Bóng... Trang 14

- Thế thì anh thích gì? Bực mình quá.

Mặt tôi lì ra, trơ trơ:

- Tao thích gì thì mày biết rồi đấy.

- Rồi, anh thích gì?

- Hôm nay mày mà không về nhà tao ngủ, mai tao đến tao làm ầm nhà mày lên.

- Làm ầm cái gì?

- Tao nói là á, là á, tao với mày yêu nhau.

- Mai cho anh đến đây mà nói. Anh có giỏi cứ lên đấy mà làm loạn lên.

Tôi không biết nói gì hơn. Tôi đứng đó, nước mắt long lanh, giọt dài giọt ngắn xuống má. Lâm đấu dịu: “Thôi, anh về ngủ đi”.

Đến cổng ngõ, tôi không chịu vào nhà mà đòi Lâm đèo đi tiếp một đoạn. Đưa một đoạn xong lại đòi đưa đoạn nữa. Rồi cả hai lại cãi nhau. Lâm điên lên, dứt khoát: “Thôi bây giờ kệ anh. Anh có lăn ra chết, tôi cũng mặc kệ. Tôi đi về đây, buồn ngủ quá rồi”. Nói rồi hắn bỏ đi.

Còn lại mình tôi. Tôi đi bộ dọc đường Hàng Ngang – Hàng Đào về nhà. Chưa bao giờ tôi có cảm giác buồn chán đến vậy. Có lẽ phải gọi đúng tên cảm giác ấy bằng hai chữ: thất tình. Mải suy nghĩ, thất tha thất thểu, tôi mang bộ dạng của một người không còn muốn sống nữa.

Sau này nhìn lại, tôi không thấy mọi thứ nặng nề đến như vậy. Nhưng vào giờ phút đó, với tôi, trời đất như bị sụp mất một góc. Hơi rượu đã hết. Phố đông người mà lòng tôi chết lặng, mắt tôi chẳng nhìn ra một gương mặt nào. Những mảng đèn màu nhòe nhoẹt nhảy múa trên mặt nước Hồ Gươm. Tôi cứ thế lang thang trên vỉa hè, đầu cúi gục, hai tay buông thõng. Cảm giác tổn thương ghê gớm. Thấy xấu hổ và nhục nhã lắm, vì đã lộ bản chất mình ra với Lâm, lộ điều bí mật “thiêng liêng” nhất. Trước Lâm, tôi chưa từng nói lời yêu một người đàn ông nào, chưa bao giờ để ai biết tình trạng của tôi. Lâm là người đầu tiên làm tôi phải hạ mình. Nhục nhã hèn hạ thế mà Lâm cũng chẳng đoái hoài. Tôi bị từ chối. Xấu hổ và mất thể diện. Buồn nữa. Biết là từ giờ trở đi Lâm sẽ cạch mặt tôi ra. Tôi sẽ mất Lâm vĩnh viễn. Vì những câu đối thoại kiểu như: “Mai tao lên nhà mày tao làm loạn lên, tao bảo mày với tao yêu nhau rồi mày bỏ tao”. “Anh là thằng hèn! Tôi không ngờ anh lại như thế! Anh là thằng đàn ông, mà đàn ông ai như anh”.

Vì Lâm mà tôi bỏ luôn, không chơi với một nhóm bạn. Và rơi vào một giai đoạn trầm cảm. Mắt tôi trũng sâu, mặt mày vêu vao. Bạn bè hỏi sao dạo này tôi lạ thế, sao dạo này tôi gầy rộc đi?

Suốt đến hơn một năm sau tôi không đi trở lại quãng đường đêm hôm ấy nữa. Mặc dù tôi vẫn tìm Lâm.

Nhưng, Lâm đã dứt khoát giữ khoảng cách. Ban đầu vẫn còn gặp nhau trong cả hội, nhưng tôi cứ sán lại gần là Lâm đứng phắt dậy, bỏ đi. Về sau thì hắn thấy tôi ở đâu là lảng. Lâm tránh tôi như người ta tránh tà ma. Còn trong lòng tôi, Lâm lại ám tôi như ma như quỷ. Tôi chẳng nghĩ được gì ngoài nghĩ đến Lâm. Chỉ nghĩ thôi, lúc nào cũng nghĩ, lúc ăn lúc ngủ, lúc đi thu tiền chợ giúp mẹ, lúc nghe hát cải lương, lúc ngồi cà phê mà ngong ngóng ra ngoài đường…. lúc nào cũng nghĩ, cũng mơ.

Cứ nghĩ đến Lâm là lại thấy buồn. Cái buồn và cái nhớ gắn liền với nhau, quyện lại với nhau thành một. Buồn nhớ đến trống rỗng cả lòng. Ruột gan tôi như trong suốt đi, mỏng tang đi… chả còn gì ngoài nỗi buồn và nhớ. Nhớ đến cái thằng Hoàng Lâm trời đánh thánh vật đấy!

Mà khốn nạn thân tôi. Mình càng nhớ nó, nó càng tránh mình. Như chơi trò công an bắt gián điệp.

Có lần tôi ngồi trên tầng hai một quán café, thấy “Lý Tiểu Long” đang lướt tới từ xa xa phía dưới đường. Vậy là tim tôi đã đập thộp thộp thộp, kêu to như đồng hồ quả lắc rồi. Thế mà chả hiểu có phải hoàng tử đánh hơi thấy tôi từ xa hay không mà tự nhiên chàng dông thẳng. Lần khác, Lâm đến quán, gửi xe rồi, ngước lên thấy tôi, nghĩ nghĩ một tí lại quay ra lấy xe đi mất. Lúc đấy thấy lòng mình chua xót quá. Còn có lần đang thơ thẩn Bờ Hồ thì tim tôi giật thót lên một cái: Hoàng tử của tôi đang đi cà nhắc cà nhắc, hai tay một gậy (chắc là tai nạn nghề nghiệp của chàng – vì chàng là sinh viên võ thuật, oách lắm). Tất nhiên tôi lao tới, xin được làm chỗ dựa cho chàng, chiếc gậy trên tay chàng, giọt mưa trên áo chàng. Chàng không cho làm chiếc gậy, nhưng tôi được làm giọt mưa để chàng rũ ngay: “Bỏ tay ra, đừng có lằng nhằng”. Rồi quay lưng bỏ đi. Sau đó còn quay lại, gửi cho tôi một ánh nhìn lạnh tanh, nghiêm nghị và xa vắng.

Chẳng có cách nào tiếp cận Lâm được nữa.

Tôi chỉ nghĩ ra được mỗi một cách để có thể nhìn thấy Lâm. Số là, vì học ở đại học Thể dục thể thao nên hôm nào Lâm cũng phải qua cầu Chương Dương để sang Từ Sơn. Không thể nào canh được giờ về của đám sinh viên thất thường, nhưng giờ đi học của Lâm thì tôi bằng giá nào cũng phải canh chuẩn. Lâm thường đi học rất sớm. Và tôi sẽ còn phải dậy sớm hơn. Dậy sớm, từ năm giờ sáng, đứng ở chân cầu Chương Dương, ngong ngóng nhìn về cái đoạn đường mà Lâm bắt buộc phải đi qua để lên cầu. Hôm nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, mùa đông cũng như mùa hè, chờ đợi để thấy cái dáng thân quen của Lâm lao vụt qua trên chiếc xe DD đỏ. Lâm phóng xe nhanh lắm, nên tôi chỉ kịp nhìn thấy hắn trong vài tích tắc mà thôi. Dậy từ tờ mờ đất, hối hả phi lên cầu Chương Dương, thấp thỏm hồi hộp chờ đợi cả tiếng đồng hồ, chỉ để có mấy giây trông thấy bóng người yêu dấu. Thế là vui rồi. Vui bồi hồi cả ngày hôm ấy. Vui đủ để sống tiếp một ngày. Để ngày mai lại chờ và lại được ngắm chàng từ xa như thế.

