Không thuộc về một con đường Trang 2

DN.3

Chưa bao giờ Dương nghĩ rằng làm bác sĩ là một công việc dễ dàng, cho dù con đường của hắn rất suôn sẻ. Bố mẹ hắn đều làm bác sĩ, từ bé hắn đã biết đến mùi của bệnh viện, của những bệnh nhân, của cái chết rình rập và những đau đớn triền miên. Vì vậy trong thâm tâm hắn rất sợ bệnh tật. Mà hình như cũng chính điều ấy đẩy hắn đến việc lựa chọn vào trường Y học, bên cạnh thuyết phục của bố mẹ. Hắn muốn trước hết, hắn phải chăm sóc cho mình được trước đã.

So với nghề bác sĩ, nghề y tá cực khổ hơn nhiều. Công việc của bác sĩ chỉ nặng trách nhiệm nếu họ chuẩn đoán bệnh sai, làm sai quy trình chữa bệnh và không làm bệnh nhân thuyên giảm. Nhưng nghề y tá, mà rõ hơn là nghề hộ lý, luôn nặng nề hơn thế. Họ trực tiếp ở cạnh bệnh nhân, trực tiếp chăm sóc cho những người bệnh luôn bị đau đớn giày vò.

Bởi thế mà Dương ghét nhất những bệnh nhân nào lấy việc củ hành y tá và hộ lý làm thú vui. Mà thằng nhóc ấy lại luôn làm thế. Hắn nổi đóa lên khi nhìn thấy thằng nhóc bắt cô hộ lý đút cơm cho mình, trong khi cả hai tay hắn đã tự do.

- Thôi mà anh Dương. Tay nó còn yếu. Công việc của bọn em mà, có sao đâu?
- Em không cần phải bênh vực nó! Em cứ để đấy cho anh! Hắn giằng suất cơm ra và đặt nảy xuống bàn. Để nó tự ăn xem nào! Đói quá nó sẽ phải tự làm!

Cô hộ lý cười gượng. Vì cô thừa biết Nguyên là một thằng thế nào.

Nó đã bỏ luôn bữa cơm ấy, thậm chí thêm 2,3 bữa sau đấy và nhất định chỉ ăn nếu Dương thay hộ lý giúp nó ăn thì thôi.

- Như hai đứa trẻ con.

Hai cô hộ lý lắc đầu với nhau.

- Chẳng hiểu sao anh Dương bình thường điềm đạm thế mà gặp thằng này cứ như phải gió.
- Khắc tinh của nhau mà. Nghe nói vừa nhìn thấy nhau đã sấm chớp nổi đùng đùng rồi. Đúng là không sai một tí nào. Anh Dương hơn thằng kia đúng 6 tuổi đấy. Theo cung mệnh đã là không hợp nhau. Một người mệnh Thổ, một người mệnh Mộc.
- Thế cơ à?
- Để hai người này gặp nhau đã là trời đánh rồi.

Trong lúc 2 cô hộ lý còn bận coi bói xem cung mệnh thì hắn và nó cũng đã cãi nhau được vài trận ra trò. Hắn bóp hẳn miệng của thằng nhóc đang ương bướng làm trò và nhét từng thìa cơm lớn vào đó. Hai tay nó yếu thật, nó lại bất động, không giằng ra được khỏi Dương. Chỉ một lúc, ức, nó ứa nước mắt ra và khóc òm tỏi.

Thế là hắn lại một phen bị mấy ông bác sĩ già vỗ vai kiềm chế.

- Thôi chú cứ lằng nhằng với nó làm gì, chiều nó mấy hôm. Vài bữa nữa là nó về nhà dưỡng thương ấy mà.

