Những tay sành điệu

Những tay sành điệu

Tác giả: viyeu

nguồn : taoxanh.net

***************___________***************

Khi bóng của Saigon Trade Center bắt đầu nằm thưỡn lên cái bãi gửi xe là lúc gã phải có mặt ở đó - để gửi xe, tất nhiên! Nếu cái bóng kệch cỡm kia đang choán hết dãy xe thứ nhất, coi như mặt trời bảo gã rằng đã bốn giờ mười lăm, và nếu nó bắt đầu co ro lại đến hàng xe thứ hai là bốn giờ năm mươi chiều. Mọi thứ liên quan đến công việc đều được sắp sẵn trong đầu gã. Gã sẽ có mặt ở bar Spirits vào lúc bốn giờ năm lăm. “Đây là lần thứ chín trăm hai mươi tám mình đến cái quán bar chết tiệt này”, gã thoáng nghĩ khi đi qua cái cổng và bước lên bậc thứ ba của tam cấp, gã sẽ quẳng chìa khoá xe vào một trong hai chậu Sakê trấn ở hai bên cửa, và nếu khi gã ngẩng đầu lên mà không có hai gã vai u thịt bắp bọc trong áo sơ mi trắng, thắt nơ con bướm mở cửa đồng thời gập người chào thì sẽ rất to chuyện. Nhưng gã không vào ngay, gã quay người -lần thứ chín trăm hai mươi tám, để nhìn lại cái cổng còm cõi mà gã vừa bước qua, vì đối với gã, bên kia cánh cửa là một thế giới khác. Chính cái thế giới này, bất chấp cái cổng mặt tiền teo tóp kia, là thế giới khác biệt của Spirits. Cũng như tòa nhà STC cao ngất gần đó, Spirits tuy sinh sau đẻ muộn nhưng là anh cả của các quầy bar Sài gòn và nghiễm nhiên, gã là tay chơi của mọi tay chơi. Ngày nắng, ngày mưa, ngày lễ, ngày tết…, gã đến đây là để đánh thức nó! Gã chỉ ngủ khi Spirits đã ngủ, và gã không bao giờ ngủ trước ba giờ sáng hôm sau. Đơn giản, gã – Dương Minh là quản lý. Quán bar không thuộc về gã nhưng là niềm tự hào của gã. “Chết tiệt” đôi khi là một từ âu yếm!

Như thường lệ, gã đi thẳng đến quầy bar lấy một ly “Gin and tonic”. Sau quầy, một anh chàng với nụ cười thiên thần và cặp mắt quyễn rũ, huyền bí hoà hợp với chiếc mũi thẳng đang chờ sẵn. “Cậu chàng chui ở đâu ra mà có hàm răng và nụ cười thế kia không biết! Đúng là một sư kệt hợp hoàn hảo trên khuôn mặt và mái toc’ gọn ghẽ ấy!”. Gã nghĩ.

- Martini nhé?

- Câu trả lời vẫn là không. Tôi chỉ nếm một lần khi tôi tuyển cậu và sẽ không nếm nó lần thứ hai. Một tay sành điệu phải kiên định, Phan Vũ Văn, cậu phải luôn ghi nhớ lấy điều đó!

- Rồi có lúc anh sẽ đổi ý. Nếu bao giờ anh uống ở đâu một ly Martini pha ngon hơn cái em đã pha cho anh, nhớ bảo em nhé - Gin and tonic, ly thứ chín trăm hai mươi, thưa ông! – Cậu cao giọng kiểu cách. Cậu ta làm ở đây kể từ khi khai trương và chỉ nghỉ tổng cộng tám ngày cho ba cái tết.

- Everything ready?(1)

- Yes, sir(2) –Cậu trả lời rõ to, hăng hái và vẫn nhoẻn miệng cười.

Gã thích vậy. Chút phấn khích đó ở cậu ta luôn làm gã hài lòng, nhưng mặt gã vẫn cứng đơ, không hé lấy một tí nhếch mép, chỉ đôi mắt là sinh động luôn soi rọi mọi thứ.

