Quán cà phê cóc dựng lên dưới một cái lều bạt nhỏ, chiếc đèn hột vịt đong đưa dưới những ngọn gió mát lành lạnh làm Đăng có cảm giác thèm được ngồi xuống cái băng ghế gổ trước lều để nhâm nhi một ly bạc sỉu nóng và ngồi nhìn mọi người mua bán. Người đàn bà mập mạp đang lui cui châm nước nóng vào những bình trà cho khách, thấy Đăng lững thững đi ngang, bà đon đả mời Đăng vào. Đăng rẽ vào.
"Chào dì Tư, con cũng muốn làm ly bạc sỉu nóng đây, làm cho con nghe dì, hôm nay chợ vui quá."
Đăng ngồi xuống cái ghế gổ bên cái bàn nhỏ. Quán cóc của dì Tư chỉ bán đến sáu, bảy giờ sáng thôi, sau khi chợ rau quả sáng sớm tan, dì dời vào bên trong chợ. Dì Tư làm cho Đăng ly bạc sỉu có cái phin cà phê đang nhỏ giọt rồi nhúng vào một cái ca nhựa đựng một ít nước sôi để trước mặt Đăng.
Đăng đưa mắt nhìn quanh, chợ thật vui, những chiếc xe ngựa thồ, có cả một chiếc xe lam nữa, đang chất đầy những càn xé rau và hoa trên nóc, rồi treo cả hai bên, mấy bà đang xếp quang gánh lại nhét vào sàn xe, mấy thanh niên khoẻ mạnh đang hí hối khuân mấy giỏ hoa, vừa chuyện trò râm ran, vừa chọc ghẹo mấy cô gái đang nhanh tay chất rau vào giỏ. Tuần trước Khoa đã nhổ hết mấy liếp cải xanh rồi, Khoa đã gieo mấy liếp vạn thọ, nghe anh nói đến sát Tết là sẽ nhổ bông. Tuần này Khoa nói chắc anh sẽ hái mấy liếp ớt, vì lác đác đã có trái ươm vàng rồi. Đăng thấy thật tự hào về Khoa, anh thật là giỏi giang và siêng năng. Công việc trồng trọt vườn tược để có thêm thu nhập, học hành trong lớp, chăm sóc bà ngoại, Khoa đều lo thật chu đáo vẹn toàn. Mà Khoa cũng rất quan tâm đến Đăng, từ ngày Đăng về trường mới, Khoa luôn giúp đỡ Đăng thật tận tình từ việc chỉ bảo cho Đăng nội quy của trường cho đến cho mượn tập vở để chép bài.
Đôi bạn Khoa và Đăng đã trở thành một đôi bạn thật thân thiết và gắn bó. Bạn bè ai cũng mến phục và ngưỡng mộ, có phần còn ganh tị, hai chàng trai sáng sủa đẹp trai nhất khối mười hai của trường làm sao mà không trở thành điểm quan tâm và để ý của các cô gái. Nơi nào có Đăng là nơi đó có Khoa, nơi nào có hai người là có những đám tụm lại với câu chuyện trò vui vẻ, Đăng thật hóm hỉnh và hài hước trong những câu chuyện kể về những thời gian anh học ở thành phố, rồi những chuyện cười, những giai thoại mà anh đọc được rất nhiều mà những học sinh ở vùng ven đô cũng khó mà có điều kiện đọc được. Khoa thi ít nói hơn, anh thường cười, và thỉnh thoảng đệm vào vài câu nói thật giả bộ, thật ngây ngô nhưng thật ý nhị và không thể không cười. Đôi bạn cứ như bổ sung hài hoà cho nhau. Lớp 12A4 thật tự hào có hai chàng trai thật là sáng giá, gần đây, nhất là Đăng, linh hồn của đội bóng chuyền nhà trường, được các thầy cô cưng như cưng trứng vì đội đã giựt được giải nhì của huyện mà công lao của Đăng thật nhiều trong vị trí đập bóng và là đội trưởng.
Nhấm nháp ly bạc sỉu thơm ngậy, Đăng miên man nghĩ về Khoa, Đăng cảm thấy mình có điều gì đó thật không phải với Khoa, anh âm thầm che dấu tình cảm yêu thương, say mê Khoa, nhiều khi nó cứ chực trào ra, anh cứ muốn bày tỏ điều đó với Khoa, nhưng rồi, anh gạt phắt, để làm gì, vô ích thôi. Anh sợ cái cảm giác anh sẽ đánh mất tình bạn ở Khoa, anh thấy Khoa đối với anh vô tư quá hồn nhiên quá. Khoa thật là tình cảm và lo lắng cho Đăng, tháng trước, Đăng bị mắc mưa rồi bị cảm, Khoa đã leo lên mấy ngọn cây khuynh diệp để hái mấy ngon lá non nấu cho anh một nồi thuốc xông bắt Đăng phải xông cho được. Hôm Đăng cùng đội tuyển bóng chuyền ra huyện thi đấu, Khoa đã rủ rê bạn bè và hàng xóm đi theo để ủng hộ cho đội, tối về, Khoa lào thào giọng khản đặc, Khoa nói tại hét hết sức để ủng hộ Đăng. Khi thắng trận để tranh quyền vào trận chung kết, Khoa nhào ra sân ôm chặt lấy Đăng, lúc đó cái cảm giác hạnh phúc tràn ngập, cái cảm giác cánh tay rắn chắc mạnh mẻ ôm xiết lấy mình, làm Đăng còn thấy ngất ngây hạnh phúc hơn cả cái hạnh phúc chiến thắng nữa. Đăng bất giác mỉm cười nhớ lại cái trận tranh nhất nhì, khi đội của anh thua sát nút sau một trận đấu năm séc căng thẳng và mệt mỏi, đội của anh đã kiệt quệ và buồn bã vì giải nhất vuột mất trong tầm tay, bạn bè xịu lơ vì buồn, còn Đăng, anh đã quì xuống sân vì kiệt sức. Khoa đã bay xuống từ bậc thang khán đài cầm chiếc cờ vẩy vẩy và hét to lên: "Hoan hô đội của chúng ta đã đoạt giải nhì, hoan hô", Khoa gào thét và tung hô cứ như là hô khẩu hiệu trong mít tinh vậy, bạn bè anh như choàng tỉnh và hưởng ứng theo anh. Khoa đã bước tới đỡ anh dậy và ôm lấy anh vỗ về như một đứa trẻ con. Cái cảm giác đó thật êm đềm bồng bềnh, thật ngọt ngào dể chịu, lúc đó anh chẳng còn cảm giác gì để mà vui mừng nhận ra thầy thể dục đang đưa cao chiếc cờ đuôi nheo được trao cho đội đoạt giải nhì.
Tiếng chiếc xe lam bạch phạch làm Đăng giật mình, đang ngồi bó gối nhìn tư lự vào đám đông đang vui vẻ chuyện trò, anh cứ lãng đãng suy nghĩ ở đâu đâu, anh chợt nghe có mùi thơm của nếp mới đồ ngay đâu đây, anh hít hít, :"thơm quá dì Tư".
"Ứa, xôi mặn thím Bông nấu ngon lắm đó cậu Đăng, làm một dĩa đi." Dì Tư nhiệt tình nói.
"Dạ, dì kêu con dĩa đi dì, nói cho con nhiều nhiều mở hành nha" Đăng thấy cũng hơi đói bụng rồi nên cũng muốn làm dĩa xôi. Mà xôi thím Bông làm ngon thiệt, mấy bà con quảy rau ra bán, rồi mấy người khuân rau, mấy ông tài xế xe lam, cũng không thể từ chối cái mùi thơm quyến rũ của gánh xôi mặn của thím. Thím đồ nếp thật khéo, khô và dẻo, pa tê của thím tự làm béo ngậy mà thơm phức, thím rắc chút thịt chà bông rồi xịt xịt chút nước tương lên, Đăng cầm dĩa xôi mà thấy ngon quá...