Hắn đờ ra như vừa nghe được tin thăng chức cho lên làm viện trưởng, hoặc một phát lên đứng giữa sân nhà của Juve mà nhìn đội bóng hắn thần tượng nâng cúp vô địch C1. Hắn bay bổng mất vài giây mới gào toáng lên sung sướng. Hắn bắt tay mọi người, ôm chầm lấy bà y tá trưởng làm bà cứ đỏ mặt mất mấy phút. Và hắn đường hoàng đi vào phòng bệnh, giật giật cái ống truyền làm thằng nhóc đau tay mà tỉnh dậy.

- Cái gì? Nó xấc xược.
- Sắp về à? Không chịu được nữa à? Chịu thua rồi chứ gì?
- Ai thua? Thua ai? Ông đốc tờ Xuân à?

Hắn tủm tỉm cười, chớp chớp mắt lia lịa nhìn vào gương mặt ngây ngô chưa hiểu chuyện của thằng bé. Rồi hắn cười phá lên, vỗ vai nó và giả bộ cảm động:

- Thôi về nhà mà an dưỡng. Anh cũng nhớ chú lắm. Nhưng mà, biết làm sao được. Chú đi thì cái bệnh viện này yên ổn lắm đấy.
- Tốt phúc thế? Tôi lại vinh dự thế cơ à?
- Thì người nhà chú chả đã đến bệnh viện để nhận chú về rồi hay sao? Yên tâm yên tâm. Vài tuần chú lại phải đến viện kiểm tra, anh với chú lại gặp nhau ấy mà.

Hắn thoáng thấy gương mặt thằng bé chìm đi, tái đi. Nhưng nó cũng câng câng lại ngay lập tức:

- Anh chẳng đấu được với tôi nữa nên mới bảo gia đình tôi đến đón chứ gì?
- Chú mày ở bệnh viện thêm cũng chẳng ích gì. Còn lâu mới tháo bột ở chân được. Mà về nhà thì được chăm sóc tốt hơn chứ sao? Anh cũng không phải bóp miệng chú ra như thế này!!

Nó rên lên ư ử khi bị bàn tay của Dương làm cho miệng méo xệch đi. Và khi hắn vừa thả ra nó đã đợp cho hắn một cái nhảy ra khỏi ghế.

Mấy cô y tá lại phải xông vào kéo hắn ra ngoài, trước khi hắn kịp gây gổ thêm một trận nữa.

Buồn.

Buồn.

Ờ sao mà buồn thế?

Hắn gõ cái bút lên bệnh án trong phòng khám. Ngáp một cái. Hắn gõ bút tiếp. Hắn bật dậy múa may vài chiêu võ mà hắn vẫn dùng để dọa thằng bé. Chà. Hắn thở dài. Nó đi được mấy hôm rồi. Đã có bệnh nhân khác thế giường nó. Bệnh viện cũng vẫn đông đúc ồn ào. Nhưng hắn buồn phát chán lên được. Hắn muốn ra oai, muốn dọa dẫm, muốn bắt nạt thằng bé ấy thế? Ngứa cả tay lên đi được. Thôi, hắn tự nhủ. Tuần sau là nó lại đến. Để mà còn khám chụp với lấy thuốc nữa chứ. Và hắn sẽ lại chửi bới với nó một trận.

Nhiều lúc, hắn nghĩ, sao hắn chấp nhặt với thằng bé ấy đến thế? Nó chỉ là một bệnh nhân nằm liệt giường, gầy dơ xương, xanh như một cái lá khoai, ăn nói vô học không tả được. Thế mà hắn không thể nào chịu được thua nửa lời với nó. Hắn thấy thế thật sỉ nhục cho hắn làm sao. Sao lại thế nhỉ? Thế là thế nào nhỉ?

