Đêm. Mưa Trang 4

An đã viết một đoạn vô nghĩa gì đó vào wordpad trên máy tính, tất nhiên là cái máy tính ngoài hàng net, và quên phứt nó đi. Chỉ một nút restart, tất cả bị xóa sạch, rơi vào một nơi mà hư vô còn là quá nhiều. Nhưng đột nhiên, khi đang đi trên đường về nhà, nó suy nghĩ. Nó đã viết gì nhỉ. Một câu cảm thán, một chút kí ức, hay một lời bộc bạch nào đó. Người xưa viết ra giấy rồi vò đi, đốt đi, chí ít cũng còn lại trên thế giới một chút tro tàn. Còn một phím restart, hay một phím delete, một cái close, đưa mọi thứ trở lại vị trí ban đầu, một cách sạch bách.

Nó đã viết ra một cái gì đó, một thứ diễn tả những điều nó đang nghĩ, đang mường tượng, đang suy tư. Một thứ mông lung, giả định, vô lý, vô cùng. Một thứ mà thôi tốt nhất là đừng nhớ lại, tốt nhất là hãy tiêu diệt sự tồn tại của nó đi. An cũng sẽ quên hai đêm trong căn phòng nhỏ hẹp, một bữa ăn sáng nóng hổi trong một buổi sáng mùa đông nhiều nắng. Nó bị ốm nặng trong suốt một tuần, vì lý do gì chẳng rõ. Chỉ biết vì thế mà dượng nó nói, cấm đi khỏi nhà sau mười một giờ đêm. Đi đâu thì đi, ở đâu thì ở. Mười một giờ đêm trở đi, phải ở nhà. Lệnh cấm ấy xuất phát từ một ý tốt rõ rệt hiếm thấy của ông, đêm mùa đông, một người như nó tốt nhất là không nên ở ngoài đường. Hoặc nó sẽ ốm lăn, sẽ dù sao cũng khiến vợ ông lo lắng, khiến ông mất thêm tiền của. Mà thế thì nó nên ở nhà. Nó có thể biến đi từ năm giờ sáng đến mười một giờ đêm, không ai băn khoăn. Nhưng đừng để ông phải đi tìm nó sau mười một giờ đêm. Ông sẽ đánh nó, dù có bất cứ lý do gì biện hộ. Hãy nhớ. Và hãy thực hiện.

Dượng nó đóng sầm cửa. Để nó ở lại phòng, úp mặt xuống gối, cười khẩy với lòng mình. Anh ta không bao giờ đến hàng net trước mười một giờ, vì anh làm kĩ thuật trong một khu công nghiệp, xe công ty đưa đi đón về. Về đến nhà, đã khá muộn, anh nấu ăn, sinh hoạt cá nhân, chỉ thư thả thời gian vào cuối tuần, và anh sẽ chỉ ra hàng net vào giờ ấy mà thôi.

Có gì bất hợp lý đâu. Tính ra nó vẫn có đến mười bảy, mười tám tiếng ở ngoài đường trong ngày. Dượng nó chỉ cần nó có sáu, bảy tiếng một đêm ngủ ở nhà. Hai mươi tuổi rồi, đã trưởng thành rồi, đừng nổi loạn. Hãy hiểu rằng nó chưa từng làm một điều gì để trả cho họ mười bảy năm nuôi nấng nó. Dù ông ta có đánh nó tàn ác đến thế nào, nó chưa từng phải vào bệnh viện vì những trận đòn của ông. Nhưng nó đã tự sống theo ý thích của nó. Và tất cả những lần ốm đau của nó đều từ thuốc lá, từ chơi game quá nhiều, và, ở ngoài đường quá nhiều.

Mà thôi, dài dòng làm gì. Chỉ là một người mà hai chữ tình cờ đã đưa đến cho cuộc đời nó. Và giờ hai chữ tất yếu sẽ đưa anh ta đi. Thế là đủ.

Dù sao, nó cũng đâu phải gay. Một ngày nào đó nó sẽ định nghĩa rõ ràng tình cảm của nó dành cho anh ta, khi nó đã tỉnh táo hơn khỏi những bực bội với sự cấm cản của dượng nó. Nó sẽ chỉ ra cặn kẽ thứ cảm xúc lẫn lộn, kì lạ đó là gì. Thứ đã khiến nó rơi nước mắt, khiến nó nở nụ cười, và đi lang thang trong đêm, và cười khẩy, và sẽ quên anh ta đi, hoàn toàn triệt để. Như một nút Delete, cho 4 chap truyện kể rườm rà tẻ nhạt này.

