Part IIISILVER RINGS
Silver rings. 1
- Anh bảo em còn bình tĩnh được hay sao? Hồng thì thế này, còn thằng Tử thì không biết đã đi đâu. Anh nói em phải làm sao đây?
- Có riêng mình em đâu? Anh cũng lo cho cả hai đứa nó mà.
- Vậy sao lúc đó anh không giữ thằng Tử lại? Giờ nó ra ngoài có làm sao thì ...
- Anh có lý do để kệ mặc nó. Em nín đi đã nào.
Tôi lơ mơ mở mắt. Xung quanh tối om. Rõ ràng là tôi đã nghe tiếng của bố mẹ cơ mà. Tôi đang ở đâu đây? Tôi đã bị sóng đẩy đi một đoạn rất xa bờ, uống một bụng nước biển và quẫy đến rã cả người. Đúng rồi. Tôi còn thấy vị mặn trong miệng mình. Sóng biển đập ào ạt khiến tai tôi ù nặng. Nhưng mà khoan đã, tôi mở bừng mắt, đó là chuyện hồi tôi 10 tuổi cơ mà!
Tôi ngồi phắt dậy, bỗng thấy trước mặt tối sầm và ngã phịch xuống.
- Hồng! Hồng! Mẹ tôi ở gần ngay tôi, bà la lên khi thấy tôi dậy.
- Mày khỏe ghê đấy con ạ. Bố tôi cũng đang đứng cạnh tôi, đột nhiên ông tới sát mắt tôi và hỏi. Biết ai đây không?
- Bố. Tôi đáp.
- Còn đây là ai? Bố chỉ sang mẹ.
- Là vợ của bố. Cả thế giới đều biết năm 21 tuổi bà ấy đã đẻ cho bố 2 thằng cu.
- Giỏi!
Bố tôi có lẽ theo thói quen bạt tai tôi một cái. Nhưng cái bạt tai ấy làm tôi đau dữ dội, như thể nó quét qua những chỗ nứt trên đầu tôi vậy.
- Anh làm con nó đau đấy!
- Ây sao không con?
- Thôi tránh ra nào! Có một bác sĩ tới đẩy bố mẹ tôi ra. Anh chị đúng là đôi vợ chồng ồn ào nhất tôi từng thấy! Nào, ông ta nhìn tôi chăm chú, có đau không cháu?
Tôi gật đầu.
- Hiện tại cháu chưa ngồi dậy được đâu. Đừng có hùng hổ chiến đấu sớm như thế. Cháu có thấy trí nhớ của cháu làm sao không?
Tôi băn khoăn một lúc rồi lắc đầu.
- Cháu vừa nhớ lại một chuyện năm 10 tuổi. Chắc chẳng sao đâu bác ạ. Đầu cháu vốn cứng mà, nhưng chắc là cái bình bị vỡ rồi, mẹ nhỉ, tôi quay sang cười với mẹ.
- Thằng này! Lúc nào mà mày còn đùa với mẹ? Bà mỉm cười.
- Thôi cháu nó tỉnh lại là tốt rồi. Nhưng còn lâu mới ra viện được. Anh chị thôi chòng ghẹo nhau mà chăm cho cháu nó đi.
- Bọn tôi có chòng nhau đâu? Bố tôi phồng má lên với ông bác sĩ và bị ông quắc mắt lừ một cái.
Sau một lúc tôi bắt đầu thấy cơn đau rõ ràng hơn, ở phần trán trên mắt phải, chỗ Tử đã đập vỡ cái bình hoa thủy tinh. Ồ may mà nó làm bằng thủy tinh, không thì chắc đầu tôi cũng sẽ méo méo một ít. Mẹ tôi nói tôi bị rạn xương một tí, bị mất máu và đã nằm li bì suốt hơn hai ngày. Bà đã khóc đến sưng cả mắt, tôi thấy. Còn bố cũng thâm quầng hai mắt lên rồi. Chắc bố mẹ đã lo cho tôi rất nhiều, y như hồi tôi suýt chết đuối. Tôi tỉnh dậy, thấy mẹ cũng sưng đỏ mắt, bố cũng tái nhợt và, Tử khóc thút thít. Tôi khẽ thở dài.
- Tử đâu hả bố? Tôi hỏi khi mẹ đã ra ngoài mua gì đó cho tôi ăn.
- Nó đi từ đêm hôm đó rồi.
- Sao? Tôi hỏi dồn. Bố không đi tìm nó đi! Nhỡ nó làm sao thì sao?
- Bọn mày cũng đã đủ lớn rồi. Bố xoa đầu tôi. Có những chuyện bố mẹ không nên can thiệp sâu nữa. Đã đến lúc mà chúng mày cần yên tĩnh để suy nghĩ hơn là sự can ngăn của bố mẹ.
- Con chỉ sợ Tử đi đâu thôi, nó ăn gì, ngủ ở đâu, biết đâu lại gặp tai nạn...
- Mày lo xa còn hơn mẹ mày rồi đấy. Bố chép miệng. Bố tin là mười mấy năm nuôi dạy hai đứa mày, bố không làm sai. Vì vậy bố cũng tin việc bố để yên cho Tử sẽ có lợi hơn là có hại.
- Nhưng nhỡ Tử không đem tiền đi...
- Nó chẳng mang xu nào đi cả. Xe cũng không, điện thoại cũng không.
- Vậy mà bố bình thản thế sao? Nó làm sao mà sống được?
- Hồng, yên nghe bố nói này, bố thà ra ngoài đường nhặt về một thằng Tử suýt chết đói nhưng đã hối cải, còn hơn là nuôi ăn học một thằng không biết việc mình làm là đúng hay sai. Một khi nó hiểu thấu được những gì nó đã làm, nó sẽ tự khắc trở về. Chuyện lần này của hai đứa mày, tuy bố chưa hiểu ra làm sao, nhưng cũng là chuyện không tránh được. Đây sẽ là một bài học cho cả hai đứa mày. Thôi, cứ từ từ mà ngấm, đừng có làm mỏi óc mày để lão già kia lại mắng bố.
Đúng lúc ấy thì mẹ tôi về. Bà để lên bàn cơ man nào là những thứ mà một bà mẹ tin là con mình sẽ ăn được và tát tay bố tôi liền mấy cái khi ông mon men sờ vào túi quà bánh ấy.
- Để cho con nó ăn. Anh đói thì thì ra ngoài kia mà ăn.
- Em bất công thật đấy!
- Ồn ào!
Tôi cầm lấy hộp sữa của mẹ, tự nhiên nhớ tới Tử . Chúng tôi vẫn tranh giành quyết liệt trước những túi đồ ăn này của mẹ. Nhưng bây giờ, hộp sữa từ tay mẹ chuyển đến tay tôi, không có ai nữa giành giật lấy, lại khiến tôi thấy trống trải. Bất giác tôi chảy nước mắt.
- Con đau ở đâu à? Mẹ tôi hỏi.
- Con chỉ...Tôi lấy tay che đi đôi mắt. Không có Tử...
- Thôi nào. Con mới là người cần ăn uống lúc này mà...
Tôi bỏ tay khi thấy mẹ ngừng lời, và thấy bà cũng đã rơi dài nước mắt.
- Hai mẹ con cảm động quá nhỉ. Sữa hãng nào đây mà gây hiệu ứng quảng cáo mãnh liệt thế này?
Bố tôi vỗ vai mẹ, và lau nước mắt đi hộ bà. Tôi cũng cố gắng mỉm cười. Tôi cũng phải tin vào bố. Nhất định những gì ông nói là đúng. Tuy trước nay, những chuyện ông lừa gạt chúng tôi không ít. Nhưng cũng hiếm khi, tôi thấy ông nghiêm nghị như khi ông xoa đầu tôi ban nãy.
Lúc tôi tỉnh là vào khoảng giữa sáng. Thì đến chiều một lũ bạn bè tôi đã có mặt, cùng với cô chủ nhiệm của bọn tôi. Bọn chúng làm náo loạn ngoài hành lang và bị đuổi đi không thương tiếc. Cuối cùng chỉ có Linh và cô chủ nhiệm vào với tôi.