Hắn lại vừa mới tình tứ với một em bác sĩ thực tập xinh xắn mắt tròn xoe quê ở Hòa Bình. Em này theo công giáo, mở miệng ra là Chúa với Thánh Thần. Nhưng em ấy dễ thương lắm, hiền đến độ không cãi lại được với mấy thằng bảo vệ đùa chớn. Và hắn phải ra mặt cứu em ấy, dắt em ấy lên trên. Nhưng mà hắn nhầm, em này cứ cầm đến y cụ là mắt mũi sáng trưng lên, bắt đầu thuyết giảng không ngớt về đống lý thuyết em ấy học được trong trường Y. Đến độ hắn đã quát lên mấy lần "Anh biết! Biết!" mà em ấy vẫn không im lặng cho nhờ. Và hắn đi đến kết luận là con gái mà theo nghề Y, hoặc là thiên thần, hoặc là ác quỷ. Riêng em này, là ác quỷ đội lốt thiên thần. Em ấy làm một bệnh nhân nam đau đến điếng người khi rút tuột cái ống dẫn nước tiểu của người ta ra.

Dương lắc đầu, từ bỏ luôn em gái xinh xinh ấy. Hắn nhìn ra ngoài trời. Xanh thẳm, mênh mông, nóng nực, oi bức. Chà! Mùa hè! Hắn nhớ những cơn mưa. Và nhớ đến thằng bé.

Trời mưa rào, mưa ầm ầm xả nước từ cái rãnh nước này đến cái rãnh nước kia và đổ ào xuống sân bệnh viện. Những bệnh nhân đứng kháo chuyện với nhau về mưa với nước. Còn hắn đi loanh quanh chờ đợi. Mưa đã đến. Còn thằng bé kia? Hôm nay đã đến ngày hẹn đến khám. Sao người nhà nó chưa đưa nó đến? Hắn đâm sốt ruột một cách quái lạ. Chẳng nhẽ hắn quan tâm tới thằng bé ấy đến thế? Hay vì linh cảm? Bậy! Linh cảm cái gì? Hắn mà có linh cảm cái gì? Nhưng nếu nó không đến khám, thì thuốc uống thế nào? Nhà nó có liệu đường mua thuốc được không? Ấy chà. Hắn đi lại từ cửa sổ ra cửa chính, từ giường đến bàn và lại từ bàn về giường.

Mưa từ chiều đến tối mịt. Không khí mát mẻ hẳn. Hắn cũng hết công việc, xách cặp ra khỏi bệnh viện, nổ ga xe máy và nhìn lên bầu trời còn ri rỉ những hạt mưa. Thế là thế nào nhỉ? Hắn bỗng đỗ xe, nhờ ông bảo vệ trông dùm rồi chạy vội lên tầng, lục lọi đống hồ sơ bệnh án và dò dẫm địa chỉ của thằng bé kia.

Ngôi nhà trước mặt hắn khá đồ sộ và xây theo phong cách hiện đại. Nhà giàu! Hắn nghiêng đầu nghĩ. Thảo nào nó có vẻ khinh đời như thế. Hắn bấm chuông và một bà cô tất tả chạy ra.

- Ai đấy!
- Chào bác. Cháu là bác sĩ ở bệnh viện T. Bác cho cháu hỏi đây có phải là nhà của Nguyên?
- Chú đến gặp em nó à? Nó không ở đây. Ở nhà chú nó kìa.
- Sao ạ?
- Đây! Chú đi đến đầu đường, rẽ phải, đến cãi ngõ tiếp theo thì tìm nhà 42. Nó ở đấy.
- Dạ vâng! Chào bác!
- Thế nó làm sao vậy chú?
- À chẳng là hôm nay đến hẹn khám, nhưng cháu không thấy gia đình đưa cậu ấy đến.

Hắn đột ngột phát hiện ra ánh mắt nửa lo lắng nửa khó xử của bà cô này. Nhưng bà cô ấy liền giục hắn đi. Nhìn vào ngôi nhà, hắn thấy bóng của một gia đình đầy đủ, có vợ chồng và một đứa con nhỏ. Lạ thật. Đây là nhà của ai? Sao lại ghi là địa chỉ của thằng bé?

