- Người ta chỉ là thiên thần khi người ta chết đi rồi thôi. Ngốc ạ ! - nó cố trêu Hoàng, khi sự thực là đôi mắt nó đã đỏ hoe. Xưa nay vẫn thế, chưa bao giờ nó để bản thân mình khóc trước mặt một người khác, dù là giọt nước mắt lúc buồn đau hay khi hạnh phúc...
- Vậy thì cậu sẽ không là thiên thần nữa, cậu sẽ chỉ là cậu của tôi thôi...
Hoàng ôm nó vào lòng, chặt, thật chặt. Khuôn mặt hai người đã ở rất gần nhau, có thể cảm nhận được rõ từng hơi thở nhau, có thể thấy được mùi hương trên cơ thể nhau, thấy được sắc hồng dần lên trên gò má nhau...
- Này... đang ở giữa đường đấy...
- Tôi không quan tâm...
- Nhưng tôi quan tâm, Hoàng ạ - nó đẩy Hoàng ra, đôi mắt bối rối cụp xuống nhìn thảm lá vàng trải dưới chân - Chúng ta sống trên thế giới này không chỉ có một mình ! Khi mọi người chưa nhìn chúng ta bằng những đôi mắt khác thì việc chúng ta ở gần bên nhau luôn là điều đáng ghét và kinh tởm. Hiện tại có là gì đâu nếu tương lai không có lối thoát hả Hoàng ?
Chap 18. ( phần 1 )
Vẫn căn phòng họp ấy với hơn hai chục con người ấy, đa số là nam, ba người phụ nữ; điều duy nhất khác biệt so với hôm đầu tiên đến đây là giờ nó đã biết không chỉ có nó, trong căn phòng này còn có hai người nữa cùng mang giới tính khác như nó, là Hoàng và giáo sư Duy Minh.
Sau vài thủ tục nhỏ để bắt đầu buổi họp, tổ đọc thẩm định lên báo cáo về kết quả của quá trình " bới lông tìm vết " khắp bản dự thảo của mình. Rồi tổ nào viết chương nào sẽ cử người lên trình bày bảo vệ quan điểm của mình, để những thành viên khác trong Ban xem xét, cho ý kiến. Mấy chương đầu của bản dự thảo thì không có nhiều vấn đề cần bàn cãi lắm, vì chủ yếu là những nguyên tắc chung chung, bất di bất dịch. Nhưng không khí của cuộc họp bắt đầu nóng lên khi vào chương 5 - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, và người làm nên điều đó chính là Hoàng.
- Tôi xin phép có ý kiến ! - Hoàng đứng dậy sau cái gật đầu của vị Trưởng ban đồng thời chính là đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội. Hoàng ngập ngừng im lặng một lúc chứng tỏ sự bối rối và phân vân của mình, và nó bắt gặp ánh mắt Hoàng quay ra tìm mình. Nó nhìn lại Hoàng, và khuôn mặt ủ dột của nó giãn dần ra. Nó mỉm cười với Hoàng. Và nó bắt gặp trong đôi mắt đang nhìn mình ấy lấp lánh lên một ánh sáng ấm áp và trìu mến. Hoàng cũng cười lại với nó, trước khi tiếp tục - Vâng ! Tôi có nhận thấy là trong chương này, tổ soạn thảo vẫn giữ nguyên Điều 63 so với bản Hiến pháp hiện hành. Tôi đề nghị cần phải xem xét lại !
- Cậu có thể nói rõ hơn được không ? Bất hợp lý ở chỗ nào và phải giải quyết nó ra sao ? - đồng chí Trưởng ban hỏi.
- Theo số liệu thống kê không chính thức thì ở Việt Nam hiện nay có khoảng một trăm nghìn người đồng tính, lưỡng tính hoặc đã chuyển đổi giới tính. Điều 63 của bản dự thảo này quy định về bình đẳng giới, nhưng lại chỉ công nhận có hai giới tính là nam và nữ. Tôi muốn hỏi là vậy thì một trăm nghìn người có giới tình khác ấy, được đặt ở đâu trong bản dự thảo Hiến pháp này ?
