Đêm đêm, tôi rất hay đi lang thang, như một kẻ mộng du. Chẳng cần biết là đến đâu, cứ đi là đi thôi. Lên cầu Long Biên, rồi xuống chợ Mơ, ra Bờ Hồ… Tôi sợ phải về nhà. Về nhà, tôi sẽ thấy mình là người cô độc nhất thế gian này, lạc lõng, trơ trọi, chỉ có một mình mình thui thủi với cuộc đời. Có lần tôi đi mải miết tới tận Thanh Xuân, mạn gần Hà Đông, rồi lại quay ra. Tôi không ngồi taxi, không đi xe ôm, dù không phải là không có tiền. Tôi cứ đi bộ, đi mãi, đi mãi cho đến khi hai chân rời rã, mỏi nhừ. Mệt đến thế nhưng khi lên giường, tôi cũng không ngủ được sâu, chỉ chợp mắt một lát mà thôi, tới khoảng bốn, năm giờ sáng lại bừng tỉnh dậy. Giấc ngủ cực kỳ ngắn và cứ chập chờn, chập chờn. Gần như đêm nào tôi cũng mơ gặp lại Nhân. Có đêm tôi thấy mình đang ôm Nhân trong vòng tay, ôm chặt đến độ chính tôi cũng nghẹt thở. Nghẹt thở quá, choàng tỉnh thì hóa ra hai tay tôi đang đè lên ngực, và đó chỉ là một giấc mơ. Tôi mất Nhân thật rồi. Nước mắt trào ra, chảy ướt đẫm gối. Tôi không dám quay mặt về phía bức vách nữa, vì lúc nào cũng tưởng tượng ra hình ảnh Nhân nằm đó bên cạnh mình. Có hôm ngồi hút thuốc lào suông trên gác, thấy bóng mình trong tấm gương dài trước mặt, tự nhiên nghĩ tới câu “một mình một bóng”, tủi thân, tôi lại khóc. Khóc chán rồi tôi bước ra đứng trước cái gương ấy mà nhìn vào mặt mình trong đó. Tôi không nhận ra tôi nữa. Một khuôn mặt hốc hác, mắt trũng sâu, miệng vêu ra những răng cùng lợi, và tóc đã lốm đốm những sợi bạc đầu tiên. Tôi giật mình kinh sợ, vạch tóc ra xem. Vạch chỗ này cũng có tóc bạc, vạch chỗ kia cũng có tóc bạc, nhiều quá! Một nỗi tủi thân dâng lên làm tôi nghẹn đắng ở cổ. Cảm giác cực kỳ chán đời! Tôi hận Nhân, hận ghê gớm. Đời tôi, tôi có tiếc gì hắn đâu mà sao hắn nỡ rẻ rúng tôi thế, bạc bẽo thế? Giá lúc chia tay, hắn nói được một câu như “Thôi, anh đừng buồn, bọn mình hết tình nhưng còn nghĩa”, hay là “Thôi thì vì hoàn cảnh, em về giúp đỡ gia đình nhưng em không bỏ anh đâu”, thì tôi ít ra cũng còn chịu được, không chết chìm trong tuyệt vọng như thế này. Lúc ấy tôi giống như một người chết đuối, chới với tìm cọc. Chỉ cần một lời của Nhân, “thỉnh thoảng em lên thăm anh, em không bao giờ quên anh đâu”, một lời thôi. Lời ấy sẽ cho tôi nghị lực, sẽ như thần dược để tôi vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Hay là thỉnh thoảng hắn gọi điện lên cho tôi. Chỉ một cú điện thoại cũng đã làm vơi đi bao nhiêu nỗi buồn trong tôi, tôi sẽ phấn khích, vui vẻ cả ngày cũng nên. Thế mà hắn không làm.
