Không thuộc về một con đường Trang 9

- Kìa Dương! Con định làm mất mặt bố mẹ đấy à?
- Việc này bố mẹ sắp đặt. Bố mẹ đi mà làm. Con ăn uống xong rồi! Giờ con về!
- Con ... Bố hắn như sắp tức điên lên được.
- Thôi anh! Nếu cháu nó mệt, để nó về cũng được. Bố của Tố can.
- Cháu không mệt. Dương quay lại đường hoàng nói. Mà là cháu chẳng ưng gì con gái của các bác! Xin các bác hiểu cho! Và đừng bắt ép cháu cho cuộc hôn nhân này nữa!

Chưa bao giờ trong đời Tố nhỏ nước mắt vì một thằng con trai, và lại chưa bao giờ khóc nhiều đến thế. Mẹ cô, cảm giác như mình bị xúc phạm, đã cố an ủi cô bằng đủ mọi cách, kể cả sẽ khiến kẻ ruồng bỏ con gái mình cả đời bất hạnh.

Bố mẹ Dương, thậm chí đã lần đầu tiên đánh hắn. Cho một sự sỉ nhục vào chính gia đình mình.

- Con còn định tơ tưởng tới thằng ấy đến bao giờ? Con có còn là con không hả! Con có còn là Kiến Dương của mẹ không?
- Không. Hắn cười, như còn hơi cồn trong người. Lý Kiến Dương của bố mẹ, đã không còn kể từ khi con phải về đây rồi. Con ngủ đây. Một ngày, quá dài rồi ... Quá nhiều thất vọng ... Một sự mơ tưởng hão huyền cho một điều kì diệu phi lý mà cả đời tôi cũng chẳng thể đạt được. Ai nói rằng cuộc đời tôi tốt đẹp?

Bố mẹ hắn chỉ còn nghe những tiếng bước chân trên cầu thang lót gỗ, những tiếng cười lạnh nhạt, và tiếng cốc chén vỡ loảng xoảng ở tầng trên. Họ chưa từng nghĩ đến việc, có một ngày, họ phải điên đầu vì người con trai tốt số của mình đến thế.

DN.17

Nhiều ngày đã trôi qua, bao gồm cả những tức giận cực điểm vì một lần bị hạ thấp phẩm giá của cô Tố, nỗi nhục nhã của một gia đình trót sinh ra thằng con hoàn hảo khuyết một tí quan trọng, sự vô tâm của thằng con, và những bất lực của cộng đồng xung quanh, kể cả, cái lo lắng ngay ngay của đám cô Vân - Chi. Tất cả khiến cho gia đình ông trưởng khoa bệnh viện Thái Nguyên chưa bao giờ bất hạnh đến như thế. Hai ông bà cãi nhau hàng ngày, về việc để thằng bé học Y, rồi để nó lên Hà Nội, rồi để nó gặp thằng chết bằm kia. Bản thân hắn cũng cãi nhau mệt nghỉ với bố mẹ hắn, về việc là hắn chưa có ý định lấy vợ, hắn chán ngấy những sặp đặt của ông bà, đời hắn là của hắn chứ chẳng của ai cả. Những lý lẽ của một thằng con định nổi loạn ấy dường như khiến cho hai ông bà bác sĩ muốn tức điên lên, nếu không tự an ủi rằng một thằng con trai 26 tuổi thì dĩ nhiên phải có quyền quyết định cuộc đời.

- Mày, chưa bao giờ ông bố gọi người con trai hằng yêu quý của mình bằng đại từ thiếu bình tĩnh ấy, không nghĩ tới thể diện của bố mẹ mày nữa à? Bao nhiêu năm nay mày sống nhờ ai? Mày có còn nghĩ là ai sinh ra rồi nuôi nấng mày không?
- Con không nói con sẽ không phụng dưỡng bố mẹ! Con đảm bảo con sẽ làm điều ấy. Nhưng, đổi lại, bố mẹ ít nhất cũng phải cho con một chút tự do. Bấy lâu nay đời con bị sắp đặt thế đủ rồi!
- Mày nghĩ bố mẹ mất bao sức lực thế vì ai? Bố mẹ mất bao công sức nuôi dưỡng mày, để giờ mày trâng tráo như thế à? Nếu mày không đứng ra xin lỗi gia đình nhà bên kia ...
- Con không thấy con có lỗi gì sai!
- Thế thì mày đi ra khỏi nhà ngay cho tao!