Gã nhón lấy cái ly và bắt đầu tuần tiểu một vòng quanh quán, gã đi hững hờ và lơ đễnh hệt như chẳng để ý đến cái gì, trầm tư mặc tưởng, thỉnh thoảng lại nhấm nha nhấm nháp vị mát mẻ thanh thanh của Gin trộn lẫn với tonic và nước đá. Nhưng không có gì lọt khỏi mắt gã: một cái tàn thuốc rơi vãi từ ngày hôm qua, một bông hoa không tươi, một vết ố trên khăn trải bàn, một nhân viên trang phục hoặc tóc tai xốc xếch, bộ phận nào đó chưa sẵn sàng trước giờ đón khách…., trầm tĩnh nhưng quyết liệt, gã cảnh cáo người phụ trách bộ phận ngay lập tức, và kẻ sai sót sẽ không có cơ hội nghe gã phàn nàn đến lần thứ ba. Spirits chỉ phục vụ cho dân có tiền, nhưng không phải là dân quậy phá. Nó là sự lựa chọn hàng đầu của những kẻ sành uống đích thực-thường là dân Tây và dân châu Á giàu có. Đôi khi là những anh Việt Nam mới phất học đòi sành điệu. Tây ba lô hoặc những anh chàng choai choai lấc cấc láo cáo rất ít vào đây. Tất nhiên, quán chẳng từ chối một ai, nhưng chất lượng đồ uống, giá cả, cung cách phục vụ và nội thất tự nó thanh lọc khách hàng.

Spirits là số một bởi nó có một tay quản lý số một, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, khéo léo bậc nhất và chất lượng đồ uống thượng hạng. Ngoài ra, lão chủ quán, Jean Marcel, một người Bỉ nói tiếng Pháp và làm ăn lâu năm tại Mĩ trước khi phải lòng một cô gái Việt rồi cắm dùi ở cái quán này gần ba năm nay- theo ý gã quản lý đó cũng là một tay cự phách, nhất là ở chỗ đã nhìn ra tài năng của gã, để cho gã thoải mái tung hoành, nhào nặn cái quán bar. Lão chỉ quan tâm đến hai thứ doanh thu và chi phí. Đến lượt mình, gã dùng cái lưỡi tinh tế và con mắt lọc đời để tuyển đuợc một anh bartender(3) giỏi và các cô nàng phục vụ nhanh nhẹn nhất. Thậm chí gã còn thuê hẳn một chuyên gia chuyên huấn luyện các cô phục vụ những điệu bộ làm duyên làm dáng sao cho hấp dẫn mà không buông tuồng. Gã bắt những tay phục vụ nam phải học những cách thức để có thể biến các vị khách cau có thành người hùng hào phóng khi cần thiết.