Có ngày mùa đông, trời lạnh buốt vì trận mưa rả rích kéo dài suốt từ đêm. Tôi đứng run rẩy góc cầu. Mặt lạnh toát vì nước mưa mà tôi không dám đưa tay lau, sợ mất tập trung lại để lỡ mất giây phút Lâm đi qua. Thế rồi bùn đất lép nhép dưới chân, khó chịu quá, tôi nhích sang cách đó vài bước. Loay hoay tìm chỗ đứng, ngẩng lên đã thấy một chiếc DD lướt vèo qua, vụt cái đã lẫn vào dòng người và xe trên cầu, mất hút. Người ngồi trên xe trùm áo mưa kín mít che cả biển số, tôi chẳng kịp nhìn ra có phải Lâm không. Đành chờ thêm. Chờ mãi, đứng đến chồn chân mỏi gối mà Lâm vẫn “bóng chim tăm cá”. Mưa mờ mịt. Hai bàn tay tôi cứng lại, trắng bợt, đầu ngón tay dăn deo vì lạnh. Tôi lủi thủi ra về, vừa buồn vừa tiếc. Lại chợt nhớ tới câu thơ của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính: “Mình em lầm lụi trên đường về…”. Rồi ngày hôm sau lại cơm ăn cơm dỡ ra cầu Chương Dương từ năm giờ sáng.

Hôm nào không thấy Lâm, tôi đều băn khoăn: Lâm nghỉ học? Lâm ốm hay gặp chuyện gì? Hay Lâm đã chạy xe qua từ lúc nào mà tôi không biết? Cả ngày hôm đó, tôi bần thần, lo lắng, sốt ruột chờ đến sáng hôm sau.

Tất nhiên, chẳng bao giờ Lâm trông thấy tôi.

Nếu những người qua cầu Chương Dương ngày ấy lưu tâm để ý, sẽ thấy buổi sớm nào cũng vậy, thậm chí từ lúc trời còn mờ mờ tối, luôn có một bóng người đứng nép mình bên chân cầu. Mắt hắn dõi về phía đầu cầu như đang ngóng đợi ai. Trời hửng dần, hắn vẫn đứng, vẻ mặt bồn chồn, ánh mắt đăm đăm. Rồi lẫn trong đám người hối hả lao xe qua cầu, một chiếc DD đỏ xuất hiện. Gương mặt kẻ đó sáng bừng lên trong một nụ cười không kìm giữ được, méo mó, mừng mừng tủi tủi. Hắn nhìn chằm chằm vào người ngồi trên xe, nhìn hút theo, nhìn không chớp mắt, như thể một giây khép mắt tai hại cũng đủ khiến hắn không lưu được gương mặt tuyệt vời kia vào bộ nhớ. Tận cho đến khi “DD đỏ” khuất dạng. Hắn bần thần, đứng trơ ra một lúc rồi mới ngơ ngẩn ra về, nụ cười đọng trên môi. Hắn sung sướng lắm đấy, niềm vui lâng lâng lan tỏa trong lòng. Hắn đã mất hàng tiếng đồng hồ chỉ để đợi mươi giây, khi người ta đi ngang qua. Mười giây đẹp đẽ và buồn bã, để hắn có thể yên lòng trong hai mươi tư giờ kế tiếp.

Hỡi ơi, một phút vui không cứu nổi một cuộc đời khi ta đã sa vào chữ yêu. Quãng đời ấy, lúc nào tôi cũng buồn bã. Đi đâu cũng buồn, làm gì cũng buồn. Ngồi quán còn buồn hơn. Ngồi một mình thì tôi sẽ nghĩ linh tinh đến phát điên cả đầu. Ngồi đông người thì nhìn đâu cũng thấy bóng Lâm, cũng nhớ lại những kỷ niệm đã có với nhau, ngày đầu tiên gặp nhau trong quán… Thế mà lại vẫn cứ phải sống, vẫn phải làm việc giúp gia đình. Ngày dài lê thê và buồn rười rượi. Đêm còn dài hơn và buồn hơn.

Dạo đó tôi như chìm trong rượu. Ngày nào đi thu tiền chợ của một bà bán thịt, bà ấy cũng để dành cho tôi một chai rượu. Mỗi ngày một chai. Rượu và thuốc ngủ. Lúc đầu là ngày uống rượu – để quên ngày dài, đêm uống thuốc ngủ – để quên đêm dài. Sau đó thì liều lượng rượu và thuốc ngủ có tăng lên vẫn không đủ hiệu nghiệm. Tôi bèn trộn chung thuốc ngủ và rượu để uống. Những ngày đó, hình như không phải là mình đang sống, mình không định sống thì phải. Chủ tâm mình, từ sâu trong lòng mình, tôi đang định chết và sống như để chết. Cứ lê lết mà sống. Đêm chẳng muốn về nhà. Nhưng tất nhiên vẫn phải về, vẫn phải chợp mắt một tí để có sức mà làm việc và đau khổ. Giấc ngủ của tôi ngày đó rất ngắn. Suốt một ngày mệt mỏi cộng với tác động của rượu và thuốc ngủ, vậy mà tôi chỉ ngủ được khoảng một, hai tiếng, cứ đến bốn rưỡi sáng là choàng dậy. Như có một cái lo xò vô cùng nhạy ở trong tôi. Yêu đến như thế là cùng!

Cũng nhờ Lâm, hay nói đúng hơn là tại Lâm, mà tôi đã làm những thứ cũng hơi khác so với con người bình thường của mình. Dù thật sự, có người tình nào mà không đẩy mình đi xa quá những giới hạn của bản thân mình và cả người đời. Có cuộc tình nào mà không điên rồ?

Tôi làm thơ. Cũng chẳng phải tặng Lâm, vì làm gì có cơ hội để tặng (tặng, khéo chàng lại đánh cho cũng nên!). Chỉ là nỗi lòng của tôi muốn tìm một nơi để thoát ra, thay vì bị đè nén bởi rượu và thuốc ngủ. Đầu tiên là tìm đến thơ. Nhưng thơ là một cách giải tỏa rất văn hóa và nghệ thuật. Nỗi lòng tôi còn có những cách giải thoát khác hiểm ác hơn nhiều. Đó thật là một cuộc vượt thoát ngoạn mục, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Triển lãm “nude” trên phố

Trong một lần như mọi lần tôi say rượu, bạn tôi đưa tôi về nhà. Thằng bạn khốn nạn trời đánh thánh vật chẳng hiểu sao không đưa tôi vào, lại để tôi ngoài đầu ngõ, cách cửa nhà khoảng hai chục mét. Người trên phố nhìn thấy tôi say rượu nên chắc đã trêu đùa. Chọc nhầm tổ kiến lửa! Tôi chửi lại ngay. Nhưng dân ba mươi sáu phố phường Hà Nội nào phải tay vừa, đâu có phải là chỗ tôi muốn chửi thế nào thì chửi. Không nhớ nội tình biến chuyển thế nào mà tôi cứ thế biểu diễn một màn thoát y vũ nhớ đời, theo ngôn ngữ của dân vỉa hè thì có thể nói là tôi “nguyên chất”.

Trong cơn điên, tôi cởi tung cả quần áo, cứ nguyên chất như thế mà nằm ngay giữa ngõ, trông ra đường. Nào chỉ nằm không. Vừa nằm tôi vừa khóc, gào rống. Theo lời kể lại của mọi người, tôi đã gào khóc gọi tên Lâm rồi lại gào khóc gọi mẹ:

- Mẹ ơi, cứu con, thằng Lâm nó giết con. Nó giết con này mẹ ơi, ối mẹ ơiiiiiiii!

- Mẹ ơi, con sư tử nó cắn con…

Quang cảnh lúc đó thật hết biết: Trẻ con đứng xem chật đường, ôtô bấm còi inh ỏi vì tắc nghẽn giao thông. Tôi hết gọi mẹ lại gọi Lâm, hết gọi Lâm lại gọi mẹ. Nhưng phỏng có người nào được một thằng đang nguyên chất như tôi gọi mà lại ra. Mẹ giận lắm, bảo: “Mặc kệ! Cho chết luôn! Chết đi, đồ rượu chè”. Mẹ kiên quyết ở biệt trong nhà. Chẳng nhẽ ra để xem thằng con mình đẹp đẽ như thế nào trong mắt mọi người?

