Stories of love 1 - Chuyện tình hàng băng đĩa Trang 10

Chuyện cuối cùng tôi còn cảm nhận được là cơ thể mình đang bị hất văng lên trời …

Mọi thứ tối sầm lại ngay trước mắt … quá nhanh … tôi không nghe kịp tiếng thét kinh hoàng của chính mình …

-…….

-……..

-…………

-…..

-…..

Tiếng ồn ở ngoài đánh thức tôi dậy.

Chưa kịp chờ cho đầu óc hoạt động, cả cơ thể tôi đã nhói lên từng hồi đau đớn khiến tôi không thể kềm được tiếng rên khẽ. Đầu đau như búa bổ, toàn thân ê ẩm, tay trái đã hoàn toàn mất cảm giác, mắt mở không lên vì chói và vì nhức, có chuyện gì đó tồi tệ vừa mới xảy ra phải không?!

Mãi một lúc sau bộ não tôi mới được cung cấp đủ máu, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, khung cảnh hoàn toàn xa lạ với một màu trắng lạnh toát đến ghê người. Mùi thuốc khử trùng nồng nặc, sự yên tĩnh lạ thường làm tôi hoảng sợ. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Cố vận dụng từng phần nhỏ những nơron thần kinh để nhớ lại, những hình ảnh khủng khiếp về vụ tai nạn dần dần hiện ra trong đầu tôi, một bức tranh đẫm máu. Tôi trợn trừng mắt nhìn lên trần nhà và tự hỏi mình đang ở đâu đây? Không lý nào tôi đã … “lên đường”. Không thể, tuyệt đối không thể có chuyện đó được, tôi còn rất nhiều chuyện để làm, không thể chết được. Nằm mơ, chắc chắn là nằm mơ, chỉ là ác mộng thôi.

Tôi định đưa tay lên cắn cho tỉnh, nhưng vừa mới nhích cánh tay lên một chút thì cái đau lại nhói lên óc lần nữa khiến ruột gan tôi quặn thắt lại. Nhờ vậy mà tôi phát hiện ra mình chưa chết. Thật tuyệt vời!!! Ôi, cái cảm giác khi biết mình còn tồn tại trên đời thật vui sướng làm sao. Tôi không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả cho được. Khuôn mặt đang đau đớn của tôi cố gắng cử động cơ hàm tạo thành một nụ cười méo mó, nhưng thật ra đó là nụ cười của niềm vui, của sự hạnh phúc khi thấy mình còn sống. Tôi muốn cười lớn lên, muốn được sử dụng cả cơ thể còn nguyên vẹn của mình để nhảy múa cho thỏa niềm hạnh phúc đến tột đỉnh này nhưng … không đủ sức. Bất giác từ khóe mắt tôi, một giọt nước mắt trào ra chảy xuống miệng, vị mằn mặn càng làm tôi thấy phấn khởi cực độ. Chưa bao giờ tôi trải qua một thứ cảm giác nào lạ lùng như thế, lần đầu tiên tôi thấy yêu quý cuộc sống này biết bao nhiêu, thật dại dột khi nhận ra rằng chính bản thân mình lại coi thường sinh mạng mình đến thế. Tôi không kềm được tiếng nấc. Thật may là ông trời còn cho tôi một cơ hội để sửa chữa sai lầm, may mắn, may mắn vô cùng. Trong lúc vui mừng quá độ tôi đã vô tình đụng cánh tay trái đang băng bột kín mít vào cái thành giường khiến nó phát ra tiếng kêu to và làm tôi đau xốn óc. Hic, nhìn kĩ lại mới thấy cả người tôi băng bó tùm lum, tay trái thì gãy, chân phải thì bị băng nguyên một đường dài, chưa kể đến mấy vết thương nhỏ “vụn vặt” trên người nữa chứ. Nhưng thôi kệ, tôi chưa chết là điều quá tuyệt vời rồi.

