Đồng cô!
Vài chục năm trước, người ta vẫn gọi chung những kẻ thuộc giới tính thứ ba bằng cụm từ đầy miệt thị ấy. Trong con mắt họ, đồng cô là một thứ quái dị. Người ta không biết tới những cụm từ “đồng tính”, “pêđê”, “bóng kín”, “bóng lộ” như bây giờ.
Có người hỏi tôi: Tại sao bây giờ, đồng tính mọc lên như nấm sau mưa? Có phải đó là căn bệnh theo kiểu “no cơm ấm cật”, chỉ phát ra khi con người ta không còn lo cơm ăn áo mặc và đã thừa đủ nhu cầu?
Không phải vậy. Câu trả lời đơn giản nhất là: Những con người ấy trong xã hội vài chục năm trước vẫn phải cố khép mình, nhận chìm những nhu cầu để sống. Lộ ra, họ lập tức bị coi là bệnh hoạn. Còn bây giờ, khi cuộc sống thay đổi và cách nhìn về người đồng tính cũng dần bớt đi sự khắt khe theo thời gian, họ đã có nhiều hơn cơ hội để sống theo đặc điểm giới tính của mình. Nên chúng ta mới có cảm tưởng đồng tính thời nay mọc lên như nấm sau mưa.
Nghĩ lại, thấy thương cho những người đồng tính thời xưa.
Và cũng đáng thương cho một người đồng tính như tôi bây giờ.
k
Tôi sinh đầu năm 1967, tuổi âm Bính Ngọ. Trước đó, anh trai kế trên tôi chết đuối ở nơi sơ tán. Thời gian mang thai, mẹ tôi khóc rất nhiều. Chẳng biết có phải vì thế mà sau này, tính tôi luôn đa sầu đa cảm. Tôi hay khóc, hay buồn vu vơ, hay hờn dỗi, và hay mơ mộng nữa.
Mất đứa con trai duy nhất, cả nhà đều mong mẹ tôi sẽ sinh hạ một thằng cu. Ngày đó chưa có phương tiện siêu âm nên khi tôi ra đời, gia đình mừng lắm. Chào đời, tôi nặng bốn cân ba, cực hiếm đối với trẻ sơ sinh thời bấy giờ. Bà đỡ chia vui với mẹ:
- Đấy, chị ở hiền gặp lành. Vừa mất con trai, giời Phật lại cho một đứa khác còn đẹp hơn thằng trước. Thằng bé to khỏe thế này mà đẻ ra mấy phút mới khóc. Chắc khi lớn, nó có gì đặc biệt lắm đây.
Sinh con vào thời chiến tranh nên bố mẹ đặt tên tôi là Dũng – cái tên phổ biến của con trai khi đó. Tên không đệm, rất đơn giản: Nguyễn Văn Dũng.
Tôi trải qua một tuổi thơ bình thường. Bố tôi lái xe, sau vào làm ở một hợp tác xã cơ khí. Mẹ tôi bán thịt bò tại chợ Hàng Bè nên gia đình cũng có đồng ra đồng vào, có thể nói là đủ ăn. Khoảng năm 1977, tức là năm tôi lên 10, mẹ tôi phải vào hợp tác xã mì sợi làm công ăn lương, bố nghỉ hưu mất sức, nên kinh tế bắt đầu đi xuống. Mải lo làm ăn, nhà lại đông con quá nên bố mẹ không còn nhiều thời gian để chăm sóc tôi. Chỉ thỉnh thoảng có lúc rảnh rỗi, bố dẫn tôi đi mua mấy món đồ chơi con trai như súng phun nước, ôtô, máy bay, tàu thủy. Như mọi người cha khác, có lẽ ông thầm hy vọng thằng con lớn lên sẽ trở thành người đàn ông mạnh mẽ, giàu nam tính.
