất vào cơ thể nhiều như thế nên các transgender (người chuyển đổi giới tính) rất dễ bị tổn thọ. Theo lời bạn bè tôi, tại Thái Lan, những người chuyển đổi giới tính, sống thọ lắm cũng không quá 45 tuổi (họ thường bắt đầu giải phẫu lúc 30 tuổi). Còn nếu giải phẫu sớm hơn thì cũng sẽ chết nhanh hơn.

Thế mà giảm tuổi thọ vẫn còn là điều dễ chấp nhận để có thể đổi lấy niềm hạnh phúc được sống thật với con người mình. Tôi có người bạn cũng là dân chuyển đối giới tính, trước khi phẫu thuật, cô nói với bác sĩ tư vấn: “Em chỉ mong trở thành một người đàn bà, cho dù như thế em chỉ sống thêm một tháng cũng được. Em sẽ vẫn vui vẻ chấp nhận, miễn là được sống đúng mình”.

Họ muốn trở thành đàn bà để được đàn ông yêu. Muốn có tình yêu của đàn ông, họ phải đẹp hơn phụ nữ thật. Một người bạn tôi, Cindy Thái Tài, khi còn là đàn ông nặng trên tám mươi cân. Phẫu thuật xong cô phải khổ luyện rất nhiều: hút mỡ bụng, tập tành, ăn uống kiêng khem như người mẫu. Cô trở thành một phụ nữ sexy và đẹp mê hồn. Tôi tin rằng từ khi phẫu thuật, Cindy có điều kiện để được yêu hơn.

Phải nói là nhiều người sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính đã trở thành những phụ nữ vô cùng quyến rũ, da mịn màng, cơ thể đẹp hơn phụ nữ thật nhiều. (Không tin, xin bạn cứ thử đến dự một buổi sinh hoạt của cộng đồng giới tính thứ ba. Bạn sẽ hoa mắt trước những cô gái cao ráo, da trắng, tóc dài mướt mượt, form cực chuẩn, chẳng kém gì siêu mẫu). Tuy nhiên, họ vẫn cứ là “hàng nhái của hàng hiệu” chứ không phải “hàng xịn”, vì họ không sinh con được. Thẳm sâu trong lòng những người chuyển đổi giới tính luôn có nỗi buồn của việc không thể nào trở thành phụ nữ thật, cũng không phải là đàn ông thật. Sau khi thoát xác đàn ông để trở thành đàn bà, transgender không thể đạt cao trào trong quan hệ tình dục. Họ chỉ lơ lửng ở giữa, bởi không còn xuất tinh được nữa. Một người sau khi làm phẫu thuật, từng ngậm ngùi tâm sự với tôi: “Anh ơi, chuyện em đi… chưa chắc đã là quyết định đúng đắn nhất của em đâu. Vì… vì anh đã nhìn thấy con gà sống mà bị thiến đi chưa? Em, chúng em là như thế đấy”. Tôi cảm nhận được nỗi buồn trong ánh mắt và giọng nói của cô. Nhưng cô vẫn còn may mắn là đã kiếm được bạn trai – một người nước ngoài đã có gia đình nên không còn quan trọng chuyện con cái. Thêm nữa, anh ta cũng là gay (bóng kín) nên rất thông cảm với cô vợ đã từng là đàn ông.

Sự thật chua chát là phẫu thuật không thể biến một anh đàn ông thành phụ nữ “xịn”. Kể cả giống phụ nữ y hệt đi chăng nữa, thì người chuyển đổi giới tính cũng không thể sinh con như phụ nữ được. Họ cũng không mong gắn bó cuộc đời với người đàn ông tử tế, thành đạt v.v… vì một lẽ dễ hiểu: Gia đình bên kia không một ai đồng ý với việc con mình lấy một người không có khả năng sinh nở. Với những người phụ nữ phẫu thuật để biến mình thành đàn ông, tình hình chẳng vui vẻ gì hơn. Vì đồ giả không thực hiện được chức năng thật.

Vậy mà, bất chấp tất cả, những con người ấy vẫn đoạt quyền tạo hóa để được sống đúng mình.

“Từ nay tôi là phụ nữ”

Trung đã tự kìm nén, áp chế những khao khát bên trong, cho tới ngày quyết định “phải sống đúng mình”. Gom góp, tích trữ đủ tiền sau nhiều năm lăn lộn thương trường, đến năm 2006, cô quyết định sang Thái làm phẫu thuật chuyển đổi. Cô giấu tất cả bạn bè quyết định, giấu cả tôi. Như sau này Trung giải thích, đấy là vì cô muốn tạo cho mọi người và cả chính mình một sự bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ còn một lý do nữa mà Trung không tiết lộ, là nỗi sợ “nói trước bước không qua”, nhỡ phẫu thuật gặp rủi ro, có bề gì thì biết thế nào?

Dù vậy, trong những ngày chuẩn bị lên đường, Trung vui lắm, niềm vui tỏa ra từ nét cười sáng bừng. Tôi ngạc nhiên, tưởng hắn làm ăn vào cầu hay lại có tình yêu nào mới. Sau mới biết đó là niềm vui của sự chờ đợi một cuộc đời hạnh phúc đang đến gần.

Gần một năm trời, công cuộc tu tạo mới kết thúc. Phẫu thuật xong rồi, Trung như lột xác. Từ nay Lê Trung là Lệ Chung. Bao nhiêu năm kìm nén rồi, bây giờ Trung mới thật sự là Chung và có quyền sống như mơ ước của mình. Vì thế mà Trung điệu. Điệu cho hả. Điệu cho bõ. Điệu cho thỏa mãn cái niềm khao khát bấy lâu của mình. Nghiêng vai, vuốt tóc, chớp mắt, nhíu mày, nhăn mũi, cười nụ chúm chím… Trung điệu chảy nước ra, điệu nhũn nhùn nhùn đến hơn cả phụ nữ.

Trong cơn sung sướng đến điên người khi cuộc đời được mở sang trang mới, có những lúc Trung như lên đồng. Gặp anh xe ôm, Trung mở bung áo ra… khoe ngực. Anh chàng xe ôm sợ quá rồ ga bỏ chạy. Tôi phải chạy bổ ra ôm lấy Trung, lôi vào nhà, ôn tồn căn dặn: “Giời ơi là giời, gái ơi là gái. Bây giờ dì là con gái rồi, phải giữ ý tứ chứ sao lại lõa ra thế?”. Trung ngượng, cười ngỏn ngoẻn.

Vài tháng sau những ca tiểu phẫu cuối cùng, Trung xúng xính váy đầm, cùng tôi đi dự đám cưới D., một người bạn chuyển đổi giới tính. Chú rể người gốc nông thôn, hiền lành, ngoan, yêu cô dâu D. qua một mối tình sét đánh. Dĩ nhiên là anh biết và thông cảm hoàn toàn với chuyện của cô. D. mặc váy cưới lóng lánh hạt cườm và kim tuyến, mặt rực hồng màu son phấn, nụ cười luôn nở trên môi. Bờ vai trần vẫn còn dấu vết của cơ bắp đàn ông, nhưng chắc D. không nhận thấy điều đó, nên cô vẫn rất tự tin, cái tự tin của một người phụ nữ sexy. Lại có vẻ gì bẽn lẽn, e lệ như một cô dâu đích thực trong ngày vu quy. Trung và tôi ngồi cười nói rôm rả với các thực khách cùng mâm. Tôi để ý thỉnh thoảng Trung lại liếc mắt nhìn về phía đôi uyên ương. Có lúc, cô không rời mắt khỏi tà váy trắng của D. Kể cũng lạ, tôi không thấy Trung công khai đưa hết gã trai này đến gã trai khác về nhà mình ở nữa kể từ khi cô lột xác thành phụ nữ. Phải chăng, sau bao nhiêu mối tình một năm, một tháng, một tuần, thậm chí một đêm, cuối cùng cô đã muốn có con ong đậu lại với bông hồng?

Đám cưới rất đông, vui. Chúng tôi gặp cả mẹ chú rể – một bà già nông dân chất phác thuần hậu. Bà cụ hào hứng: “Cô dâu xinh không? Nó nhiều hơn thằng N. nhà tôi vài tuổi nhưng mà tốt lắm, ngoan lắm. Cuối năm nay là tôi có cháu bế rồi”. Cả bàn tiệc lặng ngắt.

Tôi cúi vội mặt xuống. Thương bạn tôi quá, thương cả bà mẹ chồng của cô nữa. Thảo nào mà tôi thấy đám cưới diễn ra tuy linh đình nhưng vẫn có phần vội vã. Có lẽ hai vợ chồng vội vàng kết hôn để ngộ nhỡ cái bí mật tày trời kia có lộ ra thì gia đình chú rể sẽ bị đặt vào thế đã rồi. Lúc đó, bà cụ này sẽ thế nào? Nhưng ngẩng lên, nhìn bóng D. thấp thoáng xa xa trong bộ váy cưới lộng lẫy, tôi lại thấy tủi thân tủi phận: Dẫu gì D. cũng đã thỏa nguyện ước, tìm được một người đàn ông thật sự thông cảm và chấp nhận chia sẻ cuộc đời với cô. Giả sử sau này họ có chia tay, hay (nói dại) D. không thọ – như là hậu quả của thuốc nội tiết tố và hàng chục ca phẫu thuật vượt quyền tạo hóa – cô cũng có thể mỉm cười vì đã một lần trong đời được mặc áo cưới lên xe hoa. Còn tôi?

Nhìn trộm, tôi thấy mắt Trung hình như loang loáng ướt. Cả Trung nữa. Trung cũng mơ một lần được mặc váy cô dâu biết bao! Nhưng chẳng ai trong chúng tôi mong một ngày có cháu bế.

Bây giờ thì D. sống hạnh phúc bên chồng. Trung chưa lấy ai nhưng những gì thể hiện ra bên ngoài cho thấy Trung đang hạnh phúc, ít nhất cũng thoải mái vì “hồn” với “xác” đã hòa hợp. Tôi không biết cô có còn giữ thói quen đêm khuya thanh vắng, đeo nhẫn vào cả mười ngón tay rồi chui xuống hầm nhà nhảy múa hát ca một mình không. Chắc là không, giờ Trung đã có thể giống phụ nữ như cô mong muốn suốt bao năm rồi còn gì. Trung hay cười lắm, nói chuyện với ai cô cũng giữ trên môi nụ cười hiền dịu như một cô gái Hà thành lịch lãm. Chỉ có tôi nhận thấy đôi mắt chải mascara cong vút kia vẫn sâu thẳm nỗi buồn.

12.

Từ bóng tối ra ánh sáng

Người đồng tính nào cũng luôn luôn phải đối mặt với những dằn vặt nội tâm: mình là ai, mình thuộc giới tính nào, mình phải sống thế nào, mình muốn gì? Khi không biết mình là ai, người ta hoảng loạn, khi phát hiện ra bản thân mình thì đau đớn, sợ hãi, sau đó hàng ngày đối mặt với cuộc sống không giống mọi người, người đồng tính lại rơi vào bi kịch hổ thẹn, bế tắc, cô đơn; họ ôm mãi “cục” stress mà không giải tỏa được.

Rồi tiếp đó, tất yếu sẽ đến câu hỏi: lộ diện hay không?

Giữa vùng nhập nhoạng

Người đồng tính công khai thân phận nghĩa là chấp nhận xu hướng tính dục của mình và thừa nhận điều đó trước mọi người – gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… – tất nhiên là ở những quốc gia không đặt đồng tính luyến ái ra ngoài vòng pháp luật. Khi một người đồng tính bắt đầu nói chuyện này ra, điều đó có nghĩa là anh ta bắt đầu quá trình lộ diện của mình. Thời gian của quá trình này rất khác nhau, mức độ và kết quả cũng rất khác nhau. Đầu tiên có thể là thổ lộ với bạn thân, sau đó là bố mẹ, họ hàng, đồng nghiệp và mức độ cao nhất là cởi mở hoàn toàn với những người xung quanh.

Việc gay công khai thân phận của mình, nói không ngoa, là cả một cuộc cách mạng, bởi trước khi ra quyết định, không ai là không lo sợ. Sợ nói ra điều bí mật ghê gớm đó sẽ làm khổ bố mẹ, anh em. Sợ bị người thân hắt hủi, bỏ rơi. Sợ bị chúng bạn chê cười, xa lánh, ghê tởm. Sợ mất đi những mối quan hệ đang tốt đẹp. Sợ sếp và đồng nghiệp ở cơ quan kỳ thị, xua đuổi, mất hết cơ hội thăng tiến. Ai cũng bị dày vò, dằn vặt rất căng thẳng trước khi lộ diện.

Nếu người đồng tính là nhân vật nổi tiếng thì sự công khai càng khó khăn gấp bội. Bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó thần tượng âm nhạc của bạn bỗng dưng lại tuyên bố trước toàn thể fan hâm mộ rằng anh ta/ cô ta là gay/ lesbian. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Thất vọng? Đổ vỡ? Bị lừa dối? Không có gì lạ khi từ trước đến nay, không một người đồng tính nổi tiếng nào ở Việt Nam chính thức thừa nhận xu hướng tình dục đồng giới của mình, mặc dù tin đồn thì đầy ra đấy, hết MC này lại ca sĩ kia, diễn viên nọ dính vào các scandal đồng tính. Hình thức lộ diện cao nhất là họ đến dự các buổi sinh hoạt của người đồng tính, tham gia các hoạt động ủng hộ giới. Nói cách khác, họ chỉ công khai trong giới mà thôi. Đâm ra tin đồn thì lao xao, mà nghệ sĩ thì cứ ra sức phủ nhận, bằng cách trả lời phỏng vấn về những mối tình với người khác phái, hay bằng cách lập gia đình, sinh con đẻ cái để che mắt dư luận. Nhưng miệng thiên hạ là miệng chum, bịt sao được! Kiểu gì thì những tin đồn về đời sống của nghệ sĩ cũng bị rò rỉ ra ngoài.

Vì khán giả, vì sự nghiệp của bản thân, họ – những người nổi tiếng – thật sự có lý do để không lộ diện. Còn với dân thường như tôi, lộ diện hay không lộ diện là vấn đề phải cân nhắc rất mệt mỏi. Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy công khai thân phận mang lại nhiều lợi ích hơn thiệt hại. Càng giấu giếm thân phận với nhiều người, tôi càng phải kiềm chế tình cảm của mình với nam giới, do đó càng thèm khát và bị ức chế hơn. Việc vùi lấp, đè nén cảm xúc tự nhiên chắc chắn gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe, tâm lý, với trường hợp của tôi là như vậy. Từ sau khi công khai, tôi thấy lòng nhẹ nhàng, thoải mái hơn hẳn, như thể có một sự giải phóng. Bây giờ thì ai ở ngõ Hàng Bè cũng biết Dũng gái là pêđê, và tôi vui vẻ với việc đó. Tôi vui vẻ khi được mọi người gọi là “dì Dũng”, được tặng hoa tặng quà – những món quà rất phụ nữ – hay được bạn bè “tham kiến” về phong cách ăn mặc và trang điểm… Nhìn chung, từ ngày ra công khai, tôi có nhiều bạn bè hơn và dĩ nhiên là nổi tiếng hơn. Được nhiều hơn mất.

Nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng chịu ít ràng buộc hơn bạn bè: vợ thì không lấy, bố mẹ đều đã mất, làm nghề tự do chẳng thuộc về cơ quan tổ chức nào. Còn với những người bạn của tôi thì câu chuyện có thể khác. Nói chung, chẳng có cách nào dự đoán gia đình, người thân, bè bạn sẽ phản ứng ra sao khi nghe một ai đó tự xưng mình là người đồng tính. Cũng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ vượt qua được mọi định kiến xã hội và sống thanh thản hơn so với trước khi lộ diện. Dù ai cũng biết rằng lộ diện tức là sống thật với chính mình, nhưng cái giá của sống thật liệu sẽ thế nào thì ít ai dám chắc. Vì thế, trên thực tế, có rất ít gay và lesbian dám công khai. Ở Hà Nội, cho đến giờ phút này, có vẻ như tôi là người duy nhất. Giới nghệ sĩ biểu diễn (showbiz) có một vài người như nhạc sĩ Thái Thịnh, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ – người mẫu Cindy Thái Tài… tóm lại con số đếm được trên đầu ngón tay.

Quá trình lộ diện không phải là một việc đơn giản và dễ làm. Nó đòi hỏi người ta rất nhiều can đảm để đối diện với bản thân mình và đối mặt với phản ứng của toàn xã hội. Bạn sẽ phải rất can đảm để cướp đi đứa con trai yêu quý trong tay bố mẹ bạn và trả cho họ một sinh vật lệch lạc méo mó. Bạn sẽ phải rất can đảm để cướp đi của em gái/ chị gái/ anh trai/ em trai mình một người anh/em mà họ yêu thương và tôn trọng, để rồi trả cho họ một kẻ lạ lùng mà họ không biết phải nhìn nhận như thế nào. Bạn cũng cần rất nhiều can đảm và nghị lực khi bước chân lên con thuyền của những kẻ đồng tính để sống kiếp đò đầy.

Chưa cần kể đến những gian nan, lận đận, xót xa và cả nguy hiểm của cái kiếp làm gay. Chỉ đơn giản là phản ứng của một người hàng xóm hay một người đồng nghiệp. Bạn có sợ không nếu người hàng xóm bán nước đầu ngõ nhà bạn, mọi khi vẫn chào bạn rất tươi mỗi sáng bạn đi làm, rồi một ngày đẹp trời nghe tin sét đánh, sẽ ngoảnh mặt đi mỗi khi bạn chào và chỉ dám liếc trộm bạn mỗi khi bạn bước ra. Bạn có buồn không nếu cô bạn đồng nghiệp của mình, vốn vẫn hay gửi cho mình những ánh nhìn rất nồng ấm, giờ đây tránh nhìn vào mắt bạn và nếu vô tình bốn mắt gặp nhau, bạn chỉ thấy một vùng sẫm u tối và sợ hãi trong mắt cô ấy. Đó mới chỉ là những khúc dạo rất êm ả, mềm mại trong cuộc sống mà một chàng gay dễ thương sẽ phải đối mặt.

Tôi có một số lần gặp gỡ những người đồng tính nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, làm nhiều nghề khác nhau và không ít trong số họ có địa vị rất cao trong xã hội. Qua tiếp xúc với họ, tôi cũng nghiệm ra được rất nhiều điều. Trước tiên là lối sống và quan điểm của họ về giới đồng tính rất rõ ràng, không che giấu và rất bình đẳng. Đa số họ không bị sức ép tâm lý từ gia đình và dư luận xã hội. Họ hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác và công khai chuyện quan hệ đồng giới của mình nếu được hỏi đến. Tôi nghĩ đây là một điều rất hay vì suy cho cùng đồng tính luyến ái đâu phải là căn bệnh trầm kha như nhiều người vẫn nghĩ. Khi tôi hỏi họ rằng bên nước họ có nhiều người “mắc” bệnh đồng tính không, họ trả lời ngay đây không phải là căn bệnh xã hội nên không gọi là “mắc bệnh đồng tính”. Theo họ, tỷ lệ người đồng tính chiếm đến 3-5% dân cư tại khu vực sinh sống. Điều đó có nghĩa là sẽ có ba mươi ngàn người đồng tính ở một thành phố một triệu dân. Tôi thực sự choáng khi nghe đến con số thống kê này. Đây là con số thống kê từ một tổ chức nghiên cứu xã hội hẳn hoi và kết quả rất khách quan. Ở một số quốc gia, những người đồng tính được đối xử rất công bằng, thậm chí còn có thể kết hôn như những cặp vợ chồng bình thường khác.

Nhìn những người đi lại trên đường, làm sao có thể phát hiện ra được ai là dân đồng tính và ai thì không (trừ những người thuộc giới “bóng lộ”). Chỉ khi tiếp xúc với họ thì mới biết được thực hư thế nào. Và cũng chưa chắc là một, hai lần tiếp xúc là có thể biết ngay được vì những người đồng tính xếp vào loại “bóng kín” thì thường rất tế nhị và giữ kẽ trong lối cư xử và hành vi giao tiếp của mình, đặc biệt là những người có học vị, học hàm và địa vị xã hội cao. Tôi cũng vậy. Đâu phải gặp đối tượng nào cũng “nhảy bổ” vào và thể hiện thèm muốn được quan hệ đồng giới ngay. Ít nhất phải qua nhiều lần “test” đối tượng mà mình muốn quan hệ xem tín hiệu báo lại như thế nào. Sự kiềm chế bản thân cần phải có khi mà xã hội vẫn chưa “cởi mở” đối với những người đồng tính như tôi. Việc giữ gìn thể diện trước người khác là hết sức quan trọng.

Loading disqus...