Ba ngày liên tiếp, mặc dù đã vắt cạn cả óc giáo viên ra mà suy nghĩ thế nhưng tôi vẫn chưa nghĩ được cách gì giúp anh cả. Đúng buổi chiều hôm đó thì anh đến nhà tôi với sắc mặt buồn rười rượi:
- Đến 20 tháng này anh xây dựng gia đình nên đến đây mời hai em và cháu đến uống rượu chia... chia buồn với anh.
Tôi điếng người như sét đánh ngang lưng, tròn mắt nhìn anh đầy kinh ngạc:
- Cái gì? Anh lấy vợ? Lấy ai? Sao lại lấy?
- Thì anh lấy cô Mai con ông Hùng ấy.
- Nhưng mà... nhưng mà chẳng phải... Trời ơi! Anh Hoàng! Sao... sao anh phải làm khổ mình như vậy?
- Còn cách nào nữa đâu hả Hải? Anh không chịu lấy vợ, bố anh giận anh bỏ ăn, bỏ uống rồi lâm bệnh nằm bẹp giường Hải à. Anh mua thuốc về năn nỉ thế nào ông cụ cũng không chịu uống, cứ nhất quyết nói để tao chết quách đi cho đỡ phải nhìn thấy thằng con bất hiếu như mày. Là con, anh không thể nhìn ông cụ mãi hành hạ mình như vậy nên anh đành phải chấp nhận thôi.
Nói rồi anh rút trong túi áo ra một chiếc thiệp mời màu trắng rồi đưa cho tôi. Tấm thiệp tự tay anh làm.
" Trân trọng thân mời em trai Lê Hải cùng em dâu và cháu!
Đến dự bữa cơm thân mật mừng hôn lễ của anh:
Phạm Nghĩa Hoàng
Nguyễn Ngọc Mai
Vào hồi 13 giờ ngày 19 tháng 12 và 8 giờ ngày 20 tháng 12 năm 2007 ( Tức ngày 15 và 16 tháng 11 năm Đinh Hợi )
Sự có mặt của em là niềm vui, niềm hạnh phúc duy nhất của anh trong lễ cưới đầy đau khổ.
Hân hạnh được đón tiếp!
Anh trai : Phạm Nghĩa Hoàng
Đọc những dòng chữ trên tấm thiệp mà không hiểu sao nước mắt tôi cứ tuôn trào không kiểm soát. Tôi ôm chặt lấy anh, cả hai anh em cùng khóc.
***********************************************************
Theo lời mời của anh, tôi đến dự hôn lễ của anh từ chiều hôm trước. Vừa đến nơi tôi đã thấy anh ngồi trước ngõ. Thấy tôi, anh lập tức đứng dậy kéo tôi vào. Nhìn mọi người đang tất bật với công nọ việc kia, kẻ mổ lợn, kẻ giết gà, người căng bạt, người dán phông dán chữ... tôi hỏi anh có cần tôi giúp gì không nhưng anh không trả lời mà kéo tay tôi chạy thẳng lên núi, bỏ mặc phía sau không khí nhộn nhịp tươi vui của buổi chiều dựng rạp.
Sau khi chọn được mô đất bằng phẳng, anh kéo tôi ngồi xuống. Ở chỗ này tôi và anh vừa có thể nói chuyện vừa có thể nhìn ra không gian xa xa bên kia núi.
- Anh Hoàng này, sao anh không để em ở nhà xem có công việc gì cần làm không mà kéo em lên đây làm gì thế?
- Công mới chả việc. Mặc xác bọn họ. - Anh nói với vẻ bất cần.
Tôi nhìn anh, động viên:
- Em hiểu tâm trạng anh bây giờ rất bức xúc và khó chịu. Nhưng dù sao lễ cưới vẫn là lễ cưới, một đời người cũng chỉ có được một lần mà thôi. Anh không nên buồn như vậy.
Anh mỉm cười:
- Nói cho cùng thì chỉ có Hải là hiểu cho anh thôi. Nói thật, nếu hôm nay mà là lễ cưới của anh với Hải thì anh mừng vui và hạnh phúc lắm chứ không buồn như thế này đâu.
Tôi trầm ngâm không nói gì. Anh mỉm cười chua chát:
- Hải có thấy ông trời đối xử bất công với anh không? Cùng là con trai, bọn bạn anh có vợ đẹp, con xinh, có gia đình hạnh phúc. Còn anh, ngay cả một cái hôn với người mình yêu cũng không bao giờ có được. Còn nhớ thằng Cường xóm bên nó què quặt lại ngố ngố đần đần ấy thế mà nó vẫn cưới được vợ, vẫn có được con. Còn anh, nhìn cũng không đến nỗi mà ngay cả quyền làm chồng, quyền làm cha cũng không có nổi.
- Em...
Tôi quả thật là không biết nói gì để an ủi, để động viên anh vào lúc này. Anh em tôi cứ ngồi trầm ngâm như thế mà nhìn ra không gian xa xa, mà nghĩ ngợi, mà buồn.
Xế chiều tôi và anh trở về dùng cỗ. Thấy anh ăn uống ngon lành nên tôi cũng yên tâm. Ăn xong, tôi xin phép ra về. Mặc dù anh đã cố nài nỉ tôi ở với anh đêm nay nhưng thật lòng mà nói tôi không thể cầm được lòng khi nhìn anh như vậy.
Sáng hôm sau tôi lại đến dự hôn lễ của anh. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy ngoài tôi ra thì anh không có bất cứ một người bạn nào hết. Hỏi thì anh cười:
- Anh chẳng mời ai cả. Đám cưới của anh có ra gì đâu mà mời ai. Huống hồ chúng nó đến mà cứ nói nói cười cười rồi chúc mừng chúc phúc thì anh điên ruột lắm.