Thế nhưng trái với mong muốn ấy, trong thâm tâm, tôi chỉ thích những trò chơi lành lành của con gái, giống như các chị: nhảy dây, ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt… Tôi bắt các chị đi mua bát, đĩa đồ chơi, vặt lá cây để ngồi bày biện nấu nướng. Tôi thích chơi đồ hàng, búp bê, nhảy dây. Còn những trò mà bọn con trai cùng lứa hay chơi như đá bóng, đánh đáo, leo trèo, tôi lại không hề ưa. Vừa mệt người vừa căng thẳng. Lắm hôm bị bọn chúng đuổi, tôi chạy tưởng đứt ruột, sợ và ghét lắm. Nói cho đúng thì lũ con trai cũng chẳng thích chơi với tôi, vì tôi hay kêu mệt, đá bóng kém, vào sân thì chỉ chăm chăm đạp vào chân bọn chúng. Mấy thằng tức, chỉ mặt tôi chửi nhao nhao: “Lần sau không cho thằng Dũng đá nữa, nó chơi bẩn lắm”. Không phải tôi cố ý đá bẩn, nhưng quả thật tôi không thích tham gia tí nào, mệt, đau người chết đi được, chỉ là cố cho nó “hòa mình với quần chúng”.
Một bận chơi trốn tìm, đến phiên mình nấp, tôi bỏ về nhà nằm ngủ, mặc kệ cả hội đi tìm hết hơi. Sau lần ấy, bọn con trai chán chẳng buồn chơi với tôi. Chúng không rủ, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn, quay ra chơi những trò chơi hiền lành của con gái. Tôi thích chơi với con gái còn vì khoái ăn vặt, đặc biệt ưa của ngọt – bánh quy, kem, kẹo mút… Ngồi trong lớp, rúc rích chuyền tay nhau que kẹo mạch nha hay viên ô mai, nhất là lúc đang đói đang thèm, thì còn gì thú vị bằng.
Tính tôi mơ mộng từ bé. Những năm cấp I, tôi học rất khá môn văn. Lên lớp 2, tôi thích ngay cô lớp phó hoa khôi, tóc quăn, mắt to, má hồng, xinh nhất lớp. Tôi từng mơ thấy chúng tôi lấy nhau, nhưng hai vợ chồng không lớn lên mà cứ mãi mãi trẻ con như thế, mãi mãi đi học cùng nhau.
Điều quái ác nhất của bọn con trai lớp tôi ngày ấy, là chúng cứ hay gọi tôi là “Dũng đồng cô”, vì tôi ăn trầu. Không hiểu sao ngày ấy tôi lại hay nhai trầu bỏm bẻm, mặc dù chỉ nhai ở nhà và không nghiện (khi lớn lên thì không ăn trầu nữa mà chuyển sang hút thuốc lá, uống rượu, tửu lượng cũng chẳng đến nỗi kém). Nhiều hôm tôi đến lớp với đôi môi đỏ thẫm, một lần còn bị say lảo đảo, thế là chẳng giấu vào đâu được nữa, cả lớp đều biết “Dũng đồng cô” ăn trầu. Lắm lúc bọn chúng trêu dữ quá, tôi tức đỏ mặt, vừa khóc vừa chửi lải nhải, bị cả bọn đuổi theo đánh túi bụi. Những chuyện ấy, người lớn có biết thì cũng mặc kệ, chẳng can, chắc ai cũng nghĩ đó là trò trẻ con, đứa trẻ nào chẳng có biệt hiệu gì đấy. Nói chung, tôi thuộc dạng to cao nhất lớp, nhưng tính lại hiền nên hay bị bắt nạt. Có khi đứa bé hơn hẳn cũng bắt nạt được. Lâu dần, tôi chỉ thích chơi với con gái, chẳng thích nhập hội với đám con trai nghịch như quỷ nữa. Dù vậy, cho tới năm 12-13 tuổi, quan niệm về giới tính trong tôi vẫn chưa rõ ràng. Nói cho đúng, giới tính được xác định từ sự điều tiết hoóc môn trong cơ thể; có lẽ khi người ta còn nhỏ, các tuyến hoóc môn chưa phát triển, nên khuynh hướng giới tính và tình dục chưa thể hiện ra hết.
Tuy nhiên, đam mê thật sự của tuổi thơ tôi không phải là những trò nhảy dây, đánh chuyền đánh chắt. Những năm tháng ấy, tôi đặc biệt mê cải lương và ca vọng cổ. Tôi hát cải lương suốt ngày. Hàng ngày, khi giúp mẹ thái thịt, lạng mỡ để bán, tôi cũng lẩm nhẩm mấy câu ca vọng cổ. Hàng xóm hay đùa:
- Sao thằng này thích hát thế này mà không đi thi tuyển vào đoàn cải lương nào đi? Lại cứ ngồi nhà thái thịt.
Tôi mê tới mức, khi mẹ cho tôi vào Sài Gòn thăm ông bà ngoại, cứ tối tối là tôi đi xem cải lương. Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Lan và Điệp, Bên cầu dệt lụa… toàn những vở tuyệt hay. Mỗi khi bật cải lương, tôi quên hết mọi sự, hoàn toàn hóa thân vào nhân vật để cùng hát, cùng vui, cùng buồn, cùng cười, cùng khóc. Nó là góc riêng của tôi, một thế giới thật tươi đẹp, lộng lẫy sắc màu, là nơi tôi có thể đắm chìm vào mộng mơ và tưởng tượng.
Tôi tìm chép những tập cải lương in trên giấy, mang về nhà tập hát. Có bữa hát suốt tối, ngẩng lên tôi đã thấy mẹ đứng đó từ bao giờ.
Bà lắc đầu:
- Các cụ dạy: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Mày là con trai mà thích nghe cải lương thế này, mẹ không cấm. Nhưng khéo rồi sau này đa sầu đa cảm đấy con ạ, cả đời thương vay khóc mướn thôi.
Mẹ hỏi bà ngoại:
- Mẹ ạ, thằng bé này đàn ông con trai mà nó lại đa sầu đa cảm. Con thấy hơi lo lo. Hay lúc có mang nó, con khóc lóc buồn phiền nhiều quá nên nó thành ra thế này?
Không nhớ bà ngoại trả lời thế nào. Còn về phần mình, tôi vẫn mê mải với cải lương. Ngày lại ngày, những câu hát cứ dần đi mãi vào trong trí nhớ của một đứa trẻ. Bây giờ, mỗi khi nhớ đến mẹ, tôi lại nhớ đến câu vọng cổ ngày ấy thường hát:
“Xin gió Nam non thổi lòn con mắt
Cho mát con tôi ngủ trọn đêm này”.
Với tôi, cải lương là một món quà của số phận. Sau này, khi tôi đã lớn và nếm đủ mùi bất hạnh tình trường, cải lương vẫn cứ là cõi riêng bình yên của tôi, để tôi vùi mình trốn chạy những gai góc của cuộc sống. Nghe những giai điệu vọng cổ, tôi thấy nỗi buồn nguôi ngoai dần, để rồi lòng lắng lại và dịu bớt đi. Nhất là khi kết thúc một cuộc tình, khi người ta bỏ đi hoặc tình cảm đã nhạt nhòa, trong đầu tôi lại vang lên một câu vọng cổ trong Đời cô Hạnh:
“Tình thì lợt lạt, nghĩa phôi phai”.
k
Đồng cô!
Cái tên ấy ám vào tôi như thể định mệnh. Ngày ấy, đã ai biết thằng Dũng lớn lên sẽ như thế nào. Đã ai biết “đồng tính” là cái gì. Ai mà ngờ được cái thằng bị gọi là “Dũng đồng cô” ấy, sau này lại hóa ra đồng tính thật.
