Đêm. Mưa Trang 15

- Ai cũng nói mẹ em là một con đĩ - Nó sùi sụt - Chưa một ai nói rằng bà là người tốt.
- Nhưng mẹ em rất yêu thương em. Anh có thể nói chắc chắn với em như thế. Bọn anh đều là trẻ mồ côi. Nhưng bọn anh biết rằng mẹ mình yêu thương mình. Vì nếu không bà đã để anh chết khi còn là trứng nước, hoặc gói vào một túi nilon cho chuột bọ, cho chó ăn. Bọn anh luôn tự an ủi mình rằng mẹ chỉ là một người yếu đuối trước cuộc sống, không thể tự mình lo cho con cái, và vì thế mới phải dằn lòng để con lại trong một bệnh viện, trước cổng một cô nhi viện hay một ngôi chùa. Phải không em? Sống đã là một ân huệ. Phải không em?

An đã im lặng rất lâu. Khi nó đã lên xe, lại dựa đầu vào vai Kiên đi qua những con đường, nó nói với anh, rất khẽ:

- Nếu đời này kiếp này anh không lấy vợ, thì anh có thể cho em sống cùng như thế này không?
- Cả nếu anh có vợ, anh vẫn có thể sống cùng em như thế này.

Nó vừa vui, vừa buồn. Nó không cười, cũng không khóc. Gương mặt nó lạnh lùng, vô cảm.

- Nếu như, em làm vợ anh, anh có đồng ý không?

Kiên sững người nhìn nó.

- Em yêu anh - Nó vẫn nói bằng thứ giọng vô thanh sắc - Nếu không phải vì tình yêu này, chắc em đã không còn sống đến lúc này.

Lắng một chút, nó nói tiếp.

- Em biết anh chỉ coi em như một người em trai. Hoặc tệ hơn, là thương hại cho một người bất hạnh. Nhưng tình cảm của em với anh thì không phải thế. Tận cùng, em biết, em yêu anh.

Nó lại ngừng lại ít lâu trước khi vẫn nói đều đều như không có xúc cảm.

- Em hiểu anh sẽ thấy ghê tởm em thế nào. Vì em không phải con gái. Nhưng trái tim con người ai chẳng có. Và anh là người đầu tiên, người duy nhất, khiến em xúc động như thế.

Xúc động đến yêu thương.

17.

"Tình người đa đoan."

Kiên chọn cách im lặng. Anh có vẻ xem như cuộc nói chuyện ấy không tồn tại. Anh đưa nó về nhà trọ, lại đi chợ như mọi khi, bình luận về chuyện thời sự, hỏi han nó về sức khỏe, vật dụng gia đình. Nó biết nó đã đẩy anh vào tình huống khó xử. Nhưng nó không hối hận. Trước sau gì khối lòng của nó cũng phải tường tỏ. Để dẫu nó có chết, nó cũng được một lần, thanh thản với chính mình.

Một ngày chủ nhật tháng mười hai, trời có nắng, hanh hao. Anh sửa bình nóng lạnh cho phòng kế bên, có hai cô sinh viên ở trọ. Nó giặt giũ. Bích và một người phụ nữ lớn tuổi tới phòng. Bà có lẽ đã hơn sáu mươi tuổi, quàng một cái khăn nhung, tóc hoa râm búi gọn.

- Mẹ Hải! - Anh vội trở về phòng khi nghe thấy tiếng Bích gọi - Sao hôm nay mẹ lại tới chỗ con thế này?

Kiên xắn áo vào nhà tắm rửa tay rồi pha nước, ngồi trò chuyện cùng bà. Anh cũng bảo nó bỏ lại chậu quần áo, ra cùng anh.

- Hôm nay mẹ sang nhà Bích chơi - Bà nói, nhìn quanh căn phòng - Bích lại rủ mẹ sang đây. Đúng là không ai bằng được thằng Kiên của mẹ, ở đâu cũng gọn gàng. À - bà nhìn nó - con là bạn cùng chỗ làm với Kiên à?
- Không đâu mẹ - Bích cướp lời Kiên khi thấy anh ngần ngừ - Anh Kiên nuôi cậu ấy như em trai.

Bà lắc đầu, chép miệng.