Nghĩ kĩ lại tôi mới ngẫm được việc mình đùa với thần chết quả là quá nguy hiểm. Ai đời đang lái xe quá tốc độ tên đường cao tốc mà lại ngửa mặt lên trời hóng gió, làm như ở chỗ đông người không bằng, rồi lại còn lạng tay lái nữa chứ. Nếu lúc đó số tôi không hên thì sao nhỉ? Cơ thể tôi văng lên trời … rơi xuống đường … một chiếc xe nào đó chạy qua … và nếu nó không nhìn thấy tôi đang nằm chèo queo ở đó …. aaaaaaaaaaaaaaaa …. không được, tôi nghĩ bậy bạ quá. Bậy bạ, vớ vẩn, nhảm nhí! … Nhưng nói gì thì nói, từ này tôi xin chừa, xin cạch đến già là không bao giờ còn dám đi ẩu thế nữa. Mạng mình mình phải biết giữ, tôi chưa muốn chết, tôi còn rất nhiều ước mơ và hy vọng để thực hiện, chết bây giờ thi quá phí đời. Thế mới biết cảm giác của tụi tay đua thế nào mà tại sao tụi nó lại khoái đối mặt với tử thần thế, rồi sẽ có ngày chết bất đắc kì tử cho xem. Đối với tôi, một lần như thế là quá đủ.

Lúc tôi bị tai nạn là đang trên đường đi Củ Chi, ờ, đúng rồi, vậy giờ tôi đang nằm đâu đây nhỉ? Ai đưa tôi đến đây?

“Cạch”

Tiếng mở cửa cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tiếng bước chân nhẹ nhàng đi vào. Tôi ngước lên một cách khó khăn vì cổ tôi cũng có vết thương.

Một ông bác sĩ.

Ông ấy mỉm cười với tôi, vẻ mặt rất hiền từ làm tôi cảm thấy an tâm.

- Anh bạn, anh cảm thấy thế nào rồi?

-.. Ư … tôi đang ở đâu đây? – cổ họng tôi khản đặc làm thứ âm thanh vừa phát ra bị bóp méo đi như tiếng rên rỉ. Ông bác sĩ không vội trả lời mà đi lấy một cốc nước, nâng đầu tôi dậy và đỡ cái ly cho tôi uống hết. Dòng nước mát lành khiến tôi cảm thấy cơ thể bớt nặng nề hơn, đồng thời cổ họng có vẻ thông ra.

- Cậu đang ở bệnh viện Củ Chi. Hôm qua lúc được đưa đến đây tình trạng của cậu khá nguy kịch vì mất máu, giờ thì có lẽ ổn rồi. Cậu bé, cậu chạy ẩu nên bị một chiếc xe tải hất văng lên lề đường đấy, may cho cậu là những người đi đường ở đó đã làm sơ cấp cứu kịp thời và đưa cậu đến đây. Nếu không, giờ tôi không biết cậu đang ở đâu nữa.

- Vâng … - tôi chống cánh tay còn lại định ngồi lên thì bỗng dưng mọi thứ xung quanh đảo lộn khiến tôi choáng váng ngã người xuống. Vị bác sĩ lại gần, đặt một bàn tay lên trán tôi rồi nâng cánh tay và cẳng chân tôi lên xem xét, động tác ấy làm tôi thấy hơi đau. Sau đó ông mỉm cười hài lòng.

- Tốt lắm, cậu đỡ sốt rồi, chắc vết thương không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thôi tôi để cậu nghỉ ngơi nhé. À mà người nhà cậu có đến đấy, họ lo lắng cho cậu từ hôm qua đến giờ, cậu gặp họ không?

- Từ hôm qua? Vậy …?

- Đúng vậy, cậu ngủ mê man hơn một ngày rồi.

Mặt tôi biến sắc ngay. Trời ơi, chuyện tôi làm sao tôi lại có thể để mọi người lo lắng cho tôi như vậy?! Có bố mẹ tôi không?! Chắc là có rồi. Mẹ tôi vốn bị bệnh tim, lỡ bà mà có quá xúc động … trời ơi … cầu trời không sao. Tuấn ơi là Tuấn, mày là đồ bất hiếu, đồ mất nết, đồ … đồ … đồ ngu.

- Cho tôi gặp họ.

Ông bác sĩ gật đầu rồi đi ra ngoài. Vài phút sau ông ta quay trở vào, đi theo sau đó là chị tôi, bố tôi và một người nữa … là Huy. Vừa nhìn thấy em, tôi bừng tỉnh cả người. Chết thật, sao em lại biết tôi ở đây? Để mọi người lo lắng thế thật đáng bị đập … có điều, không hiểu sao dù ngoài mặt nhăn nhó trong lòng khó chịu nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút gì đó cảm động. Có lẽ nào … tôi đang vui thầm ư?!

- Chỉ 15’ thôi đấy. – ông ta thông báo thời gian với tất cả mọi người ra quay ra ngoài và lịch sự đóng cửa lại.

