- Hoàng à ?
- Ừ, có tìm được giáo sư không ?
- Giáo sư đang ốm, nên có lẽ hôm nay tôi phải ở lại đây thôi. Chút nữa hết giờ cậu chịu khó đi xe buýt về được không ? Nếu mai giáo sư khỏe lên tôi sẽ trả xe cho cậu.
- Có cần tôi đến giúp một tay không ? Có mình cậu ở đó thôi à ? Thế vợ con của giáo sư đâu ?
- ...
- Nhà giáo sư ở đâu ? Lát tôi đến ?
- Thôi, không cần đâu. Mình tôi là đủ rồi. Cậu đến cũng như không mà - cười.
- ... Bắt đầu từ tối nay tôi sẽ bảo mẹ dạy tôi nấu nướng !
- Ơ... tôi... không có ý gì đâu... Giận tôi à ?
- Không... ý tôi là... tôi muốn... sau này... nếu cậu ốm, tôi có thể chăm sóc được cho cậu...
Câu nói của Hoàng làm trong lòng nó bừng lên một cảm giác rạo rực khó tả, giống hệt như cảm giác của cái đêm hôm nào khi Hoàng đưa nó về phòng trong cơn say... Đêm ấy không biết vì lý do gì nó đã muốn hôn Hoàng, nhưng cuối cùng thì lý trí nó đã chiến thắng - thường thì luôn như vậy, nó chỉ dám nhìn Hoàng say ngủ mà thôi...
Một điều gì đó thật khác lạ đang dần lớn lên trong nó phải không ?
Chap 13.
Hà Nội,
Một đêm mùa đông,
Lá tre xạc xào trong gió bấc.
Tuy còn sốt cao nhưng giáo sư đã ngủ ngon. Dù thế nó vẫn không dám ngủ. Nó không muốn để khi một đợt lên cơn lạnh nào đó kéo đến giáo sư sẽ phải chống trọi một mình. Nhưng ngồi mãi bên cạnh giường ông cũng không phải là một ý kiến hay, mệt mỏi và buồn chán sẽ làm nó ngủ gục ngay lập tức. Nó quyết định sẽ dọn dẹp lại căn phòng khách bừa bộn sách vở của giáo sư.
Căn phòng này làm nó nhớ tới những gian hàng bán sách trên phố Đinh Lễ. Khắp nơi trong phòng chỉ có sách, sách và sách, người mua và người bán đều phải trèo lên, dẫm lên sách mà đi trong phòng. Điểm khác biệt duy nhất là: những quyển sách trong căn phòng khách này phần lớn đều đã được chủ nhân của chúng lựa chọn khá tỉ mỉ chuyên về vấn đề luật học, thậm chí nó còn nhận ra một số quyển sách đã có tuổi đời đến hàng trăm năm, và giá trị của chúng không hề nhỏ nếu được bán cho những nhà sưu tập...
Sau khi dọn dẹp những chồng sách được vứt lung tung trên mặt chiếc lò sưởi giả - một chi tiết minh chứng rõ ràng cho phán đoán ban đầu của nó là ngôi nhà được xây từ thời thuộc Pháp, một vài khung ảnh lộ dần ra. Và khung ảnh được đặt trang trọng nhất ở vị trí chính giữa làm nó ngạc nhiên không thể thốt lên lời. Chàng trai trong bộ quân phục bộ đội với chiếc mũ tai bèo vắt vẻo sau gáy trong bức ảnh đen trắng đã ố vàng vì nắng mưa ấy chính là... nó.
Cái gì thế này nhỉ ?
Hàng tỉ tế bào thần kinh trong bộ não của nó hoạt động hết công suất chỉ để cố gắng giải đáp cho câu hỏi ngắn gọn ấy. Sản phẩm của quá trình cắt ghép và chỉnh sửa ảnh ư ? Không thể nào ! Màu ảnh bàng bạc cũng như những vết ố vàng quá thật để có thể dễ dàng khẳng định ngay rằng bức ảnh này đã chụp từ rất nhiều năm về trước. Vậy chàng trai trong ảnh là... kiếp trước của nó ư ? Đừng bao giờ cố thuyết phục một con người duy vật như nó tin vào cái điều mê tín ấy ! Vậy thì, chỉ còn lại một phương án cuối cùng thôi, người trong ảnh phải là một người họ hàng thân thích nào đó của nó... Vậy đây chính là bác Thanh của nó sao ?
Bác Thanh là anh trai của cha nó, là lính Trường Sơn và đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên. Nhiều người trong gia đình bảo nó giống bác Thanh, nhưng giống đến mức như thế này thì thật đáng sợ ! Chẳng trách mỗi lần thấy nó về quê là bà nội lại ôm nó vào lòng mà khóc. Nó gợi đến trong bà hình ảnh đứa con trai đầu lòng đã hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được mộ...