5.

An không ghét bất cứ dịp nào trong năm hơn dịp Tết. Ấy thế mà Tết cũng đã lại đến. Nó chẳng muốn nói gì hơn về tâm trạng của nó mỗi khi những ngày ấy đến, mà chắc ai cũng hiểu. Ừ vẫn biết vui như Tết. Nhưng Tết là bi kịch với những kẻ không gia đình.

Khi nó còn nhỏ, dì thường lì xì cho nó vào đêm giao thừa, nhiều hơn hẳn hai đứa con của dì, và bảo nó cứ cầm số tiền ấy đi mua quà vặt, đi chơi. Hai đứa con của dì có lần phát ghen với nó. Chúng nó cũng muốn đi chơi, cũng muốn đem tiền đi mua bim bim, nước ngọt, đi chơi xèng, chơi PS2. Nó cũng vui vẻ với những dịp ấy, thấy mình như được đặc cách sau cả một năm đằng đẵng. Chỉ khi lớn hơn một chút, nó mới hiểu. Và từ ấy, nó chỉ thấy Tết chán chường.

Chán chường chứ. Vì hóa ra món lì xì của dì chỉ để nó không tị nạnh khi cả nhà đi thăm họ hàng, họ nội, họ ngoại, để nó không phải ở nhà một mình khi họ đi chúc Tết, đi ăn hóa vàng nhà nọ, nhà kia. Để nó vì những vui thú trẻ con mà quên đi rằng, nó đâu có gia đình. Không bố, không mẹ, không biết nhà nội của mình là ai, không được nhà ngoại của mình đoái hoài. Nó chỉ nhớ duy nhất một lần nó về nhà ngoại, là khi bà ngoại nó mất. Những đấng bậc làm chú, làm bác của nó chửi rủa nó, đám trẻ con xa lánh nó. Quê ngoại nó ở cách đây hơn một trăm cây số, một nơi không chào đón nó, và nó cũng không muốn đặt chân về.

Dượng nó mua quất, mua đào. Năm nay ông làm ăn không phát mấy, nên ông không sắm lan, sắm mai như mọi khi. Phòng khách vẫn có thêm một bình thủy tiên, tuy không nhiều hoa bằng năm ngoái. Dì nó mua sắm bánh kẹo, thực phẩm, cho nó một cái áo khoác mới. Đêm giao thừa cậu con trai xông đất, cô con gái xúng xính theo sau. Hai đứa vừa đi xem pháo hoa về, mua mía lộc, bóng bay dù chẳng biết để làm gì.

Cả nhà theo lệ ngồi chúc Tết nhau. Dì lì xì cho ba đứa, chúc cậu con trai nếu có yêu đương thì giới thiệu bạn gái về nhà, chúc cô con gái học tốt, chuẩn bị thi đại học và đến nó, chúc mạnh khỏe, biết chăm lo cho bản thân. Dượng nó thái độ rõ ràng hơn, bỏ qua hẳn nó. Rồi ông rót rượu vang, cả nhà nâng ly.

Nó uống liền năm ly, chỉ vì nó ngồi gần chai rượu, và không thích phải nghe những lời thăm hỏi gia đình, những dự định chúc tết họ hàng. Rượu nhẹ nhưng cũng đủ làm nó thấy hơi lâng lâng, thấy mặt mình đã nóng lên.

- Thôi cháu lên nhà ngủ - Nó nói.

- Con cũng đi lên - Thủy, cô con gái, đứng dậy cùng nó - Chúc bố mẹ ngủ ngon.

- Cảm ơn con - Dì nó nói - Chúc con ngủ ngon.

Nó nghe rõ tiếng bước chân lên cầu thang của Thủy ngay sau lưng mình. Mười bảy năm, Thủy, cũng như thằng Vũ, thằng anh trai, chưa từng gọi nó như anh em. Lúc nào cũng chỉ An - tao, mày - tao, tử tế lắm thì anh - tôi. Khi còn nhỏ thì chia phe, giành đồ chơi, hít le, tẩy chay. Lớn lên thì mày - thằng ở nhờ, mày - đồ con hoang, mày - thằng mặt dày vô liêm sỉ, rặt giọng điệu của bố chúng. Thằng Vũ thì ít lời qua tiếng lại với nó hơn, tính có chút gì đó của dì, hơi trầm tĩnh. Còn con bé Thủy thì hết nhẽ. Trong khi Vũ chẳng mấy khi nhìn bố nó đánh An quá năm giây, thì cái Thủy luôn nhìn chăm chú, nhìn đầy thích chí. Nó còn tỏ rõ sự đắc ý mỗi khi bố nó thể hiện thái độ phân biệt giữa An và hai đứa con ruột.