“Ngày đi, đêm tới. Nghe những tàn phai…”1
Trong những ngày ấy, tôi rất hay lảm nhảm câu hát đó. Đã mấy lần tôi có ý định tự tử. Có lẽ chết là cách duy nhất để chấm dứt mọi đau khổ và dằn vặt về tương lai đen tối trước mặt – những chuỗi ngày đằng đẵng không ánh sáng mặt trời. Tôi viết lên giấy, những câu lăng nhăng, mệt mỏi, thẫn thờ: “Cái chết. Cái chết sẽ là giải pháp thanh thản nhất. Thôi đành phụ công cha mẹ vậy. Mình là một thằng pêđê, chả làm được gì cho cuộc đời này, bây giờ đau khổ quá thì thôi chết đi cho rảnh nợ, cho xong một kiếp người”.
Vào một trong những lần có ý nghĩ ấy, tôi đã ra hiệu mua thuốc ngủ về. Uống một mạch 20 viên thuốc ngủ màu tím, loại mạnh. Lúc bắt đầu lơ mơ, tôi vẫn không có chút cảm giác sợ sệt hay là tiếc nuối gì cuộc sống, chỉ thấy rất mệt và có nhu cầu ngủ. Tôi ngủ một mạch, suốt từ hai giờ sáng đến tận mười giờ đêm hôm đó. Tỉnh dậy, vẫn không chết được, hóa ra mình đã nằm trong nhà tới hai mươi tiếng mà không một ai gọi điện, gõ cửa… tóm lại không ai đoái hoài tới tôi cả. Chẳng nhẽ lại uống thuốc nữa thì mệt quá, tôi lừ đừ ngồi dậy, chán nản, thờ thẫn. Thuốc không làm tôi chết được, mà lại gây cho tôi bệnh thận. Từ lúc tỉnh, tôi đi tiểu liên tục, cứ uống nước vào là đi, do thận yếu không giữ được. Đi khám, bác sĩ bảo tôi bị suy thận, 20 viên thuốc ngủ kia là loại mạnh nhưng uống thế chưa đủ chết, 30 viên trở lên mới chết, đứt ruột, không cứu nổi. Dẫu sao, như thế là số tôi chưa chết được, tôi cũng chẳng buồn uống thuốc thêm lần nữa.
Điều vô lý là tôi cứ yêu Nhân, cứ thèm khát Nhân, trong khi từ sâu thẳm lòng, tôi cũng tự hiểu rằng hắn không thể ở cùng tôi mãi mãi. Nhớ thời còn ở cùng nhau và đang cơn ghen tuông điên loạn, tôi từng đặt máy ghi âm để xem Nhân nói chuyện gì với đám bạn quê Nam Định của hắn, nhân một lần họ kéo lên Hà Nội chơi. Bấm nút REC xong, tôi giấu máy ở góc phòng. Chờ cả lũ giải tán hết, tôi mới mở ra nghe thử. Sau một loạt những câu chuyện vô thưởng vô phạt thì chủ đề chính cuối cùng là… tôi. Giọng Nhân nhão nhão, chắc đang say rượu: “Vì nhà tao nghèo quá, tao mới phải ở với thằng này. Thằng này nó tốt lắm, yêu thương chăm sóc tao lắm. Nhưng mà ở với nó không chịu được. Tao cứ như tù giam lỏng ấy”. Tiếng đám bạn lao xao: “Thế bây giờ mày bảo nó đi, bắt nó phải mua cho mày cái xe tử tế mà đi chứ. Mày ở với pêđê mà lại…”.
Tôi tím mặt. Nghĩ căm lũ bạn mất dạy của Nhân vô cùng. Tiếng Nhân ừ à cái gì đó không rõ, rồi một đứa cười hắc hắc: “Nhưng mà sướng, nhỉ? Ở với pêđê được chiều lắm. Thôi mày chịu đi Nhân ạ, tội gì”. Rồi có tiếng Nhân nói to: “Ờ, nhưng mà nó có đẻ được cho mình không? Đẻ được không?”.
Tai tôi ù đi. Tôi không nghe thấy gì nữa. Nhân đã chạm đúng vào tử huyệt của tôi, một thằng đàn ông đồng tính. Tôi không có con, không thể nào sinh con được. Tôi có thể khéo léo tuyệt vời, nấu ăn, cắm hoa, thêu thùa khâu đan cực giỏi, có thể chăm sóc Nhân từng ly từng tí, cung phụng hắn chẳng thiếu thứ gì. Nhưng tôi vẫn không bao giờ bằng một người phụ nữ bình thường được, bởi vì tôi không sinh con.
Nếu như có cái gọi là kiếp sau, xin trời cho tôi làm một người đàn ông bình thường, hoặc là một phụ nữ bình thường, giới nào cũng được nhưng phải là bình thường như mọi người. Nghe như là một ước mơ quá đơn giản, nhưng hỡi ơi, đối với tôi và những người bạn tôi, cái bình thường lại là cái không thể. Trong chúng tôi luôn có một khao khát mãnh liệt – khao khát được thể hiện, được giải phóng khỏi chính mình, được yêu. Và chẳng bao giờ chúng tôi thỏa mãn nổi niềm khao khát ấy.
Cô đơn. Là một người đồng tính, có lẽ tôi nên tự xác định là mình sẽ cô đơn mãi mãi, nhất là lúc về già.
k
Sau đó phải tới nửa năm, Nhân mới lên Hà Nội gặp tôi. Hắn không đến nhà mà nhờ Quang gọi điện rủ tôi ra hàng nước nói chuyện. Lạ lùng thay, nghe Quang bảo “Nhân nó lên thăm anh”, tôi không thấy tim mình nhảy một cái trong lồng ngực, rồi bừng bừng niềm vui, khấp khởi, phấn chấn như mọi lần nữa. Tôi ừ, ừ mấy cái, nói chuyện thêm vài câu rồi cúp máy, rất ngạc nhiên thấy mình vẫn bình thản.
Nhân và tôi ngồi uống nước trong một quán café nhỏ ở phố Hàng Bè, trông ra đường phố đông đúc, người xe nhộn nhịp. Hắn rì rầm nói rằng hắn sẽ không lên Hà Nội nữa. Hoặc nếu có lên thì sẽ thuê nhà ở riêng chứ không sống cùng tôi, vì đã đến lúc phải nghĩ cho tương lai. Tôi buồn, buồn lắm lắm, nhưng tôi cũng không dỗ dành níu kéo hắn như trước nữa. Tôi chỉ nói có một câu: “Ừ, thôi, Nhân về đi. Lúc nào rỗi thì lên đây chơi”. “Vâng, em về”. Tôi muốn nói với Nhân: “Nhân ơi, bây giờ Dũng là trái tim mùa đông rồi, lạnh lẽo rồi Nhân ạ”. Nhưng cuối cùng tôi đã im lặng.
Con người là một sinh vật ích kỷ: Nó chỉ muốn ở bên kẻ đồng loại nào mang lại hạnh phúc cho nó. Nếu sống với một người cứ làm ta đau khổ mãi, thì rồi tình yêu, dù có lớn lao đến mấy, nồng nhiệt đến mấy, cũng sẽ cuốn theo chiều gió. Trường hợp của tôi với Nhân đúng là như thế. Trái tim tôi dần dần đã kiệt quệ. Dần dần tôi đã bằng lòng với cuộc sống mà tôi xác định là một mình lẻ bóng rồi. Những cuộc tình, những người yêu, những gương mặt – Deyanov bán vé tàu điện, Hưng bảy màu, Nhân – làm cho tôi quá mệt mỏi, đau khổ, chán đời, và tình cảm cứ thế nguôi. Cũng giống như một bát nước mới rót, lúc đầu nó sôi sùng sục, về sau nó nguội dần, nguội dần…
Thời gian trôi qua. Từ đó đến nay, tôi và Nhân vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết, nhưng không phải là tình nhân. Tết nhất, Nhân vẫn lên thăm tôi, biếu tôi khi con gà khi dăm ba cân gạo, mấy cái bánh trưng. Tôi biết nhà Nhân chẳng giàu có gì hơn sau bao năm. Nhân cũng lấy vợ, có mời tôi về quê dự. Vợ Nhân không phải là cô Nga Nam Định mà là một cô gái tên Hương, mặt tròn, răng hơi vẩu, người béo, không xinh nhưng được cái hiền lành tốt bụng. Tôi nghĩ Nhân với cô ta hợp nhau.
Cái còn đọng lại giữa tôi và Nhân có lẽ là một thứ gì đó sâu nặng và cao hơn cả tình yêu, nó là cái nghĩa.
Nhưng tôi vẫn không thể không nhớ tới những lúc tôi đã có Nhân. Người ta cứ hay nói: “Hạnh phúc là cái gì chỉ khi mất đi rồi ta mới biết là đã từng có nó”. Không đúng. Với tôi, lúc ở bên Nhân và cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc từ Nhân, tôi đã rất hạnh phúc và tôi ý thức được là tôi đang hạnh phúc đấy chứ. Nhưng ngay cả lúc đó, tôi cũng hiểu là hạnh phúc của tôi sẽ chẳng kéo dài bao lâu. Nó mong manh lắm. Nó là một thứ gì xa xỉ đối với tôi lắm, như là kim cương với người nghèo.
Sóng ngầm
Dân bóng nhiều người tin vào sự tồn tại của cõi âm hay một thế giới tâm linh nào đấy. Họ rất chăm chỉ cúng lễ, hay lên chùa dâng hương, đi tìm một chỗ dựa tinh thần cho mình.
Tôi cũng thích vào chùa, thỉnh thoảng có đi hầu đồng và xem bói – tử vi, tướng số, bói bài Tây. Lá số tử vi của tôi là tuổi Bính Ngọ, nam mệnh, Thiên Hà Thủy. Vẫn là nam mệnh. Không hiểu với những cô bóng lộ hoặc đã chuyển đổi giới tính, lá số tử vi sẽ như thế nào và liệu có giải đúng không? Chỉ biết, về cái số của tôi, các thầy phán cũng chung chung, đại loại “trẻ thì nghèo, càng về già càng khá giả”, “hồi nhỏ khó nuôi”, vân vân. Duy có thầy tướng bảo tôi: “Mắt cậu là đôi mắt sầu, không cẩn thận bị điên tình. Cậu có căn cô quả, sống cô đơn, lúc nào cũng cô đơn, có ở giữa đám đông hàng nghìn người thì cũng thế”. Một ông thầy tử vi thì cầm cái bút, gõ lốc cốc vào tờ lá số: “Đây này. Cậu mạng Thiên Hà Thủy, nước trên trời. Bạn trai cậu (hồi đó tôi ở với Hưng) mạng Đại Hà Thủy, tức là con sông lớn dưới mặt đất. Nước từ trên trời đổ xuống bao nhiêu cho vừa con sông lớn được, nên cậu làm ra bao nhiêu sẽ bị nó hút bấy nhiêu, hút cho bằng hết”.
Tôi nghe nhưng cũng chỉ biết vậy, không lo mà cũng chẳng buồn. Tôi quen với việc bị mọi người chê trách vì thói lụy tình rồi.
Nhưng khi đã mất hết niềm tin, nhất là niềm tin vào bản thân, trong cơn tuyệt vọng, người ta hay tìm đến bói toán như một nơi để giải tỏa. Vào những ngày tháng đen tối của cuộc đời, khi tình yêu tan vỡ, tôi vẫn thường nhớ đến những lời thầy bói nói. Nhớ để mà nghiệm, rồi tự an ủi mình rằng tất cả đã là số phận, do ông trời quy định, tôi chẳng thể làm gì được. Tôi sinh ra là người đồng tính, âu cũng là số phận. Đạo Phật có nói mọi điều xảy ra trên đời đều do karma (nghiệp). Nếu một người bị đồng tính, đó là do karma xấu của anh ta, và anh ta phải chịu đựng trong kiếp này để kiếp sau bớt karma xấu đi. (Theo như tôi biết, Phật giáo có cái nhìn khá rộng lượng với chuyện đồng tính luyến ái. Vì lẽ đó, người đồng tính vẫn có thể sống thoải mái ở một quốc gia Á châu như Thái Lan, nơi có quốc giáo là đạo Phật).