Nói rồi anh kéo tôi vào phòng cưới của anh, sau đó đích thân anh bưng ra một mâm cỗ. Khi đã cài cửa thật chặt, anh ra hiệu cho tôi ngồi lên giường.
- Uả, chỉ có hai anh em mình thôi sao anh? - Tôi nhìn mâm cỗ ngạc nhiên.
- Ừ. - Anh cười - Hai anh em mình xơi một mâm cho nó đã. Hôm nay Hải phải ăn hết mâm cỗ này đấy không được bỏ sót một tý dấu nào đâu.
Tôi gật đầu:
- Vâng. Miễn là anh vui thì sao cũng được.
Mở nắp chai rượu, anh rót ra hai chén và nói:
- Chén thứ nhất Hải hãy chúc mừng anh vì anh đã lấy được vợ.
Tôi gật đầu rồi đưa chén rượu lên môi nhấp cạn. Anh lại rót tiếp hai chén đầy:
- Chén này mừng cho tình anh em hai chúng ta ngày càng thêm bền chặt.
Nói rồi anh ngửa cổ uống cạn một hơi. Tôi cũng vì anh mà uống hết.
- Chén thứ ba hãy chúc anh có đủ nghị lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đêm động phòng.
Anh lại uống. Tôi cũng uống theo.
- Chén thứ tư...
Lần này thì tôi đưa tay ngăn miệng chén lại.
- Đừng uống nữa anh! Bình thường anh có uống được nhiều rượu đâu cơ chứ?
- Mặc kệ anh! - Anh cười mà hai gò má đã trở lên đỏ ửng - Ngày vui của anh mà, hãy để cho anh uống.
- Nhưng anh uống say, tí nữa làm sao mà đi đón dâu được chứ?
- Thì anh say, tí nữa đi đón dâu anh lao vào ô tô, thế là anh chết. Càng không phải lấy vợ, càng tốt!
Tôi giận dữ:
- Anh đừng có ăn nói linh tinh. Anh mà cứ uống nữa là em đứng dậy em về đấy.
Anh phì cười:
- Thôi, anh đùa thôi mà, làm gì mà giận thế? Được! Được! Không uống thì không uống. Nào! Anh em mình chén thôi!
Tôi nhìn anh mà chỉ muốn rơi nước mắt. Đám cưới mà như thế này sao? Đám cưới mà chú rể chỉ muốn uống thật say để phó mặc số phận cho tất cả. Đám cưới mà chú rể lại ao ước được lao vào ô tô để khỏi phải đón dâu về. Có đám cưới nào như đám cưới anh trai tôi thế này không chứ?
Dùng cỗ xong anh kéo tôi ra góc sân rồi chỉ tay về phía mấy người trung niên đang uống rượu, phẫn uất nói:
- Hải xem, bọn họ được ăn nên cười nói vui quá nhỉ? Không biết có chuyện gì đáng vui mà cười lắm thế không biết? Họ chỉ biết ăn cho sướng cái miệng họ còn bao nhiêu tội vạ bắt một mình anh gánh hết. Chẳng lẽ anh lại ra mắng cho một trận.
Tôi nhẹ nhàng:
- Kìa anh, bọn họ đến ăn cỗ là đều mất tiền cả đấy.
- Nhưng... nhưng cứ nhìn thấy họ cười trên nỗi đau của người khác là anh không sao chịu được.
Tôi thở dài buồn bã rồi rút trong túi ra chiếc phong bì ấn vào tay anh.
- Anh Hoàng, anh cầm lấy...
- Hải, Hải làm cái gì vậy? - Anh gần như nổi giận với tôi.
- Em... em mừng... - Tôi quả thật không biết mình có nên dùng chữ " mừng " trong hoàn cảnh này hay không nữa.
- Hải mau cất phong bì đi! Hải làm thế là anh giận đó. Đám cưới của anh chẳng có gì đáng mừng mà Hải phải mừng tiền cho anh cả.
- Nhưng mà...
- Không nhưng gì hết. Chẳng lẽ anh lại không thể đãi Hải một bữa cỗ hay sao? Hải mau cất đi!
- Anh Hoàng, anh nghe em nói này. Ngày xưa khi đám cưới em, em vẫn nhận tiền mừng của anh đấy thôi. Hôm nay anh phải nhận lại cho em thì em mới không áy náy.
- Hải không thể nói như thế được. Ngày xưa đám cưới Hải là chuyện mừng còn nay đám cưới anh chẳng có gì đáng mừng hết. Hải biết đấy, trong cả cái đám cưới này đâu có ai hiểu được cho anh như Hải? Vì vậy Hải hiểu cho anh, đến chia buồn, động viên anh là anh mừng vui lắm rồi. Số tiền này Hải hãy cất đi nếu Hải còn muốn anh có chút vui vẻ trong ngày cưới.
Anh Hoàng đã nói vậy thì tôi cũng chẳng biết từ chối câu gì. Tôi đành gật đầu và nói:
- Thôi được. Vậy thì số tiền này anh tạm cất đi, mai mốt anh em mình dùng nó đi uống bia được không anh?
Anh mỉm cười vỗ vai tôi một cách hài lòng:
- Phải thế chứ! Em quả không hổ là em trai của anh.
Hơn một giờ chiều lễ thành hôn của anh Hoàng, chị Mai chính thức bắt đầu. Cũng những lời dẫn chương trình chuyên nghiệp, cũng những bản nhạc cực kì sôi động, cũng những giọng ca của các ca sĩ không chuyên như bao đám cưới bình thường khác, chỉ có điều nét mặt chú rể đầy lo âu và buồn rười rượi.