Hắn đang ngồi gác chân lên ghế. Còn bà mẹ thì đang lo lắng tức tưởi bên cạnh một cái ghế sofa khác, như cùng chết lặng trước lời tuyên bố hoàn toàn mang tính chất ... hù dọa ấy. Nhưng lúc này hắn chẳng coi cái gì là hù doạ, và có hù dọa thật hay không hắn cũng chẳng sợ. Hắn phì nước bọt ra một cái, trước khi hạ chân đứng dậy, bước chân lộp cộp lên tầng trên. Ở dưới, bố mẹ hắn nhìn nhau, thở phào một cái như chan chứa một niềm hy vọng dạt dào là thằng con đã biết điều mà vào phòng ... hối lỗi. Nhưng họ chưa kịp nói câu nào hắn đã bịch bịch lôi túi xách xuống, nhìn bố mẹ hắn thách thức như một lời từ biệt, rồi đạp cửa đi thẳng ra ngoài.

- Đừng có mà thách thức tôi, hắn lẩm bẩm, trước khi bấm điện thoại cho một hãng taxi và ngay lập tức lên Hà Nội.

Ngôi nhà của thằng bé kia, vẫn thế. Một cái giàn rậm phủ từ trên tầng bốn xuống, một cánh cửa im lìm như mọi gia đình nề nếp khác của Hà Nội vào ban ngày để chứng minh mọi người ở trong nhà đều đã đi học hoặc đi làm. Hắn ngồi trong một quán cafe gần đó và chờ đợi. Chờ đợi. Có là chi. Hắn đã chờ đợi hơn một năm nay, cho một điều gì đó mà ngay cả hắn cũng không biết, ngay cả hắn cũng thấy vô vọng khi nghĩ tới, một thứ làm hắn thỏa mãn nỗi nhớ, thỏa mãn một khát vọng, hay chỉ đơn giản là, thỏa mãn sự thanh sạch của một tâm hồn chẳng may vấy bẩn.

Lúc đó là tầm 6 giờ tối.

Hắn đã ngồi chờ cạnh một ly trầm rỏ từng giọt chậm dãi và phiêu linh trên một cái giàn cây mà hắn tự nhiên nhận ra rất giống một cái màn che đậy cho điều gì đó bí ẩn ở trong, bí ẩn của ngôi nhà ấy, có khi cũng chính là bí ẩn, của tình yêu hắn.

- Trồng cây si trước cửa nhà nàng nào à?

Hắn giật mình ngoảnh ra nhìn một cô gái mà hắn chắc là nhân viên trong quán, mà hình như còn có thể là, chủ quán cà phê ấy.

- Lạ nhỉ. Cô ta ngồi xuống đối diện hắn rồi gạt tàn thuốc xuống. Trong khu này chẳng có cô em nào ra hồn. Cô ta cười. Hơn hai mươi nhà đối diện chỗ này chỉ có truyền thống đẻ ra những thằng nhỏ ưa nhìn.
- Chị ở đây lâu rồi à?
- Chắc chắn là hơn người mà chú em đang đợi.

Dương tẽn tò nhìn xuống ly Trầm đã cạn từ lúc nào không hay.

- Phương! Đem chị hai Trầm nữa.
- Vâng! Cô phục vụ thưa.
- Chị là chủ tiệm này? Hăn hỏi.
- Ờ. Mở quán cho vui. Chứ chẳng lợi lộc gì.
- Vậy ... hắn bối rối ... chị có biết cái nhà bên kia?
- Nhà nào mới được? Chị ta nhìn sang khu nhà. Chị rõ từng tí ở đây. Tuy là, những người mới đến thì chịu.
- Nhà ... hắn tự nhiên không nói ra được.
- Có phải nhà thằng ... Nguyên không?

Dương như thể có thể phì khói ra từ tai và khắp đầu nó. Đã từ lâu, nó thậm chí không dám nghĩ tới cái tên ấy.

- Chị biết mà! Chị ta đập bàn cười ầm. Mấy hôm trước cũng có một cô em xinh đẹp ngồi đây hỏi về cậu ta, rồi lại một bà chị rất kì quặc. Giờ lại đến chú em!
- Tôi ...
- Chú là gì với nó?

Hắn cúi đầu rồi lắc quầy quậy:

- Không! Không gì cả!
- Nó không ở đây nữa. Từ mấy năm nay chẳng mấy khi chị nhìn thấy mặt nó.

Chị ta ngửa ra ghế, phả một hơi thuốc dài, trước khi gạt điếu thuốc vào cái gạt tàn.

- Chị thấy chú em không giống với hai bà cô hôm trước. Nói thật, chị ta rù rì, hai đứa con gái ấy nói chuyện như thể có thể ăn thịt nó ngay được. Còn chú mày ấy à, cẩn thận lại bị ăn thịt lại!

Hắn gượng cười, cảm ơn cô phục vụ mới đem ly cà phê mới ra, rồi lại bâng khuâng nhìn những giọt cà phê rơi xuống đáy cốc.

- Ngày trước nó hay ngồi kia, chị ta chỉ vào cái tầng nhà đã rậm cây leo, hút thuốc thâu đêm.
- Nó nghiện thuốc à? Hắn ngạc nhiên.
- Nghiện! Nghiện nặng. Nghiện từ năm mười hai mười ba tuổi. Nhưng mãi sau này chị mới thấy nó hút nhiều. Ngày trước, hễ nó cầm tới điếu thuốc, là ông bố nó vả nó ngã ra giữa đường.
- Phải rồi. Bố nó.
- Chú mày biết gì về bố nó?
- Không. Bố mẹ em là bạn thân của ... mẹ nó.
- Bà Hương hả? Nghĩ tới bà ấy, là lại nghĩ tới đủ chuyện buồn.

Trong quán cà phê lúc đó đang mở một bản nhạc Trung Quốc êm dịu, chính nó lại làm những tách Trầm lắng hơn.

- Thực ra, nó với mẹ nó, là ra làm sao? Dương hỏi.
- Thằng bé ấy giết mẹ nó.
- Như thế nào? Tôi không nghĩ một thằng như nó có gan làm thế.
- Có thể chỉ là tai nạn, hoặc bất cẩn. Dù sao thì nó cũng đã đẩy mẹ nó từ tầng bốn một tòa nhà xuống, và mẹ nó lại không may mắn như nó.
- Vậy là ... đúng thật? Nhưng tại sao nó lại làm thế?
- Giận dỗi gì đấy. Chuyện trẻ con. Nhưng người nhà nó thì không nghĩ thế. Hơn nữa bà Hương với gia đình họ, thì có ý nghĩa hơn nó nhiều. Về sau, chị ta lại hút, nó càng ngày càng không ra gì, người ta lại càng nghĩ năm ấy là nó cố tình làm. Nhưng chị không chấp nhận được thái độ của gia đình ấy. Dù sao nó cũng là máu mủ của họ. Họ thì lại không buộc vào cũng không buông ra.

Chị ta mỉm cười.

- Ngày nó còn nhỏ cũng hay chơi với đám trẻ con quanh đây. Một thằng bé kháu khỉnh nhanh nhẹn. Nó với mấy thằng bạn thân, đi đến đâu là ăn đập đến đấy.
- Nghịch quá à? Dương cười.
- Nghịch đến mức làm người lớn điên lên được. Thế mà giờ mỗi đứa một nơi. Đứa thì lại chẳng biết sống chết thế nào. Chị ta thở dài.

Hắn cũng thở ra một hơi, rồi nhìn ra khu phố vắng lặng đã sáng đèn đêm.

- Họ về rồi đấy.

Hắn thấy một chiếc ô tô dừng lại trước cừa, một người đàn ông, một phụ nữ trẻ đang mang bầu, và một đứa bé gái bước ra.

- Bố nó lấy vợ hai, rồi nó tự tử. Rồi thì đời nó chẳng biết trôi đến đâu.
- Nó cũng nhảy từ trên kia xuống à?
- Không. Chú em không thấy cái giàn sắt kia à? Sao mà nhảy ra được? Nó tới một cái nhà xây dở. May mà dưới đó có một thảm cỏ, không thì giờ chị với chú em cũng chẳng có gì để mà nói.
- Chị hình như biết rất nhiều về nó.
- Người gốc ở đây, làm gì mà không biết? Nhưng khu này người ngoài đến càng ngày càng nhiều. Cả cái dãy nhà kia, giờ chỉ còn ba bốn nhà là người ở đây, còn thì toàn là nơi khác mua đất đến.