Nó nhìn Hoàng ngỡ ngàng. Vậy đây chính là con đường đi của Hoàng sao ? là lối thoát để đi xuyên qua rào cản của những tấm gương sao ? Nó là một trong những con người may mắn được tham dự vào cái công việc có thể làm thay đổi toàn bộ xã hội này - là viết lại Hiến pháp, nhưng sao trước đây nó chưa từng nghĩ tới việc công khai bênh vực cho những người đồng tính như nó nhỉ ? Hay là nó không dám ? Nó đã từng giận rất nhiều sự yếu đuối vì lo sợ bị phát hiện là người đồng tính của Khánh. Nhưng giờ nó mới nhận ra sự thực rằng chính nó cũng luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi ấy. Từ xưa đến nay, nếu có khi nào chợt nghe một câu nói mỉa ai đó " Đồ pédé ! Rõ ghét ! ", nó chỉ cố cười ngượng ngập để che dấu, chứ chưa từng một lần dám lên tiếng rằng đồng tính không phải là cái xấu ! Cả cái xã hội này, sẽ chỉ cần dựa vào một câu ấy của nó thôi, cũng có thể hò hét ầm ĩ lên rằng " À, mày cũng bệnh hoạn như nó chứ gì ? Nếu không sao mày lại phải bênh vực nó ? ". Thế đấy, một xã hội không biết lắng nghe, và sẽ chẳng bao giờ có thể thấu hiểu...
Nhưng giờ, một tia hy vọng mong manh để thay đổi cái xã hội đang bao trùm trong đêm đen này đã mở ra cho nó - một con người may mắn. Và giờ, cái con người may mắn ấy, là nó, đã quyết sẽ không bao giờ dừng bước khi chưa đến được nơi tận cùng để xé tan đi những rào cản đã đứng đó từ suốt bấy lâu nay, để ánh sáng của hy vọng sẽ tràn lan khắp... Nó ngước lên nhìn Hoàng đang đứng đó, và Hoàng cũng cúi xuống nhìn nó. Hai ánh mắt giao nhau, và cả hai đứa cùng mỉm cười.
Nhưng nụ cười mới chỉ phớt qua thôi trên đôi môi của hai đứa đã nhanh chóng biến mất, khi chúng nhận ra rằng tổ biên soạn chương này đã cử được người lên quan vệ quan điểm của họ - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - người đàn bà thép của ngành luật học Việt Nam. Cái biệt danh ấy không phải tự nhiên mà có. Mọi người trong ngành gọi bà như vậy không chỉ vì bà giỏi, mà còn vì sự hiếu thắng đến mức cố chấp, và sự quyền biến đã đạt đến độ gọi là xảo quyệt của bà.
Bà đặt tập tài liệu lên bục diễn giả, rồi nhìn vào khuôn mặt con trẻ có thể búng ra sữa của Hoàng, rồi nhích mép lên một chút để mỉm cười.
- Đúng là giáo sư Duy Minh đã không nhầm khi đưa thêm lớp trẻ vào Ban 17 này, phải không ạ ? Luôn luôn đòi hỏi những thay đổi cấp tiến - nó trau mày lại trước hai chữ " đòi hỏi " của bà - Vâng, và giờ tôi xin thay mặt cho tổ soạn thảo phần Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân giải đáp cho thắc mắc của cậu... tên gì ấy nhỉ ? Tôi còn chưa biết... À, vâng, cậu Hoàng... Mong cậu thông cảm cho, tôi chắc là cũng nhiều người trong Ban cũng chưa biết tên cậu...
Mụ cáo này đang cố tình hạ thấp Hoàng trước các thành viên trong Ban - nó thầm nghĩ vậy, nhưng nó vẫn mỉm cười, bởi nó biết bà phó giáo sư đã đi quá lố rồi. Thảo nào không ai ngạc nhiên khi đến tuổi này rồi bà vẫn phải ở vậy.
- Về vấn đề người đồng tính, khi biên soạn chương này chúng tôi không phải không quan tâm đến. Và thực tế cũng không phải đến bây giờ vấn đề này mới được đặt ra. Ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc đó cũng đã có ý định đưa ra cho Quốc hội xem xét việc công nhận giới tính thứ ba, nhưng sau đó do có nhiều ý kiến phản đối nên đã bị bác đi. Khi biên soạn chương này, chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường với đa số các đại biểu Quốc hội khi đó là: việc công nhận giới tính thứ ba đi trái lại với các phong tục truyền thống và các chuẩn mực đạo đức của dân tộc ta.
- Nhưng những gì cũ kĩ và lạc hậu thì phải bị thay thế đi chứ ! Không phải cái gì từ xưa để lại cũng là tốt đẹp và phù hợp với xã hội ngày nay !