- Trông em vẫn tươi tỉnh quá nhỉ. Cô giáo tôi mỉm cười. Ngã kiểu gì mà xây xát cả người thế này?
- Ngã ấy ạ? Tôi ngạc nhiên trước khi ngớ ra đó chắc chắn là bố bịa ra, để không làm lộ chuyện anh em tôi đánh nhau. À vâng! Đúng là ngã đấy ạ! Em đã lăn qua bên này và bên kia.
- Ủa! Sao bố em bảo em ngã cầu thang?
- À đúng đấy ạ! Em đã lăn từ bên này qua bên kia mấy bậc cầu thang.
- Hừ! Đi đứng chẳng cẩn thận gì cả! Thế có đau lắm không?
- Cũng hơi hơi. Ây cô đừng đụng vào ạ. Em đau thật đấy!
- Lạ nhỉ! Cô giáo tôi cười tươi. Thế mà cô tưởng em lại như lần trước, lầm lầm lì lì. Ai dè ngã đau mà vẫn tếu táo thế đấy!
Tôi gượng cười khi bỗng chốc hình ảnh của Tử lại hiện ra trước mắt tôi.
- Gớm năm nay em gặp hạn rồi đấy. Bảo bố mẹ đi cúng giải hạn đi. Vừa đầu năm bị ốm, giờ lại bị ngã nặng như vậy.
- Vâng chắc rồi ạ!
- Cái thằng này! Không có em lớp cũng buồn hẳn. Thôi cố mà tĩnh dưỡng cho khỏe lại. Để cô ra cho bạn khác vào.
- Vâng. Em cảm ơn cô.
Cô xoa đầu tôi rồi mới ra ngoài nói chuyện với bố mẹ tôi.
- Ông hay thật đấy. Linh tròn mắt nhìn tôi.
- Sao mà hay?
- Thì như cô nói đó. Lần trước tôi cứ tưởng ông ốm phát nào là sẽ lạnh như một tảng băng. Đâu dè vẫn sung thế này cơ.
- Ốm khác, bị thương khác chứ.
- Lại còn phân biệt! Mà ông đi đứng cái kiểu quái gì thế?
- Trông mày y như là vừa mới quật nhau với thằng nào đấy ra hồn ấy.
Thằng Phúc bước vào thay cô giáo tôi và roi rói vứt cho tôi quyển Conan mới cóng.
- Nhớ không? Hôm mày khoe tao điện thoại ấy, tao đã bảo là có Conan mới mà.
- À đúng rồi. Tôi cười. Bọn mày không bắt tao rửa điện thoại nữa chứ?
- Việc gì đi việc ấy chứ lại. Mày cứ ra khỏi bệnh viện đi. Rồi chỉ cần một buổi PS2 thôi. Nó nháy mắt.
- Thôi luôn cha nội!
- Ủa chứ mày ngã cầu thang thật hả?
- Ừ.
Thằng Phúc cười khẩy với tôi. Thôi với mấy thằng con trai thì kiểu sưng tấy cả mặt lên thì đã đồng nghĩa với đánh nhau rồi.
- Thằng ấy khá phết nhỉ. Hay là mày để nó đánh đấy?
- Sao lại đánh nhau ở đây? Linh ngạc nhiên, rồi nhìn tôi chằm chằm. Mà phải! Sao ngã cầu thang mà ông tấy cả mặt lên như thế?
- Bà chẳng hiểu gì cả! Tôi bặm môi trừng mắt với Phúc rồi mới cười với Linh. Tôi đã đập mặt vào cầu thang thế này này!
- Thế cái cầu thang nhà ông cũng lạ thật đấy.
- Nó có hình nắm đấm mà. Tôi cười.
Linh rõ ràng là đã bán tín bán nghi. Kiểu gì lát nữa nó cũng hỏi thằng Phúc cho ra lẽ. Thôi kệ. Miễn không ai hỏi tôi về Tử là được rồi. Còn chuyện một thằng con trai đánh nhau đến vào viện thì cũng chẳng phải quá lạ, chuyện thường ngày ấy mà.
Tôi nói chuyện tầm phào với bọn nó một lúc lâu, cả một vài đứa sau đó. Lũ con gái chỉ ngập ngừng hỏi thăm, bọn con trai thì cứ vỗ đầu vỗ vai làm tôi đau thôi rồi. Nhưng nhờ bọn nó mà tôi nhẹ nhõm phần nào khi không có mặt Tử. Linh nói rằng Thủy phải đi tập huấn công tác Đoàn, nên không thể đến thăm tôi. Nói thật, tôi thấy nhẹ cả lòng. Chứ giờ tôi chẳng làm sao có tâm trí chiều nó nữa.
- Hồng! Còn một bạn này! Bố tôi gọi với vào, tôi nghe rõ tiếng ông lẩm bẩm. Ồ con bé này mình gặp ở đâu rồi nhỉ.
- Trà! Tôi suýt đã la lên khi thấy cô. Sao cô biết tôi ở đây?
- Hôm qua bố ông đến xin phép cho Tử Anh, cô tới gần giường tôi. Tôi hỏi "Có phải Tử Anh với Hồng Anh làm sao không". Thế là bố ông nói ra cả. Xem ra hai ông đánh nhau thật tình đấy nhỉ.
- Ừ. Tôi thở dài. Vậy ra Tử cũng không đến lớp à?
- Đúng là hai ông có chuyện thật. Hôm bà Ngọc hỏi tôi "Tử Anh có đến lớp không" tôi đã hơi nghi nghi.
- Nó bỏ đi rồi.
- Tôi biết. Đêm hôm kia tôi có gặp.
- Ở đâu? Tôi vội hỏi.
- Hắn ngồi trong cái vườn hoa trước cửa nhà tôi. Tôi cũng không buồn hỏi. Sáng hôm sau thì đã không thấy ở đấy nữa. Nhà tôi có lẽ cũng không xa nhà ông lắm. Trận bóng rổ cũng bị hủy rồi. Phí thật. Tí nữa thì cả lớp tôi sẽ biết Tử còn một thằng anh em sinh đôi, mà còn hơn hắn gấp mấy lần.
- Đừng nói tôi thế, tôi có là cái gì đâu.
- Lúc nghe Tử bỏ nhà đi, tôi chẳng có cảm giác gì. Nhưng khi nghe ông bị thương thì tôi nóng ruột không thể ở nhà được. Vì sao nhỉ? Trà tủm tỉm cười.
- Bà cứ ác cảm với Tử thôi.
- Tôi lại nghĩ khác đấy.
Trà lại cười và nhìn ra cửa sổ. Không hiểu sao tôi cứ nhìn cô, và đỏ bừng mặt khi cô quay sang hỏi "Sao vậy?". Trà thực sự có chỗ rất khác người, khác hẳn với những đứa con gái khác tôi quen.
Tôi ậm ừ với câu hỏi thăm của mẹ, trước khi thấy mắt mình nặng trĩu vì liều thuôc, và tôi ngủ vùi đi. Nằm viện, cũng đâu đến nỗi nào nhỉ. Nhưng Tử, nó đang ở đâu đây? Đêm tháng tư, vẫn lạnh lẽo, trầm mặc. Nếu ở ngoài đường, chắc chắn còn lạnh lẽo hơn nữa.
Tôi quả thực không hiểu sao Tử lại có thái độ gay gắt đến thế. Có lẽ khi nó trở về, tôi phải làm cho ra nhẽ. Mà cũng không đến lượt tôi. Chắc chắn bố tôi sẽ làm điều ấy trước.
Silver rings. 2
- Hồng Anh khỏe. Có thể nói là thế. Tôi nghe cậu ta nói là sẽ phải ở viện một thời gian.
- Nó có đau lắm không?
- Chắc rồi. Cả buổi cậu ta nằm đơ trên giường. Với một người như cậu ta, nằm im được như thế là có chuyện rồi.
- Phải rồi, tôi cúi đầu cười, nó có bao giờ chịu ở yên một chỗ đâu.
- Bây giờ thì ông có thể yên tâm rồi đấy.
