Dưới Giàn Đậu Đũa

Tác giả: Trương Khánh Kỳ
Ra mắt: 16/08/2011
Nguồn: Diễn Đàn Táo Xanh
( Truyện được đăng có sự  đồng ý của tác giả )

Đã từ rất lâu đời nơi đây - miền đất này luôn um tùm những loại thân cây leo xanh muợt.
Đậu đũa…..
Đúng ! Đậu đũa, loại cây mà nhiều người nói không quý giá gì ngoài những đồng bạc lẽ, nhưng, với tôi thì khác.
Đậu đũa….
Và còn hơn thế nữa. Nó đã giúp làng tôi, nhà tôi, và chính tôi có những miếng cơm manh áo qua ngày.
Đậu đũa….
Tôi yêu đậu đũa nhưng thoáng chút giật mình tôi nghĩ lại.
Đậu đũa…..
Tôi hận nó.
Tôi thoáng buồn cả đời.

********************

Tôi là đứa con xa nhà. Xa quê đất nẻ những mới trẻ thơ vui đùa, những luống đất dấy lên một hàng giàn cháy nắng, những con kênh nối dài xanh tận ngõ – nơi mà tôi hay nghịch đùa cùng thằng em nhỏ mỗi lần đi tắm sông chạng vạng.
Khu đất ấy buồn lắm, tối sập đến nhà nhà đều khít cửa, ánh đèn tắt rụi. Nhà nào đó, không kêu vang, không chút động tĩnh, giấc ngủ chập chờn theo những mùa lúa lên đồng.

Quê tôi nghèo lắm, cả làng ngày có hai chén cơm là vui mừng hết cỡ. Họ phải tảo tần sớm chiều trông tội nặng nề.
Tôi cũng không quên một hình dáng của người mẹ hiền niềm nở khi bội thu vài bạc lẽ từ giàn đậu đũa sau hè. Tôi lại càng không quên ánh mắt của thằng Út em tôi chạy lon ton khắp xóm khoe rần rần “nhà tao mới trúng đậu”. Cầm ít tiền trên tay mẹ tôi mặt nhăn nhúm lại lo đủ điều, thuốc trừ sâu, hạt giống mùa tới, sạp gạo nhà kêu lọc cọc.
Lúc đấy, tôi bắt gặp được ánh mắt của mẹ tôi đang nhìn hai anh em.

- Thằng Út dép cũ rồi, để mẹ mua cho đôi mới.

Thời ấy, tôi thật con nít và len lỏi chút trẻ con. Tôi dỗi hờn nhất quyết không chịu, đòi bằng được đôi dép mới giống Út. Tôi dùng dằn dưới đất đòi cho được…đòi cho thấu…đòi hết nước mắt của mẹ khi trên tay còn vài đồng nhỏ.
Tôi nín lặng khi mẹ tôi ngã đè lên người của Út.
Tôi hoảng loạn đứng dậy, hai anh em khóc theo đòi mẹ tỉnh dậy.

Lúc mẹ tôi nằm trên giường bệnh không làm được gì một thời gian dài, tôi phải thay tất cả. Ba chết vì bom đạn thời ấy nên tôi phải vừa làm cha, làm mẹ, làm anh, làm bạn với thằng Út em tôi.
Lúc ấy, tôi chững chạc và ngấm ngầm ra nhiều điều, buộc lòng cắn bụng tôi phải mưu sinh.

- Anh Hai ! Xem em bắt được con chuồn chuồn nè, đẹp không ? Người ta nói đây là con chuồn chuồn Bà đó.

Thằng Út vô tư ngồi dưới giàn đậu đũa khoe mẻ với tôi đủ điều về con chuồn chuồn vô tích sự kia khi nhà lại sắp hết gạo.
Tôi không nói gì chỉ biết đi tỉa lá trên giàn một hàng dài. Mặc kệ Út, chơi chuồn chuồn chán rồi thì nó sẽ thôi. Nhưng ai ngờ ….

- Á trời ơi đau quá ……………

Chuồn chuồn cắn rúng biết bơi – không biết tự bao giờ sáu chữ ấy lại trở nên thân thuộc với làng tôi như thế. Và cái đau đớn đấy được em tôi thử và ghi nhận.

Lại đến mùa hai anh em chúng tôi nao nức bước ra giàn. Trái ấy xanh lắm nhưng đôi chút nhạt nhạt treo lũng lẳng trên giàn. Chúng nheo nhút, chăm chít giành lấy chổ để ra quả - điều đó lại càng làm cho anh em chúng tôi thêm nở dạ.
Những cánh dài suông đuột ấy trông bắt mắt với những đầu mối lắm. Hai anh em sốt cả ruột khi khiêng hơn năm cây số ra chợ bán. Trên đường, Út luôn miệng rồi còn đỏng đảnh đòi đủ chuyện

- Bán xong, cho em tiền mua bánh bò ăn nhe Hai, nhe ?

Tôi kéo sụp cái nón kết xĩn màu đã hoá cứng lại trên đầu.

- Mẹ bệnh không thấy sao Út, mua thuốc cho mẹ nữa. Để mùa sau anh mua cho.

Nó giậm chân nhõng nhẽo với tôi

- Lần nào Hai cũng nói vậy hết, biết bao nhiêu là mùa rồi.

Tôi cắn bụng lầm lì trích ra vài xu lẽ mua cho thằng em bướng bỉnh một góc tư bánh bò nướng ngon ngất trời. Tôi thèm lắm
Út không quên mời tôi nhưng tôi nhích môi rồi lẳng lặng nói không cho nó ăn đã thèm.

Tôi còn nhớ, trưa hôm ấy. Tôi ra sau hè trốn ngay vào giàn đậu đũa, đậu đũa cọng dài kia lại ra, mùa lại đến rồi. Tôi chăm chăm nhìn vào bọn chúng rồi loé ra những tia cảm xúc.

“Mùa lại đến mùa, hết mùa rồi lại sang mùa, nhà mình vẫn vậy, thằng Út vẫn thèm bánh bò, đôi dép lại cũ, sạp gạo lại kêu”.

Tôi gối đầu nghĩ đến hình ảnh người mẹ nằm la liệt trên giường. Thằng em khờ chưa từng chạm tới sách vở khi đã mười mấy tuổi đầu.

Không thể cả đời sống chung với đậu đũa”.

Và như thế tôi quyết định bỏ xứ lên thành phố tìm việc làm, cầu mong mai này nhà ta không còn cảnh đậu đũa thay cơm.
Trước ngày đi, Út biết tôi thích nhất ăn ốc. Nó không ngại tìm ra đồng lúa nhà bác Rô mà tìm những con to nhất, bụ bặm nhất.

Tôi và nó ngồi dưới giàn đậu đũa nói biết bao điều. Nó vẫn còn thói quen bắt chuồn chuồn chơi. Nhìn Út tôi thương nó nhiều, đáng lẽ giờ đây em tôi phải ngồi dưới mái trường với sách vở tinh tương.
Cánh chuồn chuồn có nhiều đốm nâu đen, chập chờn, tinh mỏng rất đẹp hay bay lởn vởn dưới giàn đậu đũa nhà tôi là chuồn chuồn Bà mà Út nhà tôi rất thích và hay gọi.

Tôi ngắm nghiá năm lần bảy lượt giàn đậu đũa, tôi nghĩ chắc sau này cũng nhờ cái giàn xanh mơn mởn này mà Út và mẹ sẽ sống tạm được trong khi chờ số tiền tôi dành dụm gửi về.

Chắt nịt … cố bậm môi hứa với lòng sẽ có ngày tôi ngồi dưới giàn đậu đũa này và xoè tiền triệu cho mát tay.

Tôi buồn lắm khi nhìn hành trang mẹ xếp sẵn cho tôi chỉ vỏn vẹn vài ba bộ đồ quen thuộc, mẹ tôi xoa đầu nước mắt bịn rịn bờ vai

- Thằng Hai ráng lên ! - Chỉ nhiêu thôi nhưng tôi hiểu từ lòng người mẹ bệnh tật ấy nhiều lắm

Út đứng ngay mép cửa buồng, tay cầm tộ ốc kho. Tôi biết không phải ai trong xóm này cũng đều làm được một tộ ốc kho tiêu thơm ngon như Út nhà tôi. Tôi cứ trêu nó hoài.
Nụ cười, ánh mắt tinh nghịch không thể lẫn lộn với ai của Út nhà tôi sao hôm nay lại không thấy đâu mất. Nó đượm buồn, bíu ríu rồi lăn dài hàng lệ nhìn tôi.

Tôi xót xa ……

Nín lòng, kiềm cập lắm tôi mới nuốt nổi những con ốc vào trong lòng. Tôi không dám khóc vì sợ làm mất hình tượng người anh mạnh mẽ đầy nghị lực trong lòng của Út. Tôi lại lần nữa nuốt lệ.
Tôi quẫy ba lô đi ra đằng xa, cánh đồng lúa là nơi giao giữa nhà tôi và đường đi ra chợ. Út chạy tới nép ngay cửa nhà nín lặng mà lệ cứ tuôn nhìn bước chân tôi.
Tôi chậm rãi từng bước, không dám đi nhiều. Tôi sợ nhiều thứ ….nhất là đứa em khờ vẫn chưa hết khóc, đứa em ấy lại hậu đậu và quá trẻ con, dù vậy tôi vẫn muốn giữ hình ảnh đó mãi.

Bất chợt, tôi quay lại. Út vượt băng qua cánh đồng lúa, tay với với lên cao ngoắc lấy tôi

- Anh Hai ơi, anh Hai ơi !

Chiếc áo lấm lem lọ đang nằm trên người Út đang cố hết sức giẫm lên những bụi lúa mới ra bông để đến nơi tôi đang dừng lại. Chân Út nghe xộc xoạc bởi nước đồng âm ẩm.
Tôi cố nín lặng, tôi khoác tay ngược lại như bảo “Út hãy về đi, ra đây làm gì ?”
Nhưng ngoan cố thằng em khờ của tôi không nghe lời cứ vùn vụt lao xầm xầm.
Tôi sợ không cầm được lòng nên cắn môi chạy đi ra hướng chợ.

Út thấy tôi chạy đi nên lại cố hơn nữa đuổi theo tôi, vẫn luôn miệng gọi :

- Hai ơi, Hai ơi, chờ em với…..

Tôi chạy được đằng xa, mệt lừ, tôi lặng mình vào bụi cây tre làng óng ánh. Lén mắt nhìn lại. Tôi thấy Út khóc nhiều lắm. Út lã người

Út đứng giữa cánh đồng.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng tôi lớn nhanh như thổi. Tôi may mắn được khấm khá lên, nhờ gặp được người tốt bụng. Họ giúp tôi vừa học vừa làm nên bây giờ tôi đã là một nhân viên văn phòng sau bao ngày khổ luyện.
Bao năm qua, tôi luôn viết thư về cho Út và mẹ. Lần đầu tiên gửi về thì hơi vất vả vì gặp phải lạc đường, lạc chỗ. Đến khi đến được nhà thì Út lại không biết chữ để đọc.
Tôi bắt Út phải đi học thật nhiều thật nhiều vào. Như tôi, tôi muốn Út sau này được như tôi để thay phiên phụng dưỡng mẹ già.

Gắng lắm, Út mới bắt đầu ê a được vài chữ cho tôi. Bức thư nó gửi cho tôi, tôi còn nằm lòng và xếp vào trong ví mọi lúc.

“Anh 2 ơi. Em út nè, giạo này mẹ đỡ bịnh hơn ròi. Tiền thán chước 2 có gửi dề cho em còn dư nhìu lắm, 2 đừn gửi nữa nhe. À, khi nào 2 dề vậy, sau từ lúc đi tới dờ không thấy 2 dề chỉ toàng gửi thơ thôi, em và mẹ nhớ 2 nhìu lắm. Ờ, còn nữa. Đậu đũa lại trún mùa, mẹ có buộc vài bó cho 2 đó, 2 nhớ ăn nghen”.

Tôi đọc xong thư lại phì cười, liếc mắt sang nhìn những bó đậu đũa kia. Những sợi đậu thật quen, vẫn như xưa. Nó làm tôi nhớ lắm nhớ nhiều lắm. Tôi ấp ủ lòng viết một lá thư gửi Út báo tin sắp về thăm quê.

Còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy là ngày Chủ Nhật không nắng. Còn vài giờ nữa thôi là tôi lại được về với Út với mẹ với giàn đậu đũa.
Tôi cồn cào, nôn nao xen chút hồi hộp vô cùng. Không biết rồi đây quê hương tôi sau bao năm sẽ như thế nào, chắc sẽ có thay đổi.
Xe dừng trước chợ, tôi phải lội bộ vào trong. Ngang cánh đồng ấy, nơi mà Út đã không ngại băng ngang qua để chạy theo tôi. Giờ nó đã lên bông lần nữa.

Nào đồ ăn, nào thức uống, có cả thuốc, cả đồ chơi, điện thoại tôi nặng tay xách về. Lòng ngậm nghĩ Út và mẹ sẽ vui lắm.

Nín thở……

Tôi lịm nhìn căn nhà cũ nát ngày nào giờ vẫn vậy, mái hiên lụp xụp, rách nát. Bóng mẹ già chẻ củi trước sân sao giờ mất tăm, bé Út nhà tôi đâu sao không ai ra đón tôi, mọi thường nó hay nghịch ngợm trước nhà lắm mà.
Tôi hạ nhiệt, rón rén bước vào nhà. Đồ đạc vẫn còn nguyên vẹn tất cả. Tôi nở nụ cười và vui không thể tả khi thấy một mâm cơm được dọn lên sẵn như đang chờ tôi về cùng ăn. Tôi lại sướng cả ruột khi thấy trong mâm cơm đấy có cả món ốc kho tiêu.
Tôi nhích lại gần ….nhưng …..ôi …sao….mâm cơm ấy đã bốc mùi, lên rêu hôi ẩm.
Tôi thấy hơi buồn buồn chọt dạ. Tôi đoán chắc mẹ và Út không ở đây thì phải ở sau giàn đậu đũa rồi.

Một bước …hai bước…bước thứ ba.
Tôi lạch cạch bước chân vội hỏi cho mẹ và Út thật bất ngờ ….

- Mùa này đậu lại trúng hả Út ? Hì hì ….

Đúng là lần này đậu trúng mùa thật rồi. Nhưng sao đập vào trong mắt tôi là khói hương nghi ngút dưới giàn đậu đũa.
Hình ảnh mẹ tôi như muốn ngã quỵ xuống đất, khóc lóc vang trời lại tiến thẳng vào trong tôi. Tôi bàng hoàng bỏ bọc đồ xuống chạy đến đấy.

…Thì thấy nấm mồ mang tên thằng bé nhỏ!

Gió như tát vào mặt tôi, mắt tôi mờ ảo, tôi suy sụp tinh thần.
Mẹ tôi đã thấy tôi….

Nhìn nấm mồ còn nghi ngút mùi nhang tôi lịm người đi, nước mắt tôi chưa hiểu điều gì lại bỗng nhiên đổ xuống.
Đúng là Út của tôi rồi ! Hình của Út nhà tôi in trong tấm bia kia mà.
Tôi gắng gượng kéo mẹ vào tôi, mẹ tôi thêm kêu la….

Không như thói quen hỏi tôi ra sao, mới về có mệt lắm không. Mẹ tôi lại nói :

- Út chết rồi, chết rồi !

Tôi lắc đầu không xiết, tôi không tin sự thật này. Tôi nhào đến dúi dúi đầu vào mộ

- Mẹ ! Sao ? – Tôi không thành lời được

Mẹ tôi mắt chảy, thịt nhăn, đau thắt cả cổ

- Cách đây hai ngày, trước khi biết tin con về. Em con….nó…nó…nói là qua cánh đồng nhà bác Rô bắt ốc về kho tiêu để đãi anh Hai ăn…nhưng không may…nó bị….rắn cắn không ai hay gì. Nằm trèo veo bên đồng…. đến khi bác Rô phát hiện thì ….

Vỡ lẽ ra mâm cơm ban nãy tôi mới biết được đủ thứ chuyện

Ác……..

Trời thật ác với em tôi, với cả tôi. Phải chi … phải chi tôi không thích ăn ốc thì không phải ngồi đây ê a với nấm mộ vô hồn này.

Mộ em tôi được chôn ngay dưới giàn đậu đũa, nơi có nhiều kỷ nịêm của hai anh em tôi, của cả nhà tôi.

“Út ơi, mùa này đậu trúng quá kìa sao em không lấy thúng ra hái hả ? Lỡ bị trộm thì sao, sao em cứ nằm im ru dưới nấm đất kia chứ, trả lời anh đi Út ơi”

Nhìn sợi đậu treo tòng teng, thò xuống mộ em tôi, tôi vừa thấy thương vừa thấy hận vô cùng. Đậu đũa ơi ! cả đời này sao kiếm lại được một thằng em nghịch ngợm của tôi được.
Cầm lấy bóp tiền tôi móc ra hàng trăm tờ lớn, giờ đây tôi dư sức với lời hứa năm xưa, “xòe tiền triệu dưới giàn đậu đũa”. Nhưng càng nhìn thăm thẳm vào chúng tôi thấy chúng thật vô nghĩa. Phải chi chúng có thể mua lại được em tôi.

Nằm chông chênh nơi này, Út nhà tôi sẽ không sợ nắng sợ mưa nữa, mãi mãi và thiên thu giàn đậu đũa tươi xanh này luôn bao trùm và che chở em ấy. Cầu mong đậu đũa đừng bỏ Út ,bỏ cả làng này mà đi.

Đôi lúc, tôi cũng bắt gặp được có những con chuồn chuồn Bà kéo đến nấm mộ Út nhà tôi đập cánh liên hồi.

 

HẾT

 

Loading disqus...