Con bé nhắn tin điện thoại, và trước khi vào phòng mình, ở tầng hai, nó cười cợt với An:

- Nhớ lên thắp hương cho con đĩ mẹ mày nhé.

Chẳng phải lần đầu con bé nói thế. Nó vẫn hay bắt chước những gì bố nó nói. Mà việc bố nó nói mẹ An là con đĩ đã trở nên hết sức bình thường.

Nhưng An, không hiểu vì máu nóng từ rượu, hay từ một tâm lý sẵn ức chế nào đó, đang bước chân lên cầu thang tầng ba thì quay trở lại. Nó kéo con bé Thủy vừa mới đặt chân vào phòng ra ngoài hành lang và tát mạnh nó một cái. Cái tát mạnh đến mức con bé đập người vào bức tường bên cạnh và ngã phịch xuống.

- Thằng chó! - Con bé ứa nước mắt, chửi lớn.

An tát nó thêm một cái. Và còn đá vào bụng nó một cái nữa. Đến mức con bé òa khóc lên. Những tiếng bước chân rầm rập cầu thang. An lườm con bé rồi bỏ lên trên phòng.

- An! Mở cửa ra!

Dượng nó vặn tay đấm đã khóa, đập cửa.

- An! Ra đây! - Ông ta quát tướng lên - Mở cửa cho tao! Ngay!

Nó không trả lời. Nó ngồi bệt dưới đất, dựa vào thành giường, mở bật lửa, châm một điếu thuốc.

- AN! - Ông ta đã quát to đến mức có lẽ nhà hàng xóm cũng nghe rõ tiếng - Đừng để tao nổi nóng! Vũ! Cái chìa khóa phụ phòng này đâu!

- Mẹ cầm rồi.

- Bình! Cô đem cho tôi!

- Anh! Vừa mới giao thừa, nhịn đi, đừng đánh nó.

- Cô không phải nói nhiều! Cô đem cho tôi. Ngay!

An hơi giật mình khi khóa phòng nó bật cái tách và cái bóng to lớn của người đàn ông đổ ập lên người nó. Nhưng với những cái tát rát mặt, cú đấm đau điếng người. Mấy lần, đầu nó đập vào thành giường, cánh tay nó đưa lên che mặt như một phản xạ bị dẫm đè xuống, và ông ta cứ thế đạp, đá vào người, vào mặt nó.

- Chết mày đi con! - Giọng con bé Thủy leo léo ở ngoài - Bố tao đánh chết mày! Cái thằng chó ăn bám!

Nó còn nghe thấy tiếng chặc lưỡi của thằng Vũ và tiếng dì nó kéo con bé Thủy đi xuống tầng dưới.

- Đồ chó đẻ! Thằng bố mày là chó! Con mẹ mày là chó! Giờ mày cũng là chó, biết chưa! Mấy mươi năm nay không có tao mày đã chết lăn chết lóc xó đường rồi! Sao con mẹ mày không ôm mày mà cùng lao vào đường tàu cho bọn chó đẻ chúng mày biến khỏi cái đời này!

An nhẽ ra không khóc. Nó có thể chịu những cái đạp, cái đá suốt một lúc lâu nữa mà vẫn có thể chai lì im lặng, không kêu đau, không nhỏ nước mắt. Nhưng câu nói ấy khiến nó đau lòng một cách tự nhiên. Phải. Tại sao mẹ không ôm nó chết theo bà? Tại sao bà để mình chết, mà lại bắt nó sống một mình giữa cõi thế này. Nó bật khóc. Không co quắp lấy mình để tự vệ trước dượng nó mà buông thõng người, khóc đến nấc lên.

- Mày còn khóc! Khóc như con mẹ mày bò lê dưới chân tao! Xin tao tiền à! Xin tao ân huệ à! Con đàn bà đã trâng tráo bắt tao kí đơn ly hôn. Mà còn xin lại làm vợ tao! Dù chỉ là một con vợ lẽ! Cái thứ vô sỉ đĩ thõa ấy! Là con mẹ mày! Là cái mặt của mày! Đ.t mẹ! Đẻ cái chó gì mà cả tiếng khóc cũng giống!

Loading disqus...