Bóng... Trang 15

Bây giờ, tôi thỉnh thoảng vẫn gặp Lâm. Gặp để nhìn lại người xưa. Lâm đã đi cùng với tôi một đoạn đường khó khăn, dù có lẽ Lâm không bao giờ biết điều đó. Tôi cũng không biết mình có nên hàm ơn Lâm không. Vì nếu không phải là Lâm có thể tôi đã rơi vào một vực sâu nào đó mà đến giờ vẫn chưa ngóc đầu lên được để tìm ra chính mình. Lâm đi cùng với tôi giai đoạn tranh tối tranh sáng trong đời. Nếu cuộc đời tôi có bóng tối và ánh sáng, thì Lâm đã đi cùng tôi trong giai đoạn bóng râm của cuộc đời, giai đoạn mà tôi vẫn còn chạy một chút ở bên này, một chút ở bên kia. Kết thúc câu chuyện với Lâm tôi đã chạy hẳn về một bên. Chẳng biết gọi nó là bóng tối hay ánh sáng. Trong con mắt một số người, đó có thể là bóng tối. Đối với bản thân tôi, con người ẩn sâu trong tôi đã được đi từ bóng tối ra ánh sáng. Lần thứ hai tôi được sinh ra ở đời, để là chính tôi và để đối mặt với những khó khăn đau đớn của kiếp đồng tính.

Về phần Lâm, có lẽ là thôi, mọi thứ cứ để tự nhiên như nó vốn thế. Nói cho công bằng, tôi cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở một người đàn ông bình thường như Lâm. Thân phận người đồng tính có lẽ cũng giống hạt mưa sa. Mỗi người một số phận, một con đường trong hành trình tìm ra chính mình. Có người gặp may mắn, thuận lợi, có những người thì quá đỗi truân chuyên trong hành trình ấy. Thật ra nếu nói là “may mắn, thuận lợi” thì đã dùng từ sai mất rồi. Chỉ là may mắn, thuận lợi hơn người đồng tính khác thôi. Chứ đã sinh ra làm thân “bóng”, dù là nữ hay nam, thì bạn cũng sinh nhằm giờ xấu, ngày xấu, tháng xấu, năm xấu và dưới một ngôi sao chiếu mạng đen đủi…

k

Tuổi thơ của tôi.

Bây giờ đôi khi tôi vẫn nghĩ, những năm thơ ấu, khi còn chưa biết mình có khuynh hướng tình dục khác người, tôi có hạnh phúc không nhỉ? Tôi không nhớ nữa, lâu quá rồi. Những năm tháng ấy quá ngắn ngủi và đã mờ đi trong ký ức tôi như chìm trong một màn sương. Từ khi biết yêu người đồng giới, tôi không còn một khoảng thời gian nào hạnh phúc rõ rệt nữa. Tất cả hạnh phúc đều bị hòa trộn với khổ đau và nước mắt, cả hận thù.

7.

Tình xa

Là gay, không có nghĩa là cuộc đời dừng lại trước mắt tôi. Dòng đời chỉ trở nên chậm lại mà thôi. Chậm một cách tương đối, do những suy ngẫm không thôi về kiếp sống, do sự tự ý thức đau đớn về khác biệt của bản thân mình… Thế nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và khi ở độ tuổi hai mươi, lúc vừa phát hiện ra sự thật về giới tính, tôi luôn vật vã với câu hỏi về một ngày nào đó, khi mình sẽ phải lấy vợ sinh con. Tôi sẽ làm gì nếu cái ngày đó thật sự đến? Cái ngày mà mọi người bao gồm bố mẹ, anh chị, bạn bè, họ hàng… trông chờ và yêu cầu tôi lấy vợ.

Đã rất nhiều người hỏi tôi: Người đồng tính có lấy vợ sinh con được không? Nếu được thì liệu họ có thật là đồng tính không? Hoặc có phải họ đồng tính thật nhưng đã “khỏi”?

Câu trả lời: Người đồng tính vẫn lấy vợ sinh con được, vì họ vẫn có thể tự ép mình quan hệ bình thường với phụ nữ. Đa phần bề ngoài họ là những người đàn ông khỏe mạnh, thậm chí râu quai nón kín mặt, cơ bắp nổi cuồn cuộn. Họ không có gì khác thường, ngoài xu hướng luyến ái bẩm sinh với đàn ông. Nếu họ lập gia đình, khuynh hướng tính dục đó vẫn không thay đổi, nói cách khác, họ không “khỏi” được.

Nhiều người nghĩ, bóng kín hẳn sẽ sướng hơn bóng lộ. Bóng lộ sinh ra như để hứng chịu toàn bộ sự kỳ thị, xa lánh mà người đời dành cho giới đồng tính, trong khi bóng kín được trời tạo một vỏ bọc riêng cho mình. Điều ấy không hẳn đúng. Bởi, người bóng kín luôn có nỗi khổ tâm và dằn vặt riêng khi phải sống một cuộc đời không thuộc về mình và phải che giấu khuynh hướng tình cảm. Đỉnh điểm của những dằn vặt ấy là vấn đề vợ con, cũng như những câu chuyện tình với phái nữ.

Tôi là một bóng kín. Và tôi lại không sinh sống trên sao Hỏa cũng như trên bất cứ mảnh đất nào chỉ toàn nam giới. Vì vậy, lưới tình lồng lộng, thưa nhưng khó thoát! Tôi cũng chẳng chạy thoát khỏi cái lưới trời ấy như những người bình thường. Ví thử tôi muốn chạy thì đời cũng chẳng để tôi làm thế. Phụ nữ trên đời cũng chẳng để tôi làm thế. Đàn ông lại càng không.

Những mối tình như thế, tôi gọi là tình xa.

k

Duyên hụt!

Học hết cấp II, tôi bỏ học. Đó là những năm đầu tiên của đổi mới. Mẹ tôi đã xin ra khỏi hợp tác xã mì sợi, trở lại với nghề buôn thịt bò truyền thống của gia đình. Phi thương bất phú, nói cho đúng thì nhà tôi thời gian ấy cũng đỡ nghèo hơn chút đỉnh so với thời bị cấm “thương”. Thi đại học hồi đó cực kỳ khó, thí sinh chỉ được thi một trường mà cũng phải học đến rạc cả người mới có cơ may đỗ. Tôi cũng chẳng mảy may nghĩ tới chuyện một ngày kia đặt chân vào cổng trường đại học. Thanh niên ở nhà buôn bán nhỏ, không học lên cao thì dĩ nhiên đi bộ đội là con đường đúng đắn. Nhưng không hiểu sao tôi rất sợ vào quân ngũ. Tôi sợ phải thức khuya dậy sớm, sinh hoạt theo giờ giấc với những bài tập quân sự, rèn luyện thân thể rất khắc nghiệt; sợ cái cảnh phải ở giữa một đám đàn ông lộc ngộc (có lẽ điểm này giống với tâm lý con gái khi rơi vào hoàn cảnh “hoa lạc giữa rừng gươm”)… Tóm lại là sợ. Bố tôi vốn nghiêm khắc, lại ghét tính thằng con trai yếu đuối, lông bông. Ông mắng tôi té tát không biết bao nhiêu lần. Nhưng mẹ tôi lại thương con. Bà chạy vạy mãi, tôi hoãn được một khóa so với tuổi.

Hoãn nhập ngũ, tôi về nhà chị Lý chơi sáu tháng. Chị là con cùng cha khác mẹ với tôi. Quê nội tôi ở làng Quan Nhân, Thường Tín, Hà Tây. Làng rất đẹp, như một ốc đảo giữa bốn mặt là cánh đồng xanh bát ngát. Chị Lý có một cô hàng xóm ở gần nhà, tên là An, lớn hơn tôi bốn tuổi. Ngày đó, tôi mới mười tám còn An hai mươi hai tuổi. An chẳng đẹp lắm, mắt hơi xếch, gò má cao, người gầy và cứng nên dáng đi dáng đứng cứ đườn đưỡn đườn đưỡn. Hai nhà cách nhau chỉ vài chục mét. Đi qua cánh đồng hoặc qua nhà, tôi hay trêu cô. Rồi từ trêu nhau mà để ý đến nhau, mời nhau về nhà chơi. Bọn trai làng cứ bảo: “Thằng Dũng tìm hiểu con An đấy”. Chúng nhấn mạnh từ “tìm hiểu”, vừa nói vừa nháy nháy mắt. Tôi rất bực nhưng đành chịu nhịn.