- Bố … chị … hai người … - chưa kịp nói dứt cậu, bà chị yêu dấu đã lao vào tôi mà ôm hôn chặt cứng. Nước mặt chị ấy chảy ra ướt cả mặt tôi. Chị ấy khóc vì lo cho tôi, hay vì quá hoảng sợ thì đúng hơn. Bố tôi thì trầm tính hơn, ông chỉ mỉm cười nhìn tôi, cái cười như đã trút hết mọi âu lo “Thật may là con không sao”. Ông lúc nào cũng thế, bên ngoài thì làm như không xúc động nhưng thực sự thì ông luôn rất lo lắng cho tôi, cả chị tôi, cả gia đình tôi ai cũng vậy. Nhìn vết thâm quầng nhẹ trên mắt hai người, tôi biết đêm qua có lẽ họ đã thức khá lâu.

- Chị ơi, bình tĩnh đi chị. Em đã ổn rồi, không sao nữa rồi, đừng khóc nữa chị yêu! Nếu không … em khóc theo đấy! – tôi trấn an chị mình bằng một nụ hôn nhẹ lên má và lấy tay còn lại lau nước mắt cho chị ấy.

- Bố ơi, mẹ đâu?

- Lan đưa mẹ về rồi. Mẹ cần nghỉ ngơi, mẹ con bị xúc động mạnh.

Tôi tái mặt.

- Mẹ có sao không?

- Không, mẹ đã ổn rồi, mai mẹ sẽ vào. Con cứ nghỉ ngơi đi, chỉ cần thấy con thế này là gia đình yên tâm lắm rồi. May mà chỉ bị thương một ít, còn giữ được mạng là điều đáng mừng rồi con trai.

- Con xin lỗi.

- Thôi, lỗi phải gì, lo dưỡng bệnh đi, về xử tội sau. – nói rồi ông cúi xuống xoa đầu tôi đầy trìu mến. Bỗng dưng tôi lại muốn khóc. Đáng ghét, tôi thật là đáng ghét, làm bao nhiêu người mình yêu quý phải lo lắng cho mình thế này, thật chẳng ra làm sao cả! Ôi, tôi hối hận quá!

- Cậu bé, vào đây đi. – ông vẫy gọi Huy, lúc ấy đang đứng lừng khừng ngoài cửa, và quay sang tôi. – Con nói chuyện với nó đi, nó thức trắng đêm chờ con tỉnh lại đấy! Nó còn kiếm thức ăn về cho mọi người và chính nó đã kêu bố lúc mẹ con bị xỉu vì lên cơn đau tim hồi hôm qua. Con phải cảm ơn nó đi. Thằng bé thế mà ngoan!

Chị tôi cũng buông tôi ra, nhưng còn kí đầu tôi một cái rõ đau rồi mới chịu đứng dậy. Tôi cười và nói nhỏ “cám ơn, em yêu chị”.

Chờ hai người thân của tôi ra hẳn bên ngoài rồi, Huy mới chậm chạp tiến lại gần tôi. Chúng tôi không ai nói với nhau câu nào, một phần vì em không mở lời trước, chỉ cúi gằm mặt, phần còn lại vì tôi cũng không biết phải nói gì. Phải mất gần 5’ sau tôi mới ngượng nghịu nói trước.

- Em … ngồi đi. – tiện tay tôi kéo chiếc ghế lại gần nhưng cũng không kềm được tiếng kêu nhỏ vì đau khi phải cử động thân người. Có lẽ lúc nãy vì quá xúc động nên tôi đã tạm thời quên nó đi.

- Để đó.. tự làm. – giọng em nghe lạ quá! Nó lạc hẳn đi. Tôi nghĩ ngay trong đầu là em đang, à không, sắp khóc.

Như có ma xui quỷ khiến, đầu óc tôi đờ hẳn đi, mọi thứ xung quanh như biến mất hết, mắt tôi chỉ tập trung vào một điểm duy nhất, đó là em. Và … không hiểu sao, giống như có một luồng cảm xúc không tên mãnh liệt dâng trào, tôi dùng cánh tay không bị thương của mình kéo em xuống. Lực kéo khá mạnh cộng thêm yếu tố bất ngờ khiến Huy té hẳn lên giường, tôi ôm chặt em bằng một tay còn lại ấy.

- Xin lỗi.

Mọi thứ như vỡ òa.

Huy níu chặt lấy tôi cố nén tiếng nấc. Nhìn em như vậy tôi không kềm chế nổi, tôi khóc không thành tiếng, thậm chí không thành nổi những giọt nước mắt. Tại sao, tại sao nhiều người yêu quý tôi đến thế kia chứ!? Tôi đã làm gì được cho họ mà lại khiến họ phải lo lắng, thậm chí phải rơi nước mắt vì tôi như thế chứ?! Tuấn ơi, mày là thằng ngu, ngu động trời!

- Em sợ … hức … em sợ anh sẽ không tỉnh lại … hức … Lúc nghe tin anh bị tai nạn... em muốn phát điên lên... - bàn tay em bấu mạnh vào lưng tôi tạo những vệt rát dài – em sợ lắm, đừng như vậy nữa. Em không muốn mất anh … một người thôi là quá đủ rồi... em … hức … hư … - em bỗng trở nên yếu đuối vô cùng, giống hệt một cô gái đang tuổi dậy thì dễ dâng trào cảm xúc.

Tôi càng siết chặt tay hơn. Tôi chưa từng nghĩ, chưa hề dám nghĩ rằng có một ngày mình lại được gần em đến thế này. Đó là ước mơ, là mong muốn thầm kín của tôi, dĩ nhiên, khi yêu ai mà chẳng muốn mình được kề bên người mình yêu chứ, nhưng trong tình cảnh “thương tích đầy mình” vậy … thì thật là khác xa với suy nghĩ của tôi nhiều quá, mà như vậy thì tôi không ham. Thà đứng nhìn em vui cười còn hơn được ôm em trong tay nhưng lại phải thấy em khóc.

Chúng tôi cứ ngồi yên như thế. Xung quanh không có ai, không có cái gì có thể xen vào giữa hai chúng tôi nữa. Cánh tay tôi mỏi nhừ nhưng tôi không buông em ra. Tôi sẽ giữ em đến khi nào em muốn tôi buông em ra thì thôi.

Huy buông một tay ra lau mắt. Tiếng nấc đã nhẹ hơn, khóc là một cách hay để giải tỏa nỗi buồn. Tôi giúp em gạt những giọt nước mắt đi. Vô tình lúc ấy em ngước lên và chúng tôi chạm mắt nhau. Ngay lập tức tôi bị cuốn vào đôi mắt dù đỏ nhưng vẫn rất đáng yêu ấy, tôi bị hút sâu vào đó … đầu óc tôi trống rỗng … tay tôi cử động như một con rối bị thứ gọi là “say đắm” giật dây … tôi cúi xuống … và tôi hôn em.

Rất nhẹ …

Rất ngọt ngào …

… Hạnh phúc …

Nhưng cũng rất nhanh chóng … Huy đẩy tôi ra.

- Anh xin lỗi. – tôi cười nhẹ, không phải vì buồn … mà có chút gì đó tiếc nuối. Tôi biết em vẫn chưa quen với việc này, có thể mọi thứ đối với em là quá nhanh, quá bất ngờ. Tôi hiểu, vì thế tôi chấp nhận.

Em không nói gì. Tôi tiếp lời.

- Xin lỗi vì đã làm em lo lắng, xin lỗi vì đã làm vậy với em. Nếu không thích em có thể quên hết đi, hãy xem như chưa có gì xảy ra cả nhé. Anh không muốn làm khó em. Và … cám ơn em, cám ơn vì tất cả.

Huy nhìn tôi, định mở miệng nói gì đó nhưng lại thôi. Tôi vẫn giữ nụ cười trên môi. Cảm xúc trong lòng tôi đang vô cùng nhẹ nhàng, chưa bao giờ tôi thấy thoải mái như lúc này.

- Hết giờ thăm bệnh rồi, ra đi. – tiếng bà y tá nào đó kêu chát chúa ngoài cửa. Huy vội nói nhanh câu chúc giữ sức khoẻ và quay đi, nhanh đến mức tôi không kịp nói tiếng cảm ơn.

Nghe tiếng cửa đóng lại, tôi liền ngả người xuống giường chìm ngay vào giấc ngủ.

Hình như tôi vẫn cười.

Chap 12 : Rắc rối

Hơn hai tháng trôi qua, tôi muốn chết mục xác trong bệnh viện với những vết thương đã lên sẹo từ đời thuở tám kiếp nào.

Thức ăn trong đây thật kinh khủng. Tôi gần như phải chờ dạ dày trống rỗng tới mức kêu réo ầm ỹ mới dám ăn vì những lúc như thế ăn cái gì cũng ngon. Tháng đầu tiên vì tay chân tôi chưa hoạt động được bình thường nên nhân viên ở đây mới cho người nhà mua cơm đem vào phòng tôi, nên nhân tiện thế mà họ đã thay cơm bệnh viện bằng cơm nhà cho tôi đỡ ngán. Nhưng thời gian gần đây, khi vết thương ở chân tôi đã chống nạng đi được thì không được ăn trong phòng nữa. Nghe thì vô lý nhưng bác sĩ bảo sao mình phải làm vậy thôi, cãi thế nào được.

Không chỉ thế, không khí bệnh viện làm tôi chán nản đến cùng cực. Cũng may là có quen được vài người ở đây để nói chuyện phiếm cho vui chứ nếu không tôi nghĩ mình sẽ phát rồ mất. Gia đình tôi cũng vào thăm thường xuyên, nhiều nhất là chị và mẹ, họ đến thăm tôi mỗi tuần một lần. Còn bố thì chỉ cần thấy con trai đi lại được là ông yên tâm nằm nhà xem TV rồi. Thế cũng tốt, ông già rồi không nên đi lại nhiều.

Chân tôi đã lành, để lại một vết sẹo dài tuy còn hơi đau. Bác sĩ bảo sau này không được chạy nhảy hoặc làm gì phải dùng cái chân bị thương quá mức, nếu không thì nó sẽ có nguy cơ bị tàn phế vĩnh viễn. Nghe xong mà tôi điếng hết cả người, thật kinh khủng! Còn tay thì khoảng một tháng nữa là tháo bột được rồi, cũng không được cử động mạnh. Nói chung bây giờ cơ thể tôi còn yếu hơn cả thằng nhóc lớp 1, đụng vào tí là đau, ghét thật, nhưng cũng đành chịu vậy chứ chả biết làm sao. Tôi chỉ cầu mong cho tháng cuối này trôi qua nhanh nhanh lên chút để tôi được xuất viện. Thiệt là chịu hết nổi rồi!

Huy hầu như không đến làm tôi nhớ em muốn cồn cào ruột gan. Cũng phải thôi, bây giờ đã là tháng 10 rồi còn gì, học sinh lớp 12 như em sẽ phải đâm đầu vào mà học. Anh Hoàng bảo đảm sẽ không để em “lông bông” đâu nên chắc chắn em sẽ bận bịu cực kì. Kinh nghiệm bản thân tôi khi thi tốt nghiệp và thi đại học cũng thế thôi. Vả lại, sau lần ấy em chỉ gửi một bức thư viết tay cẩu thả với vỏn vẹn 1 dòng bảo tôi giữ sức khỏe cho mau khỏi bệnh. Tôi nghe nói là em có đến, nhưng lúc ấy khá trễ nên y tá không cho vào, vả lại tôi cũng đã ngủ nên em mới nhờ gửi bức thư đó. Đáng thương cho tôi … nhưng mà thực sự nếu có gặp tôi cũng không biết mình sẽ phải đối mặt với em ra sao nữa. Cứ cười cười làm ra vẻ bình thường chắc là không nổi, mà ra vẻ ngại ngùng thì đôi bên sẽ khó nói chuyện, không chừng việc em đến mà không gặp cũng có mặt tốt của nó. Tôi đành phải tự dằn lòng và an ủi bản thân bằng cách đó để bớt nghĩ về em, mặc dù thâm tâm tôi luôn nhớ da diết mùi vị ngọt ngào ngắn ngủi của nụ hôn hôm ấy.

Cầu trời cho một tháng nó qua lẹ lẹ giùm đi, tôi chán lắm rồi ….!!!!!!!!!!!!!!!!!

Hôm nay tôi xuất viện.

Bố, mẹ, chị, anh rể và em Lan đều có mặt đông đủ. Mỗi người “giúp tôi một tay một chân” theo đúng nghĩa của nó làm mấy bà y tá và mấy ông bác sĩ không khỏi nhịn cười. Một là họ cười vì cách biểu lộ tình cảm thắm thiết của gia đình tôi, hai là họ cười vì đã tống cổ được một thằng bệnh nhân phiền nhiễu khi cứ suốt ngày “tám” đủ thứ trên trời dưới đất. Mà tôi nghĩ phần nhiều là nằm ở vế sau. Nói không ngoa chứ thời buổi này mà kiếm được bác sĩ thật tâm với bệnh nhân hơi bị khó. Không phải ai cũng thế nhưng những gì tôi chứng kiến từ lần Lan phải vào bệnh viện vì đau ruột thừa mà ấn tượng của tôi về ngành y Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Ai đời bệnh nhân đau sắp chết đến nơi mà mấy con mụ thu ngân cứ đủng đả đủng đỉnh viết sổ khám, giấy khám rồi còn quay sang hỏi là có tiền không mới điên chứ. Tôi còn nhớ lần đó tôi chửi rinh thiên địa hết cả cái bệnh viện lên nó mới chịu đưa em tôi vô cấp cứu. Điên thiệt là điên. Từ đó trở đi tôi đã thề sẽ không tin tưởng bất cứ cái bệnh viện nào nữa, trừ phi đến khám phải mang một cái ví thật dày. Ờ … nhưng cũng nhờ có mấy vị bác sĩ đó mà tôi còn ở đây càm ràm được, không nói tiếng cám ơn thật là không phải.

Tôi chào và nói lời cảm ơn chân thành với những người đã tận tình giúp đỡ, chia sẻ và chăm nom cho tôi trong suốt quãng thời gian ba tháng qua rồi lên taxi về nhà với gia đình. Suốt quãng đường về toàn là mẹ tôi nói liên miên, bà kể chuyện gia đình, nhà cửa bận rộn, chuyện chị tôi đưa bố mẹ đến thăm gia đình “sui gia tương lai” rất vui vẻ. Sau đó tới phiên Lan, em nhanh nhảu chìa cho tôi coi xấp giấy gì đó mà theo lời là kết quả kinh doanh trong ba tháng qua. Tôi chưa kịp cầm xem thì chị tôi đã giật lại, kí vào đầu con nhỏ một cái và mắng phải để yên cho tôi tịnh dưỡng đến khi khỏi hẳn mới được quan tâm đến mấy thứ ấy. Tôi bật cười khi thấy bố nhăn mặt vì ba người phụ nữa đang cự nhau vì những chuyện “nhảm nhí”. Nhưng có họ mới vui vẻ thế, chứ hai người đàn ông cộng thêm thằng cha tài xế râu ria xồm xoàm câm như hến thì lấy gì khuấy động không khí lên được.

Về đến nhà tôi mới biết mọi người mở tiệc. Đồ ăn thức uống tự nấu lấy, nhưng mà ngon hơn nhà hàng nhiều, lại rẻ nữa. Mẹ và chị nói cho tôi ăn dưỡng sức, bù cho những tháng ngày thiếu thốn kham khổ vừa qua. Tôi nghe mà vừa buồn cười vừa cảm động, gì mà “thiếu thốn kham khổ” nghe ghê vậy chớ, chỉ là đồ ăn ở đó nhạt miệng quá thôi, kệ, để bù lại sự nhiệt tình của mẹ yêu và chị yêu, tôi nhất định sẽ ăn hết mình đến khi nào nằm lăn quay ra không thở nổi nữa thì thôi. Cũng phải đáp trả lại lòng quan tâm của người khác với mình sao cho đáng chứ nhỉ!

Quất sạch láng bàn ăn xong là tôi nằm thẳng cẳng, tôm, cua, cá, gà, heo, mực, rau, lẩu, cơm … ôi, kể hết tất cả các món ra thì mất khối thì giờ. Không chỉ có món của mẹ và chị tôi làm không đâu, còn có những “cực phẩm” của ông-anh-rể-tương-lai được bày ra trên bày kèm theo lời khuyến mãi “mày ăn cho biết tài nghệ anh mày” của bà chị làm tôi “xúc động đậy” lắm lắm. Không hiểu ổng làm cái quỷ gì mà thịt mềm như cá, cá nhũn như rau. Cũng may là nó chỉ chiếm thiểu số và mấy món kia “cứu bồ” lại nên không đến nỗi tôi phải đi thăm Tào Tháo, dù sao tôi vô cùng cám ơn ổng vì đã thân chinh vào bếp nấu thức ăn cho thằng em rể, mặc dù tay nghề nấu nướng của ổng thì rõ ràng là phải học lại.

Nguyên ngày tôi bị bắt phải nghỉ ngơi toàn tập để dưỡng sức, và tôi cũng cố gạt hết mọi thứ khác ra khỏi đầu cho nhẹ người, chỉ ngày hôm nay thôi.

Mèn ơi, chuyện kinh doanh của tôi nó … THIỆT LÀ THÊ THẢM!!!!