Mười bốn tuổi, tôi bắt đầu dậy thì: người phổng phao hơn, mặt nổi trứng cá, giọng bắt đầu khào khào, cùng những lần mộng tinh đầu tiên… tóm lại, đầy đủ những biểu hiện dậy thì về sinh lý của một thằng con trai. Cùng những biến đổi về mặt thể chất đó, tôi chợt nhận ra một vài điều rất lạ trong tâm lý mình. Đầu tiên, phải nói rằng tôi vẫn thích chơi với bạn gái, vì con gái hiền lành, dễ chia sẻ, và không chỉ thế, tôi lại có cảm giác họ hiểu tôi hơn con trai. (Bây giờ thì tôi thấy điều đó dễ giải thích thôi, bởi vì tôi cũng giống như họ, giống nhau thì dễ hiểu nhau hơn.) Nhưng tôi lại chỉ thấy hân hoan khi thủ thỉ cùng bạn trai, nói chuyện với nhau về những dấu hiệu mới lớn của tuổi dậy thì. Thằng bạn nào có gương mặt hay hay, tôi đều thấy thích: thằng T. ngồi bàn trên, thằng M. dãy bên kia, phía gần cửa sổ. Mỗi khi bọn chúng quay mặt lại, tôi đều tự hỏi có điều gì trong lòng khiến tôi thấy xôn xao, rạo rực? Khuôn mặt mỗi đứa đều có những nét rất ưa nhìn, như T. có mái tóc hơi xoăn tự nhiên, lúc nào cũng bồng bềnh lượn sóng, rất nghệ sĩ, còn M. có cặp mắt sáng và cái mũi rất thanh tú. Con gái xinh thì tôi cũng biết trong lớp có mấy đứa, cũng hiểu rằng chúng nó xinh, nhưng không hiểu sao tôi không để ý lắm, mà chỉ hay nghĩ tới gương mặt T. và M. Với tôi lúc ấy, con trai như là cả một thế giới khác, đẹp và khó hiểu, đầy những thứ cần khám phá.
Sao tôi lại muốn khám phá chúng, trong khi lẽ ra tôi phải hiểu chúng hơn con gái? Quái dị hơn nữa, tôi bỗng thấy muốn ngắm nhìn cơ thể con trai, và khi được chạm tay vào người T. và M., tôi thấy vui lắm, thích lắm. Cũng may, khác với việc phải giữ ý trong quan hệ với bạn nữ, khi có một lũ con trai với nhau, chúng tôi có thể động chạm như bạn bè mà không sợ gây hiểu lầm.
Tôi ngạc nhiên tự hỏi: sao vậy? Sao tôi lại thích ngắm con trai? Sao tôi lại xao xuyến trước những gương mặt đẹp của con trai? Sao tôi không hề thấy lũ con gái là khó hiểu như người ta vẫn thường nói? Tôi băn khoăn, rồi tôi tự cắt nghĩa: Cái đẹp thì ai mà chẳng thích, con trai đẹp cũng thu hút mắt người nhìn chứ. Còn tôi thấy con gái gần gũi và dễ hiểu hơn con trai, có lẽ vì chơi với chúng nó đã lâu. Chắc thế.
Nhưng khác biệt không dừng lại ở đó. Bắt đầu tới thời điểm hai giới có sự phân chia rõ nét. Tôi nhanh chóng nhận ra sự thay đổi ở con gái: Đầu tiên là những sợi dây áo con hằn lên sau làn vải áo sơ mi của học sinh. Rồi mỗi khi cả lớp kéo nhau đi tham quan nơi nào có sông hồ, chúng tắm nguyên cả áo. Chúng không thích có mặt tôi làm mì chính cánh trong cả đám. Nhưng chúng không hề biết rằng tôi… vẫn thích được ngồi với chúng, nghe những chuyện chúng thì thầm, rúc rích kể cho nhau, hay là chuyền tay nhau cuốn sổ bài hát mực tím, hoa bướm bay lượn đầy cả trang. Tất nhiên, chúng còn rỉ tai nhau những chuyện mà tôi không bao giờ được phép nghe. Con trai bắt đầu phải làm những việc tạm gọi là nặng hơn, như trong giờ lao động, chúng tôi phải đắp đất, vác gạch, chặt cây, leo trèo sửa bóng điện v.v… Không ai biết tôi cảm thấy khó chịu khi nghe thầy giáo phân công: “Mấy anh làm cái này cho tôi, để con gái làm việc nọ việc kia…”. Tóm lại, con gái không còn chấp nhận tôi nữa, mà tôi thì chưa hòa nhập được với đám con trai. Một cảm giác “không thuộc về bên nào” bắt đầu xuất hiện.