Hắn bấm chuông cửa lần nữa. Và lại một bà cô chạy ra.

- Chào bác. Cháu là bác sĩ ở bệnh viện T. Cháu muốn gặp Nguyên. Có phải...?

Bà cô này lộ ra vẻ mặt rất phật ý, rồi cũng đẩy cửa ra cho hắn vào. Ngôi nhà cũng lớn, rộng rãi, nhưng cũ hơn ngôi nhà kia. Hắn đi vào, chào người đàn ông và người phụ nữ đang ngồi xem ti vi, nhìn ánh mắt tò mò của một cậu thiếu niên chắc là con và theo bà cô như là người giúp việc này leo lên cầu thang. Hắn leo, leo mãi. Bà cô kia mở cửa phòng.

Hắn suýt đã ngã ngửa ra đất.

Thứ quái quỉ gì đang diễn ra ở đây thế này?

DN.4

Hắn nằm một mình bên ngoài ghế, yên lặng và suy nghĩ. Hắn mới chợt thấy thằng bé không hoàn toàn như những gì hắn nghĩ, mặc dù hắn vẫn thấy cái giọng điệu gàn bướng của nó là không thể chấp nhận được. Nhưng mà hắn thấy thương nó kinh khủng. Lòng nhân đạo của hắn trỗi lên như một mũi tên bắn vào trúng tim. Tình thương của hắn cũng trào ra ngoài như thể máu nóng trong một trái tim đang đập bỗng vỡ tan.

Hắn đã làm một trận cãi nhau với nhà của thằng bé ấy, nhưng chẳng ích gì, họ cãi lấy cãi để cho cái lý lẽ của họ, rằng thằng bé là một thằng không ra gì, một đứa trẻ đã nhấn hết danh dự và nhân phẩm của nó vào những vũng bùn, tự vinh lên những thối nát của lề thói của nó, mà lại tự dìm chết chính nó khi bị bóc toàn bộ sự thực ra trước ánh sáng. Họ nguyền rủa nó như với một kẻ tội độ và khẳng định nó có sống hay chết, không liên quan gì đến họ. Hắn cần nó, hắn đi mà đem nó đi. Còn hễ nó còn ở trong cái nhà ấy, sống bằng tiền của gia đình nó, nó không được phép và cũng không thể chê trách những phụ bạc của họ.

Nhưng trên đời dù là một tử tội đau ốm cũng sẽ được chăm sóc, hắn thấy cho dù nó có thực sự đồi bại như những gì người nhà nó nói, thì nó cũng có quyền được hưởng sự chăm sóc, chứ không phải sự bỏ mặc mà hắn thấy. Một mình thằng bé nằm trên cái giường đơn trong góc căn phòng, không gối đệm, không ai buồn bén mảng tới thăm nom. Đừng nói đến lương tâm của một người bác sĩ, ngay cả khi chỉ là một con người, hắn cũng không thể nén nổi xót thương trước cái cảnh ấy. Căn phòng đóng kín, không quạt gió, cho dù nó nằm trên tầng thượng ngôi nhà, nóng như một cái lò nung khi không có quạt, bị cách ly hoàn toàn với cuộc sống của gia đình nó.

Cho dù thế nào, thì nó cũng không đáng phải chịu cảnh ấy. Giả như nó tự chăm sóc được cho nó, tự mưu cầu và thỏa mãn được mưu cầu, gia đình nó bỏ cũng được. Nhưng nó không ngồi dậy nổi, không làm được bất cứ điều gì ngoài để cái cẳng tay gầy trơ ấy lên che mắt ngủ, thì nó có đáng bị đối xử như thế không?

Hắn lại nhảy chồm lên giường, nằm lăn về một phía và nhìn chằm chằm vào thằng bé. Nó cũng nhìn hắn như thế, và nó rặn ra một cái cười khó coi.