Chị ta im lặng.

- Chị cũng thích thằng Nguyên.

Dương trố mắt nhìn người phụ nữ đã ngoài ba mươi tuổi.

- Không như chú em nghĩ, chị ta cười rộ. Là chị thích con người nó. Ngày trước nó hay gắt gỏng, không ai tiếp xúc được. Sau này thì lại trầm buồn, cái vẻ rất hợp với mặt nó. Gương mặt người Hà Nội, giọng nói người Hà Nội, mà còn là một người Hà Nội u buồn. Nó giống mẹ nó. Mà mẹ nó thì là hoa hậu Hà Nội một thời. Nếu cuộc đời không đày đọa nó quá, thì lúc này nó cũng là một anh chàng dễ chịu.

- Chị có biết bây giờ nó ở đâu không?
- Không. Chị còn không biết từ sau tai nạn nó ở đâu. Nhà nó tuyệt không nói câu nào. Muốn đến thăm hỏi cũng không được.

Hắn khẽ nhíu mày.

- Mà, nói dông dài, thực ra, chú em với nó là thế nào?
- Ngày trước tôi làm bác sĩ cho nó, ở trên bệnh viện. Lâu rồi nó không qua viện, tôi đâm lo.
- Chị lại chẳng thấy chú em có vẻ gì là đang ở Hà Nội cả. Người đầy mùi xăng xe, như đã đi taxi một quãng đường xa, chí ít là không phải từ nội thành ra.

- Vâng. Tôi đang ở trên Thái Nguyên. Nhưng đợt này sẽ xin về Hà Nội làm.
- Chú có quen biết ai không?

Dương định nói tới bố mẹ hắn, nhưng rồi hắn lại nhắm mắt gàn bướng:

- Không.
- Vậy thì không dễ đâu.
- Tôi sẽ cố.

Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời hắn biết nói câu đấy. Trước nay, mọi thứ với nó đều dễ dàng. Nhưng trong một phút chốc tất cả đã đảo ngược. Tuy chưa biết điều gì sẽ đến, nhưng hắn nghĩ mình sẽ vượt qua, vì so với trước đây, ít ra, hắn đã có một mục tiêu để mà vươn tới.

- Nếu muốn có việc trên đây, trước hết chú em nên tìm một cái nhà. Không ai chấp nhận một cái địa chỉ thường trú là khách sạn đâu.
- Sao chị biết tôi định ở khách sạn?
- Đồ đạc.

Chị ta bật cười khi nhìn gương mặt ngây ra của hắn.

- Ngây thơ lắm! Chú cứ như chẳng biết gì về cuộc đời cả. Thôi vì chú là một người quan trọng của thằng Nguyên, chị miễn cho chú bữa cà phê hôm nay. Khi nào tìm được việc, tìm được nó rồi, thì nhất định phải trả tiền đấy.
- Làm sao mà chị biết ... hắn líu lưỡi ... tôi với nó ...
- Ấy đấy! Tôi có thể nhìn mặt chú mà đoán ra đấy. Sau này, chú sẽ biết một người trải đời là như thế nào. Thằng Nguyên, chắc chắn là trải đời hơn chú rồi đấy.

Hắn nuốt nước bọt cái ực, trước khi trợn tròn mắt nhìn chị chủ hàng cà phê với một niềm ngưỡng mộ từ tận đáy lòng. Đêm nay, hắn sẽ ngủ ở một khách sạn. Mai sẽ đi tìm nhà trọ. Trước mắt là thế.

Và rồi hắn sẽ đi tìm Nguyên. Bể trời có vô tận. Hắn cũng phải tìm được nó.

Để nói với nó rằng hắn đã phải lòng nó như thế nào.

DN.18

Dương ngủ một giấc dài trước khi vươn vai thức dậy một cách mỏi mệt đã đời theo chân lý của một kẻ nề nếp lần đầu được ngủ nướng vì không có việc gì làm. Kể ra thì hắn cũng vẫn có một cái thẻ ATM, nơi dự trữ lương của một ông bác sĩ từng một thời được gia đình chu cấp từng li từng tí, thành ra vẫn đủ một số tiền thừa cho hắn ăn tiêu bét nhè đến ... hết thì thôi. Hắn xách cái túi, xuống trả tiền phòng, trước khi lang thang tìm một hàng ăn sáng. Đường phố Hà Nội, vẫn không khác lắm so với một năm trước hắn ở đó, ngoại trừ chẳng có nơi cố định nào để hắn đi tới. Băn khoăn một lúc, hắn bắt xe ôm và lên bệnh viện hắn từng làm.

- Ái chà! Anh Dương! Gớm!

Bà Chi đã khoanh tay đứng nhìn hắn như một linh mục mộ đạo nhìn thấy chuyển kiếp của quỷ Satan.

- Thế hôm nay đến đây làm gì? Ốm hay thăm người ốm?
- Xem qua mọi thứ thế nào. Tôi vừa mới lên tối qua.
- Thế vợ đâu? Con ả xinh đẹp trên Thái Nguyên đâu?
- Vẫn đấy.
- Ơ chú hay nhỉ? Bỏ người yêu ở nhà lên đây làm gì?
- Nó không phải người yêu tôi! Hắn gắt. Tôi chưa bao giờ coi nó là người yêu cả!
- Ghê không?
- Bữa trước tôi đã từ chối nó trước mặt bố mẹ hai bên rồi! Mà sao chị như thánh thần thế! Cái chuyện khỉ gió gì cũng biết!
- Hễ là khỉ gió thì tôi đều biết hết, bà chị dằn mặt trong khi mặt mũi rõ ràng là đã sáng sủa hơn với những ý nghĩ mà chỉ có trời mới biết.

Nghiêng ngó một lúc, vì thấy rốt cục người mình cần tìm cũng không ở đấy, và cũng chẳng có gì làm, hắn lắc đầu quay đi.

- Thế chú đi đâu bây giờ? Chi hỏi.
- Tìm một người.

Cô y tá cười tươi hơn hớn.

- Sao không hỏi tôi đây?
- Chị thì có biết gì hơn tôi? Chị chả đến canh nhà nó suốt còn gì?
- Ấy cái chuyện này mà chú cũng biết cơ đấy!
- Cái khỉ gió gì mà tôi chả biết!
- Được đấy! Thôi chị cũng chúc chú may mắn. Chúng mày có duyên với nhau, không khéo trời thương. Tìm được nó rồi nhớ gọi cho chị. À mà nếu gọi tới nhà chị mà gặp ông xã chị thì cứ coi như không biết.

Hắn giật mình quay lại nhìn cô y tá đang nhìn nó đầy hy vọng, há hốc mồm và lắp bắp:

- Ông ... ông xã chị à?

Chi nhún vai. Còn hắn quay lại, lẩm bẩm:

- Chúa tha thứ cho người đàn ông khốn khổ ...
- Chị nghe rõ từng lời của chú mày đấy! Tiếng đằng sau vang lên.

Hắn nuốt nước bọt cái ực, rồi sẽ ngoặt ra khỏi cửa bệnh viện.

Hai ngày.

Bốn ngày.

Năm ngày.

Mà khéo một tuần rồi ấy nhỉ.

Dương nhâm nhi cốc cà phê trong quán Trầm ở phố Trung Liệt, một nơi dường như nổi tiếng về con mèo béo tròn vàng trắng hơn là những món đồ uống như mọi nơi và những bức tranh theo trường phái "ngắm mãi chả hiểu nổi". Hắn ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra bên ngoài, gác chân như một người ngủ dạt chính hiệu mới làm một giấc chùa trên cái ghế đệm dài. Đã lâu lắm rồi hắn chẳng biết đâu mới là nhà. Gặp nhà nghỉ nào thì ngủ ở đó. Và cho dù ăn ngủ tắm nóng lạnh như một khách Tây tới Hà Nội du lịch hắn vẫn thấy có gì khang khác trong người, mà rõ ràng đó là cảm giác của một ... kẻ vô gia cư. Hắn thấy có vẻ hắn gầy đi, và sa sút về cả phong thái, cách ăn mặc lẫn cách nói chuyện. Hắn nghĩ về nó. Một năm nay, nó làm gì? Hay nó bỏ nhà rồi ngủ bờ ngủ bụi? Hắn thấy thương những con người như thế lắm, chưa muốn nói là nó. Trên đường ngoài kia, Thái Hà, hắn bắt gặp một phụ nữ nhem nhúa, bẩn thỉu, mặt mũi biến sắc mà hắn phỏng đoán là như có bệnh gì đó về gan. Một phụ nữ trung niên, bình thường thì đã có đủ gia đình, đủ mặt hai con, ngày ngày chăm con và la mắng chồng. Cớ gì phải khổ như thế? Và nó, nếu như lúc này đây, lúc hắn cũng vừa chùa một giấc trên cái ghế đệm, thì không biết chừng thằng bé đang nằm trên một cái ghế đá nào đấy. Liệu có thể thế không? Nhưng một thằng bỏ học lưng chừng, bỏ nhà, sức khoẻ lại thế, liệu có thể khác không? Hắn cứ thấy đau đáu trong ruột, một mồi lửa nhân sinh và tình yêu, một thứ bốc khói nhân đạo và chảy máu con tim. Mà không chừng, nó đã ... chết rồi cũng nên.

Nghĩ đến thế là hắn giật mình, và tự tay xoá sổ cái suy nghĩ ấy đi. Nó mà chết, thì lẽ ra hắn phải biết rồi chứ! Ít ra thì linh cảm của một ... người đang yêu cũng phải mách bảo hắn chứ! Tự nhiên hắn tin tưởng một cách mơ hồ vào những trạng thái tâm linh. Có gì sai? Mấy mụ bói nói cho hắn toàn đúng cả. Đoán đâu trúng đó! Người ta có phải thánh đâu! Tức là có tâm linh thật! Và với tình cảm của hắn, ít ra khi nó chết, hắn cũng phải bị ... báo mộng một lần. Mà hắn ăn ngon ngủ tốt, tức là thằng bé ổn cả. Cái suy nghĩ ấy làm hắn hí hửng ngược lại toàn bộ đạo lý của một thằng sinh viên trường Y lý trí đến nỗi dám giơ tay thề trước tượng Hy pô crát trước khi ra trường.

Nghĩ chán, hắn lôi trong túi đồ ra vài thứ vớ vẩn để kiếm việc làm trước khi tiếp tục cuộc sống dạt ngoài quán cà phê. Cái điện thoại, đã bị hắn tắt máy và chỉ thỉnh thoảng bật lên. Bố mẹ hắn nhắn cho hắn dễ hàng trăm cái tin, nhưng hắn chẳng buồn đọc, hắn chỉ chờ tin nhắn của Chi, Vân, hay một người nào đó mà hắn biết là chẳng thể có. Rồi thì del sạch tin, rồi thì tắt máy. Nhưng lần này, trước khi kịp tắt thì bố hắn đã gọi tới, như chớp thời cơ khi thông báo "đã gửi được tin nhắn" hiện lên. Và nghĩ thế nào, hắn lại nhận.

- Dương! Là con phải không? Con ở đâu rồi! ... Bố xin lỗi! Hôm đó bố hơi nóng nảy. Con đừng có trẻ con như thế nữa! Bố mẹ rất lo cho con! Con có biết không?
- Con không còn là trẻ con nữa, hắn đáp điềm đạm. Vì thế con có quyền tự do quyết định cuộc đời con. Con sẽ làm những việc mà con cho là đúng.
- Nhưng với thằng đó ...
- Xin bố mẹ tôn trọng em nó hộ con. Thật tiếc khi phải nói rằng con tin tưởng nó hơn cả bố mẹ. Bố mẹ chỉ cần biết rằng con sẽ sống ổn. Và hôm nào đó con sẽ về thăm bố mẹ. Bố mẹ không phải lo lắng quá nhiều cho con nữa đâu. Từ mai con sẽ bỏ số sim này. Bắt đầu một cuộc sống mới. Coi như một lần nữa trước mắt con là 7 năm trường Y, coi như bố mẹ một lần nữa có con đi học xa nhà. Đơn giản thế thôi, hắn cười. Con chào bố mẹ!

Loading disqus...