Gã kết thúc cuộc tuần du tại cái bảng bằng gỗ, nói đúng hơn là một tấm gõ mật dày, xù xì một cách tự nhiên, choán gần hết bức tường chỗ tiếp giáp với khu văn phòng. Nó được các nhân viên gọi là bảng “phong thần”. Rìa được đẽo uốn lượn giống như một miếng ghép hình, phía trên khảm dòng chữ “Những tay sành điệu”, rìa phía dưới là “Sophisticated Guys”, đều là chữ cách điệu và lượn vòng cung trên dưới ngược nhau. Trên đó là hình ảnh của những người mà theo quan điểm của riêng gã là những tay chơi đáng nể, có những thú chơi hoặc cách chơi mà gã kính trọng. Mỗi ảnh được nhấn chìm vào trong thớ gỗ theo những hình khung khác nhau. Người ta thấy cả ảnh Ernest Hemingway đang câu cá với dòng chữ song ngữ Việt-Anh bên dưới được khắc luôn lên gỗ theo lối cố tình nguệch ngoạc: “Ông là tác giả của tác phẩm Ông Già Và Biển Cả và là tay câu siêu hạng—He is the author of Old Man And The Sea, and also an excellent fisherman”, rồi chân dung Vũ Trọng Phụng với “Ông được coi là vua phóng sự bắc kì, tác giả của Số đỏ, tiểu thuyết số một của Văn học Việt Nam—He has been seen as the king of reportage in the North of Vietnam, he is also the author of Lucky Destiny which is considered the best novel of Vietnamese literature”, rồi lác đác ảnh của vài người nước ngoài cưỡi ngựa hoặc đứng trên du thuyền với những dòng đại khái như “một người bạn Hà Lan của chúng tôi, đóng góp cho Spirits theo cách của riêng mình—a Dutch friend of ours who adds his own touch to Spirits”- hẳn là nói về một ông khách sộp sành rượu thường lui tới quán và góp ý kiến này nọ cho hắn- những ý kiến lọt tai hắn cũng không phải dễ. Ở góc này góc kia, lại thấy ảnh của các nghệ sĩ thuộc loại quái chiêu thổi kèn bằng mũi hoặc dùng mấy chai Coca-cola làm nhạc cụ. Gã biết đặt những ông khách sộp chung với những bậc danh nhân kia quả là khập khiễng, nhiều người hẳn cảm thấy lố bịch, nhưng gã có lý lẽ riêng của gã. Cứ theo như tác phẩm, hẳn hai nhà văn kia phải am tường những cái mà họ chuyển thành văn học lắm, rõ họ cũng là những tay sành sõi. Còn về vấn đề tầm vóc đối với xã hội, riêng gã, gã kính trọng những đóng góp cho xã hội và cho quán của gã như nhau, miễn là đóng góp theo cách mà gã cho là đáng kính. Mà có thế khách hàng có ảnh trên bảng mới cảm thấy được tôn vinh, có vị khi thấy ảnh mình trên bảng đã hứng khởi tới nỗi mời luôn cả quán lẫn khách mỗi người một ly. Còn các dòng chú thích sẽ khiến người xem thấy gã không có ý bôi bác các danh nhân. Dẫu sao gã cũng thực sự yêu mến tác phẩm của họ. Gã chỉ phân biệt tầm vóc bằng thứ tự từ trên xuống. Gã cho thế là hợp lý: danh nhân, nghệ sĩ đã được người đời thẩm định, gã cũng chỉ chọn dăm ba người liên quan ít nhiều đến các món ăn chơi. Các vị này sẽ chiếm những vị trí trên cùng. Còn khách hàng chẳng cần phân cao thấp, ai được gã chọn trước sẽ ngự ở trên. Vị khách người Việt duy nhất trên có ảnh là một già làng mặc xà rông ngồi chồm hổm cùng với các nhân viên của quán ngậm vòi quanh một hũ rượu cần lớn kèm theo lời chú “Một cách uống rượu độc đáo—This is a unique way to drink”. Chẳng phải vì gã sính ngoại gì, chỉ vì chưa có khách người Việt nào làm gã phục. Gã chọn khách để “phong thần” theo nhiều tiêu chuẩn khắt khe của riêng gã- cái gì dễ dãi cũng không quý, gã biết rõ hơn ai hết, nên cho đến giờ miếng gỗ vẫn còn khá nhiều chỗ. Ở giữa miếng gỗ có một lỗ khá to được bịt bằng miếng kính màu tối hình tròn có hoa văn mờ mờ hình quẻ âm dương kiểu như biểu tượng trên cờ Hàn Quốc, lồi lồi trông như núm của một cái chiêng. Không ai biết đấy là cái gì, chỉ đoán đấy là một lối trang trí lạ đời cho cái bảng “phong thần” lạ đời của gã.

Cái bảng được ốp ngay trên bức tường nằm ngay trước chỗ giao nhau giữa lối lên văn phòng và hành lang đi xuống khu vực vệ sinh. Gã cho bố trí đèn rọi sáng vừa đủ nhưng thật trang trọng. Mọi thứ đều đủ cao và đủ rõ để người xem dễ nhìn nhưng phải ngước lên. Đây cũng là một tính toán của gã, gần như ai đi qua cũng dừng lại xem ít phút. Hẳn chẳng ai đang uống rượu lại rời bàn chỉ để đi xem cái bảng khó hiểu ấy, nhưng tiện thể đi qua người ta sẽ xem.