Cuối cùng, chị và em gái tôi phải muối mặt chui ra, mặc quần áo cho tôi rồi khênh vào. Tôi phản ứng quyết liệt, giãy giụa, cào cấu, khóc rống lên: “Chị cũng như mẹ, không thương em. Chị để thằng Lâm nó giết em, chị ác lắm!”. Em gái tôi cứ phải ôm chặt lấy tôi để vừa giữ chân tay vừa che ông anh, còn chị thì vừa mặc quần cho tôi vừa dỗ dành: “Được rồi, được rồi, chị thương cậu, thương lắm”. Ấy là sau này mọi người kể lại chứ lúc đó tôi còn biết gì nữa đâu. Sáng hôm sau mở mắt ra, tôi thấy mình nằm trên đệm, ngay tầng một (bình thường tôi ngủ trên gác). Mẹ tôi mắng:

- Xấu hổ lắm. Đi ra sông tự tử đi, chết luôn đi cũng được. Hôm nay có ra đường thì lấy cái mo cau mà úp vào mặt nhé. Rượu chè đến thế là cùng, đái cả ra quần, cởi hết cả quần áo ra, kêu kêu khóc khóc như cái thằng rồ ấy.

Xấu hổ thật. Tôi xấu hổ không biết trốn ở đâu. Xấu hổ với bà con láng giếng, với bản thân mình… Rồi lại thấy buồn quá, tê tái hết cả cõi lòng. Sao lại khổ thế cơ chứ? Tự nhiên thì lại trần truồng lăn lóc ra giữa đường, làm trò cười cho thiên hạ. Lộ hết người ngợm ra chưa đủ, tôi còn lộ cả chuyện với Lâm, gọi tên tình nhân inh ỏi cả phố. Không còn biết chui vào đâu cho đỡ nhục nữa.

Vụ thoát y vũ đó đã hầu như kết thúc câu chuyện của tôi với Hoàng Lâm. Nó cũng là lúc tôi nhận ra và chấp nhận rằng Lâm đã tuyệt giao với tôi, rằng mọi chuyện giữa tôi và Hoàng Lâm đã hoàn toàn kết thúc. Kết cục đó chấm dứt chuỗi ngày sống lê lết của tôi, chuỗi ngày tôi để cho mình đắm đuối vào một câu chuyện vô vọng.

Nhưng kết thúc đó cũng mở ra một nỗi buồn mới mà nhiều khi nó vẫn đeo đẳng tôi tới tận bây giờ, nỗi buồn tê tái, thấm thía của một thân phận nửa bóng. Trong tất cả các bạn học của tôi năm xưa, đám con trai không ai có số phận như tôi. Nói cho đúng, cũng có một cậu bạn đồng tính, nhưng cậu ta giữ tuyệt mật chuyện đó và vẫn lấy vợ, sinh con bình thường. Có lẽ chỉ mình tôi biết cậu ta là gay, nhờ những biểu hiện mà riêng dân bóng hiểu với nhau. Tóm lại, chỉ mỗi tôi là “nặng nghiệp” nhất, suốt đời lận đận tình trường, học hành dang dở, chẳng làm nên vương nên tướng gì.

Còn cô bạn lớp phó xinh xắn, mắt to tóc quăn, mà tôi từng thích và mơ lấy làm vợ năm nào, mãi tới 41 tuổi mới lấy chồng. Bạn bè ai cũng thương, nghĩ đời cô khổ, vất vả chuyện chồng con. Lại cũng chỉ vài người hiểu tại sao, trong đó có tôi. Khi biết lý do, tôi thấy hơi ngạc nhiên, nghĩ đến hai từ “định mệnh”: Sao ngày xưa tôi lại từng thích cô ấy? Nàng cao số bởi vì… nàng là lesbian!

k

Loading disqus...