11.
Đoạt quyền tạo hóa
Nửa đầu năm 2006, tôi đón nhận một tin thú vị, có thể gọi là tin vui: Trung bạn tôi sang Thái Lan làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
“Thế là cũng đã đến lúc rồi” – tôi tự nhủ.
Sau ca phẫu thuật, trở về Việt Nam, Trung như lột xác. Anh chàng Lê Trung gầy gò, tóc cứng, mặt lạnh như tiền ngày nào giờ đã thành cô nàng Lệ Chung thon thả cao ráo, tóc nhuộm nâu và “xù mì” xoăn tít, miệng lúc nào cũng tươi roi rói. Trung cười nhiều hơn từ sau khi phẫu thuật, nụ cười chúm chím điệu đàng kiểu con gái. Vĩnh biệt tất cả những sơ mi cổ cồn, áo vest, cravat của đàn ông, giờ đây Trung khi thì duyên dáng trong tà áo dài thổ cẩm thướt tha, lúc lại sành điệu và bốc lửa với chiếc váy cực ngắn và đôi bốt da xịn, khoe cặp chân dài trắng như ngà. Mỗi khi Trung xuống phố, mini jupe đỏ tươi, giày cao gót chót vót, chắc khối anh chàng phải nhìn theo bước chân nhún nhảy kia mà chép miệng. Chỉ có điều, nếu ai tinh ý ở gần, sẽ nhận thấy đôi vai kia sao mà vuông vức và hai bàn tay – vẫn vàng chóe nhẫn – to mập với những ngón đen và thô ráp. Vai và tay phụ nữ ít người như vậy.
Trung bây giờ điệu đàng lắm. Đi lại, Trung vừa đi vừa lắc rất dẻo. Cười thì bao giờ cũng mủm mỉm, kèm theo một quả nghiêng vai hất tóc thật duyên. Nói năng chậm rãi và thỏ thẻ (tuy vẫn bằng chất giọng trầm thấp của đàn ông). “Cô” xuất hiện nhiều hơn trên các vũ trường, tại những buổi dạ hội long lanh ánh đèn sân khấu. Ở những nơi đó, đàn ông nhìn theo Trung ngưỡng mộ, xuýt xoa (tôi không biết có phải 100% là thật hay không), nhưng đàn bà thì khó chịu. Tôi từng chứng kiến mấy cô gái trẻ đưa mắt nhìn Trung rồi nói gì đó với nhau, vừa cười vừa nhăn mặt. Tôi đoán họ không thích thấy một thứ hàng giả mà lại cứ cố ra vẻ còn xịn hơn hàng thật: Trung điệu chảy nước, điệu hơn cả phụ nữ.
Đôi khi tôi muốn bảo nhỏ Trung: “Nhà dì điệu thì điệu vừa thôi, không người ta ghét cho”. Nhưng mấy lần toan nói, tôi lại cắn môi im lặng. Tôi hiểu, Trung như vừa được thoát xác, trút bỏ lớp vỏ bọc nặng nề để sống với hình hài mà cô mong muốn vươn tới. Đã bao nhiêu năm nay Trung thèm khát sống như phụ nữ, được làm đẹp, được đàn ông chăm chút chiều chuộng, được mơ mộng, được tha hồ cười khóc… Từ thuở dậy thì, Trung đã thích đứng trước gương ngắm mình, mơ màng tưởng tượng mình là phụ nữ (mà thật sự là “cô” tin như thế). Hình ảnh đẹp nhất mà Trung hình dung về mình là hình ảnh cô rực rỡ trong chiếc váy dạ hội, trang điểm thật xinh, đeo đồ trang sức lóng lánh, tỏa sáng như một nữ hoàng trước ánh mắt ngưỡng mộ của bao người. Rồi còn là ảo ảnh: Trung làm bếp, cắm hoa, sống bên một người chồng yêu thương mình và có những đứa con bé bỏng xinh ngoan gọi Trung là “mẹ”. Than ôi, thực tế phũ phàng như chọc thủng giấc mơ, đánh tan ảo ảnh! Trung không phải là phụ nữ. Sẽ quái đản đến chừng nào nếu Trung – vai rộng, lưng dài, ngực phẳng – lại xúng xính trong tà áo dài hay váy đầm, mắt kẻ chì thẫm màu, mascara nặng trĩu hai hàng mi. Thiên hạ sẽ nghĩ thế nào khi thấy Trung như thế?