Thật lòng, ở cái tuổi mới lớn và đang sung sức đó, cảm xúc của tôi với phụ nữ không phải không có. Tôi cũng rất tò mò và háo hức muốn chinh phục và tìm hiểu họ. Lý do chính: Tôi tò mò và muốn tỏ ra giống người bình thường.

Dần dần tôi cảm thấy mến An. Cách nói chuyện của An rất tự nhiên, chân chất theo kiểu thôn quê. Hai bên trở nên ngày càng thân thiết. Chị tôi cũng thích, khen An: “Ừ, chơi với nó cũng được, nó lớn tuổi hơn cậu nên đứng đắn”.

Chiều nào ăn cơm xong tôi cũng sang bên nhà An chơi (ở quê người ta thường ăn cơm sớm, từ lúc trời chạng vạng). Hai nhà cách nhau chỉ mấy chục mét nhưng phải đi qua một khu vườn có những bụi cây hình thù rất ma quái trong đêm. Lúc về, An phải đưa về vì tôi sợ. Hôm nào An không “hộ tống”, tôi chạy như ma đuổi, tóc tai dựng ngược. Về sau, chị Lý thương tình “đầu tư” cho tôi một cái đèn dầu, tôi mới đỡ run.

Tôi thường ngồi ở nhà An đến mười một giờ đêm mới về. Đầu tiên, hai đứa ngồi ở nhà trên, đến khi mọi người đi ngủ mới chạy xuống bếp. Mùa đông, ngồi ở bếp đun nước thường rất ấm áp. Ngại bố mẹ An nói này nói nọ, hai đứa phải để cửa bếp mở toang. Chúng tôi đã nắm tay rồi tỏ tình với nhau ở trong căn bếp ấy. Mọi chuyện cũng đơn giản. Thú thực, tôi không nghĩ là tỏ tình dễ đến thế. Bây giờ nhớ lại, tôi mới hiểu: Thật ra tôi đâu có yêu An, và cũng chẳng cảm thấy trách nhiệm gì với lời tỏ tình của mình. Như một thằng trẻ con, không hơn không kém.

Thế rồi hai đứa rủ nhau đi cấy. Trai làng trêu, cả hai đều mặc kệ, thậm chí còn thấy khoái chí. Chị Lý rủ tôi đi cấy thì nước mũi tôi cứ chảy ra ồng ộc, vậy mà đi cùng An thì lúc nào tôi cũng vui vẻ hăng hái như con sáo sậu. An chiều tôi lắm, hay mang cho tôi củ sắn củ khoai ăn thêm. Tôi thấy sung sướng, tự nhiên lại được chiều chuộng thế này, thích thật.

Ở quê ngày xưa chẳng có bánh kẹo nhiều. Biết tôi thèm của ngọt, mẹ hay mang bánh kẹo về thăm. Chị Lý kể chuyện tôi với An. Mẹ bảo:

- Nó sợ đi bộ đội như thế này, hay cho nó lấy vợ cũng được.

- Vâng, mẹ cứ để con hỏi nó xem ý tứ thế nào.

Chị đem chuyện hôn nhân với An ra hỏi tôi. Ngày ấy, ở nhà quê, người ta lấy vợ lấy chồng rất sớm, bạn bè cùng trang lứa tôi ở Hà Tây nhiều đứa đã có gia đình. Lấy vợ. Tôi nghe thấy cũng hay hay. Tôi muốn có người chăm sóc cho mình và quan trọng hơn, đó cũng là lúc mà tôi đủ lớn để cảm thấy những đòi hỏi về mặt sinh lý. Đã có những khi tôi cảm thấy rạo rực và tưởng tượng ra cảnh sinh hoạt vợ chồng. Tôi trả lời chị:

- Vâng, gia đình cho em lấy cũng được.

Mẹ tôi về Hà Nội nói chuyện với bố. Bố tôi mừng lắm. Bố sợ tôi ở Hà Nội rồi lại chơi bời lêu lổng, đi bộ đội rồi cũng đào ngũ, “tuột xích”. Bố bảo:

- Thằng Dũng nhà này lấy vợ thì tốt quá, lấy quách đi cho ổn định.

Trong thâm tâm, ông cụ biết tôi có cái gì đó không bình thường. Từ việc hồi nhỏ tôi thích chơi đồ hàng với con gái tới chuyện tôi bỏ học, bỏ nhà cửa đến ở cùng anh bán vé tàu điện Deyanov… đều làm bố mất lòng tin vào ông con trai độc nhất. Bố ghét tính tôi “yếu đuối như đàn bà”, “không có chí tiến thủ”, cả ngày chỉ láng cháng đi chơi hoặc ngồi nhà nghe cải lương. Hồi nhỏ, tôi bị bố đánh suốt. Ông cụ vốn dữ đòn, đánh con cực đau. Càng đau tôi càng xa lánh bố. Tôi lớn, ông cụ không đánh nữa nhưng hai bố con xung khắc, động nói chuyện là hục hặc. Bố tôi về quê bảo chị Lý:

- Em nó lấy vợ thì con cắt cho nó mảnh vườn hoặc mua cho nó mảnh đất. Chúng nó ở đây rồi tự hai vợ chồng nó làm lấy mà nuôi nhau.

Bố chỉ muốn tôi ở luôn quê để xa lũ bạn ở Hà Nội và gần chị Lý cho có chị có em.

Chị Lý bàn về đám cưới thì tôi rất thích nhưng vẫn ngại:

- Chị ơi, em lấy vợ nhà quê thì liệu bạn bè nó có cười không chị?

Chị chặn ngay:

- Vớ vẩn. Cười cái gì mà cười. Đấy là duyên số, nhà quê không là người à? Chị hỏi cậu, nhà quê thì cũng có hai mắt, một mũi, một miệng. Chị cậu cũng nhà quê đây. Nhưng mà… – Chị Lý hạ giọng, nói nhỏ – Chị hỏi thật nhé, cậu có yêu nó thật không?

- Thật. Em yêu nó thật lòng mà chị.

Nhưng tôi chỉ nói miệng vậy thôi. Trong lòng thì ngày đó tôi không quá thích An, chỉ muốn chứng tỏ cho bạn bè xung quanh thấy rằng mình cũng có người để ý đến chứ không phải vô duyên, ế ẩm. Cộng thêm với sự tò mò về sinh lý nên tôi mới muốn lấy An. Chẳng hiểu chị Lý có đoán được ý nghĩ của tôi không mà hỏi như thế.

Mẹ tôi từ Hà Nội về, mang cơi trầu sang nhà An nói chuyện. Tôi ngồi cạnh mẹ và thấy mẹ An tiếp đón mẹ tôi rất lạnh nhạt. Tôi cảm thấy rất hoang mang, ngồi mãi cũng kỳ nên chạy xuống bếp đun nước với An.

Lúc thấy mẹ từ nhà trên đi về, tôi vội chạy theo. Mẹ tôi mặt mũi hằm hằm, vẻ rất bực bội. Mẹ đi qua cầu ao và ầm một cái, ném luôn tất cả mười mấy quả cau xuống ao. Mẹ quát tôi:

- Không có cưới xin gì hết!

Tôi ngớ người. Mẹ đùng đùng bỏ đi. Tôi tò mò không biết chuyện gì xảy ra nên để mẹ về còn mình chạy ngược lại phía nhà An. Tôi không vào nhà mà đứng nấp đằng sau cửa sổ để nghe ngóng. Ở quê ngày xưa, nhà nào cũng có hai cửa sổ phía sau. Cửa sổ nhà An nhìn ra mảnh vườn vắng vẻ nên không ai trông thấy tôi. Tôi nghe An đang bị mẹ mắng:

- Nó là cái thằng trốn bộ đội, là thằng “đồng cô bóng cậu”, chưa đâu vào với đâu mà mày lấy gì nó.