Nó chợt giật mình !
Nó từng nghe phong thanh đâu đó rằng giáo sư đã quyết định chọn nó vào Ban chỉ sau năm phút đọc hồ sơ. Nó đã không tin chuyện đó. Nó tự biết nó rất có năng khiếu luật học; nhưng nó cũng thừa biết những chuyện đấu đá nhau trong ngành này, nên để một người này cảm thấy phục một người kia là rất khó khăn, và chỉ trong có năm phút thì là một điều hoàn toàn không tưởng. Nhưng hôm nay thì nó không thể không nghi ngờ rằng chuyện đó là có thật, và liệu có phải nó được nhận vào Ban chẳng qua vì nó rất giống với bác Thanh của nó lúc còn sinh thời ?
Điều gì có thể khiến giáo sư làm một việc trái nguyên tắc đến thế nhỉ ? Vì bác Thanh thôi sao ? Bác Thanh có ý nghĩa quan trọng đến vậy với giáo sư sao ?
Chả nhẽ giữa hai người... ?
Không. Nó không thể tin vào chuyện đó !
Chap 14
- Giáo sư... cháu muốn hỏi một chuyện được không ạ ? - Nó quyết định phải làm rõ mọi vấn đề khi thấy ông đã khỏe lên nhiều vào sáng ngày hôm sau.
Ánh mắt mấy phút trước còn ấm áp là thế mà chỉ sau một câu nói bỗng trở lại với vẻ sắc lạnh ngày thường. Ông đặt cốc nước cam đang cầm trên tay lên chiếc bàn ở cạnh giường.
Một khoảng lặng trong căn phòng yên tĩnh.
- Cháu muốn hỏi ta về Duy Thanh phải không ? - ông lên tiếng bằng một giọng nhỏ và trầm, như một âm thanh được vang vọng lại từ một nơi chốn xa xôi nào khác - Sáng tỉnh dậy thấy nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, ta chắc chắn rằng cháu đã thấy bức hình ông ấy rồi. Nên việc cháu hỏi về nó sẽ chỉ là sớm hay muộn mà thôi...
- Hai người... yêu nhau phải không ? - tiếng " yêu " được phát ra từ cổ họng nó một cách run run.
Lần đầu tiên nó thấy giáo sư cười - một nụ cười to, bật lên thành tiếng - một nụ cười thật sự sảng khoái.
- Vậy là cháu không biết rằng trước khi gặp ông ấy ta đã có vợ và một con gái... Và cháu cũng không biết rằng vào thời của chúng ta có những tình bạn còn bền chặt hơn cả tình yêu... - Lặng yên. Ông nhìn nó. Nó cũng nhìn ông. Quả thật những điều ông vừa nói là những điều nó chưa hề nghĩ đến, nhưng từ một nơi sâu thẳm nào đó nó vẫn tin tưởng chắc chắn rằng tình cảm giữa hai con người này không thể chỉ dừng lại ở tình bạn mà thôi. Như bắt gặp được sự quả quyết trên gương mặt của cậu trai trẻ đang ngồi đối diện, giáo sư bối rối cụp mắt xuống nhìn đôi bàn tay mình được đặt trên tấm chăn mỏng đang đắp ngang mình. Cái giọng nhỏ và trầm ban nãy lại một lần nữa vang lên - Nhưng quả thực là... ông ấy yêu ta và ta... cũng yêu ông ấy...
.
Tốt nghiệp trường Bưởi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của đất nước, chàng trai trẻ Duy Minh và bạn bè đã cùng nhau viết đơn xin được lên đường ra trận. Hai năm lăn lộn ở tuyến lửa Khu Bốn với chỉ vài lần ngắn ngủi được về thăm nhà, anh được gia đình xếp đặt một cuộc hôn nhân với người con gái mà anh không hề yêu. Rồi đơn vị được điều động sang Nam Lào, rồi vào Tây Nguyên. Ở đây anh nhận được lá thư của gia đình báo rằng anh đã có một đứa con gái. Và ở đây cũng chính là nơi anh gặp được Duy Thanh.
Anh không thể nào quên lần đầu gặp cậu nhóc kém mình hai tuổi có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo mặc nắng mưa và thiếu thốn, nụ cười luôn nở trên môi mặc đạn bom và cái chết luôn cận kề ấy. Đơn vị trước của cậu bị lọt ổ phục kích, tất cả chỉ có tám người còn sống sót. Vừa trở về sau lần đối mặt với cái chết như vậy, nhưng khi được chuyển về đơn vị mới, trước người chính ủy viên đại đội là anh, cậu vẫn cười. Nụ cười của cậu đã tiếp thêm cho anh bao ý chí và hy vọng về ngày trở về, về miền Bắc xa xôi, và về Hà Nội...