"Anh Đăng, anh ăn sáng hả, anh dậy sớm quá há", tiếng một cô gái trong trẻo bên tai, làm Đăng ngẩng lên. Thì ra là Lan, cô bạn từ nhỏ của Khoa.
"Ừa, anh ra chợ vòng vòng chơi, rồi ngồi đây uống cà phê và ăn xôi luôn, Lan ngồi đây ăn xôi đi, xôi thím Bông ngon lắm đó, Lan đi đâu vậy. "
"Sáng nay em phụ anh Khoa nhổ mấy liếp rau dền, đáng lẻ cuối tuần, nhưng anh Khoa nói, ảnh muốn gieo mấy liếp vạn thọ sớm hơn, nên tụi em nhổ luôn sáng nay. Cũng được ba xé đó anh, rau tốt lắm."
Đăng chợt thấy hơi buồn, vậy là Lan đã ở cạnh Khoa từ sáng sớm, chắc tại Khoa đổi ý, chứ không, Khoa đã nói với Đăng rồi, và Đăng sẽ chạy xe xuống phụ. Anh thấy mình vô duyên quá, anh ghen với Lan sao. Anh chợt thấy mình bồi hồi:
"Ủa vậy hả, Khoa đâu rồi, còn rau để đâu."
"Dạ, tại chú Bính gần nhà cũng hôm nay cắt rau, nên nhân tiện chở mấy xé của anh Khoa ra luôn, em đạp xe nên chạy ra đây trước, à kìa, tời rồi đó"
Tiếng lộc cộc của cổ xe ngựa, chiếc xe ngựa thấp thoáng, mấy giỏ rau móc lắc lư hai bên, cổ xe dừng lại, anh thấy Khoa ngồi phía sau, hai chân vắt vẻo. Thấy Đăng, anh mừng rỡ nhảy xuống xe chạy đến:
"Cậu cũng dậy sớm ra đây hả, mình cũng tính giao rau xong, tạt vào nhà cậu đó, ngủ không được hả, nhớ ai vậy hả, hay nhớ con Hiền rồi, nói thiệt đi, hôm qua thấy nó đưa tờ giấy gì cho cậu đó, thư tình phải không." Vừa nói, Khoa vừa vổ nhẹ nhẹ vào vai Đăng.
Đăng chợt buộc miệng:
"Nhớ cậu đó."
Khoa quay qua nhìn Đăng. Đăng cười giả lả:
"Khùng quá cha ơi, mình mà làm gì phải mất ngủ vì mấy đứa đó, còn lâu, có cậu mất ngủ vì con Linh đó, nó bám sát cậu lắm đó nghe."
Khoa và Đăng cùng bật cười vui vẻ. Lan đang cho rau xuống và giao rau cho bạn hàng, tính toán tiền bạc xong, đi lại đưa tiền bán rau cho Khoa. Lan thắc mắc: "tụi anh nói gì mà vui quá vậy, nói xấu tụi con gái chúng em phải không."
Đăng nhanh nhảu:
"Lan ơi, em coi chừng mất anh Khoa của em đó, chị Linh hoa khôi của lớp quyết không về tay không đâu đó."
Lan đỏ mặt quay đi : "anh Đăng chọc em hoài, không thèm chơi với anh nữa." Nhưng trong lòng cô cũng chợt âu lo, chi Linh đẹp và dể thương thật chứ, không biết anh Khoa có ý gì với chỉ không há.
"Thôi đừng có chọc Lan, em nó còn nhỏ đó." -Khoa lắc đầu.
"Gì, vậy ông lớn với ai hả Khoa, hơn có một lớp cũng bày đặt cụ non." -Đăng tiếp lời.
"Thôi xong rồi, em đi ăn xôi đây, xôi ngon quá, lại ăn đi anh Khoa." Lan nhìn Khoa trìu mến rồi kéo tay Khoa.