- Cô không còn điều gì khác nói với tôi hay sao?
- Không. Ông đã đối xử với Huyền thế nào, bây giờ, ông phải nhận lại như thế. Thuyết nhân quả đấy.
- Vậy tôi hỏi bà một điều cuối cùng thôi. Bà đến gần Hồng, không phải để trả thù tôi đấy chứ?
- Không. Chuyện của ông một mình ông gánh. Tôi không việc gì phải lôi kéo thêm Hồng Anh vào.
- Thế thì tốt.
- Tạm biệt.
Trà bỏ đi. Tôi cũng không cần phải ở đây thêm nữa. Hồng vẫn sống. Thế đã là đủ. Ít ra, tôi cũng có thể chết đi an lòng.
Trời đã tối mịt. Nhiều gia đình đã đóng cửa và quây quần với nhau. Tôi cũng nhớ gia đình tôi với khung cảnh như thế. Bố và mẹ cãi cọ trong bếp. Hồng xem tivi còn tôi vọc Devil May Cry. Chúng tôi sẽ ngồi ăn, với những câu chuyện huyên thuyên không ngớt của cả ba bố con. Mỗi bữa ăn của nhà tôi vì thế thường kéo dài cả tiếng. Nhưng đấy là những lúc đông đủ. Đôi khi mẹ tôi đi công tác, ba bố con tôi tuy vẫn vui vẻ với nhau nhưng thường kết thúc bữa ăn rất nhanh. Những khi vắng bố hoặc Hồng thì bữa cơm còn ảm đạm hơn. Không ai nói chuyện với ai, chỉ muốn nhanh chóng được làm gì đó liên lạc với người còn lại. Mẹ tôi bình thường rất chi ly tiền bạc, nhưng bà đã có lần nấu cháo điện thoại gần ba tiếng đồng hồ chỉ để nói chuyện với bố đang đi ngoại khóa cùng lũ trẻ con tiểu học.
Kể ra thì, ngoài việc bố mẹ tôi lấy nhau khi còn quá trẻ thì gia đình tôi luôn được xem là hạnh phúc. Tuy tôi có phần ngỗ ngược trong nhiều chuyện, nhưng riêng với gia đình tôi luôn muốn ôn hòa. Vì với tôi, nụ cười của bố mẹ, và Hồng nữa, có vị trí rất quan trọng.
Phải qua mấy hôm nay tôi mới nhận ra điều ấy. Tôi thấy mình bơ vơ và lạc lõng khi không có gia đình bên cạnh. Ngôi nhà và căn phòng. Những bức ảnh. Quả bóng rổ tôi vẫn vứt quăng trong giỏ xe đạp. Cái sim điện thoại bố tìm mãi mới mua được cho, tôi còn chưa kịp nói với chị. Cô Ngọc làm tôi nhớ đến chị, và hình như tôi luôn nghĩ rằng chị đã đến với tôi một lần nữa. Nhưng một lần nữa tôi lại để chị ra đi. Dường như cô rất hạnh phúc khi được ở bên người đàn ông kia. Vậy thì tôi cũng cầu chúc cho cô được toại nguyện.
Tôi còn rất nhiều việc chưa kịp làm. Tôi chưa chơi xong Devil May Cry 4, chưa đấu một trận bóng rổ nào ra hồn, chưa kịp đọc quyển Conan mới nhất, và chưa được gặp gia đình tôi một lần cuối cùng. Nhưng tôi còn mặt mũi nào mà gặp họ nữa? Trong mắt họ, tôi đã là một đứa con vứt đi, một đứa con bỏ đi. Có lẽ, Hồng mới là người duy nhất nên sinh ra. Còn tôi, tôi lẽ ra phải thấy hạnh phúc khi được sinh ra cùng với nó. Lẽ ra tôi phải hiểu điều ấy.
"Các con không chỉ là anh em. Các con là anh em sinh đôi. Chúa biết các con sẽ gặp khó khăn khi một mình chống chọi với cuộc đời, nên đã ban cho một người bạn đồng hành, một người anh em sinh tử nữa, người mà bất cứ lúc nào các con cũng có thể chia sẻ cùng, người không bao giờ xa lạ với các con."
Tôi tình cờ nhìn vào gương chiếu hậu của một ô tô đỗ gần đó, nhận ra gương mặt thất thần của minh. Tôi cố mỉm cười với nó, một nụ cười thật tươi, như khi tôi ở bên Hồng.
- Hồng này ... Tao xin lỗi mày ... Vì mọi thứ. Mày luôn là, thằng em tốt nhất mà tao từng có ... Hãy chăm sóc bố mẹ ... Đừng làm bố mẹ khóc ... Tao sẽ nhớ mày lắm ...
Tôi thấy mắt mình đã đỏ hoe và nước mắt lăn dài trên gương mặt. Chắc chắn Hồng cũng sẽ có gương mặt như thế nếu như biết tin về tôi. Nó là thằng mít ướt. Nó có thể khóc chỉ vì bố tôi cắt tiết một con gà. Tôi mới đê tiện và hèn hạ làm sao. Sao tôi có thể có những suy nghĩ đốn mạt về Hồng, trong khi tôi mới đúng là kẻ bị phỉ nhổ như thế. Tại sao Hồng chưa bao giờ tức giận với tôi một câu? Chỉ một câu thôi. Tôi cũng có thể thấy mình còn một điều đúng trên đời này.
Tôi giật mình khi thấy có giọt nước rơi vào mặt mình. Bầu trời lóe lên vài tia chớp. Rồi đổ mưa. Mưa tháng tư, mưa mùa hạ, nhanh đến mức kinh ngạc. Cơn mưa rào đã đổ ụp xuống đầu tôi. Những bóng người tất tả tìm đến áo mưa hoặc những chỗ trú mưa. Sấm nổ ầm ào, cơn mưa đổ xuống đất át đi cả những tiếng xe cộ đang đi. Chỉ có tiếng mưa gõ xuống đất liên hồi, với tiếng nổ lép bép của những giọt nước. Bình thường, tôi sẽ chạy thật nhanh, như đúng bản năng của con người. Nhưng lúc này bước chân tôi chỉ như nặng nề hơn. Mưa đập vào mặt tôi té tát, như dội cuộc sống mùa hè này vào đầu tôi, với những kí ức và tiếng cười khi tôi ở bên Hồng. Chúng tôi sinh vào giữa mùa hè, một ngày tháng năm. Lần nào làm sinh nhật, ngôi nhà tôi cũng ồn ào và náo nhiệt, bất kể có khách hay không. Và lần nào nhà tôi cũng ăn mắng từ những gia đình xung quanh. Vì tôi và Hồng sinh vào hai ngày, nên bữa tiệc sinh nhật truyền thống cũng luôn bắt đầu từ 11h đêm hôm trước, giờ mà bố bảo là mẹ tôi bắt đầu tát ông vô cớ và la toáng lên bắt ông đưa đi viện. Bữa tiệc thường kết thúc vào 1 giờ sáng hôm sau, cũng với mốc mà bố tôi bào là ông suýt ngất khi biết mình cùng lúc có hai thằng con trai.
Tôi tiếc rằng chưa bao giờ tôi nói với bố mẹ tôi rằng tôi ngưỡng mộ họ đến thế nào, rằng tôi yêu thương họ đến thế nào. Tôi có một gia đình tuyệt đến thế nào. Vậy mà tôi đang tâm ruồng bỏ nó. Khó khăn thế nào tôi mới thành một con người, vậy mà tôi sẵn sàng ném bỏ tất cả để tự cho phép mình được hư hỏng và buông thả mọi thứ.
Nước mưa rơi vào miệng tôi mặn chát. Cơn mưa đầu mùa dữ dội, còn vương cả những vẩn đục của bầu trời suốt mùa đông, với cái lạnh mà chỉ một đêm mưa tháng tư mới có, cái lạnh không như mùa đông, nhưng lại tái hơn mùa đông khi con người đang quen với không khí oi bức ban trưa.
Nếu được chọn một cái chết, tôi thích cảnh rơi từ đỉnh một thác nước xuống như Vergil trong Devil May Cry 3, dẫu biết rằng anh ta sau đó vẫn sống. Đối với tôi, cách chết ấy cũng như là mình tự đâm xuống địa ngục, không cần lời chào nào. Ít ra, cũng không thấy nuối tiếc. Nhưng ở Hà Nội thì lấy đâu ra một thác nước? Tôi lại chẳng muốn chết dưới sông Hồng. Từ sau vụ hồi 10 tuổi, tôi đâm sợ sông nước. Có một lần lớp tôi đi ngoại khóa ở Tam Cốc Bích Động, tôi đã thà ngồi trên bờ suốt buổi sáng còn hơn leo lên thuyền.
Và lại, Trà muốn tôi phải trả giá cho việc của Huyền, khi tôi làm cô cắt mạch cổ tay tự vẫn. Trà giúp tôi đi hỏi thăm Hồng, thay vào đó, tôi phải chết bằng chính con dao đã suýt nữa giết Huyền. Cô ta còn nhắn tôi phải cắt lên tay trái, và phải cắt một nhát sâu. Kì thực, khi lưỡi dao sắc lạnh ấy đè lên da thịt, tôi đã muốn dừng lại. Hơn hai ngày rồi tôi lang bạt, không ăn không ngủ. Có lẽ chẳng cần làm thế này, ngày mai tôi cũng sẽ chết. Tôi chẳng còn chút sức lực nào mà cầm cự nổi nữa. Những ân hận đè nát trong lòng, càng làm tôi không sao gượng dậy nổi.
Cơn mưa chưa dứt. Tôi ngửa mặt lên, nhìn những tia nước chọc thẳng xuống từ trên trời, đâm vào mặt mình. Tôi đang sợ, tôi không thể giấu diếm điều ấy. Có ai trên đời không sợ đau đớn? Tôi có thể nhịn đói, ít ra, sau khi cơn đói rộn rạo một lúc, nó sẽ tự nguôi đi. Nhưng đau đớn thì không.
Hồng chắc chắn rằng cũng đang rất đau. Tôi đã đập vỡ bình hoa vào đầu nó. Nó ngã xuống, be bét máu. Có lẽ giờ này nó đang rên rỉ ở bệnh viện. Và tự hỏi, tại sao tôi lại làm thế với nó.
Tôi đặt thẳng lưỡi dao lên, nhắm nghiền mắt. Tôi cố gắng thở một cách đều đặn, cho dù tiếng mưa đang đập loạn bên tai mình.
Nếu thực sự có luân hồi, tôi không hề mong mình được sinh ra một lần nữa.
Tôi nhấc con dao lên, cắt mạnh nó xuống. Vết cắt sắc ngọt, đến mức tôi không hề nghĩ nó đã chạm đến tận xương. Tôi quẳng con dao đi, dựa đầu vào chiếc ghế đá.
"Tất cả kết thúc rồi. Mày đã làm xong điều cuối cùng mà người ta cần ở mày."
Tôi không có cảm giác đau ngay lúc đó. Nhưng chỉ một lúc sau, khi máu đã làm ấm bàn tay lạnh ngắt của tôi, tôi mới thấy cơn đau khủng khiếp ấy trỗi lên. Tim tôi đập dồn dập, mọi thứ mờ nhạt, kể cả những giọt nước mưa. Âm thanh như trôi đi rất xa. Tôi ngã hẳn ra. Tử, mọi thứ sẽ sớm chấm dứt. Cơn đau này là cơn đau cuối cùng mày phải chịu đựng.
"Đêm nay mày không khóc, không cô đơn. Đã có mùa hè đến đưa tiễn mày, với người bạn của nó là cơn mưa. Chính nó đem mày đến cuộc đời này. Cũng chính nó tiễn mày đi."
"Cứ khóc đi Tử. Nước mưa sẽ xóa đi giọt nước mắt trên gương mặt mày. Cái chết sẽ nhẹ nhàng và ung dung."
"...Tao chắc chắn sẽ rất nhớ mày..."
Tiếng mưa như đang vọng lại từ một nơi xa, rất xa.