Có phải karma của tôi, phận của tôi, căn của tôi, là đồng tính không? Từ khi nào nhỉ, tôi biết mình mang một khuynh hướng luyến ái khác lạ? Từ khi nào tôi biết yêu thương người đồng giới?
Đồng cô!
Tôi gặp người đồng tính đầu tiên khi còn là một đứa trẻ. Thấm thoắt đã hơn ba chục năm.
Đó là một đêm hè của Hà Nội cuối những năm bảy mươi. Buổi tối, toàn thành phố cúp điện. Nhập nhoạng, tối tăm, muỗi nhiều như trấu. Trẻ con chỉ cần ngửa mặt lên trời “u, u…” mấy hơi là muỗi ù ù kéo đến vằn vện trên đầu. Cộng cùng cuộc sống ngột ngạt thời bao cấp, cái nắng gay gắt ban ngày dường như đã hút kiệt sinh khí mỗi người. Trong bóng tối nhờ nhờ sau bữa cơm chiều, người dân quanh khu vực Hồ Gươm kéo nhau ra vỉa hè ngồi hóng mát, xua đi cơn nóng bằng những chiếc quạt nan phe phẩy. Trời im gió, cây lá lặng lẽ. Thảng hoặc mới có một làn gió man mát thổi qua.
Đêm về, người qua Hồ Gươm thưa dần. Tới mười giờ thì đường phố vắng ngơ vắng ngắt, thỉnh thoảng lắm mới có một xe đạp túc tắc đi ngang. Chơi chán, tôi và bạn bè trải chiếu, nằm trên vỉa hè đếm xe. Đếm chưa tới mười, giấc ngủ đã đến.
Rồi tới khuya, khuya lắm, tôi lơ mơ nghe tiếng người mỗi lúc một gần. Đứt quãng trong giấc ngủ, tôi nghe những tiếng thì thào lọt vào tai. Cả tiếng cười khe khẽ từ hai người đàn ông:
- Nó ngủ mày ạ!
- Ừ.
Họ cúi xuống. Tôi tỉnh hẳn và kịp nhận thấy những bàn tay đang chạm vào mình. Sờ soạng nơi mắt cá, rồi cứ thế dần vuốt ngược lên, mỗi lúc một mạnh bạo và gấp gáp hơn. Sự tò mò của trẻ con khiến tôi cố nằm im. Nhưng chỉ được một lát, không chịu nổi, tôi hất những bàn tay ấy ra và cựa mình. Lập tức, hai bóng đàn ông đứng dậy, lẩn nhanh vào bóng tối.
Hôm sau, nghe kể chuyện, một đứa bạn tôi xanh mặt, thì thào:
- Đồng cô đấy!
- Khéo mà thành đồng cô đấy con ạ!
Có lần, cô tôi đã trừng mắt mắng như vậy khi thấy tôi thử nhai trầu. Sự tò mò ấy cũng bắt nguồn từ việc tôi ham đi lễ. Chỉ là một đứa trẻ, tôi đâu hiểu đi lễ là gì. Chỉ biết mùi nhang và cảnh tấp nập tại chùa luôn khiến tôi háo hức.
Đi chùa, tôi thỉnh thoảng gặp những người bị gọi là đồng cô. Phố tôi ở có một người như thế. Tên ông là Sáu. Đứng tuổi và thường xuyên hầu đồng, ông Sáu có giọng nói ẽo ợt, nhão nhoét khiến người nghe nổi da gà. Dáng đi của ông thì ẻo lả như phụ nữ, cộng cùng đôi môi ăn trầu như dày thêm lên và luôn đỏ nước cốt. Ông Sáu rất chua ngoa, lắm điều, sẵn sàng ngoạc miệng để “đào mả tổ” đứa nào dám nhắc đến hai từ đồng cô trước mặt ông.