Nên Trung hận đời, có lẽ vậy. Trung dồn sức vào công việc kinh doanh. Làm ăn có lộc, kiếm được nhiều tiền, Trung thay người tình (đàn ông) như thay áo, nhiều lúc tôi nhìn vào cũng phải kêu “sao dì phũ thế?”. Nhưng không ai biết bên trong vỏ bọc lạnh lùng, khó tính, Trung vẫn mang một tâm hồn phụ nữ và khao khát được sống như phụ nữ. Có lần Trung cằn nhằn với tôi: “Người tôi thấp, đi lại cứng quá dì ạ. Sao mình lại không được đi giày cao gót chứ?”. Thấy cô gái nào mặc mini jupe phóng xe máy qua, để lại một mùi nước hoa sực nức, Trung đều nhìn theo thèm thuồng, có điều không phải thèm cô gái ấy mà là thèm được diện như cô ta.
Không đi guốc cao gót được, Trung thửa riêng cho mình những đôi giày unisex1, nhìn thoáng qua tưởng giày nam, nhìn kỹ lại hóa ra giày nữ. Đôi nào cũng chải xi bóng nhoáng, có cái mũi nhọn vểnh vút lên, gót to và cao.
Không mặc váy ngắn, áo dài được, Trung thiết kế cho mình những bộ đồ thật bó, bó rất sát, bóng nhẫy như da cá. Tất nhiên, “cô” cũng chỉ có thể mặc những bộ này khi nào đi chơi trong giới với nhau. Còn bình thường, dân kinh doanh gặp gỡ tiếp xúc nhiều, Trung vẫn phải ép mình trong những áo sơ mi cổ cồn, vest, cravat của đàn ông, những thứ mà cô căm ghét: “Cái cà vạt cứ như cái xích thắt cổ mình ấy dì Dũng ạ. Tôi bức bối quá đi mất”. Ghét cravat nhưng vì công việc, thỉnh thoảng Trung vẫn phải đeo. Thế nên cô tìm mọi cách để làm giảm bớt chất nam tính của nó: Trên cổ Trung ngự trị khi thì một chiếc cầu vồng, lúc lại cả một vườn hoa xuân: cravat sặc sỡ đủ màu xanh đỏ tím vàng, chi chít hoa. Đàn ông chẳng ai đeo cà vạt lòe loẹt như thế.
Không nuôi tóc dài, ép tóc hay làm xoăn như phụ nữ được, Trung nhuộm, xịt gôm bộ tóc rất cẩn thận. Sáng nào “cô” cũng mất ít nhất nửa giờ loay hoay trước gương, chải, sấy, vuốt keo, như một quý ông đỏm dáng. Không khi nào Trung bước chân ra ngoài đường mà lại quên chăm chút cho vẻ ngoài của mình: mái tóc bóng ướt, áo quần là lượt. Cầu kỳ ghê lắm.
Không trang điểm đậm, đánh má hồng, đeo mascara như phụ nữ được, Trung chuyển sang “chơi” đồ trang sức. Hai bàn tay ngón to và thô lúc nào cũng rực vàng màu nhẫn. Từ hồi còn chưa giàu, Trung đã thích đeo nhẫn. Thừa tiền, Trung càng sưu tầm lắm nhẫn hơn, có bữa bắt tôi chở ra hàng vàng đánh tới hàng chục chiếc. Tôi xót ruột thay, hỏi:
- Nhà cô mua làm gì mà lắm nhẫn thế?
Trung im lặng một lúc rồi trả lời khe khẽ: “Mình là pêđê, bị thiên hạ khinh lắm. Bây giờ phải đeo thật nhiều vàng cho người ta khỏi coi thường”.
Tôi thấy đắng nghét trong họng. Tôi biết cái mặc cảm tự ti ẩn sâu trong mỗi người đồng tính. Tôi biết Trung đeo đồ trang sức vàng như một cách tự khẳng định với thiên hạ: “Tôi có địa vị, tôi giàu sang, các người đừng hòng khinh tôi”. Nhưng càng làm như thế, dân đồng tính chỉ càng chứng tỏ họ luôn sợ bị xã hội coi rẻ. Biết sao được. Khi một con người chẳng may sinh ra với một thua thiệt nào đó, thì suy nghĩ về sự thua thiệt ấy sẽ gắn chặt vào đầu óc họ, ám ảnh họ suốt đời. Nó sẽ gần như một thứ ẩn ức. Cho dù sự thể hiện ra bên ngoài của họ có thế nào, thì ẩn ức vẫn còn đó bên trong họ. Không thể nào khác.
Cháy lên để mà tỏa sáng…
Tôi biết lắm, rằng Trung đeo vàng còn để thỏa mãn cơn say của trí tưởng tượng. Đêm đêm, khi cả nhà đã ngủ hết, “cô” lẳng lặng xuống dưới nhà hầm, mặc váy, lồng những chiếc nhẫn vàng vào đủ mười ngón tay rồi mê mải nhảy múa một mình trong hầm và rì rầm hát. Đó là lúc Trung cảm thấy mình phụ nữ nhất. Và vui lắm, chỉ muốn hát thật to lên trong dào dạt một niềm hạnh phúc ngắn ngủi. Một người bình thường, nhìn thấy Trung phục sức lóng lánh, múa may quay cuồng, hát ư ử dưới hầm tối, chắc chắn sẽ nghĩ “thằng này điên”. Người yếu bóng vía khéo còn tưởng ma. Còn với Trung, đó là những giây phút cô bồng bềnh trong tưởng tượng để thỏa mãn khao khát làm phụ nữ của mình.
… Trong bóng tối sâu thẳm của căn hầm, gương mặt nàng bỗng bừng lên một làn ánh sáng kỳ ảo, đẹp dịu dàng như vầng trăng rằm. Hai bàn tay nàng thật mềm, uốn lượn thật dẻo điệu múa Ấn Độ. Những chiếc vòng, nhẫn cũng sáng rực lên. Mỗi cái lắc hông uyển chuyển là leng keng tiếng đồ trang sức, là lấp lánh ánh sáng của vàng ngọc, là xuýt xoa trăm con mắt nhìn. Những con mắt bóng tối ấy nói rằng: Nàng là phụ nữ. Nàng đẹp lắm, kiêu sa và kiều diễm. Vẻ đẹp mà chỉ trái tim những người yêu nàng mới nhận ra, bởi vì hàng ngày vẻ đẹp ấy bị ẩn giấu trong một vỏ bọc đàn ông thô kệch…
Trung say. Không phải say rượu, mà là say men tưởng tượng.
Có khi, trong thời kỳ kinh doanh khó khăn, cả ngày Trung mệt mỏi, chỉ thầm mong đến cái lúc giải tỏa ấy. Cả ngày Trung tính toán, mua bán, mặc cả, tranh cãi, nhận tiền, trả tiền, đếm tiền… Lạnh lùng, xông xáo và quyết đoán như một người đàn ông. Để rồi đêm về, người đàn ông ấy lại lẳng lặng xuống hầm, mặc một chiếc váy thật quyến rũ, đeo đồ trang sức long lanh. Lại nhảy múa, hát và mỉm cười một mình trong bóng tối.
Khao khát không được thỏa mãn sẽ biến thành ẩn ức, đòi hỏi sự giải tỏa. Không riêng Trung, bạn bè tôi trong giới bóng, mỗi người đều có một cách giải tỏa riêng trong phút giây. Tú chẳng hạn, cũng là dân kinh doanh, hắn có cái thú vui đi siêu thị, y như phụ nữ. Đi, có khi chẳng mua gì, chỉ để lượn khắp các quầy hàng, cầm từng món đồ nhỏ, nâng lên đặt xuống, săm soi ngắm nghía. Hỏi người bán hàng về công dụng của sản phẩm. Hỏi thật tỉ mỉ. Lắng nghe rất chăm chú. Có khi thân thiết lại đá thêm vài câu chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp, kể lể chuyện công việc, than thở giá cả thị trường… Thỉnh thoảng, hắn cũng bỏ tiền ra mua một món đồ nho nhỏ nào đó, sau khi đã đi hết cả vòng siêu thị. Tú kêu lúc ấy hắn thấy mình nữ tính ghê gớm, thích lắm. Hắn có thể lượn lờ siêu thị hàng giờ đồng hồ không biết chán.
Về phần mình, tôi thích nhất là những giây phút ngồi cắm hoa, thêu thùa, khâu áo, vừa làm vừa nghe cải lương hoặc rủ rỉ tâm sự chuyện “chồng con” với các bạn bóng khác. Đó là lúc tôi giống phụ nữ hơn cả. Người ta hay bảo “thương nhau chị em gái”. Được ngồi tỉ tê với các bạn thuộc phe ta về chuyện phe ấy, chúng tôi bỗng thấy mình như những bà nội trợ đảm đang, thương chồng thương con và lắm điều một cách đáng yêu.
- Thằng chồng tôi nó hư lắm dì ạ, sểnh ra một cái là nó đi uống rượu. Về nhà thì cứ để nguyên quần áo nằm lăn ra giường, tôi phải cởi giày cởi tất ra cho. Khiếp, hôi ơi là hôi.
Tôi che miệng, cười rúc rích:
- Thì đàn ông thằng nào chẳng thế. Thôi, cô cứ kệ nó.
Nói đến đây lại nhớ tới cô bạn bóng lộ thân thiết của tôi, Cách Cách. Mỗi lần gặp chuyện buồn trong gia đình, Cách Cách mò sang nhà tôi, thút thít tâm sự cả đêm. Tôi khuyên Cách Cách phải làm thế này, thế kia, nên lý luận thế này thế kia với chồng, đừng có để nó “được đằng chân lân đằng đầu”, mất thế mình, cuối cùng mình “trồng cây ngọt lại phải ăn quả đắng”. Cách Cách há mồm ra nghe, cứ “ừ, ừ” luôn miệng đấy rồi quên sạch, cuối cùng phải bảo tôi nói từ từ, chậm chậm thôi để cô lấy giấy bút ra ghi. Thế là tôi cứ thế nhả ngọc phun châu, Cách Cách hì hục, mắm môi mắm lợi viết viết, xóa xóa, ghi lại cách đối đáp với chồng. Nói chuyện, tôi ưa dùng các điển tích, điển cố, ca dao, tục ngữ… Cách Cách chẳng biết cái gì vào với cái gì nên nghe thích chí lắm. “Nàng” mang về ứng đối với chồng, không hiểu nói năng thế nào bị bắt vở ngay: “Lại sang nhà con Dũng, nghe nó dùi phải không?”.
Một “cô” bóng khác thì thèm làm phụ nữ đến mức tháng nào cũng mua thuốc đỏ chấm vào quần lót rồi ngồi ngắm cứ như… thật. Cô này đặc biệt chăm dùng mỹ phẩm. Phòng tắm nhà nàng không khác gì phòng thí nghiệm, lô nhô hàng chục lọ hóa mỹ phẩm: dầu gội, dầu xả, dầu dưỡng, thuốc nhuộm, bùn chăm sóc tóc, gel… Có lần khoe tôi lọ phấn trị giá một triệu vừa mua được, cô mở lọ, chấm chút phấn thơm ngát rồi thoa lên mặt, giơ gương ra soi, vẻ hài lòng lắm. Tôi buột miệng:
- Bọn mình có dùng phấn một triệu chứ năm triệu đồng thì cũng thế, vẫn là gay thôi. Làm đẹp mà làm gì?
Dứt lời, tôi mới thấy đau. Bạn tôi cũng hơi thừ ra, mặt xịu xuống như sắp khóc. Tôi, người trong giới, nói như vậy chỉ làm cô buồn. Nếu câu nói ấy phát ra từ miệng một người bình thường, chắc nó sẽ như dao cắt. Cô sẽ căm hận đến mức nào cái kẻ đã phủ nhận quyền làm đẹp của cô, đã vạch ra sự thật cay đắng và đáng ghét rằng cô là gay, mãi là gay cho dù có cố chối bỏ điều đó cách nào đi chăng nữa. Nó tương tự như việc một lesbian, bó ngực, đầu húi trọc lóc, giày hộp và quần áo rằn ri, hút thuốc lá vàng khè cả răng, đi lại huỳnh huỵch như đàn ông, rồi lại nghe có kẻ vừa cười đểu vừa í ới: “Này, em ơi, em gái ơi!”. Nhục. Vừa nhục vừa căm cái thằng đã bóc mẽ mình. Bóc mẽ như thế còn nhẹ. Một bóng lộ bạn tôi đi trên phố từng bị một đám thanh niên càn quấy đuổi theo giật tóc giả, lột áo ngoài và tháo tung cả những thứ “cô” độn bên trong ra, rồi cười hô hố.
Từ đó, mỗi lần đến nhà người bạn đồng tính nọ, tôi cố không nhìn hàng chục lọ mỹ phẩm lô nhô kia nữa. Tôi sợ nhìn rồi lại buột miệng bình phẩm những câu làm đau lòng cả bạn và tôi.
Chừng ấy cách giải tỏa dĩ nhiên chẳng đủ để thỏa mãn khao khát thầm kín của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn cần sự giải tỏa. Đó đơn giản là những giây phút chúng tôi được tự do sống đúng với con người thật của mình. Sống hết mình, cháy như ngọn nến và tỏa sáng.
… và thăng hoa
Có nhà báo phỏng vấn tôi:
- Người ta bảo tạo hóa công bằng, ai mất cái này thì được cái khác. Anh không may là người đồng tính. Vậy anh có thấy mình được bù đắp ở khía cạnh nào không?
Tôi nghĩ về điều này đã lâu nên có ngay câu trả lời: “Có. Tôi được trời phú cho một tâm hồn nhạy cảm”.
Người đồng tính phần đông rất nhạy cảm với cái đẹp, khéo tay, hát hay múa giỏi. Bản thân tôi nấu ăn ngon và cắm hoa đẹp hơn tất cả những phụ nữ tôi từng gặp. Nhìn một khuôn mặt, tôi có thể biết với những đường nét ấy và màu da, màu tóc ấy, người ta trang điểm như thế nào thì sẽ tôn được vẻ đẹp đang ẩn giấu. Nhìn một căn phòng, tôi biết không gian ấy hợp với ánh sáng nào, nội thất nào. Nhìn vài bông hoa tím lẻ loi, tôi biết đặt chúng vào chiếc bình nào, trang trí như thế nào… để làm cả gian phòng đẹp lên. Nhìn một người trong lần đầu gặp, tôi có thể đoán đó liệu có là đối tác tin cậy để làm ăn kinh doanh hay không (tất nhiên cũng có lần đoán sai, nhưng thường là đúng).