Ngày nào cũng như ngày nào, gã đứng ngắm nghía cái bảng và mặt giãn ra, tất cả mọi thứ của Spirits đều nhằm phục vụ khách hàng, còn cái bảng là của gã, là món gã chơi cho riêng mình. Gã biết sẽ có khối kẻ cười vào mũi gã là dốt ưa khoe chữ. Gã cóc cần! Giả sử chẳng ai thèm ngó cái bảng thì gã vẫn cứ tiến hành “phong thần” để rồi nghiền ngẫm theo cách của gã. Mỗi khi nghĩ thế gã lại cảm thấy biết ơn Marcel, chủ của gã.

Cái bảng là trạm dừng bắt buộc trước khi gã tươi tỉnh đi vào phòng làm việc.

Dương Minh đi đến bên vách tường, kéo cái rèm vải sang một bên và khung cảnh chộn rộn của quán bar bên ngoài hiện ra qua cái lỗ tròn bằng kính. Đó là bí mật của quán. Nó cho phép gã quan sát gần như mọi hoạt động bên ngoài của quán bar mà không ai biết, loại kính này chỉ ở trong nhìn ra mới thấy, được Marcel đặt hàng đặc biệt. Marcel không thích camera.

Lần nào cũng vậy, gã quản lý bắt đầu quan sát từ anh chàng bartender. Nếu gã là bộ óc của quán thì anh chàng là trái tim. Rõ là một trái tim ngon lành và rất đáng yêu, nụ cười cậu ta không bao giờ tắt trên môi dù vào những lúc cao điểm. Quầy rượu được chiếu sáng rất đẹp, anh chàng đẹp trai đứng đấy hệt như hoàng tử trong hoàng cung của các loại rượu: rượu vua, rượu hoàng hậu, rượu kĩ nữ, rượu thê thiếp, rượu hiệp sĩ…cao thấp, to nhỏ, xanh, đỏ, tím vàng, thôi thì đủ hình hài tuyệt mĩ mà các hãng rượu danh tiếng sáng tạo ra. Bên cạnh cậu là hai nàng phụ việc xinh như mộng, ăn mặc không hở hang nhưng phô những nét quyến rũ nhất. Đây là chủ ý của gã quản lý, lẽ ra người bartender phụ phải là nam, nhưng sau một thời gian gã nhận thấy rằng với quầy bar lộng lẫy và anh chàng bartender đẹp trai thế kia phải được tôn vinh bằng hai cô gái duyên dáng nhất. Nó sẽ làm khách hàng liên tưởng đến hình ảnh tay đua F1 chiến thắng trên bục vinh quang lắc lắc chai sâm banh với hai người đẹp hôn chùn chụt hai bên má. Gã tin khách sẽ hứng thú và sang trọng hơn khi thấy rượu được đưa tới từ một quầy bar huy hoàng như thế. Hiệu quả rõ ràng, những ghế tại quầy luôn kín và gã phải yêu cầu chỉ bố trí ghế xoay tại quầy ở hai bên cánh để khách không che khuất cái quầy mà gã dày công bố trí. Bartender là nhân viên mà gã hài lòng nhất về cách ăn mặc vì hắn luôn bảnh choẹ trong bộ đồng phục áo trắng, quần đen thẳng tắp, khoác phía ngoài chiếc áo ghile và chiếc nơ trên cổ đồng màu, trông câu chàng càng cứng răn và nam tính hơn với ngoài hình vốn rất khoẻ mạnh, cân đối của Nó. Hai cô nàng phụ việc hình như cũng bị anh chàng này mê hoặc, họ trở thành bộ phận mà gã quản lý ưng ý nhất.

Loading disqus...