- Thế con tên là gì?
- Cháu tên An - Nó nói.
- Con ăn uống thêm vào. Trông con xanh và gầy quá. Con trai không được thế đâu con ạ. Mình phải khỏe mạnh mới đương đầu với đời được. Mình có khỏe khoắn, mình làm gì cũng mới được con ạ.

Giọng bà không dịu dàng, cách nói còn như của một người phụ nữ quen nhiều lời dạy bảo trẻ con. Nhưng An đã nghe bà nói mà cúi đầu lặng lẽ, và chỉ một lúc, ngoảnh mặt cố che nước mắt.

- Mẹ ạ - Kiên nắm chặt lấy tay nó - Em ấy mất mẹ từ thấm bé ...
- Khổ - Bà đứng dậy, rời khỏi giường và xuống ngồi dưới chiếu, quàng tay ôm nó, thở dài - Đứa nào cũng khổ. Đứa nào mẹ cũng thương ... Đã lớn ngần này tuổi rồi. Phải mạnh mẽ lên con ạ. Không ai thương thì con cứ đến với mẹ. Chứ đừng có đầu hàng cuộc đời, con ạ ...

Căn phòng hướng nắng, chút ấm áp của một ngày đông đã phủ màu vàng rượp lên tóc nó, dù những cơn gió se se vẫn thoảng qua làm tờ lịch tường phất phơ nhè nhẹ.

- Ô hay cái thằng này - Mẹ Hải cốc đầu nó khi nó xin phép đứng dậy đi giặt nốt chậu quần áo, trong lúc Kiên xuống dưới tiễn Bích về nhà cho kịp giờ cơm trưa với nhà chồng - Sẹo đau thế, còn vào nước lạnh, nó giật lên nhức sao mà chịu được. Để mẹ giặt cho.
- Không mẹ ơi - Nó vội kéo bà - Không sao đâu. Thỉnh thoảng con mới giặt đồ. Bình thường anh Kiên làm hết con đứng nhìn cũng không đành.
- Anh em ở với nhau không phải so đo thế - Bà nghiêm giọng - Thằng nào khỏe thì thằng ấy làm việc nặng. Mẹ không thiên vị thằng nào nhưng mẹ cũng không bắt phải công bằng quá. Mình sống với nhau, thương nhau, chứ tị nhau tí việc vặt thì còn giúp nhau những việc lớn thế nào được.

Nhưng bà vẫn giặt nốt chậu quần áo cho chúng. Bà còn quát Kiên sa sả:

- Chúng mày ăn mặc thế này mà được à? Cái quần này mẹ thấy mấy năm nay rồi. Mua cái khác. Không thì bảo mẹ tiện chợ mẹ mua cho.
- Không cần đâu mẹ ơi - Anh cười trừ - Nó đã rách đâu.
- Thời nào rồi! Đi làm có tiền hẳn hoi rồi còn ăn mặc thế con gái nó nhìn nó cười đấy con ạ. Mà lâu rồi con vẫn nói chuyện với Quyên đấy chứ?
- Vâng. Cũng thỉnh thoảng. Tháng trước cô ấy bảo sắp có con đầu lòng. Cô ấy bảo siêu âm con trai đấy mẹ ạ.

Bà lắc đầu, chép miệng.

- Thế con có tính lấy vợ không? 30 tuổi rồi. Ít ỏi gì.
- Con vẫn muốn có cái nhà trước đã. Mà tiền thì cứ trượt giá mãi - Anh gãi đầu bối rối - Con cứ nghĩ đi làm gom được vài trăm triệu là đủ, ai dè, giờ không có tiền tỉ không mua được.
- Con ạ. Con là đứa khá nhất của mẹ. Thế mà giờ ai cũng thấy lo cho con. Đến giờ công việc cũng ổn rồi, tuổi tác cũng cứng rồi, con liệu kiếm một người vợ đã. Rồi hai vợ chồng làm ăn mua nhà mua cửa sau cũng được. Miễn là lấy được người hợp tâm đầu, sống hạnh phúc cho các mẹ được yên tâm. Rồi sớm có cháu. Cái quan trọng nhất đời người là thấy được tương lai của mình trong các thế hệ sau.

Bà thở dài não nượt.

- Chứ con cứ lủi thủi thế này mãi, có làm ra tiền, có mua được nhà thì ích gì, hả con? Cái Quyên nó vin vào cớ ấy để bỏ con. Chứ nó gia đình cũng có điều kiện, nếu nó yêu con, gia đình nó vun vén cho một chút thì có được một cái nhà có khó đâu. Thôi, con cứ xem yêu được ai thì yêu, không thì để mẹ nhờ người ta mai mối cho.