Lòng Đăng chợt nghẹn lại khi thấy Lan có cử chỉ thân mật với Khoa, anh cảm thấy một cái buồn len lỏi trong trái tim. Lan và Khoa thật xứng đôi mà, họ sống với nhau từ nhỏ, chia xẻ với nhau thật nhiều điều, bổng nhiên anh thấy mình vô duyên lạc lỏng, anh thấy lòng mình chợt chùng xuống, anh cảm thấy buồn quá, nhìn Khoa theo Lan vui vẻ ngồi xuống băng ghế ở lều bán xôi của thím Bông, anh se sắt trong lòng. Họ thuộc về nhau mà, mình là gì, là người bạn rất thân của Khoa ư, vậy thôi sao, Đăng thèm muốn cái cảm giác được nắm bàn tay ngón tay thuôn dài của Khoa giống như Lan đang làm, mà anh mường tượng ra được, nó ấm nóng, hơi chai chai vì hằng ngày cầm chiếc cuốc và quay nước. Anh hít một hơi thở, cảm thấy đăng đắng trong miệng, anh bước lại Khoa, anh nói:
"Khoa ơi, mình vào phụ mẹ mình dọn hàng một chút, chiều gặp lại nhé, mình ăn rồi, cậu và Lan ăn đi há"
Khoa nhìn Đăng, anh phát hiện Đăng có điều gì đó hơi buồn, gần đây, thỉnh thoảng Khoa hay thấy Đăng như vậy lắm, anh nghĩ hay Đăng có chuyện gì buồn trong gia đình, vài lần anh mớm hỏi, nhưng thấy Đăng lắc đầu ngoay ngoảy, nên anh cũng ngại không muốn hỏi thêm. Anh nhìn Đăng trìu mến rồi nói:
"Ứ, thôi Đăng vào nhà đi, chiều nay tụi mình gặp lại hà, à, chiều nay tụi mình có kiểm tra một tiết môn hóa đó, cậu ôn lại mấy cái cái mạch vòng đi, bài đó quan trọng lắm đó"
"Được rồi, mình vào đây."- Đăng đáp lại thờ ơ.
Đăng quay vội người đi rảo bước vào nhà, Đăng thật không muốn nhìn cảnh Lan đang tíu tít ngọt ngào đang ở bên Khoa, tại sao không phải là mình, tại sao Khoa không phải là của mình, anh buồn bã suy nghĩ.
"Đăng hả con, con ăn sáng đi, mẹ để cho con hai cái bách ích đó, hôm qua mẹ gói đó." Mẹ của Đăng vừa chống cái tấm bạt che nắng trước hiên, vừa nói với Đăng.
"Dạ, con ăn xôi thím Bông rồi, thấy xôi ngon quá, con cầm không đặng, thôi để bánh con mang theo đi học ăn mẹ há."
Đăng vào bếp mở lồng bàn, lấy hai cách bách ích còn hơi nóng ấm, bỏ vào một cái bịch nilon rồi lên lầu. Nhét cái bịch bánh vào cặp, anh nằm ra giường hai tay lót sau đầu, nhìn bâng quơ lên la phông. Anh không thể không cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến việc người anh thương yêu sẽ từ từ rời xa anh. Mà sao anh cứ nghĩ ngợi hoài vậy, Khoa đâu có thể là gì, anh hiểu mà, nhưng sao trong lòng cứ thấy xoắn thắt lại, anh chồm dậy bước ra lan can, dõi mắt ra, anh thấy Khoa đang ngồi lên chiếc xe đạp của Lan, hai tay khuỳnh ra, Lan ngồi một bên phía sau, một tay choàng ôm eo Khoa, một tay cắp chiếc nón lá, Khoa cười nói gì đó, trông thật vui, Khoa đạp xe đi, tay lái hơi loạng choạng, Lan ôm sát lấy Khoa, dựa vào lưng anh thật đằm thắm. Họ thật đẹp đôi, Đăng cắn môi kìm lại nổi xúc cảm buồn bả đang bóp thắt trái tim, anh quay vào phòng mở chiếc cặp, anh lấy bịch bánh ích ra, ngần ngừ, rồi để lại trên bàn. Anh thấy mình thật đau khổ.
Đến chiều, Đăng cảm thấy không còn thấy buồn phiền như buổi sáng, anh biết trong lớp chỉ có anh và Khoa, không có Lan ở giữa, anh nghĩ rằng Khoa chẳng có ý gì với Linh hay cô gái khác nào trong lớp, nghĩ đến điều đó anh thấy vui trở lại, đạp xe đến trường, anh mới chợt nhận ra không khí Tết đang loáng thoáng đâu đây, mấy đứa con nít chơi mấy viên pháo đập lẹt phẹt cũng vui tai, mấy chậu cây kiểng chưng trong mảnh sân trước của các ngôi nhà hai bên đường đang được các cụ già tỉa tót, mấy dì mấy cô vừa vung vẩy đi chợ vừa râm ran chuyện vải vóc may đồ mới. Còn các cô, các cậu học sinh thì hớn hở, rộn ràng chuẩn bị những trò chơi ngày tết. Nghe nói sẽ có mấy đoàn cải lương và xiếc trên Sài gòn sẽ đi lưu diễn và sẽ về đóng rạp trên khu phố chợ phục vụ bà con mấy làng kề cận trong dịp Tết này. Mấy thằng con nít thì lo chăm bẵm mấy con gà đá, bầu cua cá cọp gì đó chưa gì đã thấy lò dò tụm năm tụm ba, tội nghiệp mấy ông ấp trưởng mỏi miệng đi vận động bà con không có bài bạc, cá độ trong mấy ngày xuân. Đăng quẹo xe vừa dựng xe vào bải để xe đạp băng vào lớp, thì thấy Khoa nhào ra kẹp lấy vai anh kéo ra phía sau lớp, Khoa thầm thì vào tai anh:
"Mình có cái này gởi cho cậu đây, nhưng khao mình nhé"
Đăng thấy vui trong lòng nhưng giả bộ hờ hửng:
"Gì mà tưng tưng lên vậy, cái gì vậy hả"
Khoa nhìn quanh rồi kéo tay Đăng nhét cho Đăng một mảnh giấy nhỏ: " Có người nhờ tao gởi cho mày đó". Khoa cười một cách ranh mảnh rồi bỏ vào lớp.
Đăng mở tờ giấy nhỏ cuộn tròn ra xem, nét chữ con gái :"Bạn Đăng mến, chủ nhật này mình muốn lên Sài gòn mua vài món đồ cho nhà, chị mình bận qua, Đăng có rảnh đi với mình, vì Đăng rất rành đường xá, mình sợ bị lạc, Đăng giúp mình nhé, mình cám ơn trước đó. Hiền." Đăng cau mày và cảm thấy hơi cụt hứng, vậy mà tưởng gì, lại nhờ dẫn đường đi lên Sài gòn mua sắm. Đăng quá quen mấy cái chuyện này, tụi con gái thì thiếu gì cách để mà tìm chuyện nhờ Đăng. Được cái, Đăng cũng nhiệt tình, ai nhờ gì cũng giúp, nhưng không đặc biệt với ai, chính vì vậy mà mấy đứa con gái cũng hơi bực, ai cũng đưa đi, ai cũng giúp, đâu chỉ mình mình đâu, bực thiệt. Riêng có Hiền thật đúng như cái tên, và đây là lần đầu tiên cô nhờ Đăng. Anh bước vào lớp đưa mắt nhìn về bàn Hiền, anh thấy ánh mắt Hiền nhìn anh tha thiết và mong chờ, anh nhẹ gật đầu rồi bước về bàn mình. Khoa mặt mày hớn hở né ra cho Đăng vào, anh hỏi nhỏ: "Sao, vui quá phải không, trời ơi, người ta có người hẹn đi phố cuối tuần, bạn hiền đành gác lại thôi", rồi anh toét miệng cưới.