- Cái gì?
- Chú mày đã gây ra việc gì?
- Nếu anh thấy khó xử với tôi, anh cứ trả lại tôi về. Anh hối hận rồi chứ gì? Không đâu lại vác một thằng què về nhà.
- Chú mày trả lời tao thật tình xem nào, cứ lảng đi chuyện khác là sao?

Nó nhắm nghiền mắt, lắc đầu. Gương mặt của nó nhợt nhạt hơn sau cả tuần liền sống trong sự phũ bạc ấy.

- Bình thường, chú mày ăn kiểu gì? Đừng bảo nhà chú mày cũng bỏ đói luôn đấy.
- Cũng gần như thế. Thằng Tường thường để cơm ở gần ngoài cửa, bảo tôi phải xin thì nó mới cho. Tôi thì chẳng bò ra đấy được, cũng chẳng muốn cầu xin nó. Và cũng chẳng đói.

Hắn bực mình gõ đầu cho nó một cái. Nhưng thằng bé chỉ quắc mắt nhìn hắn một cái, rồi lại nhắm tịt đôi mắt ấy lại. Hắn bỗng nhận ra gương mặt thằng bé có gì đó rất đặc biệt. Có lẽ nó giống một ai đó hắn từng gặp. Gương mặt những lúc nó không cáu kỉnh, không gàn bướng, lẩm bẩm chửi và làm loạn, hóa ra bình tâm và hết sức hiền lành. Đôi mắt nặng trĩu, ăn khớp với nét mặt thâm trầm của nó. Hắn dám đảm bảo là nếu thằng bé khỏe mạnh như một người bình thường, nó sẽ là một thằng nhỏ rất xinh trai. Nó có những nét mềm mại như một đứa con gái, không sắc cạnh như gương mặt một người đàn ông đúng chất. Nếu nó mập hơn, gương mặt nó sẽ có hình trái xoan, và nó lại để mái tóc dài dài, những nét mặt rất mềm, rất thanh. Hắn cứ nhìn như chết vào gương mặt hốc hác ấy mà mường tượng đến một người phụ nữ. Mà mãi hắn mới chợt vỗ tay bộp xuống giường.

- Mẹ chú mày!
- Biết chửi bậy rồi à?

Nó hé ra một con mắt và nhếch mép lên với hắn.

- Không phải! Mẹ của chú mày là một bác sĩ, đúng không?
- Ờ. Nó đáp nhẹ bỗng.
- Có phải hồi trước mẹ của chú mày từng lên Thái Nguyên làm một vài năm, đúng không?
- Không nhớ. Hồi ấy còn nhỏ lắm. Chẳng nhớ gì.
- Đúng rồi. Tao nhớ rõ cái mặt này mà. Xem nào, bà ấy tên là gì nhỉ?
- Mai Hương.

Hắn ngớ ra nhìn thằng bé. Đúng là bà ấy. Mẹ của hắn từng chụp với bà rất nhiều ảnh, còn nói họ là bạn thân của nhau từ thời học đại học rồi sang Nga. Hắn bỗng bật cười. Số phận trêu ngươi chăng? Tình cờ, hắn lại gặp đúng thằng bé, chứ không phải ai khác. Nhưng mà bà ấy, hắn nhớ, là một người phụ nữ tuy khá khó gần, nhưng rất hiền từ. Bà thường giữ một gương mặt lạnh tanh trước những người khác, kể cả với hắn và bố hắn. Bà chỉ cười với mẹ hắn, và họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ.

- Nhưng, tại sao?
- Tại sao?
- Chẳng lý nào bả ấy để chú mày như thế này. Mẹ nào mà chẳng thương con?
- Anh có biết mẹ tôi thật không đấy?
- Biết chứ sao không? Nhà anh đầy ảnh mẹ mày cơ mà. Bố mẹ anh thân với mẹ mày từ cái hồi mày chưa ra đời cơ nhóc ạ.
- Mẹ tôi mất lâu lắm rồi.