Chap 18. ( Phần 2)
Bà phó giáo sư lại nở một nụ cười nhếch mép nữa. Còn nó thì giật mình trước câu phản bác của Hoàng. Hoàng mắc bẫy của mụ cáo này rồi. Chính nó cũng đã tưởng rằng bà ta ngốc nghếch khi hạ thấp Hoàng, nhưng thực ra đó là những lời cố ý để khắc sâu ranh giới giữa hai thế hệ trẻ và già trong Ban, và khi Hoàng lên tiếng phê phán những cái cũ kỹ thì chắc chắn đã làm phật lòng không ít người. Nó cảm nhận thấy rõ ràng tiếng tim đập gấp hơn và áp lực của những dòng máu đang đổ dồn lên bộ não mình. Đến lúc của nó rồi đây...
- Tôi xin phép được có vài ý kiến như thế này ạ ! - Nó đứng dậy, hơi khom mình cúi chào những ánh mắt vừa quay về phía nó - Trước hết phải nói rằng tôi không đồng ý với quan điểm vừa nêu ra của đồng chí Hoàng đây ! Sự thực là nếu không có những cái cũ, những cái đi trước thì ngày nay cũng chẳng có cái gì cả. Thế nên phủ nhận những cái cũ là không nên, cái chúng ta cần là cải tiến nó cho phù hợp với thời đại ngày nay. Quay trở lại vấn đề chính của cuộc thảo luận thì tôi vẫn phải nói rằng tôi đồng tình với quan điểm phải sửa đổi lại Điều 63. Tiện thể đang nói về những giá trị truyền thống, tôi xin lấy một minh họa như thế này. Đã là người Việt Nam chắc chắn không ai không biết đến cô Thị Mầu phải không ạ ? Vâng, đanh đá, chua ngoa và lẳng lơ có tiếng ạ ! - nó đưa mắt khắp phòng để nhìn những nụ cười và những cái đầu đang gật gù của các thành viên khác - Nhưng Thị Mầu đâu chỉ có thế đúng không ạ ? Thị Mầu còn là biểu tượng cho khát vọng được sống, được yêu hết mình của cha ông ta nữa ! Tôi muốn nhắc tới cô Mầu trong chèo cổ ấy bởi tôi muốn so sánh rằng, những người đồng tình ngày nay chính là những cô Mầu hiện đại. Họ không giống với đa số mọi người, họ khác những người khác, nhưng họ đã và đang dám sống và dám yêu với tất cả bản thân mình. Sẽ không ai trong chúng ta ngày nay muốn làm những lý trưởng, những chánh tổng của thời xưa để bắt tội họ, cạo đầu họ, thả họ chết chìm giữa dòng sông, phải không ạ ? - rồi nó xuống giọng dần, nhỏ thật nhỏ, nhưng trong sự im lặng của căn phòng thì nghe vẫn rất rõ ràng - Yêu không phải là một cái tội, và dù có là tội đi chăng nữa, thì họ cũng không đáng bị đối xử như vậy...
Nó ngồi xuống ghế. Và lần đầu tiên, dưới chiếc bàn cao che khuất tầm mắt của mọi người, Hoàng nắm tay nó, và tặng nó một nụ cười mỉm.
Căn phòng vẫn im phăng phắc, và một tiếng vỗ tay vang lên như đánh thức mọi người tỉnh lại. Đáng tiếc nó lại là cái vỗ tay từ phía người đàn bà đang đứng trên bục diễn giả.
- Nói rất hay, cậu trai trẻ ạ ! Nhưng tôi muốn hỏi rằng, tại sao ngày xưa lại có cái tục gái chửa hoang thì cả làng phạt vạ ? Tình yêu thì nó đẹp thật đấy, nhưng bản thân cái đẹp cũng chỉ là một ý thức xã hội, tức là mỗi thời sẽ có một quan điểm khác nhau. Bởi vậy quan trọng phải xem xem nó có phù hợp với xã hội đương thời hay không. Theo tôi biết thì tất cả các nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, thì chưa có một quốc gia nào công nhận giới tính thứ ba cả.
Nó lại đứng dậy, và lần này nhìn thẳng vào mắt của người vừa nói xong ấy mà nở một nụ cười tự tin:
- Vâng, pháp luật là để điều chỉnh xã hội, và quan trọng nhất khi xây dựng pháp luật là xem xem cách điều chỉnh ấy có phù hợp với xã hội hay không. Nhưng phù hợp hay không phù hợp cũng chỉ tồn tại trong ý thức con người, lúc này nó phù hợp nhưng lúc khác nó lại không phù hợp. Bởi vậy lập pháp không phải lúc nào cũng là chạy đúng theo xã hội, mà nhiều khi phải đưa vào trong luật pháp những lý tưởng để định hướng xã hội trong tương lai. Bởi vậy không thể vì xã hội chưa công nhận những người đồng tính, mà bảo rằng luật pháp cũng không được công nhận giới tính của họ. Luật pháp cần phải đi trước, để cho cả xã hội biết rằng những người đồng tính cũng bình đẳng như những người dị tính. Luật pháp cần phải đi trước, để bảo vệ những người đồng tính khỏi những kỳ thị và bất công của xã hội. Luật pháp cần phải đi trước, để cho mọi người thấy rằng một xã hội mà mọi thành viên trong đó đều được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là không quá xa xôi.
Chap 18. ( Phần 3 )
Khuôn mặt của bà phó giáo sư dần sa sầm lại, nhưng với bản lĩnh của mình, bà ta có thể ngay lập tức chấn tĩnh lại, gượng nở một nụ cười và tiếp nối ngay được cuộc tranh luận:
- Vậy giờ cứ cho rằng việc công nhận giới tính thứ ba là đúng đi, thì chúng ta sẽ lại phải giải quyết một vấn đề nảy sinh sau đó, là buộc phải công nhận quyền kết hôn giữa những người ấy. Mà chúng ta đều biết rằng những gia đình đồng tính như thế không thể có khả năng tái sản xuất ra con người. Vậy có nghĩa là công nhận giới tính thứ ba sẽ gián tiếp đẩy xã hội tới chỗ thui chột và diệt vong.
- Tái sản xuất ra con người ? Vâng, một công việc rất quan trọng để duy trì xã hội, và là một công việc mà những gia đình đồng tính không thể thực hiện được. Nhưng bù lại, những gia đình đồng tính sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình tái sản xuất ra sức lao động của xã hội. Một cá nhân được gắn bó với người mình yêu, chắc chắn tinh thần sẽ thoải mái và sức khỏe sẽ dẻo dai hơn, nhờ đó năng suất lao động của người đó cũng sẽ được nâng cao. Nếu chỉ vì nhu cầu tái sản xuất ra con người mà buộc anh ta phải chung sống với một người phụ nữ mà anh ta không hề có cảm giác, thì anh ta cũng không thể lao động tốt. Hơn thế, thế là xúc phạm tới người phụ nữ là vợ của anh ta, và chắc chắn những đứa con sinh ra trong một gia đình như thế cũng sẽ rất thiệt thòi khi khó có thể được hưởng sự chăm sóc, thương yêu như những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bình thường khác. Như vậy, việc cố gắng phủ nhận giới tính thứ ba có nguy cơ tạo ra cho xã hội một lớp trẻ không được phát triển lành mạnh; mà ngược lại, nếu công nhận giới tính của họ và tạo điều kiện cho họ được nhận con nuôi, là đã giúp cho nhiều trẻ em bị bỏ rơi trong các trại trẻ mồ côi có được điều kiện được chăm sóc và phát triển tốt hơn. Và cuối cùng, tôi cũng xin chú ý rằng, cả nước chỉ có khoảng trên dưới một trăm nghìn người đồng tính, chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong dân cư, và việc họ không sinh con không ảnh hưởng nhiều tới tốc độ tăng dân số của cả nước.
Phát biểu xong nó ngồi xuống ghế. Chóng mặt quá ! Những mạch máu ở hai bên thái dương nó giật lên đầy giận dữ. Hàng triệu tế bào thần kinh trong bộ não đang ngốn một lượng năng lượng khủng khiếp, để đảm bảo mọi thứ nó nói ra đều phải thật rành mạch, đầy đủ và chính xác. Cái chứng viêm xoang trong căn phòng điều hòa kín mít này tự nhiên làm nó thấy khó thở khủng khiếp. Nếu cuộc tranh luận này còn kéo dài thêm nữa chắc chắn nó sẽ gục mất...
Nhưng trời không chiều lòng người, hay có lẽ thực ra là bà phó giáo sư Nguyễn Minh Châu không thể dẹp lòng tự ái và sự hiếu thắng của mình xuống được. Trên bục diễn giả, người đàn bà ấy vẫn tiếp tục:
- Chúng ta đều biết rằng tình yêu đồng tính mang lại một cảm giác vô cùng khó chịu ở những người có tư tưởng bảo thủ. Mà cũng chính cậu Tuấn đây cũng vừa thừa nhận rằng, những người đồng tính chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong dân chúng. Vậy nhà làm luật sẽ phải theo ý kiến của bên nào, đa số bảo thủ hay thiểu số đồng tính ? Và chúng ta đều biết theo cơ cấu Quốc hội gồm năm trăm đại biểu, thì có nghĩa là với dân số nước ta hiện nay, phải một trăm bảy mươi ngàn người mới có một ghế đại biểu, thế nên con số xấp xỉ một trăm ngàn người đồng tính không có nhiều ý nghĩa lắm, phải không nào ?
Một giọt mồ hôi lăn nhanh từ cuối chân mày chảy dài trên gò má nó. Ngột ngạt và khó chịu ! Bộ não nó đang cố gắng hết sức để nhanh chóng tìm ra và sắp xếp các vấn đề lại một cách hợp lý nhất. Nhưng tâm trí đã mệt mỏi và khóe mũi đã cay xè và khô rát...
Nó định cố đứng dậy. Nhưng Hoàng đã nắm lấy cổ tay nó, kéo lại.
Trong một tích tắc thoáng qua, nó nhìn vào đôi mắt Hoàng. Và...
" Cậu mệt rồi. Để tôi, Tuấn ! "
" Nhưng cậu... "
" Bốn năm được ở bên cậu mỗi ngày là không đủ để tôi hiểu cậu hay sao ? Và từng ấy thời gian là không đủ để cậu tin tôi hay sao ? "
Bối rối. Chưa bao giờ trong những cuộc tranh luận học thuật nó biết đến hai tiếng " nhường nhịn ". Có phải kiêu hãnh và hiếu thắng đã là một phần trong máu thịt của dân Luật học như nó không ?
Giọt mồ hôi đã đọng lại trên cằm và bắt đầu buông rơi vào khoảng không. Long lanh...
" Được rồi. Nhưng hãy nhớ rằng... Tôi yêu cậu ! "
" Sao ? "
" Tôi yêu cậu ! "
Cuộc đối thoại chớp nhoáng qua ánh nhìn giữa hai người kết thúc khi Hoàng đứng dậy, với đôi mắt lấp lánh niềm vui.
- Vâng, tôi xin phép được thay đồng chí Tuấn tiếp tục trao đổi với phó giáo sư Châu về vấn đề này ạ! Nhưng đầu tiên, ngoài lề một chút, tôi muốn hỏi làm sao mà bà phó giáo sư lại biết đến tên của đồng chí Tuấn ? - người đàn bà nghe xong câu hỏi ấy thì như hóa đá lại, khuôn mặt trắng bệch ra rồi nhanh chóng tím đen lại. Còn nó phải cố lắm mới giữ được mình chỉ giật lên một tiếng cười trong cổ họng. Hai năm trước trong kỳ thi Olympic Luật học, nó đã trả lời rành rọt, và hơn thế, còn chỉ ra điểm bất hợp lý trong câu hỏi của vị giám khảo giữa một hội trường gần hai nghìn người. Và vị giám khảo ấy không ai khác chính là người đang đứng trên bục diễn giả vào lúc này. Thế nên nếu cái tên Nguyễn Anh Tuấn là những gì cuối cùng hiện lên trong đầu trước khi bà nhắm mắt qua đời thì cũng không phải là chuyện gì quá lạ. Sau một nụ cười mỉm đầy ranh mãnh, Hoàng tiếp tục - Trở lại với cuộc thảo luận, tôi thấy rằng ý kiến của phó giáo sư đưa ra có thể tóm gọn lại là: những người đồng tính chỉ là thiểu số trong xã hội, và họ bị những người bảo thủ có số lượng lớn hơn nhiều phản đối, nên những người đồng tính phải chấp nhận thua thiệt. Tôi hiểu thế không sai chứ ạ ? Thiểu số phục tùng đa số. Không ai chối cãi nguyên tắc đó. Nhưng có phải ước mơ được sống bình đẳng như những người khác, được tự do thể hiện bản thân mình, được tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc của thiểu số những người đồng tính là chống lại đa số còn lại của xã hội ? Một xã hội lấy sức mạnh của số đông để chà đạp lên những con người ít ỏi khác biệt có phải là một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới ? Và ngoài ra còn một điều cần phải xem xét nữa là: đâu mới là đa số, và đâu mới là thiểu số, giữa một bên là những con người cũ kỹ muốn giữ lấy những nề nếp xã hội cổ hủ, lạc hậu, với một bên là những người đồng tính và những người thấu hiểu, cảm thông với họ ? Tôi luôn giữ cho mình một cái nhìn lạc quan đầy màu hồng. Đó có thể là một hạn chế do kinh nghiệm và tuổi tác còn non dại. Nhưng nó giúp tôi luôn tin rằng xã hội này thật tốt đẹp, và những con người hiểu biết, tiến bộ luôn luôn là đa số; nó giúp tôi có một niềm tin sâu sắc rằng nếu quy định này được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp thì đa số đông đảo mọi người sẽ chấp nhận và ủng hộ nó.