Vô năm thì đành rằng sẽ bớt hẳn số lượng khách ra vào mua đĩa phim và ca nhạc rồi, vì chủ yếu những người coi chúng đều thuộc loại “khách nhí” và “khách hơi nhí” mà. Trời ơi, chắc mấy cha “khách sộp” vô không thấy cái mặt mo quen thuộc của tôi nên bỏ đi đây mà. Hèn chi cái cột “các loại khác” ( là cái gì thì khỏi phải giới thiệu ) trong xấp giấy ghi chi tiết tình hình buôn bán của cửa hàng chỉ có con số không tròn trĩnh duy nhất đến phát ghét, trong khi bình thường thì nó tới năm sáu số lận cơ. Quả nhiên … dù cô em yêu dấu có giỏi cách mấy thì cũng không thể nào giúp tôi ở cái khoản đó được, mà tôi làm sao có thể nói cho nó biết?! Lúc tôi đang lật tung đống giấy lên để xem xét lại cho kỹ thì Lan tới, nhìn em ái ngại xin lỗi tôi vì làm không tốt khi tôi nằm viện mà tôi vừa buồn cười vừa thấy thương em. Chẳng lỗi phải gì ở đây cả, em làm thế là quá tốt rồi. Tôi phải cám ơn em mới đúng chứ, sao em lại xin lỗi tôi.

Sau bao nhiêu lời thuyết phục, cả năn nỉ lẫn cáu kỉnh nạt nộ rồi lại xuống nước cầu hòa, tôi mới được mẹ và chị đồng ý cho quay lại làm việc. Tôi cũng lớn già đầu rồi chứ còn còn nít đâu mà canh kĩ thế không biết. Thôi, dù sao được đồng ý cũng là tin mừng rồi. Tôi phóng lên lầu mặc đồ đàng hoàng rồi dắt con xế yêu phóng đi ngay, coi như không nghe tiếng kêu chói lói của bà chị ở đằng sau vì lẽ ra tôi chưa được chạy xe trong khoảng thời gian này.

Tay bị thương vẫn còn khá đau nên tôi không thể chạy nhanh được, phải gần nửa tiếng sau tôi mới đến nơi. Dựng xe vào chỗ dành cho nhân viên, tôi cười và trả lời nhanh những câu hỏi xã giao của mấy anh chàng giữ xe thân thiện.

- Sao ông vắng lâu quá vậy? Ở đây tụi tôi không thấy ông đứa nào đứa nấy nhớ muốn chết luôn, không tay nào chịu làm cái cả. – nói đoạn họ cùng bật cười vỗ vai tôi.

- Mấy ông nhớ thần bài chớ nhớ gì tôi.

- Nói đùa thôi, ông bị cái gì mà biến mất bặt tăm luôn vậy?

- Có gì đâu, chút tai nạn nhỏ ấy mà. – “nhỏ” ư???!!!

- Chết, tai nạn hả? Vậy giờ ông sao rồi? – khuôn mặt họ mất hẳn vè đùa bỡn làm tôi phải trấn an ngay.

- Đừng căng thẳng thế mấy ông, mạng tôi còn lớn lắm, đi coi bói rồi, hơn 90 tuổi mới chết lận.

Ngay lập tức hai ba cánh tay đập lia lịa vào người tôi đau điếng.

- Nói bậy bạ, nói gở không à nghe, tụi tôi đập ông bây giờ.

Tôi cười cười rồi nói đi vào trong. Lan đang lúi húi chuyển đĩa từ hộp sang bịch nilon cho khách. Thấy tôi, cô em nở nụ cười thật tươi, giơ tay vẫy gọi. Tôi vào trong và ra hiệu cho mấy cô nương trong cửa hàng cứ tiếp tục làm việc vì coi bộ họ đang định cùng lao ra một lúc khi vừa thấy mặt tôi. Nếu chậm vài giây nữa dám tôi bị đè dẹp lép lắm à.

Mọi công việc diễn ra hoàn toàn bình thường, tôi quan sát cách mọi người làm việc và doanh số bán hàng qua những con chữ được Lan thao tác gọn gàng trên máy tính và cảm thấy hài lòng. Mọi thứ rất trật tự và ổn định như lúc có tôi, chắc mai mốt tôi giao luôn cái cửa hàng này cho em làm quản lý rồi nằm nhà hưởng sái là được rồi. Sau đó tôi vào phòng, dặn Lan là tôi phải làm việc để tránh không cho bất cứ ai làm phiền. Khi đã xong xuôi hết, tôi gọi điện cho chủ mối giao đĩa để hỏi thăm tình hình hàng hóa dạo này thế nào, tiện thể tôi đặt thêm một lô đĩa mới. Ông ta nói khoảng nửa tiếng nữa nhóc Thắng sẽ mang hàng đến cho tôi. Ba cái chuyện này thì nhanh, vì đều đã nhẵn mặt nhau hết cả, thậm chí không cần tôi nói ông ta đã biết nên làm gì rồi.