Câu nói ấy làm hắn chợt nhớ đến một mảnh kí ức mà hắn đã lãng quên, về một vài ngày bố mẹ hắn vắng nhà, gửi hắn cho ông bà nội trông nom. Mẹ hắn đã khóc rất nhiều kể cả khi bà đã về nhà. Nhưng hắn không tò mò chuyện ấy, hắn cũng còn quá trẻ con để hỏi vì sao. Và hắn chỉ biết từ đó về sau, mẹ hắn không bao giờ mở lại tập ảnh chụp với người bác sĩ kia ra nữa.

Hắn ngồi bên cạnh thằng bé, bắt đầu thấy hiểu một vài điều. Hắn nắm lấy cái cố tay nằm lọt thỏm trong bàn tay hắn, nhìn thằng bé chằm chằm và quát lên:

- Bố mẹ tao quen mẹ mày, rõ chưa?
- Rõ! Nó cũng quát lên. Thì sao hả!
- Thì chú mày cứ yên tâm mà ở với anh! Anh phải chăm sóc chú mày! Nếu bố mẹ anh là anh, bố mẹ anh cũng sẽ làm thế.
- Đừng có xưng anh với tôi! Cứ tao mày chả tốt hơn à!
- Cái thằng ngang bướng!

Thằng bé cười khẩy, rồi chống tay ngồi dậy, vặn vặn người rồi lại nằm xuống tiếp.

- Mỏi rồi chứ gì?
- Mỏi suốt. Anh có nhân đức tử tế thì bóp người cho tôi. Gớm cái lòng nhân đạo. Với chả từ bi.

Lúc ấy thì ý niệm đầu tiên của hắn là "Thách anh à", sau mới tới tình thương với nó, nhưng dù sao thì hắn cũng đã xốc hẳn nó lên mà giúp nó cọ quạy cái thân thể gầy đau của nó. Lưng nó có nhiều chỗ đã loét bở ra. Hồi ở trong viện người ta chăm tử tế mà còn không tránh được đau ngứa, huống hồ về nhà nằm liệt trên cái giường cứng đơ ấy suốt bao lâu. Hắn chép miệng một cái, lại nhớ đến mấy câu khinh đời mạt hạ của nó, không kiềm chế được mà bẻ vai của nó ra sau khục lên một tiếng. Nó la lên oai oái, giẫy nảy lên. Nhưng hắn chỉ nhăn nhở cười:

- La lên! To vào! Ở đây chả có đâu chị y tá nào để giúp mày nữa đâu.

Và hắn bẻ tiếp vai kia của thằng bé. Nó đau rên lên ư ử. Nhưng rõ ràng là đỡ mỏi, nên chỉ kêu một lúc rồi lại im re.

- Mai anh sẽ đưa lại chú mày lên viện.
- Vậy à? Cô chú tôi chả đã nói là không chi cho tôi một xu nào nữa đâu. Anh định để tôi thành con nợ của ngân khố quốc gia à?
- Nói thật, anh thấy tuy cô chú mày ác khẩu, nhưng chả đến nỗi bạc tình bạc nghĩa đến thế. Anh đến van nài vài câu là họ lại đồng ý luôn ấy mà.
- Dễ thế? Nếu họ nhân đức tử tế như thế tôi cũng chẳng phải nằm một mình ở đấy, ăn không được, ngủ không xong, đến như tè ra giường còn bị chửi là chó không được giáo dục. Tôi mà đi lại được, tôi thề không bao giờ thèm đến cái bố thí của mấy ông bà già ấy. Họ cứ nghĩ tôi dễ chịu lắm ấy. Họ cứ nghĩ tháng vứt cho tôi mấy chục triệu trả viện phí đã là cứu sinh tôi nhiều lắm ấy. Thà đêm ấy chẳng ai cứu tôi cho tôi lăn ra mà chết hẳn thì tôi cũng đã không đến nỗi thế này. Loanh quanh, cũng chỉ vì những thằng như anh, mà tôi sống không ra sống, chết chẳng ra chết.
- Lại quay ra chửi tao rồi đấy à?
- Chả chửi!