Lúc đó, tôi vẫn chưa có khái niệm “đồng tính” trong đầu. Mà thật ra chẳng ai có cả. Thời đó, chỉ có khái niệm “đồng cô”. Khoảng những năm tám mươi, có thêm từ “ái nam ái nữ” và “pêđê”. Từ “đồng tính” là khoa học nhất và xuất hiện muộn nhất, mới có từ thập niên chín mươi của thế kỷ trước thì phải.
Nhìn chung, sự bất thường không làm tôi lo lắng quá nhiều. Chút băn khoăn về mấy chuyện kỳ quặc ấy cũng chỉ vừa đủ để tôi có ý thức che giấu bản thân trước mọi người, theo cái cách đơn giản là không bao giờ nói với ai rằng tôi thích vẻ đẹp của thằng T. thằng M. lớp mình. Đi lao động cùng cả lớp, tôi vẫn hăng hái bê gạch, vác củi, gánh nước, sửa điện… và lén nhìn những đôi vai trần loang loáng mồ hôi của các bạn trai. Tôi cũng thích trang trí sổ tay, vẽ hoa vẽ bướm cho mấy cô bạn gái trong lớp, và vểnh tai nghe các cô xuýt xoa: “Dũng khéo tay thế, eo ôi, thích thế…”.
Nhưng rồi, cũng vào cái năm đầu tiên của tuổi dậy thì ấy, tôi đã sa vào “giấc mơ tình yêu” đầu tiên của mình.
Chàng Deyanov trên tàu điện
Nhà gần Hồ Gươm, từ nhỏ tôi đã hay ra hồ chơi. Năm lớp 8, tôi quen Hùng – một anh xé vé tàu điện, hơn tôi vài tuổi. Hùng đẹp trai, mũi cao, mặt thon, hơi lạnh. Trong mắt tôi, khuôn mặt của anh khá giống với chàng Deyanov hào hoa trong Trên từng cây số 1 – bộ phim Bulgaria từng thu hút khán giả một thuở, nói theo cách nói bây giờ là phim “hot” của thời ấy. Tôi hay ra nói chuyện với “Deyanov” tại ga tàu điện. Deyanov cũng rất quý tôi.
Phải thừa nhận rằng tôi là đứa không chí thú học hành, mặc dù khá chăm đọc sách đọc truyện và giàu tưởng tượng. Nói cho đúng thì trong hoàn cảnh xã hội thời ấy, người có học với người ít học sinh sống chẳng khác nhau là bao. Trí thức thì cũng vẫn phải xếp hàng mua gạo mua thịt, còn dân chạy chợ đen có khi nhà lại đủ cả phích nước, đầu máy khâu… Tôi học hành chểnh mảng dần rồi bỏ dở vào cuối năm lớp 8. Tất nhiên, sự học không được khuyến khích chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính là tôi lười và thích đi chơi với Deyanov. Tôi cũng chẳng ở nhà giúp đỡ gia đình, thường xuyên ra la cà bến tàu điện ở Bờ Hồ. Bố tôi nổi giận, nện con mấy trận. Một lần bị đòn đau quá, tôi bỏ nhà chạy đến chỗ Deyanov. Anh khuyên:
- Thôi về đi, ai lại bỏ nhà như thế này?
Tôi lắc đầu:
- Chết em cũng không về. Anh đừng bắt em.
Tôi lang thang theo Deyanov cả ngày. Buổi tối, anh dẫn tôi về nhà. Deyanov thương tôi, không muốn tôi vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Anh đâu biết tôi bỏ nhà ra đi một phần vì giận bố, một phần vì thích gần anh.
Deyanov nhà nghèo nhưng sống rất tình cảm. Anh chỉ tôi, nói với mẹ: