Chị Kim hàng xóm nhà tôi chặc lưỡi thán phục mỗi khi nói với ai đó về dân đồng tính: “Cái mình ấn tượng nhất về gay là người ta rất tài, gì cũng biết làm. Con giai mà khéo tay hơn cả con gái. Nấu ăn nhé, mình trang trí, làm một bông hoa đã khó, mò mẫm loay hoay còn chán, thế mà chúng nó chỉ uốn hai, ba đường là thành bông hoa luôn, lại còn đẹp hơn người bình thường làm”. Thỉnh thoảng muốn nấu món gì ngon đổi vị cho chồng con, chị lại lạch bạch chạy sang nhà tôi bỏ nhỏ: “Dũng ơi, cho chị hỏi…”. Chị phục tài nấu nướng của tôi lắm. Thường thường người ta cần đầy đủ nguyên liệu tốt, không nem công chả phượng thì cũng phải những thứ đắt tiền nhiều dinh dưỡng, mới ra món ăn ngon, nhưng vào tay tôi thì kể cả nguyên liệu thật đơn giản và rẻ tiền cũng thành món ngon được. Một con cá, tôi có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau: kho kiểu miền Nam, miền Bắc, miền Trung, sốt kiểu Ấn Độ, Trung Quốc, nấu súp kiểu Ba Lan, kiểu Pháp… Tôi chưa từng học qua trường lớp nấu ăn nào, chỉ đi ăn nhiều, thưởng thức mùi vị, quan sát cách làm của người khác, mà nấu được như thế, chị Kim nể cũng phải. Chị còn oang oang bảo với mọi người:
- Dũng nó có cái nghề nấu ăn giỏi lắm cơ, nên nó cuốn hút được rất nhiều giai, nhất là những ông mới lớn ở nhà quê lên. Trai quê nghèo mà, lên Hà Nội khổ sở, không có chỗ ăn chỗ uống, bây giờ lại được ông ấy chăm bẵm khéo thế, đứa nào mà chả thích!
Buôn chuyện thì khó tránh khỏi thêm thắt. Tuy vậy, chị Kim nói cũng có phần đúng: Cả Hưng, Nhân, và người bạn trai của tôi bây giờ là Dương, đều nghiện những bữa cơm tôi nấu. Nhất là Nhân, đi làm, buổi trưa tôi có mua cơm hàng mang đến hắn cũng không ưng, chỉ thích những món tự tay tôi chế biến, mà hắn hay gọi yêu là “vợ nấu cho chồng”: cá kho tộ, thịt kho trứng, canh chua… Bữa ăn bao giờ cũng đầy đủ chất, có cả đồ tráng miệng: sữa tươi, hoa quả mùa nào thức ấy. Và không riêng tôi, rất nhiều bạn trong cộng đồng giới tính thứ ba cũng khéo léo chân tay, nữ công gia chánh cực kỳ đảm đang. Bởi vì chúng tôi nhạy cảm và biết thưởng thức. Phải chăng đó là một khía cạnh trời bù đắp cho sự kém may mắn của dân đồng tính?
Mang trái tim nhạy cảm, người đồng tính dễ xúc động, dễ bị tổn thương, dễ cảm thấy một cách sâu sắc những điều kẻ khác không cảm thấy, và dễ đạt đến trạng thái cao nhất của cảm xúc. Khi yêu, họ yêu thái quá; khi hạnh phúc, hạnh phúc vô ngần; khi ghen tuông, họ ghen tuông đến mức lồng lộn, bệnh hoạn; và khi đau khổ, họ cũng đổ vỡ tan nát. Tâm hồn ấy có thể nâng họ thành nghệ sĩ. Không có gì lạ khi dân đồng tính đặc biệt thích hợp với các nghề nghiệp đòi hỏi óc sáng tạo và tư duy thiên về cảm xúc, thường là trong nghệ thuật: ca sĩ, họa sĩ, thiết kế thời trang, người mẫu, nhiếp ảnh, viết văn… Chìm sâu trong con người họ là những ẩn ức đầy ám ảnh, đòi hỏi được giải phóng một cách mãnh liệt. Khi họ đem những ẩn ức ấy dồn trút vào công việc sáng tạo, đi đến tận cùng cảm xúc, chúng có thể thăng hoa, hóa giải để cho ra các tác phẩm làm rung động con tim.
Như giây phút Trung thấy hình ảnh mình tỏa sáng, đẹp rực rỡ dưới tầng hầm tối. Đó là khoảnh khắc tâm hồn Trung thăng hoa. Khi ấy, nếu là nhà thơ, rất có thể Trung sẽ cho ra những thi phẩm để đời. Là ca sĩ, Trung sẽ hát hay như Celine Dion. Là họa sĩ, Trung sẽ tạo nên những bức tranh đầy ám ảnh.
Thế giới nghệ sĩ có rất nhiều người nổi tiếng là đồng tính. Ở phương Tây, một số trường hợp mà ai cũng biết là Elton John, George Michael (ca sĩ), Jodie Foster, Drew Barrymore (diễn viên). Châu Á thì có một nghệ sĩ tôi đặc biệt ngưỡng mộ là Trương Quốc Vinh, một trong số ít ngôi sao thể hiện xuất sắc những vai đồng tính luyến ái, được mệnh danh là chàng “hoàng tử đồng tính” của làng giải trí Hong Kong.1
Đồng tính luyến ái nam không phải là “đặc ân” cho một số nghề nghiệp liên quan nhiều tới phụ nữ, như thời trang, may mặc, làm đẹp. Nói cho đúng, gay tìm đến với những nghề đó bởi con người họ, tâm hồn họ phù hợp với chúng, chứ không phải những nghề nghiệp ấy làm cho người ta nữ hóa hay trở thành đồng tính luyến ái.
Tài năng và tài hoa ở nhiều người đồng tính là có thật. Nhưng vì thế mà xã hội nảy sinh quan niệm, “chữ đồng tính gắn với chữ tài một vần”. Dĩ nhiên, điều ấy không phải chân lý tuyệt đối. Giới tính thứ ba cũng giống như một xã hội thu nhỏ, nghĩa là có đủ người tốt, kẻ xấu, người tài, kẻ bất tài v.v…
Nhưng có lẽ, từ quan niệm trên mà dư luận đồn rằng một số nhân vật trong giới văn nghệ sĩ lấy sự không rõ ràng về giới tính như một cách để chơi nổi, thu hút sự chú ý, làm cho thiên hạ tưởng rằng mình có tài. Thú thực, tôi không tin vào chuyện này. Tôi chưa thấy một trường hợp nào giả vờ đồng tính luyến ái, lấy cái đó như công cụ để kiếm lợi. N. bạn tôi vốn là một ca sĩ khá nổi, từ ngày có tin đồn anh bị đồng tính luyến ái, tiếng tăm của anh xuống hẳn và bây giờ thì người ta chỉ nhắc tới anh với thái độ miệt thị hoặc giễu cợt. Lượng fan của anh chắc cũng giảm đáng kể vì không ai muốn mang tiếng thích thằng pêđê. Tôi không nghĩ có nghệ sĩ nào liều lĩnh tới mức tạo cho mình thương hiệu gắn với sự đồng tính.
Dư luận cũng cho rằng trong xã hội hiện nay, có xu hướng tự đồng tính hóa: Nhiều người, chủ yếu là các bạn trẻ, thích và rèn luyện để thành đồng tính. Gay và lesbian hóa ra lại như một phong trào, một thứ mốt. Tôi không nhận thấy xu hướng ấy, có thể do chưa được tiếp xúc với những người đồng tính theo mốt bao giờ. Nếu có hiện tượng ấy, có lẽ do tuổi trẻ thích sự độc đáo, thích thể hiện cá tính, tạo cho mình nét khác người. Qua thời gian bồng bột, ai rồi cũng sẽ trở lại bình thường. Bởi vì đồng tính là bẩm sinh, không phải một sự lựa chọn, càng không phải qua rèn luyện mà có. Nếu trong con người một bạn trẻ đã sẵn có khuynh hướng đồng tính, việc chạy theo mốt thực ra chỉ là hành động đưa bạn trẻ đó trở về với con người thật bị che khuất của mình. Ngoài ra còn bởi lẽ, đồng tính có nghĩa là bất hạnh. Nếu thực là người đồng tính, bạn sẽ hiểu điều đó và chẳng hơi đâu bắt chước, a dua để được bất hạnh.
k
Người ta cũng hay nói dân đồng tính làm ăn rất có lộc, kinh doanh gì cũng ra tiền. Chị Kim bảo: “Gớm, cái bọn đồng cô vừa bán hàng vừa chửi khách mà người ta vẫn đến mua. Còn mình chiều khách bỏ xừ đi mà người ta cứ ngoe nguẩy. Đúng là đồng cô lắm lộc”. Nghe đồn nhiều bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) còn chấp nhận lấy chồng hi-fi vì quan niệm duy tâm “cứ dây vào đồng cô là có lộc”, trời bắt bọn đồng cô mất cái này thì phải cho chúng nó được cái kia chứ.
Về sự may mắn của dân đồng tính trong kinh doanh, tôi không chắc. Cũng giống như giới dị tính, nhiều người trong giới chúng tôi có cuộc sống khá giả, ít nhất cũng không thiếu thốn gì. Nhưng tôi không nghĩ tiền tự nhiên mà đến với họ như một cách trời bù đắp cho những con người bất hạnh. Chúng tôi làm ăn khấm khá hơn đơn giản vì chúng tôi cần cù và có cái đức cẩn thận, tỉ mỉ của phụ nữ. Còn tại sao người đồng tính lại đặc biệt cần cù và tiết kiệm thì là một chuyện khác. Bởi vì chúng tôi bắt buộc phải có nhiều tiền để nuôi tình nhân! Từ bao lâu nay dân đồng tính đều thế. Như tôi, bao nhiêu năm nuôi trai, tốn kém vô cùng, chẳng còn cách nào khác là phải bươn chải, chắt bóp, tằn tiện. Đã không phải phụ nữ, không có địa vị xã hội, lại còn nghèo khổ, không tiền bạc thì lấy gì để cuốn hút đàn ông?
Dân đồng tính vừa chăm chỉ, căn cơ và kiên nhẫn như phụ nữ, lại vừa có tính mạnh mẽ và quyết liệt của đàn ông, nên một tỷ lệ cao trong số chúng tôi kinh doanh thành công vì thế. Ở đây phải nói thêm, mạnh mẽ là trong kinh doanh mà thôi, còn trong quan hệ luyến ái, quan hệ tình dục, tâm lý của gay lại là tâm lý phái yếu, chúng tôi muốn mình giữ vai trò yếu hơn và thụ động hơn.
Giới đồng tính có những nhân vật giàu của chìm của nổi, cỡ tỷ phú tiền Việt, mà người ta thường hay gọi họ là các đại gia. Nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt rất nhanh nhu cầu tiêu dùng, họ đi đầu trong việc khai mở ra những thị trường mới, và giàu lên nhờ thế. Có người làm chủ chuỗi cửa hàng thời trang Việt, người khác mở những quán trà lầu. Rồi buôn bán bất động sản, kinh doanh dịch vụ làm đẹp, trang điểm, chụp ảnh cưới, thiết kế thời trang v.v…
Giới đồng tính còn có nhiều người ở mức như tôi, không được học hành gì (do hoàn cảnh gia đình thời trước), không có nghề nghiệp ổn định ở cơ quan nào, phải tự bươn chải kiếm sống, tức “hành nghề tự do”. Nghề tự do thường là buôn bán nhỏ. Chịu khó lam làm, mua tận gốc bán tận ngọn, thu nhập cũng tốt. Bạn bè tôi có người bán bún riêu ở chợ Đồng Xuân, người bán hoa quả gần bệnh viện Việt Đức, mỗi tối kiếm ngót ba trăm nghìn đồng. Bản thân tôi buôn bán thịt bò, quần áo, kinh doanh băng đĩa, mở hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi… nói chung cũng dư dả, nhất là khi không phải nuôi cả một gia đình.
Giới đồng tính cũng có người nghèo, thất học, không nghề nghiệp, sống phụ thuộc vào bố mẹ, anh em. Với những người có thể coi như ở tầng lớp thấp nhất xã hội này, cơ hội tìm kiếm bạn tình càng khó khăn gấp bội. Ngược lại, cũng không thiếu những trí thức học cao, có học vị học hàm tiến sĩ giáo sư, bằng cấp trong và ngoài nước. Những nhà thiết kế thời trang, người mẫu, diễn viên, ca sĩ hào hoa phong nhã. Thế giới của họ phong lưu và sang trọng, choáng lộn xe hơi, lấp lánh những dạ hội ánh sáng, ngạt ngào hương nước hoa và mùi thơm của mỹ phẩm đắt tiền. Tôi không biết với họ, cơ hội để có một tình yêu bền đẹp là nhiều hay ít, có lẽ nhiều hơn những người đồng tính sinh ra và lớn lên ở tầng lớp dưới. Tuy nhiên, tôi chắc rằng cho dù thuộc gia tầng nào của xã hội, những người đồng tính vẫn chia sẻ một điểm chung, đó là trái tim khao khát yêu và được yêu.
Giới nào trong xã hội cũng đều có mặt dân đồng tính. Với tôi và các bạn của tôi, đọc tới đây hẳn độc giả đã thấy, chuyện của chúng tôi cũng chẳng có gì nhiều ngoài việc bươn chải nuôi trai, lận đận với bao cuộc tình, để rồi luôn chịu thiệt thòi hơn những người bình thường. Khi bạn là người bình thường, bạn sẽ có mái ấm gia đình, vợ chồng con cái hạnh phúc. Còn khi bạn là gay như chúng tôi, bạn sẽ không có hạnh phúc mà càng chẳng có tương lai.
Trả lại giới tính cho em!
Hồi tôi còn nhỏ, thông tin trong xã hội thiếu thốn, chẳng ai hiểu đồng tính là thế nào, thậm chí chưa có khái niệm đó. Tôi nhớ người ta hay gọi chung những người đồng tính luyến ái bằng cụm từ “ái nam ái nữ”, hoặc “đồng cô”. Đồng cô trong mắt dư luận là một cái gì cực xấu xa, dị hợm: đàn ông nhưng ăn nói thẽ thọt, tác phong õng ẹo, ăn mặc lòe loẹt xanh đỏ tím vàng, tính tình ngoa ngoắt, đanh đá và đồng bóng, sáng nắng chiều mưa…
Tôi còn nhớ tôi đã sợ thế nào mỗi khi gặp ông “Sáu đồng cô”. Ông làm nghề buôn thịt ở chợ như mẹ tôi. Hồi ấy nhỏ quá, tôi không để ý xem ông có thích con trai không, chỉ thấy mọi người gọi ông là “lão đồng cô”. Ông Sáu hay ăn trầu, môi lúc nào cũng đỏ nước cốt trầu. Tính ông rất đáo để, ghê gớm kiểu đàn bà, chửi nhau cứ sa sả sa sả. Ông có gia đình đàng hoàng, một vợ và nhiều con, buôn bán khá phát tài. Thật ra ông cũng không bị ai hắt hủi, chỉ hay bị trêu cho phát khùng lên ngay giữa chợ. Về phần tôi, bây giờ nhớ lại, tôi cũng không hiểu tại sao tôi sợ ông đến thế, chắc vì biệt hiệu “lão Sáu đồng cô” mà mọi người gán cho ông gợi lên một cái gì ghê ghê, bí hiểm. Ngoài ra là ngoại hình của ông mỗi khi xuất hiện: quần áo nâu thụng thịnh, đôi môi hoen đỏ, mặt mày nhàu nát khó coi…
Bây giờ thì từ “đồng cô” thường dùng là để chỉ giới bóng lộ, người mang tâm hồn phụ nữ trong thể xác đàn ông. Tôi không còn sợ nữa mà chỉ thấy thương họ. Với tôi, họ là những người con gái lạc loài, khao khát là “trăm phần trăm phụ nữ” mà không thể nào đạt được. Cuộc đời những người con gái đó không một lần được ôm hoa về nhà chồng, mặc dù có bao giờ họ nghĩ họ không phải phái yếu đâu. Có bao nhiêu cô bóng lộ nhìn những chiếc váy cưới trắng muốt kia mà chạnh lòng? Bao nhiêu người từng mơ một lần được mặc váy cô dâu, ôm bó lay ơn hồng lên xe hoa?
Điểm khác biệt lớn về tâm lý giữa bóng kín và bóng lộ là ở đây: Bóng kín (như tôi) vẫn là đàn ông, nhưng chúng tôi yêu đàn ông; còn bóng lộ yêu đàn ông bởi vì họ nghĩ họ là phụ nữ, họ suy nghĩ như phụ nữ.1 Khát vọng được thống nhất giữa thể xác và tâm hồn dẫn họ đến việc làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Một số phẫu thuật một nửa, nghĩa là bơm ngực nhưng vẫn giữ bộ phận sinh dục nam. Số khác thì phẫu thuật hoàn toàn cả trên cả dưới.
Quyết định của những chàng gay nhờ y học can thiệp để chuyển đổi giới tính có lẽ là đỉnh cao của sự thỏa mãn khát vọng làm phụ nữ. Không chấp nhận thân xác đàn ông, không dừng lại ở việc độn ngực, trang điểm, mặc đồ phụ nữ và làm một nghìn lẻ một cách khác để giải tỏa, họ đã đi tới quyết định cuối cùng, mãnh liệt nhất: xé toạc vỏ bọc nam giới để tự biến mình thành phụ nữ. Đó là hành động đoạt quyền tạo hóa.
Trong đời, những lúc tuyệt vọng quá vì không sao giữ được người mình yêu, tôi cũng đã có ý nghĩ thầm kín: Hay là mình sang Thái làm một lần cho rồi? Nhưng tần ngần một lúc, tôi lại thôi. Có lẽ ý nghĩ ấy chưa bao giờ đủ mạnh để trở thành một dự định làm tôi dằn vặt lâu. Thông thường, chỉ bóng lộ mới muốn làm phẫu thuật chuyển đổi. Còn với giới bóng kín, tôi hỏi 100 người thì phải tới 95 không thích, mà muốn cơ thể mình vẫn giữ nguyên là của đàn ông. Cũng lại là một điểm khác nữa giữa bóng kín và bóng lộ. Bóng kín có khuynh hướng nữ trong người, có thể thích để tóc dài, ăn mặc lòe loẹt xanh xanh đỏ đỏ, hoa lá cành. Nhưng họ không muốn trang điểm, phục sức, hay đi xa nhất là phẫu thuật cho thành giống phụ nữ. Bản thân tôi thích ăn mặc như một người đàn ông đỏm dáng, tức là tôn những nét đẹp của cơ thể lên, nhưng vẫn là đàn ông chứ không thành đàn bà.
Với giới bóng lộ, khát vọng làm phụ nữ quá lớn nên họ có thể chấp nhận tất cả. Trước hết là hàng chục lần phẫu thuật chỉnh sửa cơ thể. Bác sĩ sẽ lấy đi bộ phận sinh dục nam, rồi tiến hành khoét thẩm mỹ để tạo hình bộ phận sinh dục nữ. Ở phần trên, các phẫu thuật gia nhét những túi nước biển vào người rồi khâu lại cho giống bộ ngực phụ nữ. (Với những người muốn phẫu thuật thành nam giới thì ngược lại, bác sĩ sẽ phải cấy dương vật giả và xử lý “san phẳng” ngực). Rồi đến những tiểu phẫu gọt má, chỉnh hàm, làm lại lông mi lông mày, bơm silicôn vào mặt cho mặt đỡ xương xẩu vuông vức. Người khác thì bơm silicôn vào mông, đùi, đập bớt xương vai cho đôi vai xuôi hơn, mềm mại hơn. Cấy ghép râu nếu bệnh nhân muốn làm đàn ông, và tiêu diệt râu nếu muốn làm đàn bà. Bây giờ có sự trợ giúp của khoa học hiện đại, có lẽ sự đau đớn về thể xác không còn nhiều. Nhưng cũng không thể xóa đi ấn tượng khủng khiếp về hàng chục ca phẫu thuật phải trải qua.