Hắn cười khì, rồi bật tivi. Bọn hắn cùng xem thời sự, cũng đàm đạo rất nhiều chuyện mà thường chỉ dẫn đến những câu chửi tục của thằng bé, và mấy cái tét chan chát của hắn. Nhưng lúc nghe đến mục những rừng thông trên Đà Lạt bị chặt phá, hắn thấy thằng bé nghe nghiêm túc đến bỏ quên luôn cả những câu châm biếm của hắn.

- Đà Lạt đẹp nhỉ. Nó nói.
- Cứ cái đà này, thì còn đẹp vào mắt.
- Ừa. Năm trước tôi vào nó còn xanh tươi lắm. Bọn tôi đi cùng nhau loanh quanh Đà Lạt. Sương sớm. Tôi thích mê đi được.
- Chú mày mà cũng có lúc lãng mạn thế à?
- Tôi lãng mạn lắm chứ. Tôi yêu đương sến chuối lắm. Nhưng tuy tôi có nói lời đẹp đến thế nào cũng chẳng ai buồn ở lại với tôi. Dẫu tôi có yêu thương họ đến thế nào, cũng chẳng ai muốn giây dưa với tôi. Tôi mới thấy tôi vô ích làm sao. Giá mà năm ấy không phải mẹ tôi mà là tôi chết thì cuộc đời chẳng phải tốt hơn sao.
- Chú mày thôi xem nào. Đang nói đến yêu đương tình tứ như thế mà đổi đề tài nhanh thật đấy. Phải rồi. Tao nghe nói hồi đầu chú mày có một thằng bạn thân lắm mà. Sao nó đi đâu rồi?

Nó không trả lời, mà gục đầu khóc. Ban đầu chỉ có những xúc động bất chợt trên gương mặt, rồi nó thẫn thờ ra, và khóc. Nó cứ cúi đầu mà khóc, khóc đến nghẹn lại.

Hắn chưa từng thấy nó khóc khổ đau đến thế. Cho dù hắn vẫn hay làm nó khóc ầm lên vì đau. Nhưng đấy là cái kiểu khóc vòi vĩnh, khóc đòi thương hại. Còn lúc này, nó thực sự đang khóc cho mình nó, và chỉ muốn mình nó biết. Nó không trả lời hắn thêm một câu nào nữa. Nó đã khóc như thế đến hết đêm.

Còn hắn, hắn cũng không ngủ được. Những tiếng khóc rên trong đêm làm hắn trằn trọc trên ghế, bên những quyển sách đã hết ý nghĩa từ khi hắn tốt nghiệp, bên cái điện thoại vang lên những tiếng nhạc chuông vui vẻ nhất mà hắn có thể moi ra. Hắn ngậm lòng mà suy nghĩ. Hình như, cuộc đời, muốn hắn đến với nó, không phải chỉ để cãi nhau.

DN.5

Hắn xốc thằng bé lên vai và đưa nó ra ngoài taxi. Trời mới tẩm ngẩm sáng. Hắn cảm thấy đêm qua đã là đủ rối ren với hắn. Hắn có nhiều chuyện đã hiểu, có nhiều chuyện chưa, có chuyện không muốn hiểu, có chuyện muốn hiểu chết đi được mà không dám ngỏ lời ra hỏi. Nó khóc cũng đã chán, chỉ nhắm lơ mơ đôi mắt vẫn còn ri rỉ nước mắt và thờ nhè nhẹ. Đường phố sáng sớm, đã đầy xe cộ và những cái đầu đội mũ bảo hiểm. Hắn nhìn loanh quanh một lúc và gọi giật lên:

- Này nhóc!
- Cái gì?
- Nhìn cái mũ bảo hiểm kia xem.
- Trông giống một cái vòi nước.