Tiếng An:

- Con lấy gì đâu, nó cứ thích con chứ con hứa hẹn lấy nó bao giờ đâu.

Câu nói của An làm tôi đứng chết sững bên bức vách, kiến đốt vào chân mà tôi không thấy đau. Chỉ thấy sửng sốt, tức giận và chán nản. Tôi giận mẹ con An vô cùng, tại sao lòng người lại có thể tráo trở như vậy. Sao họ nỡ khinh tôi như thế? Đó là cú sốc đầu đời với tôi.

Tôi đứng lặng một lúc rồi chạy về kể với mẹ. Mẹ quát:

- Đi ngay lên Hà Nội! Không bao giờ lấy vợ nhà quê nữa. Nó lại còn cành cao à, ở nhà quê mà còn cành cao à? Nó hơn mày tận bốn tuổi đầu, con gái mà gò má cao vút. Tao cũng chẳng ưng nó đâu. Đi về Hà Nội.

Mẹ bắt tôi lên Hà Nội ngay. Tôi cũng giận nên quyết định ra đi không chào An. Thế mà sáng hôm sau khăn gói rời quê, rất tình cờ lại gặp An ở một con ngõ ngang. An hỏi:

- Dũng đi đâu đấy?

Tôi cười nhạt:

- Đi ra phố huyện chơi.

Tôi cố đi thật nhanh để tránh mặt An.

Hết nửa năm loăng quăng ở nhà chị Lý, cũng tới lúc tôi nhập ngũ. An thi thoảng có lên nhà tôi ở Hà Nội chơi và viết thư cho tôi trên đơn vị. Nhưng từ khi bước chân lên Hà Nội và đặc biệt là từ khi đi bộ đội, tôi đã không còn một chút nhớ nhung gì An nữa, không tơ vương nữa. An viết thư lời lẽ cũng rất cứng, không xưng “em” mà toàn xưng “tôi”, “người ta”. Ở trong quân đội, mọi người mong thư lắm. Cứ buổi chiều thứ bảy ăn xong là anh em lại ra ngồi ngoài sân để ngóng thư, ai nhận được thư của người yêu cũng hân hoan. Đáng ra thư của An phải là một niềm vui với tôi nhưng ngược lại, những lá thư ấy chỉ làm tôi nghĩ trong đầu: “Cái con này nó vô duyên thế nhỉ? May quá, ngày đấy mình mà cưới nó thì cũng chán sớm thôi”.

Thỉnh thoảng, tôi được về thăm gia đình. An vẫn hay lên nhà tôi chơi. Tôi miễn cưỡng ra tiếp, có mấy lần lánh mặt, thậm chí bỏ đi. Bố tôi mắng – câu này về sau tôi vẫn hay mang ra nói với những người tình nam giới của mình:

- Mày bạc bẽo thế con, một ngày cũng là nghĩa.

Nhưng sự thật là tôi đã chẳng còn mặn mà gì với An. Tôi hay trốn việc phải đèo An đi chơi hay ra bến xe để về quê bằng cách giả vờ say rượu. Tôi càng xa thì có vẻ như An lại càng muốn gần. Về sau tôi biết được rằng cô cũng đã trách mẹ vì ngăn cản chúng tôi yêu nhau ngày ấy. Bố mẹ An có vẻ cũng xuôi và bố An hay lên nhà tôi chơi rồi bóng gió về quan hệ giữa hai đứa. Mẹ tôi nguôi ngoai dần chuyện cũ, muốn tôi lấy vợ nên lại động viên:

- Thôi thì không gì bằng làng xóm, làng nước. Con đấy nó cũng chịu thương chịu khó, mày lấy nó cũng được. Lấy con gái Hà Nội đầu tóc phi dê, ăn xong là lại cãi chồng.

Tôi viện cớ:

- Nó lớn hơn con nhiều tuổi thế, ngày xưa con trẻ con nên mới thích nó. Bây giờ trông nó già như thế, nó đẻ một hai lứa thì nó bằng cô con à? Mang về đây thì thành bà cô tổ hả mẹ?

Loading disqus...