Bất giác nó nhận ra anh đang nhìn nó. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt của nó, anh liền ngoảnh đi.

- Vâng. Mẹ ạ - Anh đáp.
- Còn thằng An. Bình thường có ăn uống được không? Không để mẹ đem cho ít thuốc bổ. Cứ nhìn đứa nào gầy ốm là mẹ xót ruột. Có phải năm 45 đâu mà cứ kham khổ thế.

Mãi đến chiều Kiên mới đưa mẹ Hải về. Nó đi theo tiễn mẹ ra đến ngõ, cố cười thật tươi để mẹ yên tâm ra về. Bà đúng là một người luôn phải nuôi trẻ con, luôn nuôi nấng trẻ con, nó thấy bà nói với chúng nó cũng như nói với những đứa trẻ. Bà nói nhiều, nói dài dòng, nhưng chan chứa tình cảm. Như sợ mình chỉ cần bớt một vài từ, đứa trẻ nghe bà sẽ không hiểu hết ý của bà, sẽ thấy tủi thân. Nó nghĩ bà giống như mọi người mẹ khác, mà cũng khác mọi người mẹ khác. Chưa bao giờ nó hiểu được tấm lòng của một người phụ nữ có thể bao dung đến thế, tình cảm đến thế, vô vụ lợi đến thế, không thứ gì trên đời có thể so sánh được.

Nhưng khi bà đi khỏi, khi đầu óc nó không phải loay hoay với những lời quan tâm của bà, những gì bà nói với Kiên khiến nó thẫn thờ. Nó nhìn lên tờ lịch vẫn bay bay trong gió lạnh. Một năm sắp qua. Kiên sắp ba mươi mốt tuổi.

Nhà trọ có hai gia đình, một gia đình ở tầng một, một gia đình ở tầng hai. Họ đều đang có con nhỏ. Hàng ngày nó vẫn nhìn những người mẹ bế bồng, cưng nựng, dỗ ăn từng thìa bột, thìa cháo, nhìn những ông bố để con trên vai, rong con đi chơi, hay bi bô đồ chơi với con. Nó vẫn theo thói quen, nhìn vào những đứa trẻ ấy để nghĩ đến mình. Chưa bao giờ nó thử, nhìn vào những người cha, người mẹ đang tươi cười mãn nguyện ấy và nghĩ cho Kiên.

Một người như anh sẽ là một người cha tốt, và con của anh sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc. Nó đứng ngay cạnh cửa sổ, nhìn ra bên ngoài. Trời lộng nắng, lộng gió. Tương lai một con người, ý nghĩa cuộc sống của một con người, hình như đúng như mẹ Hải nói, nằm trong đứa con của mình. Nó cũng hiểu vì sao anh lại im lặng khi nghe tâm tư của nó. Nếu nó là một cô gái, câu chuyện này đã khác.

Nó nhớ đến những gì Thành nói, mẹ Hải nói. Nếu nó là một đứa con gái, tình yêu này đã khác. Mối tình này đã khác. Đâu có đường cùng đạo tuyệt. Đâu có ngang trời ngược đất. Nó ngẩng đầu, cười khẩy. Cười khẩy với cả chút ánh nắng đang mân mê làm ấm mái tóc của mình.

---

Bích đến nhà nó vào buổi trưa thứ ba. Giờ đó không bao giờ Kiên ở nhà. Vì thế nó biết chị chủ đích muốn gặp nó.

- Em có theo đạo không? - Chị nói.
- Em không.
- Ừm. Sắp đến Giáng Sinh rồi.

Nó rót cho chị cốc nước, biết chị đang tìm một cách vào đề khác thay vì sự liên tưởng vụng về ấy.

- Anh Kiên đã nói với em sắp tới anh ấy đi xem mắt chưa?
- Dạ chưa - Nó điềm đạm.
- Hai mươi ba này anh ấy đi xem mắt. Chị muốn bảo anh Kiên mua luôn một món quà giáng sinh cho cô ấy. Dù sao nó cũng thành một dịp chung rồi, chứ không phải dịp riêng của người Công giáo nữa.

Loading disqus...