Hắn bật cười. Thằng bé cũng cười. Một mẫu mũ quái lạ, hoặc là đúng lúc này thì nó quái lạ. Nhưng dù sao thì sự quái lạ đúng thời điểm của nó cũng có một tác dụng nhất định. Bầu trời có sao và có trăng, hắn thấy. Trăng và sao sáng một cách mờ nhạt trước ánh sáng mặt trời. Nhưng dẫu thế đêm nay nó sẽ lại sáng. Còn có những vì sao, một khi đã tàn, đã hắt hiu ánh sáng, thì vĩnh viễn không thể sáng lại được nữa. Hắn cũng thấy những cành bằng lăng, những bông hoa phượng. Mùa hè Hà Nội, hay mùa hè của những thành phố miền Bắc, thế cả thôi. Thái Nguyên của hắn cũng đầy phượng và bằng lăng. Nhưng có một thứ gì đó không được giống nhau, một chút ngữ vị, hay mùi hương, hay cái thứ quái quỉ gì có thể gói gọn lại cả trong một chữ "quê". Rõ ràng có những thứ tưởng giống nhau, mà từ gốc rễ nó đã khác nhau rồi. Như cái gì nhỉ? Khỉ và người? Hắn bật cười trước suy nghĩ ấy.

- Chú mày không thấy buồn cười sao?

Hắn ngoảnh sang, bất chợt nhận ra gương mặt bơ phờ của nó. Cái đầu nghiêng nghẹo theo những nhịp lắc lư của chiếc xe, da tái mét đi và nó thở một cách nặng nhọc.

- Ê! Êu! Cố lên chú mày!

Nó gục vào người hắn, thở mê man.

- Tôi không đi được ô tô.

Hắn thở phào, lồng ngực đang căng lên của hắn xẹp xuống. Hắn gãi đầu, để gọn đầu thằng bé lên vai mình, và thì thào nho nhỏ:

- Đừng-có-mà-nôn-vào-anh.

Cái xe xóc lên một cái khi đi qua chỗ ổ gà, và cái mặt đang cố chắt lại những vệt máu cuối cùng ấy rốt đã ọc vào người hắn một đống những thứ mà hắn ép nó ăn vào tối qua.

- Hình thức phản đối hay đấy.
- Xin lỗi. Những lúc thế này, tôi không tự chủ nổi mình.
- Ôi cái áo của tôi. Làm sao mà tôi thay được ở bệnh viện đây?
- Anh còn áo blouse cơ mà.
- Không ai cởi trần mặc áo blouse cả đâu.
- Có ông anh.

Thằng bé cười, đã tươi tỉnh lại, như bất cứ một nạn nhân nào của chứng cách 3 m trở lên với cái xe ô tô cảm thấy sau khi đã để mọi bức bối nằm trong cái bụng được ọc ra ngoài. Còn hắn, tiếp tục gãi đầu, với một thứ gì đó đang thấm từ áo và quần hắn vào trong người.

- Đến rồi đây.

Hắn thấy thằng bé nhìn mình với đôi mắt xa lạ, hoặc gần như là không còn biết hắn là ai nữa.

- Hậu say xe à? Hắn hỏi.
- Đừng động vào tôi.
- Làm sao? Ra khỏi xe nào.

Một tiếng "cộp" vang lên ngay khi hắn kịp hiểu ra chuyện gì xảy ra. Thằng bé nằm sóng soài ra ghế, đôi mắt nó trợn lên nhìn hắn, trước khi trán nó nhíu sâu lại và nó quằn quại trong chiếc xe chật chội, với hai cái chân bó bột của mình. Hắn thét lên như một kẻ vô công rồi nghề khi nhìn thấy tai nạn xảy ra ngay trước mắt mình, gào ầm lên với các y tá đang rối rít cho thằng bé vào trong bệnh viện.

Loading disqus...