Trong lúc chờ cậu em tới tôi mở máy ra “làm việc chính”, truy cập vào những web của "giới thứ ba" để tìm phim mới. Quãng thời gian tôi phải bỏ ra trong bệnh viện thật là phí phạm, trong khi phim mới thì chỉ cần một tuần là có một phim. Hèn chi, nhìn vô cái list toàn hàng mới không, tôi mà đặt hết nhiêu đây dám thế nào cũng sạt nghiệp lắm à. Tiếc dễ sợ!

Mải mê lướt web, tôi không để ý đến giờ giấc. Tôi cứ bị vậy hoài, mỗi lần online là như bị hút hồn vào cái máy, không tài nào dứt ra được. Thế giới ảo có ma lực rất ghê gớm, coi vậy chứ không dễ xa nó đâu. Đang mê mẩn nghiên cứu xem nên lấy phim nào thì có tiếng gõ cửa, tôi vội lưu lại mấy trang web rồi tắt màn hình, sau đó ra mở cửa. Trước mặt tôi là Thắng, tóc vuốt keo dựng ngược trong bộ đồ đúng kiểu hiphop với dây xích và đầu lâu chồng chéo. Thấy tôi trố mắt, nó bật cười.

- Làm gì nhìn em ghê vậy?

- Em “trang hoàng” dữ dội ghê ta, sắp đi đâu à?

- Hề, anh tinh dễ sợ, đi gặp bồ.

- Bồ? Mặt mày mà có bồ?

- Chọc quê thằng em hả? Em không có thì anh cũng miễn đi nhá! – Thắng nhăn mặt, giơ giơ nắm đấm lên dọa tôi.

- Hahaha, anh đùa mày tí thôi. Phải giới thiệu cho anh đấy! – tôi đóng cửa phòng bước hẳn ra ngoài.

Thắng hạ hai cái bọc trên tay xuống và mở ra lục lọi. Tôi kiếm ghế cho cả hai rồi nhận từ tay nó vài chồng đĩa để kiểm duyệt. Đĩa nhiều và nội dung hay, rất đúng ý tôi, ông già ấy làm ăn cực kì uy tín dù ổng hơi khó chiều một chút. Ông ta thường xuyên cập nhật hàng mới, chất lượng lại tốt và giá rẻ nữa, đầu mối đĩa của thành phố mà lại, thật may khi là khách quen của ông ta.

Kiểm tra hết, tôi lựa ba chồng đĩa, khoảng chừng gần trăm cái với đầy đủ các thể loại rồi ra chỗ lấy chìa khóa mở tủ đưa luôn tiền cho Thắng. Thường thì tôi sẽ lái xe đưa trực tiếp cho ông chủ, nhưng vì tay đau, và cũng vì lười nên tôi chuyển tiền qua thằng nhóc này luôn cho tiện, dù sao cũng là người quen cả, cũng dễ nói với ông chủ thôi mà.

Nói chuyện phiếm thêm vài phút nữa Thắng chào tôi ra về. Thằng nhóc còn phải chạy show thêm vài cửa hàng nữa mới xong. Tôi quay lại với công việc đang làm dang dở của mình và chúi mũi vào nó quên cả thời gian. Bỗng nhiên tôi chợt nghĩ tới Huy và cảm thấy nỗi nhớ lại tăng lên. Hôm nay không phải là cuối tuần để tôi có thể nhấc máy và gọi em tới vì giờ này có lẽ em đang còn vùi đầu vào đống bài vở ở trường. Cái năm 12 học phải nói là “như đi tù” ấy tôi đã từng trải qua nên hiểu rất rõ cái cực khổ của nó. Tự nhiên thấy thương em quá chừng.

Chiều tối, Lan nằng nặc đòi chở tôi về vì không yên tâm để tôi đi một mình, dĩ nhiên là chở bằng xe của tôi vì con nhỏ ma lanh hôm nay đã đi xe buýt tới chỗ làm. Cái vẻ nhăn nhó phụng phịu dễ thương của cô em khiến tôi không khỏi phì cười và phải đồng ý mặc dù hơi khó chịu vì bị coi như đứa con nít, phải đưa đi đón về.

Loading disqus...