Cả đơn vị không ai không quý mến cậu nhóc đáng yêu, vui tính và có giọng hát thật trong trẻo ấy, nhưng anh có lẽ là người quan tâm tới cậu nhất. Anh thích được nhìn thấy nụ cười của cậu, và thường cố chọc ghẹo cậu để được nhìn thấy nụ cười lấp lánh ấy...
Rồi một ngày gặp lại người bạn cấp ba mới trở lại chiến trường sau thời gian nghỉ phép, anh bàng hoàng nghe tin cả gia đình mình đã chết trong trận ném bom Hà Nội của B52, cả cha mẹ, cả người vợ trẻ mới có nghĩa chứ chưa có tình, cả đứa con gái tuổi mới lẫm chẫm biết bò mà anh chưa một lần gặp mặt... Anh đã khóc, lần đầu tiên trong hơn ba năm ra trận; anh đã khóc, bên dòng sông Ba hùng vĩ, dưới ánh xanh leo lét của những ngọn pháo sáng, và trong vòng tay chia sẻ của Duy Thanh...
Trận đánh ở đèo Tô Na, thượng lưu sông Ba đã để lại trong anh những dấu vết không bao giờ có thể xóa nhòa. Một quả bom nổ ngay gần vị trí của đơn vị. Trước khi kịp nhận thấy lửa, khói đen và bùn đất, một bóng người đã lao đến xô ngã và che cho anh khỏi những mảnh vỏ bom. Nhưng một mảnh thép đã kịp nằm lại trong trái tim anh, và cho đến mãi tận bây giờ vẫn còn nằm nguyên trong đó... Một tuần sau anh tỉnh dậy trong bệnh xá quân y sư đoàn, và biết được rằng chính Duy Thanh là người cứu sống anh, khi cậu đã lấy thân mình hứng chịu gần hai chục vết cắt từ những mảnh vỏ bom...
Một đêm trăng sáng, khi thấy sức khỏe đã khá hơn, anh đến thăm cậu - vẫn đang trắng lốp trong những lớp bông băng. Anh khẽ hỏi cậu vì sao dám liều lĩnh cả tính mạng của bản thân mình vì anh như thế, cậu đã trả lời rằng vì cậu yêu anh. Tình yêu ư, giữa hai người con trai, giữa hai người đồng chí ? Sự hoang mang và lo sợ nổi lên trong lòng người chính ủy viên đại đội. Anh cố trốn tránh tình yêu của cậu, dù chính anh cũng tự biết rằng, trong thâm tâm mình, tình cảm anh dành cho cậu thật sự khác biệt so với những người bạn, những người đồng đội khác...
Thật không may rằng còn có một người khác trong đơn vị nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người trong đêm hôm ấy. Để khi trở về đơn vị, họ rỉ tai kể chuyện cho nhau, và họ bắt đầu xa lánh Duy Thanh. Cậu lạc lõng và cô đơn giữa chính những người mà từng một thời là những người thân thiết nhất, cậu vẫn hát bên lửa trại những đêm tập kết hành quân chiến thuật những bài hùng ca quen thuộc, nhưng trong chất giọng lại ngập tràn một nỗi niềm đau nhói. Anh đã không dám làm bất cứ điều gì để bảo vệ cậu. Anh còn cố gắng để cách xa cậu hơn. Để những đêm khi mọi người đã ngủ, nằm trên võng mình mà nhìn về chiếc võng phải mắc riêng một chỗ cách xa những người khác của cậu, anh lại chỉ trực trào nước mắt, và vết thương trong tim lại buốt nhói lên...
Rồi trong những ngày chuẩn bị của chiến dịch Tây Nguyên, khi anh - một chính ủy viên bị triệu lên sư đoàn nhận lệnh thì cũng là lúc Duy Thanh bắt đầu mắc sốt rét rừng. Và sau hai tuần, khi anh trở về thì mới hay tin rằng, mấy hôm trước người ta đã để Duy Thanh nằm lại... Đó chính là cái chết nhân đạo của những người lính Trường Sơn, khi đơn vị vội hành quân, khi thuốc men đã hết và không thể liên lạc được với y tế cấp trên, người mắc bệnh sốt rét thường được để lại giữa rừng với một chút thức ăn và nước uống, với hy vọng mong manh rằng người đó có thể tự khỏi hay may mắn gặp được một đơn vị khác đi ngang qua... Anh đã giận dữ đấm văng viên đại đội trưởng xuống đất: việc chuyển Duy Thanh lên y tế sư đoàn không phải là quá khó khăn, và bản thân đơn vị cũng chỉ phải di chuyển để tránh bị phát hiện chứ không phải là hành quân...
Anh lao vào rừng với một hy vọng mong manh nhưng đang cháy bỏng trong tim. Mười bảy tiếng đồng hồ xuyên rừng già âm u và qua bóng đêm lạnh giá, anh tìm được cậu, yếu ớt và run rẩy. Ôm cậu vào lòng, anh bật khóc. Lần thứ hai trong năm năm trên chiến trường, anh - một người chính ủy viên - một người không bao giờ được rơi nước mắt, đã bật khóc như một đứa trẻ. Cậu đã cố mỉm cười, đưa tay gạt những dòng nước trên má anh, và xin anh một nụ hôn đầu đời. Anh cúi xuống trao cho cậu tất cả tình yêu của mình. Và Duy Thanh ra đi. Phải, cậu đã ra đi mãi mãi, trong nụ hôn, trong vòng tay, và trong nước mắt của anh; cậu ra đi trong bóng đêm đang bao trùm lên rừng già, trong tiếng súng dậy vang khắp muôn phương mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên lịch sử...
.
Kỷ niệm đọng thành từng hạt và cứ tuôn chảy trên má ông. Thật nhẹ nhàng, nó ôm ông vào lòng, và cũng bắt đầu khóc. Hai tâm hồn, hai thế hệ, nhưng dường như những éo le đã đưa họ đến thật gần với nhau...
- Tuấn... hãy nói yêu ta như năm xưa Duy Thanh đã từng nói, được không ?
Thoáng yên lặng.
- Cháu yêu giáo sư... như yêu một người bác của mình...
Lại một khoảng lặng.
- Ừ, ta cũng chi mong được như vậy... Cháu không căm ghét ta vì cái chết của Duy Thanh đã là hạnh phúc cho ta lắm rồi... Ta đã quá hèn nhát... Ta đã không dám bảo vệ ông ấy...
- Giáo sư - nó giữ chặt hai vai ông, rồi nhìn thẳng vào đôi mắt màu nâu đẫm nước ấy - Bác không có lỗi gì cả ! Không ai có lỗi trong cái chết của bác Thanh hết ! Chính những định kiến cổ hủ đã tước đoạt đi hạnh phúc của hai người, và đẩy bác ấy tới cái chết...
- ... ( nấc nghẹn ngào )
- Bác Thanh chắc chắn cũng không muốn bác cứ tự dằn vặt mình mãi vì những gì đã qua lâu như vậy đâu. Như đợt ốm này của bác cũng vậy, nó chỉ là cảm lạnh thôi, chứ hoàn toàn không phải là sốt rét, trùng sốt rét không thể sống quá một năm rưỡi trong cơ thể người. Chính những ám ảnh trong quá khứ đã khiến bác cảm thấy những đợt lên cơn lạnh. Đừng tự làm khổ mình hơn nữa, bác của cháu...
Chap 15.
- Món này hơi mặn...
- Ừ, tại chai tương nếp mới, chưa nếm thử mà tôi đã cho quen tay như chai cũ, nên nó mới mặn thế này...
- Cái này gọi là " cơm rang tương nếp " à ?
Cười.
Nó đảo đảo tô cơm nóng hổi của mình cho nguội bớt. Những hạt cơm tròn căng, bóng bẩy và mùi thơm thì thật thích mũi, nhưng để có được cái màu nâu óng ấy thường phải cho khá nhiều tương nếp, vì thế mà món này thường hơi mặn nên tốt nhất là ăn cùng nó với vài miếng dưa chuột. Đây cũng là một món ưa thích của nó.
- Sao cậu không mở nhà hàng nhỉ ? Cậu...
- Nấu ăn còn giỏi hơn con gái chứ gì ? - nó mỉm cười, đã không biết đến lần thứ bao nhiêu rồi có người khen nó câu này.
- Không chỉ nấu ăn đâu... Cậu... còn có nhiều thứ hơn cả con gái nữa...
Nó ngước mắt nhìn Hoàng, và tự nhiên thấy nóng bừng hai má. Nó xấu hổ ư ? Lần đầu tiên nó có cái cảm giác này. Ngay cả buổi đứng lớp đầu tiên, trước gần hai trăm cặp mắt đổ dồn về phía mình, nó cũng không cảm thấy ngượng nghịu như thế... Nó bối rối, rồi cố đánh trống lảng:
- Ăn đi, sắp muộn giờ rồi đấy !
Rồi yên lặng. Chỉ có tiếng những chiếc thìa va vào thành bát lách tách. Đến lúc thu dọn chén bát, nó mới lại lên tiếng: